Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng: Khơi dòng chảy lịch sử dân tộc trong thời đại mới
Với mục tiêu là đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ và Bác Tôn đến gần hơn với cộng đồng, đồng thời, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Thực hiện Kế hoạch số: 186/KH-BDVTU, ngày 11/12/2023 của Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang về việc thực hiện mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng trong các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024 - 2025”, Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành đã và đang tích cực phối hợp với các Ngành, các cấp có liên quan triển khai thực hiện mô hình này.

Theo đó, mỗi cơ sở thờ tự tùy theo điều kiện về diện tích và không gian, bố trí một khu vực để trưng bày hình ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp, tủ sách trưng bày những tác phẩm, những bài viết, những mẫu chuyện kể về Bác Hồ, Bác Tôn mang ý nghĩa giáo dục thiết thực; bên cạnh đó, không gian còn dành một phần để giới thiệu các hoạt động chăm lo đời sống Nhân dân của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Tính đến đầu năm 2025, trên địa bàn huyện Châu Thành đã tổ chức lễ Ra mắt “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng” tại 10/13 xã, thị trấn; trong đó, các xã Bình Hòa, Cần Đăng, Vĩnh Hanh, Vĩnh Thành, Vĩnh Nhuận, thị trấn Vĩnh Bình được thực hiện tại Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo; xã Tân Phú, Hòa Bình Thạnh ra mắt tại chùa; riêng xã Vĩnh An được tổ chức tại Dinh Sơn Trung; thị trấn An Châu có 02 địa điểm, tại chùa Thiên Phước và Đình thần thị trấn An Châu.

Ông Đoàn Hồng Danh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành cho biết: Không gian văn hóa được bố trí tại nơi dễ quan sát, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tín đồ và người dân thường xuyên lui tới tham quan, tìm hiểu. Những nội dung, hình ảnh, thông tin từ “không gian văn hóa” là nguồn tư liệu quý, mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục cao về cuộc đời, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ, Bác Tôn.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng: “Chạm” vào Lịch sử, “Sống” với Văn hóa dân tộc
Việc thành lập các không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng không chỉ là sự tôn vinh đối với hai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, mà còn là một hành động thiết thực, bảo tồn, phát huy những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đây là nơi để mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như “chạm” vào lịch sử, thông qua sách báo, tranh ảnh, tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh em không chỉ học lịch sử qua sách vở mà còn được sống với văn hóa, truyền thống dân tộc, đặc biệt là việc tự học của Bác đã giúp em lan tỏa tinh thần tự học, tự tìm hiểu, khám phá tri thức của mình. Em Phan Kim Ngân học sinh trường THCS và THPT Vĩnh Nhuận, chia sẻ cảm nghĩ lần đầu tiên được trải nghiệm không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng tại Dinh Sơn Trung.
Gặp anh Lê Hoàng Giang tại chùa Thanh Nguyên, xã Tân Phú dịp đầu năm, anh Giang cho biết, mình cùng gia đình đi chùa cầu bình an, may mắn, được giới thiệu không gian trưng bày các hình ảnh, sách, báo về Bác Hồ, Bác Tôn. Qua những câu chuyện về hai Bác, anh ấn tượng nhất là chuyện Bác Tôn mua tặng vợ chiếc cối xay tiêu với giá 7 rúp và trả lại toàn bộ số tiền thưởng cho Chính phủ Liên Xô thể hiện đức tính liêm khiết, tiết kiệm, không màng đến lợi ích cá nhân của Bác. Một món quà tuy nhỏ, giá trị vật chất không cao, nhưng nó lại thể hiện một tình cảm sâu sắc, sự quan tâm tinh tế của Bác Tôn dành tặng cho người vợ của mình. Từ câu chuyện để lại một bài học vô cùng dung dị về tình yêu thương gia đình, sự quan tâm chu đáo, sâu sắc thủy chung trong tình cảm vợ chồng, rất đáng để thế hệ sau học tập noi theo.
Trong dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hai biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và đạo đức cao đẹp. Việc xây dựng mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng” tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện Châu Thành không chỉ là sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của hai vị lãnh tụ kính yêu, mà còn là cơ hội để lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục tham mưu với cấp ủy, phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) huyện và các Đoàn thể chính trị triển khai mô hình này đến với các địa phương còn lại trong huyện, ông Đoàn Hồng Danh – Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành cho biết thêm.
Thanh Cần – Hồng Mai (Trường THCS-THPT Vĩnh Nhuận)