Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Châu Thành đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông giảm nghèo về thông tin, kịp thời đưa chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và địa phương đến với người dân trên địa bàn.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, thời gian qua, huyện Châu Thành đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Hằng năm, huyện tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo để đưa ra những giải pháp cụ thể tới từng hộ gia đình; Ban hành các Kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, yêu cầu các Ban ngành, Đoàn thể, cơ sở tiến hành đánh giá, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như phân loại các hộ nghèo; Từ đó, có các chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả.
Thực tế cho thấy, tình trạng nghèo về thông tin không những gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, mà còn gây thiếu hụt thông tin về đời sống, kinh tế - xã hội. Do đó, để bù đắp những thiếu hụt về thông tin, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Dự án 6 đã đặt ra trọng tâm truyền thông và giảm nghèo về thông tin.
Cụ thể, tại Tiểu dự án 2 truyền thông về giảm nghèo đa chiều xác định các mục tiêu: tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; Nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; Tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội. Trong đó, tập trung tuyên truyền những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các nội dung nhằm thực hiện Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030” đến đông đảo cán bộ, Nhân dân, đặc biệt là người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hiểu rõ các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thụ hưởng các chính sách, cơ chế giảm nghèo, an sinh xã hội, nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; Truyền thông cho các đối tượng thụ hưởng của Chương trình về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu, tạo sự lan toả trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân.
Để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, cùng với việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, huyện Ban hành Quyết định số 783/QĐ-UBND ngày 21/5/2024 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chủ động xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về giảm nghèo đa chiều và bền vững đến mọi tầng lớp Nhân dân với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
Kế hoạch xác định đối tượng truyền thông là người dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội, trong đó, chú trọng truyền thông cho nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình như: người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Người dân sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.
Ngay từ đầu năm 2024, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện chủ động xây dựng và thực hiện nhiều Chương trình giảm nghèo đa chiều, bền vững, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, nhất là khu vực nông thôn. Theo đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện xây dựng và triển khai, tổ chức thực hiện các Chương trình, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông về giảm nghèo bền vững; Tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; Biểu dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo; Xây dựng, tổ chức thực hiện các Chương trình thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương trình tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới...
Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp các Ban ngành, xã, thị trấn tổ chức Chương trình truyền thông thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024. Đối thoại với người dân ở 63 khóm, ấp, tại 26 điểm với 1.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, mới thoát cận nghèo tham gia.
Tại buổi truyền thông, ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành đã thông tin đến người dân những nội dung trọng tâm của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều; Các chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện; Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; Các mô hình kinh tế giảm nghèo có hiệu quả; Chính sách cho vay đối với hộ nghèo cận nghèo; Chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề nông thôn ở các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp; Một số chính sách hỗ trợ người lao động khi đi làm việc tại các thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu lao động làm việc tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc, Đức...qua đó, tìm hiểu nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của từng nhóm đối tượng để có Kế hoạch hỗ trợ đúng, phù hợp, đặc biệt tuyên truyền sâu về Dự án 2 về mô hình sinh kế để người dân hiểu rõ chính sách, mạnh dạn đăng ký tham gia.
Bên cạnh đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện còn xây dựng và thực hiện các sản phẩm truyền thông về giảm nghèo như: đối thoại trực tiếp, truyền thông qua hệ thống Truyền thanh huyện, Đài Truyền thanh các xã, thị trấn. Nội dung là định hướng cho người dân tiếp cận, thụ hưởng Chương trình, dịch vụ xã hội cơ bản về dạy nghề, việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới.
Cũng thông qua hoạt động truyền thông giảm nghèo trên địa bàn huyện đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo và sử dụng có hiệu quả các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương để thoát nghèo, góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Công tác truyền thông giúp cán bộ, người dân trên địa bàn huyện nắm bắt được đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo. Từ đó, định hướng cho người dân cùng tham gia và quản lý các Chương trình một cách có hiệu quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Trần Ngân