Đón Tết Chôl Chnăm Thmây cùng Đồng bào Khmer Châu Thành

 

Tại Châu Thành có 1.068 hộ dân tộc Khmer, với 4.199 nhân khẩu, tập trung tại 3 xã Vĩnh Thành, Hòa Bình Thạnh và Cần Đăng, người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Những năm qua, Châu Thành đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đặc biệt là chương trình, dự án, chính sách cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ chi phí học tập, giải quyết việc làm…mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào khmer nói riêng, từ đó đời sống đồng bào Khmer không ngừng được cải thiện.

Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025 của đồng bào dân tộc Khmer sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ 14/4/2025 đến hết ngày 16/4/2025, là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer và được mong đợi nhất trong năm, vì theo quan niệm của người Khmer tháng tư là tháng giao mùa, bắt đầu cho sự đâm trồi, nảy lộc, tượng trưng cho sự khởi đầu tốt lành, mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. 

Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay càng ý nghĩa hơn với bà con người Khmer khi cùng đồng bào các dân tộc, nhân dân cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Sau 50 năm non sông liền một dải, cuộc sống, trong đó có đời sống văn hóa của người dân Nam Bộ và đồng bào Khmer nói riêng đã hồi sinh mạnh mẽ.

Đặc biệt, dịp Tết này còn nhấn mạnh vào việc phát huy tính tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc Khmer trong việc vươn lên vượt khó khăn, thoát nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình. Các phong trào như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" hay "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" sẽ được triển khai hiệu quả nhằm nâng cao đời sống cho bà con.

Trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây hằng năm, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã trên địa bàn huyện đến thăm, chúc tết và tặng quà các vị Hòa thượng, Thượng tọa, sư sãi, à cha và gia đình chính sách tiêu biểu trong đồng bào Khmer. 

Đến thăm và tặng quà tết Chôl Chnăm Thmây đồng bào khmer trên địa bàn huyện, lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Châu Thành đã ân cần gửi lời thăm hỏi, chúc sức khỏe đến các vị Thượng tọa, Sư sãi, À cha và bà con đồng bào dân tộc đang sinh sống trên địa bàn, chúc bà con đón tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, ấm áp. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương tinh thần đoàn kết của các vị Sư và đồng bào Khmer đã chung tay cùng với địa phương thực hiện tốt những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong  phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, công tác an sinh xã hội như: cất cầu, làm đường, cất nhà đại đoàn kết, trợ giúp khó khăn đột xuất cho bà con nghèo…góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hàng năm cứ vào những ngày đầu tháng tư không khí tại các phun – sóc lại náo nức, nhộn nhịp hẳn lên. Trên khắp nẻo đường, từ người già đến trẻ nhỏ rạng ngời nét tươi vui, nhà nhà, người người náo nức chuẩn bị sơn mới nhà cửa, sắm sửa lễ vật, gói bánh, mua sắm quần áo mới để đón tết cổ truyền. 

Tết năm nay vui hơn năm rồi, nhiều bà con đi làm xa cũng tranh thủ về ăn tết, chú Liêu Sóc, ngụ ấp Hoà Tân, Hoà Bình Thạnh vui vẻ chia sẻ “vào những ngày tết thì bà con dọn dẹp nhà cửa, nấu mâm cơm để đón ông bà và mách bảo với ơn trên phù hộ cho chúng con đón năm mới nhiều phước lành, làm ăn phát tài”. 

Theo Phật lịch của đồng bào Khmer thì Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay sẽ diễn ra trong từ ngày 14 đến 16 tháng 4 dương lịch. Lễ đón giao thừa diễn rà vào lúc 4 giờ 00 phút ngày 14/4. Lễ đón giao thừa của đồng bào Khmer cũng giống giống như tết Nguyên Đán của bà con người Việt, chỉ khác nhau ở thời gian và cách đón tết. Ngày tết sẽ bắt đầu một năm mới, mừng thêm tuổi, chào đón mùa vụ mới với nhiều đều may mắn, bình an. Ngày này, bà con dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trên bàn thờ trang trí mâm ngũ quả, hoa dâng lên cúng phật, cúng tổ tiên. Trong đêm giao thừa mọi người trong gia định tụ họp trước bàn thờ tổ tiên khấn vái cầu mong và tin rằng năm mới sẽ được thần ban phúc lành, làm ăn thịnh vượng. 

