KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ
HUYỆN CHÂU THÀNH
Châu Thành - vùng đất hiền hòa con người mến khách, từ lớp người đầu tiên đi khai hoang đã vượt qua khó khăn gian khổ đoàn kết xây dựng xóm làng đến khi có Đảng lãnh đạo tinh thần đó càng được hun đúc để viết tiếp những trang sử vẻ vang của huyện nhà.
Ở vào vị trí tiếp giáp trung tâm của tỉnh, huyện Châu Thành có quốc lộ 91 và tỉnh lộ 941 chạy qua nối Châu Thành với Tri Tôn, Châu Phú và cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 50 cây số; là khu vực trọng yếu của tỉnh, có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi tạo thế liên hoàn với 3 huyện cù lao và 3 huyện vùng núi, nhưng trực tiếp là đối với vùng núi: có ưu thế về chuyển quân, triển khai lực lượng trong chiến đấu qui mô lớn.
Vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, Châu Thành còn là một vùng hoang vu, nằm trong vùng đất An Giang xưa - một vùng rộng lớn được khai phá sau cùng ở Nam Bộ. Năm Đinh Sửu (1757), Chúa Nguyễn xác lập các đạo Tân Châu, Châu Đốc, Đông Khẩu (Sa Đéc) trực thuộc dinh Long Hồ, Châu Thành thuộc địa hạt đạo Châu Đốc. Dưới triều vua Gia Long, Châu Thành nằm trong huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Đến năm 1832, Châu Thành nằm trên địa hạt tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên thuộc phủ Tuy Biên (phủ trị đặt tại thôn Mỹ Đức), tỉnh An Giang.
Tháng 6 năm 1867, thực dân Pháp chiếm thành Châu Đốc, An Giang thành thuộc địa của Pháp và bị chia ra nhiều hạt tham biện. Châu Thành nằm trên địa bàn tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên.
Trước năm 1945 ta lấy đơn vị hành chính theo sự phân chia của Pháp, quận Châu Thành (gồm cả Núi Sập, Lấp Vò và tỉnh lỵ Long Xuyên) thuộc tỉnh Long Xuyên. Sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, huyện Núi Sập được thành lập, huyện Châu Thành chỉ còn địa phận huyện Châu Thành và thành phố Long Xuyên ngày nay. Năm 1948, huyện Châu Thành (gồm cả Long Xuyên) thuộc Long Châu Hậu. Cuối năm 1950, Châu Thành (gồm cả Long Xuyên) thuộc tỉnh Long Châu Hà. Tháng 7 năm 1951, sát nhập huyện Thoại Sơn (trước đây gọi là Núi Sập) vào huyện Châu Thành. Cuối năm 1954, huyện Thoại Sơn tách khỏi Châu Thành, cả hai thuộc tỉnh Long Xuyên. Năm 1957, huyện Châu Thành thuộc tỉnh An Giang. Cuối năm 1961, sát nhập Thoại Sơn vào Châu Thành gọi là huyện Châu Thành. Tháng 8/1971 huyện Châu Thành thuộc tỉnh Châu Hà và huyện Huệ Đức được lập lại; tháng 01/1977 giao xã Mỹ Thới về thị xã Long Xuyên. Giữa năm 1974, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Long Châu Hà, gọi là huyện “Châu Thành X”; năm 1977 hợp nhất hai huyện Châu Thành và Huệ Đức thành huyện Châu Thành.
Ngày 23/8/1979, theo Quyết định 300/CP của Chính phủ chia huyện Châu Thành thành 2 huyện Châu Thành (12 xã, thị trấn) và Thoại Sơn, giao xã Bình Thủy về huyện Châu Phú và xã Mỹ Hoà Hưng về thị xã Long Xuyên.
Ngày 28/10/1993, thành lập thêm xã Bình Thạnh từ ấp Bình Thạnh của xã Bình Hoà theo Quyết định 74/CP. Ngày nay, Châu Thành gồm 12 xã và 1 thị trấn, trung tâm hành chính đặt tại thị trấn An Châu.
