Thời gian qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất cao của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, huyện Châu Thành đã hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội, tạo điều kiện cho các loại hình kinh tế phát triển mạnh. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, bộ mặt nông thôn trên địa bàn Châu Thành ngày càng khởi sắc rõ nét. Đến nay, trên địa bàn huyện Châu Thành có 09/11 xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang công nhận xã đạt chuẩn “xã Nông thôn mới”, 04/11 xã đạt được công nhận đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Song song đó, tình hình kinh tế của huyện phát triển ổn định, các hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển, đặc biệt hệ thống thương mại, dịch vụ, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở đô thị và nông thôn được quan tâm đầu tư nên ngày càng phát triển. Các xã có hạ tầng thương mại – dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế, các loại hình dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú của người dân mà còn kết nối thị trường sau thu hoạch, góp phần định hướng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và xóa đói giảm nghèo ở địa bàn nông thôn.

Những năm gần đây, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Châu Thành được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán và giao thương hàng hóa. Hệ thống hạ tầng thương mại – dịch vụ khá phát triển, đặc biệt là hệ thống đường và chợ nông thôn. Mạng lưới chợ hiện có dần đi vào hoàn thiện, chuyển đổi mô hình quản lý đẩy mạnh công tác xã hội hóa về đầu tư phát triển hệ thống chợ đã góp phần tạo môi trường phát triển thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ; đồng thời đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chợ; thiết lập mô hình tổ chức quản lý chợ đảm bảo thống nhất, gọn nhẹ, hiệu quả, chuyên môn nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân trên địa bàn huyện. Dọc theo các tuyến đường về trung tâm huyện, các loại hình thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển. Các hàng quán ăn uống, cửa hàng quần áo, kinh doanh hàng điện tử, điện thoại, trang trí nội thất, nhà trọ mọc lên đông đúc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương. Cùng với đó sự phát triển của khu công nghiệp Bình Hòa kéo theo những hoạt động thương mại, dịch vụ khác phát triển theo quanh khu công nghiệp, đặc biệt là hai bên tuyến Quốc lộ 91 và tỉnh lộ 941 có nhiều cửa hàng xăng dầu, nhà trọ, quán ăn… Trong tháng qua, thương mại- dịch vụ tiếp tục phát triển, đã phát triển mới 32 cơ sở, 70 lao động, vốn 6,746 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có 9.793 cơ sở, 16.725 lao động, vốn 627,330 tỷ đồng. Đây là tín hiệu vui cho thấy sự chuyển biến rõ nét về cơ cấu kinh tế của huyện Châu Thành theo hướng phát triển mạnh thương mại, dịch vụ.

Cùng với đó, trong tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, chợ nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Tại các xã, chợ có vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, huyện đã đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp và xây mới chợ trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh ổn định. Huyện Châu Thành đã khuyến khích, tạo sự thông thoáng cho các doanh nghiệp, tiểu thương mua bán, trao đổi hàng hóa. Cùng với đó là đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi…

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã thiết lập được hệ thống phân phối mang tính chuyên nghiệp, ổn định, bước đầu tạo được uy tín và phong cách mua sắm hiện đại. Đưa nông sản Châu Thành từng bước phát triển về số lượng và chất lượng, tăng tính cạnh tranh trong môi trường kinh tế nông nghiệp hiện nay. Từ đó, sẵn sàng phát triển để tiến tới xây dựng thương hiệu, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mà sản phẩm nước mắm chay Cô Nành của hộ kinh doanh Yến Phương (ấp Trung Thành, xã Vĩnh Thành) và sản phẩm gạo thơm Ngọc Nhân của Công ty TNHH Tín Thành ATC (khóm Hòa Long IV, thị trấn An Châu) là Sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là một minh chứng cho tư duy dám nghĩ, dám làm của chủ các doanh nghiệp, cơ sở.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, huyện Châu Thành tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn trong việc đầu tư, nâng cấp các công trình thương mại để đưa vào khai thác có hiệu quả. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tạo uy tín và đảm bảo chất lượng sản phẩm, quảng bá môi trường đầu tư của huyện, chủ động tiếp cận, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng. Bên cạnh việc hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, thì từng doanh nghiệp, cơ sở phải phát huy hết nội lực, xác định rõ vị trí, vai trò của mình, phát hiện đúng xu thế phát triển, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, từ đó tạo thế đứng thật vững để tồn tại, phát triển ngày càng vững mạnh, sớm hòa nhập vào thời kỳ hội nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng quê hương Châu Thành ngày càng văn minh, giàu đẹp./.
Minh Thiện