Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác giải quyết, xét xử các loại án của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc thực hiện các hoạt động nói chung và hoạt động xét xử nói riêng là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án, được ghi nhận tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân các năm 1992, 1995, 2002 và năm 2014 như sau: “Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác”. Công tác giải quyết và xét xử các loại án của Tòa án chính là việc Tòa án nhân danh Nhà nước ra bản án hoặc quyết định có tính chất kết luận về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp pháp lý xảy ra trong xã hội, xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài Nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực Nhà nước nhằm giữ vững kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và công dân. Tòa án thông qua phiên tỏa (đặc biệt là các phiên tòa xét xử lưu động) để góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật trong quần chúng Nhân dân.

Một số hình ảnh về các phiên xét xử hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, nên trong thời gian qua, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đã lồng ghép để tuyên truyền từ khâu tiếp dân, khâu hòa giải, đặc biệt là trong xét xử lưu động, Tòa án Châu Thành đã đưa ra xét xử lưu động 41 vụ án trên 12 xã, một thị trấn. Qua các phiên tòa xét xử lưu động đã góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng trong Nhân dân, đồng thời cũng răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân ngày càng được nâng cao. Phối hợp với Công an, Viện kiểm sát tổ chức được 71 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần Cải cách tư pháp, 05 phiên tòa trực tuyến. Việc phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm giúp các Thẩm phán, Kiểm sát viên rút kinh nghiệm trong việc nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm vững quy định của pháp luật; đồng thời, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ xét xử, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Cải cách tư pháp và thông qua việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến góp phần tuyên truyền về chiến lược Cải cách tư pháp của Đảng, tăng cường ứng dụng công nghệ vào công tác nghiệp vụ của Ngành tư pháp, tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí xã hội, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu thế Quốc tế.

Mặt khác, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai thông qua các phiên tòa xét xử lưu động. Phiên toà lưu động tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo Nhân dân được tham dự, nên đã phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân, nâng cao ý thức chấp hành cho người dân, định hướng dư luận, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Để đảm bảo chất lượng các phiên tòa lưu động, Tòa án huyện đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng, các Ngành và chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc tổ chức phiên tòa lưu động, như: lựa chọn các vụ án để đưa ra xét xử lưu động, chọn địa điểm, thời gian xét xử, công tác bảo đảm trật tự trước, trong và sau phiên tòa. Đồng thời, tên vụ án, thời gian, địa điểm xét xử cũng được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhiều người dân biết và đến theo dõi phiên tòa. Các vụ án Toà án đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án điểm, có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, các vụ án rất nghiêm trọng được dư luận quan tâm, các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong Nhân dân như: Cố ý gây thương tích; Mua bán trái phép chất ma túy, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ... v.v. Mỗi phiên toà thu hút khoảng từ 100-500 người tham dự.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn được thực hiện thông qua hoạt động xét xử tại trụ sở, khâu tiếp dân và hoà giải. Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành Hồ Hoàng Huy Hùng: “Thời gian qua, Tòa án nhân dân huyện đã làm tốt công tác giải quyết và xét xử các loại án, để Tòa án nhân dân thực sự là cơ quan tư pháp vừa góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, vừa giữ vai trò quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua công tác giải quyết về xét xử các loại án. Một trong những vấn đề quan trọng luôn được quan tâm thực hiện là căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án, lồng ghép các văn bản pháp luật cần thiết, sát với tính chất của vụ án để phổ biến các buổi hòa giải và tại những phiên tòa. Bằng thủ tục trực tiếp, công khai, qua nghe ý kiến và đề xuất của các bên tham gia tố tụng, Tòa án tiến hành xác định sự thật khách quan của vụ án đồng thời ra các phán quyết giải quyết vụ án một cách đúng đắn, đầy đủ, khách quan và đúng pháp luật. Qua công tác giải quyết và xét xử các loại án đã tạo điều kiện thuận lợi để những người dân tiếp cận pháp luật; trang bị cho mọi người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để họ tự bảo vệ và tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật, từ đó giáo dục con em mình phải tuân theo pháp luật, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm trong cộng đồng dân cư”. 

 

Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành Hồ Hoàng Huy Hùng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong một phiên xét xử

Hơn nữa, hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ các phiên tòa lưu động, từ khâu tiếp dân, hòa giải xét xử tại trụ sở đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Việc tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa lưu động mang tính trực quan, sinh động, dễ tác động vào ý thức người dân và người tham dự phiên Tòa đối với những tòa lưu động. Địa điểm mở phiên tòa thường được tổ chức tại nơi xảy ra vụ án hoặc nơi bị cáo thường trú, tạm trú, nơi thuận tiện giao thông, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Các cán bộ được lãnh đạo phân công xét xử các phiên tòa lưu động căn cứ vào tính chất, nội dung vụ án để tập trung đối tượng cần được chú trọng tuyên truyền pháp luật, từ đó lựa chọn địa điểm xét xử phù hợp. Thời gian tổ chức công tác giải quyết và xét xử các loại án có tính chất phức tạp cũng là một vấn đề được quan tâm, vì thời gian xét xử phù hợp mới tập trung được đông đảo người dân đến tham dự phiên tòa, công tác tuyên truyền pháp luật mới phát huy được hiệu quả.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng các hình thức thông qua các phương tiện nghe nhìn, qua vận động xã hội các Đoàn thể, Mặt trận cách làm tuyên truyền pháp luật thông qua phiên toà lưu động được đánh giá cao, là dịp để người dân hiểu được những hành vi vi phạm phải bị trừng trị nghiêm khắc. Việc tuyên truyền, phổ biến lồng ghép này cũng nhằm góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân. Đồng thời, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm trong cộng đồng dân cư. Đa số những người tham gia phiên toà lưu động đều rút ra nhiều bài học, hiểu biết cặn kẽ về pháp luật để răn dạy con cháu, cũng như tác động trực tiếp đến thanh thiếu niên. Những bản án xử lý thích đáng thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong các phiên toà lưu động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật góp phần tích cực vào công tác tuyên tuyền giáo dục Nhân dân không vi phạm pháp luật, vì một xã hội ổn định, phồn vinh.

Nhìn chung, việc người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tốt sẽ có tác dụng tích cực trong việc nắm được đường lối, chính sách của pháp luật đối với các vụ án trong lĩnh vực dân sự, răn đe, phòng ngừa tội phạm đối với những vụ án hình sự, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giảm thiểu các vụ tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Như vậy, thông qua công tác giải quyết, xét xử các loại án, nhất là xét xử lưu động của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đã góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương, giúp cho người dân có thêm kiến thức về pháp luật, thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, để nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm; từ đó có niềm tin và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hoa Võ