Thời kỳ đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc
Ngày 22/6/1867, thực dân Pháp chiếm thành Châu Đốc mở đầu quá trình thống trị An Giang. Từ đó nhiều cuộc khởi nghĩa của các tầng lớp nhân dân yêu nước nổ ra và ngày càng mạnh mẽ, tiêu biểu ở vùng Châu Thành, Châu Phú lúc bấy giờ là cuộc khởi nghĩa Quản cơ Trần Văn Thành. Ngày nay, tại xã Vĩnh An (Châu Thành) còn di tích lò rèn vũ khí của nghĩa quân Trần Văn Thành.
Các phong trào đấu tranh tự phát diễn ra đến cuối năm 1927, lúc này chi bộ Hội Thanh niên đầu tiên ở Long Xuyên được thành lập và đã có sức ảnh hưởng lớn đến các tầng lớp nhân dân, trở thành ngọn đuốc dẫn đường và là vũ khí sắc bén cho nhân dân yêu nước vùng Châu Thành. Năm 1930 Châu Thành vẫn chưa có chi bộ Đảng và đảng viên về hoạt động, đến năm 1936 Ủy ban hành động được thành lập để dẫn dắt phong trào cách mạng của huyện.
Giai đoạn 1936-1939, Châu Thành tuy chưa có tổ chức Đảng, nhưng ảnh hưởng phong trào chung và sự tuyên truyền, giáo dục của các đảng viên hoạt động đơn tuyến, nhân dân lao động trong quận đã phần nào giác ngộ, nhận thức được sức mạnh của sự đoàn kết đấu tranh chống lại âm mưu của kẻ thù, giành lại những quyền lợi thiết thân của mình. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh hỗ trợ cho nông dân ở Ba Thê (Vọng Thê) đòi địa chủ Trần Kim Phụng trả đất cho nông dân và giảm tô.
Năm 1944, chi bộ Bình Hòa - chi bộ đầu tiên của Châu Thành được hình thành. Đến cuối năm 1944, nhiều xã trong quận lần lượt có chi bộ như xã Hòa Bình Thạnh, Cần Đăng, Vĩnh Hanh, Bình Thủy... Ban đầu mới thành lập, chi bộ đã trực tiếp đưa đường lối, chủ trương của Đảng thâm nhập vào các tầng lớp nhân dân và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành quyền sống, chống khủng bố, áp bức, các đồng chí đảng viên đều bám dân, xây dựng cơ sở cách mạng nhiều nơi trong huyện để chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền về tay nhân dân và góp phần thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Suốt chín năm trường kỳ kháng chiến, là một địa bàn quan trọng tiếp giáp giữa vùng kháng chiến vì vậy Châu Thành vừa là chiến trường rộng lớn vừa là mặt trận ngăn chặn đường tăng viện của địch từ Long Xuyên cho Tri Tôn và Châu Đốc nên nhân dân trong huyện bị sự kềm kẹp rất nặng nề của thực dân Pháp, ngụy quyền Bảo Đại và các lực lượng võ trang giáo phái. Cơ sở cách mạng của ta có lúc tưởng như không còn giữ được nữa, với ý chí sắt đá, lòng căm thù giặc sâu sắc và được sự che chở của nhân dân yêu nước các chiến sĩ cách mạng quyết tâm bám dân, bám địa bàn để hoạt động trong lòng địch. Các cuộc đấu tranh nổi bậc như: Hưởng ứng chiến dịch Long Châu Hà I (10/1950), chiến dịch “Tổng phá ngụy” mang tên Long Châu Hà II (02/1951)[1]... ngoài ra ta còn nhiều lần làm chướng ngại vật trên các trục lộ giao thông chính, phá sập hai cây cầu Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, qua đó đã làm sụp đổ âm mưu tấn công, lấn chiếm Bảy Núi của địch, nhất là trong cuộc chiến đấu giành dân mở vùng phá tan sự bao vây phong tỏa của địch.
Phong trào thi đua “giết giặc lập công” hưởng ứng chiến dịch Điện Biên Phủ, các lực lượng võ trang giáo phái: Ba Cụt (Lê Quang Vinh), Hai Ngoán (Lâm Thành Nguyên), Năm Lửa (Trần Văn Soái) đều bị lực lượng cách mạng đánh bật khỏi địa bàn.
Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, dưới chế độ Mỹ - ngụy Châu Thành vẫn là một trong những quận trọng điểm để ngụy quyền An Giang chọn thực hiện các ý đồ chiến lược. Vì vậy địch kiểm soát chặt chẽ và kềm kẹp gắt gao.
Năm 1959 Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời và nhanh chóng được truyền đi đến tại cơ sở. Mọi người phấn khởi chuẩn bị bước vào giai đoạn mới.
Ngày 12/12/1961, Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Châu Thành được tổ chức tại Cản Đá, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng huyện nhà.
Để đối phó với các hoạt động đẩy mạnh lấn chiếm, “bình định” của địch từ 1959-1961, ta chủ động mở nhiều trận diệt đồn Cản Dừa, các đồn từ số 2 đến số 5, tuyến lộ tẻ đi Tri Tôn và nhiều lần đánh sập cầu phá đường, đắp chướng ngại vật cản đường hành quân của địch mang lại kết quả to lớn cho phong trào cách mạng Châu Thành - Huệ Đức, mở thông tuyến hành lang từ đồng tràm Huệ Đức về cánh đồng 5 xã.
Từ 1961-1968, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Châu Thành, quân và dân trong huyện giáng nhiều đòn quan trọng, làm thất bại nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, các cuộc đấu tranh phá ấp chiến lược diễn ra mạnh mẽ ở Bình Hòa, Cần Đăng, Vĩnh Hanh, Hòa Bình Thạnh (từ năm 1962-1964); hai trận đánh tại cầu Mặc Cần Dưng và tháp canh Ông Quýt (năm 1966); cánh đồng 5 xã trở thành vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch (năm 1967). Tuy hoạt động của ta chống sự lấn chiếm của địch đã đạt được một số kết quả đáng kể nhưng nhìn chung hoạt động bình định cấp tốc của địch đã gây cho lực lượng cách mạng nhiều thiệt hại, cán bộ ta số bị bắt, số hoạt động không hợp pháp không bám trụ được địa bàn, đến cuối năm 1968 số đảng viên còn lại địa bàn là 16, phong trào cách mạng bước vào thời kỳ khó khăn, ác liệt.
Sau cuộc tổng tiến công Xuân 1968, địa bàn bị chia cắt, thiếu sự lãnh đạo tập trung, các lực lượng kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn.
Từ năm 1970 trở đi ta đẩy mạnh đấu tranh trên 3 mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận) có bước phát triển, nổi bật là phong trào chống bắt lính, địch ngụy vận và chống địch vi phạm hiệp định Pari đã đạt được nhiều kết quả, trong đó có những trận đánh lớn như: Cản đá (02/1974), Láng Sang - Chung Rầy (3/1974).
Hưởng ứng chiến dịch Hồ Chí Minh, ta thực hiện tốt chủ trương của trên “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã” và làm tốt nhiệm vụ tiếp quản khi bộ đội ta giải phóng huyện, xã, Châu Thành được hoàn toàn giải phóng trong ngày 02/5/1975.
Tổng kết thành tích kháng chiến, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cần Đăng được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (tháng 10/1998).
Thời kỳ xây dựng và phát triển
Ngay sau ngày Châu Thành hoàn toàn giải phóng, công tác tiếp quản chính quyền các cấp được tiến hành thuận lợi, nhưng khi bắt tay vào xây dựng chế độ xã hội mới, Châu Thành phải đương đầu với bao khó khăn, phức tạp không kém phần gay go, quyết liệt. Đa số nhân dân lao động chịu cảnh nghèo đói. Toàn huyện có khoảng 160.000 dân mà phải cứu tế, trợ cấp cho gần một nửa. Ngoài ra, huyện còn phải tiếp nhận và cứu đói cho 221 gia đình Việt kiều từ Campuchia về định cư tại huyện.
Hiện trạng năm 1975 là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, năng suất thấp; tiểu thủ công nghiệp - thương nghiệp không đáng kể; y tế nông thôn hầu như không phát triển; cơ sở giáo dục toàn huyện chỉ có vài trường tiểu học, trình độ học vấn thấp; giao thông chủ yếu là đường thủy; hạ tầng cơ sở của hệ hống chính trị huyện - xã là những cơ sở đồn cảnh sát, địa phương quân để lại. Mặt khác, vào năm 1977 trong lúc Đảng bộ và nhân dân trong huyện ra sức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân thì bọn phản động tiến hành âm mưu chống phá cách mạng.
Nắm được âm mưu của địch, ta đã chủ động và kịp thời đập tan kế hoạch của chúng, diệt gọn một trung đội ở ngọn rạch Chanh, thu nhiều súng đạn và quân trang, quân dụng. Qua khai thác, lực lượng ta triển khai diệt nốt 3 trung đội còn lại ở cánh đồng 5 xã. Tuy đã đập tan được kế hoạch của bọn tàn quân chế độ cũ nhưng vẫn còn đó những tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về an ninh quốc gia. Đây là thách thức rất lớn đối với Đảng bộ huyện, vì vậy yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ là ổn định quốc phòng an ninh tiến tới xây dựng kinh tế - xã hội.
Qua gần bốn thập niên xây dựng và phát triển cũng đồng nghĩa với Đảng bộ Châu Thành đã qua 10 lần đại hội Đảng, trên tinh thần dân chủ, công khai và đoàn kết mỗi lần đại hội là sự tập trung trí tuệ của Đảng, quân và dân huyện Châu Thành để hoạch định chiến lược phát triển của huyện nhà.
Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, tạo được lòng tin và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân mang lại những hiệu quả thiết thực. Chăm lo và tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 12,47%, năng suất lúa bình quân hàng năm đạt 6,3-6,4 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 1.168.056 tấn, giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất canh tác đạt 100,56 triệu đồng; các ngành nghề chiếm tỷ trọng cao là sản xuất gạch ngói, cơ khí, xay xát, chế biến lương thực - thực phẩm. Về xây dựng nông thôn mới, huyện đã đạt 05/19 tiêu chí với 26/50 chỉ tiêu, tỉnh đã chọn xã Vĩnh Thành, Vĩnh Nhuận để đăng ký với Trung ương và chọn xã Bình Hòa thay thế Vĩnh Lợi làm xã điểm của tỉnh.
Công tác giáo dục, y tế ngày càng được chăm lo; đến nay, có 13/13 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, đã có 05 trường đạt chuẩn quốc gia; chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên, mạng lưới y tế tiếp tục được kiện toàn và phát triển. Hoạt động văn hoá, thông tin tổ chức với nhiều loại hình phong phú, thiết thực đáp ứng yêu cầu tuyên truyền vận động thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển và phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Quốc phòng an ninh được giữ vững.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng được thực hiện thường xuyên. Qua đó, đại bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân từ huyện đến cơ sở đều nhận thức đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần nâng cao nhận thức, phẩm chất chính trị và rèn luyện đạo đức, lối sống tạo nên sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong nội bộ và ngoài nhân dân.
Từ 2006 đến nay, Đảng bộ Châu Thành phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Cuộc vận động đã góp phần quan trọng vào việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống cũng như củng cố và nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm được giao của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, động viên quần chúng nhân dân liên tục dấy lên phong trào hành động cách mạng thiết thực...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, huyện còn gặp những khó khăn cần sớm tháo gỡ như: do điểm xuất phát của huyện thấp nên tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tuy đạt chỉ tiêu nghị quyết nhưng so mức bình quân chung của tỉnh còn thấp; cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp hầu hết là quy mô nhỏ, chuyển đổi công nghệ sản xuất còn chậm. Việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết có nơi, có lúc chưa sâu rộng; sự phối kết hợp trong việc giám sát, kiểm tra có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ và đồng bộ nên có vụ việc thực hiện kéo dài thiếu tính kịp thời.
Thành tựu trong những năm qua cũng là thành quả của việc phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, là kết tinh của biết bao công sức và ý chí của toàn Đảng bộ và nhân dân Châu Thành, là đơm hoa kết trái của những trăn trở, lo toan không ngơi nghỉ, phấn đấu nhằm đưa Châu Thành khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn tới phồn vinh, hạnh phúc...
Từ những thành tích đã đạt được, tin chắc trong thời gian tới dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện sẽ phát huy được mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, huy động mọi nguồn lực để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đưa huyện bước vào thời kỳ phát triển mới.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy
[1] Chiến dịch này mở đầu tại xã Vĩnh Hanh