Châu Thành đẩy mạnh phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm

   Nhằm đẩy mạnh phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, Huyện Châu Thành đã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

   Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, để thực hiện tốt Đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và phát triển mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Đến nay, Huyện đã có 03 sản phẩm OCOP được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao gồm:  sản phẩm Nước mắm chay Cô Nành của hộ kinh doanh Yến Phương (ấp Trung Thành, xã Vĩnh Thành); sản phẩm Nấm Đông trùng hạ thảo của hộ kinh doanh Hoàng Huy (ấp Cần Thới, xã Cần Đăng); sản phẩm Sầu riêng Vĩnh Hòa của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Nhuận).

   Để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, trong những tháng đầu năm 2024. Cùng công tác truyền thông đại chúng, Huyện đã xây dựng kế hoạch và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của huyện. Nổi bật là Lễ khai mạc các hoạt động trò chơi dân gian - ẩm thực và trưng bày các sản phẩm đặc trưng địa phương, diễn ra trong 02 ngày từ ngày 06-07 tháng 02 năm 2024, gồm các hoạt động: trưng bày các sản phẩm đặc trưng; không gian ẩm thực;  tham quan, check Tiểu cảnh “Nhà Tết truyền thống”; trò chơi dân gian... với hơn 40 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ; sản phẩm OCOP.  Gần đây nhất vào ngày 3 đến ngày 5/5/2024, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành phối hợp Sở Công thương An Giang; Siêu Thị tứ Sơn tổ chức phiên chợ hàng việt về nông thôn thu hút hơn 50 doanh nghiệp hàng Việt trong cả nước tham gia với trên 300 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, dệt may... giới thiệu, bày bán đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nói chung và Châu Thành nói riêng, trong đó, có các sản phẩm OCOP đặc trưng địa phương huyện nhà như: Nước mắm chay Cô Nành, Nấm Đông trùng hạ thảo, Khô cá Lóc, Thủ công mỹ nghệ, vỏ đan….Các sản phẩm hàng hóa tham gia phiên chợ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, hạn sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, qua đó, giúp địa phương giới thiệu sản phẩm, quảng bá tiềm năng thế mạnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài địa phương. 

   Bên cạnh đó việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua cổng thông tin điện tử huyện, hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc, nơi có hoạt động thương mại, giao lưu văn hóa, du lịch; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Huyện cũng đã xây dựng 02 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP đặt tại Trạm dừng chân Thần Tài tại xã Bình Hoà và Cửa hàng Nông sản an toàn Phan Nam tại thị trấn An Châu,  tạo điều kiện cho các đơn vị, chủ thể sản xuất trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. Đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường ngay tại địa phương.

   Thông qua, các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình triển lãm, hội chợ. Sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu huyện ngày được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng lựa chọn. Cô Đoàn Thị Yến Tuyết, ngụ xã Hòa Bình Thạnh chia sẻ “ cô ăn chay từ hơn 20 năm rồi, cũng dùng qua nhiều loại nước tương làm từ đậu nành, cô thấy nước mắm chay của cô Nành này ngon, vừa miệng, hỏi ra mới biết ở huyện mình, thì mình phải mua ủng hộ, quê mình cũng có nước loại nước tương chất lượng, ngon, hợp túi tiền…”. 

   Huyện còn chú trong công tác hỗ trợ đào tạo, tập huấn, tạo điều kiện thông thoáng về pháp lý để các chủ thể phát triển sản phẩm tiềm năng; khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, kết nối với thị trường tiêu thụ.  Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như: Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát giới hạn (HACCP), quy trình quản lý chất lượng (ISO); hỗ trợ truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ bao bì, nhãn mác; cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và hỗ trợ công bố chất lượng sản phẩm…

   Tiếp tục phát huy thế mạnh địa phương, trong thời gian tới, Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của chương trình OCOP, nhất là việc phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống của địa phương . Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh nhằm phát triển kinh tế hợp tác nói chung và hợp tác xã, tổ hợp tác nói riêng, trong đó trọng tâm là chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.

   Tập trung củng cố, hướng dẫn hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, phát triển các tổ chức kinh tế theo quy định. Tạo điều kiện cho Hợp tác xã tham gia các hoạt động dịch vụ công, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp liên kết với Hợp tác xã cung ứng vật tư phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn và tạo điều kiện cho hợp tác xã huy động vốn và các nguồn lực cho phát triển sản xuất, dịch vụ để Hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn cũng như phát triển sản xuất kinh doanh.

   Bên cạnh đó, Huyện đẩy mạnh đào tạo, tập huấn gắn với phương pháp phát triển dựa vào nguồn lực cộng đồng để nâng cao năng lực, nhận thức và sự tham gia của chủ thể OCOP, trong đó tập trung trọng tâm vào trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm phát triển bao bì, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường, góp phần nâng cao năng lực, nhận thức và sự tham gia của chủ thể để Chương trình OCOP thực sự là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới tại địa phương./.

Trần Ngân