Nắm bắt được nhu cầu tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định của chị em phụ nữ tại địa bàn xã Bình Thạnh, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã hỗ trợ giới thiệu vay vốn, giới thiệu và liên kết nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua các mô hình, xuất hiện nhiều tấm gương chị em vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Điển hình, chị Huỳnh Thị Nguyên, sinh năm 1975, là hội viên Hội phụ nữ ấp Thạnh Phú, xã Bình Thạnh. Chị Nguyên được biết đến là một phụ nữ siêng năng, cần cù, ham học hỏi, nhiệt tình trong mọi hoạt động của Hội. Đồng thời, chị là tấm gương tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế gia đình.

Chị Huỳnh Thị Nguyên – tấm gương phụ nữ vượt khó trong lao động sản xuất
Trước đây, gia đình chị Nguyên thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Công việc chính của chị là làm rẫy, hoặc ai thuê gì làm nấy, thu nhập bấp bênh. Với niềm đam mê công việc may vá, vừa muốn tăng thêm thu nhập và có thời gian chăm con nhỏ, chị đã bàn với chồng tham gia lớp học nghề may công nghiệp do Hội Liên hiệp phụ nữ xã giới thiệu và mua máy về gia công tại nhà. Sau một thời gian làm và tích lũy vốn, chị Nguyên được Hội Liên hiệp phụ nữ xã liên kết để tham gia mô hình sinh kế, đối ứng vốn mua được hai chiếc máy may, máy vắt sổ và tiếp tục lãnh đồ may gia công. Bằng sự cần cù, siêng năng để có nguồn hàng may gia công, chị Nguyên đã liên hệ với các cơ sở chuyên nhận hàng gia công cho các Công ty tại xã Bình Hòa và nhận may quần áo theo yêu cầu của khách hàng.

Chị Nguyên là một trong những học viên của lớp may công nghiệp
Đến nay, chị Nguyên đang có nguồn thu nhập thêm khá ổn định trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Chị Nguyên tâm sự : “Nghề may công nghiệp khá dễ, chị em chịu học sẽ dễ dàng làm được. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ may cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ. Đây là một nghề rất phù hợp cho phụ nữ tại nông thôn, vừa chăm sóc gia đình, vừa có việc làm ổn định, tăng thu nhập kinh tế gia đình; chị mong muốn Hội Liên hiệp phụ nữ sẽ giới thiệu thêm nhiều mô hình sinh kế để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho chị em trong ấp, trong xã”.
Ngoài công việc may gia công, chị Nguyên thường xuyên tham gia vào các hoạt động của Hội phụ nữ và chính quyền địa phương phát động. Hàng năm, gia đình chị luôn được công nhận gia đình văn hóa, hai đứa con trai gái của chị đều đang học tập với thành tích khá, giỏi.
Chị Võ Thị Ánh Nguyệt - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Thạnh cho biết: “Chị Huỳnh Thị Nguyên là người rất chịu khó lao động, không chùn bước trước khó khăn, nhờ vậy mà chị đã thoát nghèo bền vững và vươn lên có cuộc sống ổn định. Không những thế chị còn tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, quan tâm giúp đỡ cho chị em phụ nữ nghèo. Hiện nay, các mô hình sinh kế ở địa phương ngày một phát huy hiệu quả, đã hỗ trợ việc làm cho chị em nhàn rỗi tại địa phương có được việc làm ổn định để thoát nghèo. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để càng nhiều chị em tham gia vào mô hình sinh kế, nhằm tạo việc làm cho phụ nữ trên địa bàn xã”.

Gia đình chị Nguyên vừa được trao tặng căn nhà Đại Đoàn kết
Với hiệu quả từ mô hình sinh kế do Hội Liên hiệp phụ nữ xã giới thiệu, năm 2025, gia đình chị Nguyên đã thoát nghèo. Hiện nay, công việc may của chị đều được duy trì mỗi buổi tối. Cuộc sống gia đình chị Nguyên được nâng lên, căn nhà Đại đoàn kết do Ban chỉ đạo nhà tạm, nhà dột nát huyện Châu Thành và Báo An Giang trao tặng gia đình chị được xây dựng kiên cố, khang trang. Có thể nói, chị Nguyên là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó, trong lao động sản xuất, biết vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Chị Nguyên đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ Châu Thành, là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.
Hoa Võ