Sáng ngày 15/7/2024, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức họp phiên thứ tám nhằm đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2024 bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp. Dự phiên họp ở điểm cầu huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có các đồng chí là thành viên Ban Điều hành hành Chương trình cải cách hành chính huyện; lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo sát sao; các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp đã quyết liệt vào cuộc tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng, trong đó xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh doanh thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được thực hiện đồng bộ, có thêm nhiều kết quả cụ thể.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, nêu lên những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm; đồng thời đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đã xác định cải cách hành chính là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược; xây dựng nền hành chính theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Quan điểm là cải cách hành chính phải luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm; phải được triển khai đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cải cách hành chính thời gian tới, đồng chí Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; có giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh đổi thoại, chia sẻ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện việc làm cho người dân. Đồng thời đồng chí yêu cầu đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, công dân số, số hóa hồ sơ…, chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt…
Kim Xuyến