Văn Hóa Xã Hội

Châu Thành thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc việc làm cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm huyện Châu Thành đang đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Châu Thành chú trọng việc tạo điều kiện thuận lợi để lao động có việc làm tại địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế huyện nhà.

Phát thanh viên: Hồ Phát - Ánh Thư

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo trên địa bàn huyện Châu Thành đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2021 với mục tiêu tổng quát là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, việc làm cho người lao động, tăng cường nâng cao chất lượng công tác đào tào nghề cho lao động nông thôn, Châu Thành đề ra chỉ tiêu tổ chức đào tạo và sát hạch nghề cho 1.200 lao động nông thôn trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2021 của huyện đạt 51,3%. Đẩy mạnh công tác tác giới thiệu, giải quyết việc làm, dự kiến trong năm 2021 sẽ đưa ít nhất 60 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Responsive image
 

Để thực hiện được mục tiêu đó, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Châu Thành đã tham mưu UBND huyện triển khai Đề án “Phát triển giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2021”. Theo đó, ngay từ đầu năm, phòng phối hợp Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công ty truyền thông Quốc tế MIF tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về công tác lao động, việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cho 110 bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Đồng thời, phối hợp UBND các xã, thị trấn tổ chức tư vấn, tuyên truyền về công tác dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động được 05 cuộc với 251 lao động tham gia. Tư vấn và giới thiệu cho 04 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm huyện đã giới thiệu và giải quyết việc làm cho 2.571 lao động đạt 51,42 % so với kế hoạch, trong đó lao động mới là 1.230 lao động.

Bên cạnh đó, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, rà soát lại các danh mục nghề đào tạo, để có định hướng mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tế, gắn với việc thực hiện chuyển dịch tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương. Đặc biệt, ưu tiên đào tạo nghề cho các nhóm ngành phù hợp với định hướng phát triển của huyện như: kỹ năng sử dụng máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, chế biến nông sản, thiết bị công nghệ hiện đại, quản lý trang trại, hợp tác xã, kế toán trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - khai thác và chế biến, chế tạo, may mặc, dược liệu, dịch vụ du lịch, y học cổ truyền... Với mục tiêu đó, trong 6 tháng đầu năm, huyện đã tổ chức 12 lớp sát hạch tay nghề cho 360 lao động nông thôn làng nghề sản xuất lọp lươn tại UBND xã Cần Đăng. Sát hạch tay nghề xây dựng dân dụng cho 30 lao động nông thôn tại Hòa Bình Thạnh. Đồng thời, tổ chức khai giảng 07 lớp nghề tại xã Cần Đăng cho 210 lao động gồm: 02 lớp sơ cấp xây dựng dân dụng; 01 sơ cấp hàn điện; 01 sơ cấp điện dân dụng; 02 lớp sát hạch tay nghề xây dựng dân dụng; 01 lớp Kỹ thuật phục vụ nhà hàng, quán ăn nông thôn... Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện lên 43%.

Responsive image
 

Với những kết quả trong những tháng đầu năm 2021, thời gian tới, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành tiếp tục tăng cường công tác phối kết hợp với các ban, ngành huyện, các xã – thị trấn tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tư vấn về việc làm, các chính sách hỗ trợ đối với người lao động, đặc biệt là các thị trường lao động nước ngoài có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Chủ động khảo sát nhu cầu của người dân để định hướng nghề nghiệp và để làm cơ sở đào tạo gắn với giới thiệu việc làm. Chủ động có kế hoạch và tổ chức khảo sát lực lượng lao động được đào tạo nghề hoặc chưa qua đào tạo để phân loại, đánh giá nhu cầu và tiến hành mở lớp đào tạo.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, nhất là đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện các chương trình, đề án, dự án trọng điểm của địa phương như: Xây dựng huyện nông thôn mới; Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và phát triển mỗi xã một sản phẩm... Đặc biệt quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện. Tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các hộ kinh doanh, trang trại, hợp tác xã và các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển tại địa phương, Bên cạnh đó gắn kết đào tạo, giới thiệu việc làm với yêu cầu của thị trường lao động chất lượng cao tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế đô thị lớn trong và ngoài tỉnh... Từ đó góp phần thực hiện tốt công đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương trên địa bàn toàn huyện.

Trần Ngân