Chủ tịch Tôn Đức thắng sinh ngày 20/8/1888 trong gia đình nông dân ở cù lao ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sinh ra và lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, đồng bào phải sống trong nô lệ lầm than. Với lòng yêu nước thương dân, người thanh niên Tôn Đức Thắng đã sớm tham gia phong trào đấu tranh yêu nước và trở thành một trong những chiến sĩ lớp đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.Năm 1916, Bác Tôn được tuyển mộ làm lính thợ cho một đơn vị Hải quân Pháp, tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của đế quốc Pháp vào nước Nga Xô Viết tại Hắc Hải (20/4/1919), treo cờ đỏ trên một thiết giáp hạm của Pháp tại đây để ủng hộ cách mạng Nga. Năm 1920, trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng vận động những người cùng chí hướng thành lập Công hội đỏ-Công hội bí mật đầu tiên ở Việt Nam và Bác là Hội trưởng. Năm 1926, Bác Tôn tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - Tổ chức tiền thân của Đảng. Năm 1927, Bác được bầu vào Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn – Chợ Lớn và Kỳ bộ Nam kỳ. Cuối năm 1929, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn. Suốt 15 năm liên tục bị tù đày ở nơi được coi là “Địa ngục trần gian”, Bác Tôn vẫn luôn kiên định con đường mà Bác đã lựa chọn- Con đường cách mạng vô sản. Sự tàn bạo của nhà tù đế quốc đã không khuất phục được người cộng sản Tôn Đức Thắng. Với ý chí và nghị lực phi thường, lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản, Tôn Đức Thắng đã cùng các đồng chí của mình kiên cường đấu tranh, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Cách mạng tháng Tám thành công, từ nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn trở về đất liền tham gia lãnh đạo cách mạng. Tháng 2/1946, Bác Tôn được Trung ương Đảng điều động ra Bắc. Ngày 19/8/1958, nhân dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi, Bác Hồ thay mặt Nhân dân, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng Bác Tôn Huân chương sao vàng-Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, vì Bác đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1969, khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bác Tôn được Quốc hội nhất trí bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa III, họp ở Hà Nội ngày 23/9/1969. Ngày 3/7/1976, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI-Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, Bác Tôn được bầu làm chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người lãnh đạo của cách mạng Việt Nam, trải qua 02 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ác liệt, người con của đất An Giang đã được trui rèn trong tù ngục vẫn giữ vững lòng kiên trung với cách mạng, với Đảng, với Nhân dân. Kỷ niệm 135 năm ngày sinh chủ tịch Tôn Đức Thắng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước chúng ta hôm nay có được nhiều bài học sâu sắc về tấm gương đạo đức sáng ngời suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Chúng ta nhớ mãi Bác Tôn kính yêu, người công nhân ưu tú, người cộng sản mẫu mực, nhà yêu nước vĩ đại đã làm rạng danh quê hương đất nước. Đạo đức và nhân cách của Bác mãi mãi là bài học, là gương sáng cho bao thế hệ noi theo./. Trần Thị Bé Năm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy