Bình đẳng giới là quyền của con người. Phụ nữ được quyền sống xứng đáng với nhân phẩm, có thể làm điều mình mong muốn và không sợ hãi. Bình đẳng giới còn là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển và giảm nghèo. Phụ nữ được trao quyền sẽ góp phần cải thiện sức khỏe và năng suất lao động của cả gia đình và cộng đồng, đồng thời củng cố triển vọng cho thế hệ tương lai.
Xác định công tác bình đẳng giới Vì sự tiến bộ của phụ nữ là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Thành luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phụ nữ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ thông qua các chủ trưởng, chính sách về phụ nữ, về bình đẳng giới, phát huy và tăng quyền năng cho phụ nữ trong đời sống xã hôi.
Cùng với toàn huyện trong thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong giới nữ. Trong đó, Hội đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia các mô hình, chương trình liên quan đến phụ nữ nhằm tăng quyền năng và trao cơ hội cho phụ nữ được tiếp cận các chính sách liên quan đến phụ nữ về kinh tế, giáo dục, y tế, an sinh như: hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình, mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế, chương trình vì phụ nữ nghèo, khuyến học, khuyến tài, tổ phụ nữ khuyến học vì trẻ em gái, chương trình góp nhặt từ tâm chia sẻ yêu thương, tổ hùn vốn xoay vòng...
Để đảm bảo tăng quyền năng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành đã tổ chức và duy trì Chương trình đối thoại “Lắng nghe phụ nữ nói”. Đây được xem là kênh thông tin tuyên truyền, vừa để lắng nghe phụ nữ nói vừa là dịp để lãnh đạo địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ, từ đó đề ra những giải pháp, nhiệm vụ phù hợp cho sự phát triển của phụ nữ trên địa bàn huyện.
Phát biểu tại Chương trình đối thoại “Lắng nghe phụ nữ nói” năm 2024, bà Sun Thị Hạnh Dung – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành khẳng định “Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh, Thường trực Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện, sự hỗ trợ phối hợp của các Ban, Ngành, Đoàn thể huyện, các xã, thị trấn, sự nỗ lực của cán bộ Hội và sự đồng thuận của hội viên, phụ nữ đã tham gia hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do Hội và phong trào địa phương phát động, từ đó tạo điều kiện cho các cấp Hội phụ nữ thực hiện hoàn thành công tác Hội. Nhiều chính sách, giải pháp thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong giới nữ được huyện quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, đời sống xã hội…”.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong thực hiện bình đẳng giới. Khó khăn không chỉ xuất phát từ những định kiến giới trong đời sống xã hội, mà còn là sự bất bình đẳng trong phân công lao động, cho đến khả năng tiếp cận thông tin bị hạn chế của phụ nữ đối với các chính sách cụ thể hỗ trợ phụ nữ trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực gia đình trong thực tế vẫn còn âm ĩ, đâu đó vẫn còn những câu chuyện đau lòng về vấn nạn bạo lực gia đình về tinh thần lẫn thể xác đối với phụ nữ và trẻ em, để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với gia đình và xã hội.
Có thể nói, đối thoại “Lắng nghe phụ nữ nói” giữa lãnh đạo Huyện với cán bộ, hội viên, phụ nữ năm 2024 với sự tham gia của hơn 150 cán bộ, hội viên phụ nữ, không chỉ là một hình thức dân chủ, là cầu nối quan trọng để tiếng nói của phụ nữ được cấp ủy, chính quyền lắng nghe trực tiếp mà còn là cơ hội để phụ nữ trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của địa phương trong phát triển các vấn đề liên quan đến phụ nữ.
Đây cũng là cơ hội để hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện được tiếp cận, tìm hiểu, trao đổi và có ý kiến phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, đồng thời gặp gỡ những người thực thi chính sách để trao đổi, kiến nghị các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chính sách xã hội khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn huyện.
Tại Hội nghị, các đại biểu và đại diện lãnh đạo các Ban, Ngành liên quan đã trao đổi, chia sẻ làm rõ hơn các chính sách mà cán bộ, hội viên, phụ nữ đang quan tâm như: các quy định về chế độ thai sản, tuổi nghỉ hưu và các vấn đề khác liên quan đến lao động nữ, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện… Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị, lao động, việc làm, y tế được đông đảo hội viên, phụ nữ quan tâm. Chị Nguyễn Thị Thảo, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Lợi quan tâm đến công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Chị Nguyễn Thị Thảo chia sẻ “Trong thời gian qua, công tác bình đẳng giới ở huyện được cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả rất tốt, đặc biệt là việc bố trí cán bộ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo của các Ban, Ngành, Đoàn thể huyện và Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các xã, thị trấn. Thời gian tới, huyện có định hướng trong công tác bố trí cán bộ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới…”.
Còn chị Bùi Thị Bích Huệ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh An đề nghị huyện cần quan tâm hơn đến cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ nói chung, phụ nữ yếu thế khuyết tật, neo đơn nói riêng để phụ nữ được tiếp cận với các chương trình nâng cao năng lực, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống…
Chị Nguyễn Thị Đức Thuận – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hanh rất quan tâm đến chính sách về đào tạo nghề cho lao động nữ, vấn đề tìm cơ hội việc làm sau khi học nghề, chính sách hỗ trợ học nghề cho các đối tượng ngoài hộ nghèo, cận nghèo…giải pháp để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nói chung và phụ nữ nói riêng.
Qua đối thoại, với tinh thần cởi mở, gần gũi, chúng ta có thể thấy, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn thể hiện tinh thần trách nhiệm một cách thẳng thắn, đặt ra nhiều vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, đời sống, việc làm, công tác Hội phụ ở cơ sở. Và đã có hơn 17 ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, phụ nữ được lãnh đạo huyện, lãnh đạo các Ban, Ngành, Phòng ban chuyên môn giải đáp cũng như nêu lên những giải pháp đề ra trong thời gian tới để giúp địa phương thực hiện tốt hơn các vấn đề liên quan đến giới nữ; Trọng tâm là các vấn đề phụ nữ quan tâm như: giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, công tác phát triển đảng viên nữ, công tác đào tạo nghề, công tác quy hoạch cán bộ nữ các cấp, công tác hỗ trợ thai sản cho phụ nữ, công tác hỗ trợ vốn khởi nghiệp kinh doanh… Ngoài ra, những ý kiến không thuộc thẩm quyền của huyện được các đồng chí chủ tọa tiếp thu, tổng hợp để kiến nghị cấp trên có thẩm quyền tiếp tục xem xét, giải đáp kịp thời.
Đối thoại “Lắng nghe phụ nữ nói” một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội, tạo niềm tin, tinh thần phấn khởi cho cán bộ, hội viên, phụ nữ đối với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp; Từ đó, thúc đẩy sự tham gia hưởng ứng tích cực của hội viên, phụ nữ vào các phong trào thi đua của Hội, phong trào thi đua yêu nước của địa phương; Đây là sẽ là yếu tố quan trọng để phát huy sức sáng tạo, tăng quyền năng cho các tầng lớp phụ nữ, đặc biệt là tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ, hỗ trợ phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình; Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới, góp phần thực hiện tốt công tác bình đẳng giới tại huyện Châu Thành.
Trần Ngân