KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11/6/1948 - 11/6/2024)

Năm 1945, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Trải qua 76 năm “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” vẫn còn nguyên giá trị. 

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua.

Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành có trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phát động thi đua sâu rộng trong nội bộ đến toàn thể Nhân dân nhằm huy động sức mạnh, khơi dậy tính tích cực trong mỗi cá nhân, mỗi tập thể vượt qua khó khăn, thử thách tiến lên giành thắng lợi trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua là một trong những hình thức tốt nhất để tập hợp, giác ngộ cách mạng và nâng cao nhận thức cho quần chúng về tư tưởng, chính trị, trình độ văn hóa, xã hội; hướng quần chúng hành động để đạt các mục tiêu của cách mạng… 

Mỗi năm phong trào thi đua ái quốc càng sôi nổi, đi vào chiều sâu, lan rộng khắp mọi mặt đời sống xã hội và mọi tầng lớp nhân dân, nhiều phong trào thi đua: “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”, “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”… đã thực sự trở thành nền nếp và lan tỏa tích cực đến cộng đồng dân cư.

Để tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07/4/2014  của Bộ Chính trị và Luật Thi đua, khen thưởng, trước hết cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước cũng như đổi mới trong công tác khen thưởng. 

Cần tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động các phong trào thi đua gắn với việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, hiệu quả, chống hình thức. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu; đồng thời quan tâm công tác: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến, những người trực tiếp lao động, sản xuất, thực hiện nhiệm vụ để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời…

Vì vậy, để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức Chính trị - Xã hội, các cán bộ, đảng viên cần xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tình hình mới, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực mới về tinh thần và vật chất để hăng hái tham gia lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tiếp tục nỗ lực và quyết tâm cao hơn, ra sức rèn luyện, gương mẫu giữ gìn kỷ cương, kỷ luật, tự đổi mới nâng cao năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện phong trào thi đua thường xuyên với các phong trào thi đua theo đợt, thi đua đột xuất; nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, thường xuyên gắn kết chặt chẽ kết quả thực hiện phong trào thi đua với khen thưởng; Khen thưởng phải dựa trên kết quả thành tích thi đua, bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, công bằng; kết hợp giữa động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất, tạo động lực để tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng chính là nhằm phát huy tài năng, sức sáng tạo, trí tuệ và sức mạnh của quần chúng nhân dân cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Góp phần hoàn thành mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Hồ Trường Huấn

                             Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy