Tập quán đốt đồng sau khi thu hoạch lúa để xuống giống tiếp tục vụ lúa sau là việc làm lâu đời của người nông dân. Điều này dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, ngộ độc hữu cơ, gây mất cân bằng sinh thái. Ngoài ra, dinh dưỡng trong đất bị lấy đi mà không được bù đắp dẫn đến tình trạng cây lúa sinh trưởng và phát triển kém, làm giảm năng suất.

Ứng dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng Vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2024 tại xã Vĩnh Nhuận
Nhằm tạo điều kiện nông dân thay đổi tập quán trong đốt rơm rạ sau mỗi vụ và xử lý rơm rạ đúng cách, đạt hiệu quả cao, trong Vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2024, Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ - Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Phương Nam thực hiện mô hình “Xử lý rơm rạ tạo nguồn phân bón hữu cơ trong canh tác lúa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long” tại xã Vĩnh Nhuận. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Mô hình sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng được thực hiện trên 5 héc-ta lúa của hộ ông Hồ Văn Be, ấp Vĩnh Hiệp 1, xã Vĩnh Nhuận. Trong đó, chọn 2 héc-ta sử dụng chế phẩm Sumitri + phân bón hóa học và 3 héc-ta sử dụng phân hữu cơ BM+ phân bón hóa học.
Qua 02 vụ thực hiện mô hình cho thấy, hiệu quả mô hình mang lại cả ba mặt: kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Về mặt kỹ thuật xử lý chế phẩm sumitri, phân hữu cơ BM1 và BM2 trong vụ Hè Thu đã giúp vi sinh vật phân hủy rất tốt lượng rơm rạ, từ đó giúp giảm 20% lượng phân hóa học so với ruộng đối chứng. Giai đoạn 35 ngày sau xử lý chế phẩm Sumitri, BM1 và BM2 lượng rơm rạ đã được phân hủy 100%, mặt ruộng có nhiều vi sinh, đất mùn mịn. Trong vụ Thu Đông, ruộng xử lý chế phẩm sumitri và phân BM đã giúp vi sinh vật phân hủy rất tốt lượng rơm rạ, hạn chế lúa cỏ. Đặc biệt, giai đoạn 35 ngày sau xử lý chế phẩm Sumitri và bón lót phân BM, lượng rơm rạ đã được phân hủy 90 đến 100%, mặt ruộng có nhiều vi sinh, đất mùn mịn, từ đó, giúp giảm 25 đến 32% lượng phân hóa học so với ruộng đối chứng…
Hiệu quả về mặt kinh tế khi ứng dụng mô hình cho thấy: Vụ Hè Thu, năng suất ruộng xử lý sumitri đạt 6,62 tấn/héc-ta cao hơn đối chứng 320 kg/héc-ta, lợi nhuận ruộng xử lý sumitri cao hơn ruộng đối chứng 3.374.000 đồng/héc-ta. Năng suất ruộng bón lót phân BM1 và BM2 lần lượt là 6,48 và 6,5 tấn/héc-ta, cao hơn đối chứng lần lượt là 180 kg và 200 kg/héc-ta. Lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng 1.012.000 đồng/héc-ta và 1.168.000 đồng/héc-ta. Vụ Thu Đông, năng suất ruộng xử lý sumitri và bón lót phân BM đạt 7,3 tấn/héc-ta cao hơn đối chứng 700 kg/héc-ta, lợi nhuận ruộng xử lý sumitri cao hơn ruộng đối chứng 7.726.000 đồng/héc-ta và ruộng bón lót phân BM cao hơn ruộng đối chứng 6.756.000 đồng/héc-ta;

Mô hình sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng được thực hiện trên 5 héc-ta lúa
Hiệu quả về mặt xã hội trong vụ Hè Thu, mô hình đã giúp nông dân thay đổi thói quen canh tác là đốt rơm rạ xử lý các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ thành phân hữu cơ; giúp giảm phát thải khí nhà kính; giúp nguồn hữu cơ được tái tạo, giúp cây phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và giảm được 20% lượng phân hóa học. Vụ Thu Đông mô hình đã giúp nông dân thay đổi không đốt rơm rạ mà thay thế bằng xử lý các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ thành phân hữu cơ, giảm phát thải CO2; giúp đất tạo được nguồn hữu cơ, từ đó cây phát triển tốt và giảm được 25-32% lượng phân hóa học.

Tham quan trình diễn mô hình sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng
Từ những lợi ích thiết thực mang lại cho thấy, việc ứng dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng không những làm giảm hiện tượng ngộ độc hữu cơ, mà còn giảm ô nhiễm môi trường. Rơm rạ sau khi thu hoạch lúa được phân hủy ngay trên ruộng, không qua đốt rơm nên không gây ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ, từ đó giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, điều này cũng góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Đây là mô hình phù hợp trong việc thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai trên địa bàn huyện.
Kim Xoàng