Điểm độc đáo trong tết cổ truyền đồng bào dân tộc khmer là mỗi ngày đều có những nghi lễ và phong tục riêng. Ngày 14 là ngày đầu tiên của năm mới (đêm giao thừa), hay còn gọi là lễ rước lịch, hầu hết người Khmer trong phum sóc tắm gội, ăn mặc đẹp và mang theo lễ vật vào chùa làm lễ. Các vị sư, À cha hướng dẫn mọi người xếp hàng đi ba vòng quanh chính điện làm lễ, sau đó mọi người lễ Phật tụng kinh mừng năm mới. Vào dịp này, người Khmer sẽ dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm rửa thân thể vào buổi chiều. Buổi tối trai gái trong phum, sóc tụ tập về sân chùa, tham gia các sinh hoạt vui chơi giải trí, nhảy lâm-thôl...

Mùng 2 tết (ngày 15) mọi người chuẩn bị mâm cổ, tắm gọi sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, các cụ già mặc trang phục truyền thống vận xà rông, áo trắng, choàng khăn, đội cơm, nhang, đèn hoa quả… lên chùa cầu phúc cho gia đình, phát tài, phát lộc vạn sự bình an. Sau đó, cùng nhau trò chuyện chia sẽ kinh nghiệm trong công việc, thăm hỏi các gia đình, các cụ lão, bà con thân nhân, họ cùng chúc cho nhau những đều tốt lành trong năm mới.

Vào mùng 3 tết (ngày 16) là ngày làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Vào buổi sáng bà con dâng cơm sáng cho các sư, nghe thuyết pháp. Đến chiều làm lễ tam bảo, đốt đèn nhang, dâng lễ vật, đưa nước có ướp hương thơm đến tắm tượng Phật. Sau đó, các gia đình thỉnh các vị sư đến nhà mình để cầu siêu cho ông bà cha mẹ đã quá giản, cầu an cho gia đình. Lễ tắm phật, tắm sư tượng trưng cho việc rửa hết những đều không may trong năm cũ, để bước sang năm mới sạch sẽ, hoàn toàn mới.

Bày tỏ niềm phấn khởi về sự đổi thay, phát triển địa phương. Thượng toạ Liêu Rên trụ trì chùa Chăs-Sđao, cho biết, những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện đã quan tâm hỗ trợ đồng bào dân tộc trong huyện, thực hiện tốt an sinh xã hội nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, sư sãi Khmer không ngừng được cải thiện, nâng lên về mọi mặt. Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay nhà chùa rất mừng vì được các cấp, các ngành trong và ngoài huyện đến thăm, chúc tết đối với nhà chùa cũng như đồng bào dân tộc đang sinh sống trên địa bàn, riêng nhà chùa cũng đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật để đón tết cùng phật tử, nhìn chung năm nay tết cổ truyền năm nay có phần phấn khởi, ăn tết lớn hơn năm vừa rồi...

Ngoài các phong tục trong ngày tết cổ truyền, tại các Chùa trên địa bàn còn tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, đập nồi, nhảy bao bố…trong các đêm tết các thanh niên trai gái trong phum, sóc ai nấy đều náo nức, sắm sửa cho mình những bộ đồ mới đến chùa tham gia các tiết mục văn nghệ, cùng nhau say sưa những điệu múa truyền thống của dân tộc, tất cả đều chung một mông muốn năm mới thật nhiều may mắn, bình an và làm ăn phát đạt.

Năm nay, Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ là dịp để đồng bào Khmer sum vầy bên gia đình mà còn là cơ hội để tăng cường đoàn kết cộng đồng. Các hoạt động tuyên truyền, vận động giáo dục sẽ được đẩy mạnh nhằm giúp bà con hiểu rõ hơn về các quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phong trào đại đoàn kết toàn dân tộc cũng sẽ được phát động mạnh mẽ trong lao động sản xuất, học tập và thực hành tiết kiệm.

Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer cũng giống như tục lệ Tết của người Việt, trong ba ngày này, bà con đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khoẻ, phát đạt và cùng nhau tham gia lễ cúng tại chùa. Vào buổi tối, thanh niên, trai gái tham gia các múa, hát…tất cả làm cho không khí ngày tết càng trở nên rộn ràng vui tươi để bắt đầu cho một năm mới vạn sự tốt lành. Có thể nói, ngày nay Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ là ngày tết cổ truyền dành riêng cho đồng bào Khmer mà cả những người Việt trên địa bàn huyện cũng hoà chung vào không khí ấy. Chính những hoạt động lễ hội mang đậm ý nghĩa văn hóa đã làm thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trần Ngân