Chương trình “Vui cùng lịch sử” giúp các em học sinh bước vào thế giới lịch sử một cách sống động và gần gũi

 

Lịch sử không chỉ là những mốc thời gian khô khan hay những sự kiện lặp đi lặp lại trong sách giáo khoa. Lịch sử là câu chuyện về một dân tộc, là ký ức hào hùng được gìn giữ và truyền lại qua từng thế hệ. Chương trình giáo dục “Vui cùng lịch sử” huyện Châu Thành năm 2025, cán bộ Trung tâm Văn hoá Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Thành đã hoá thân thành những người kể chuyện đầy tâm huyết, tìm tòi, sáng tạo để đưa học sinh bước vào thế giới lịch sử một cách sống động và gần gũi. 

Các em học sinh chính là tương lai của đất nước, là những người sẽ đưa đất nước phát triển đi lên trong thời đại mới. Để làm được điều đó, trước hết thế hệ trẻ cần hiểu biết về lịch sử dân tộc, những vị lãnh tụ vĩ đại, các di tích lịch sử để giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Những trang sử hào hùng của dân tộc đã ghi lại những chiến công hiển hách của cha ông ta. 

Là những người con sinh ra và lớn lên trên quê hương Bác Tôn thì các em càng phải hiểu về thân thế, sự nghiệp các mạng của Bác Hồ, Bác Tôn và các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Châu Thành. Hiểu biết về lịch sử dân tộc cũng giúp các em học sinh có thêm niềm tin, tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, từ đó có động lực để phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Để thể hiện trách nhiệm của mình đối với lịch sử dân tộc, các em cần tích cực học tập, tìm hiểu về lịch sử dân tộc thông qua sách báo, phim ảnh, các hoạt động tham quan, trải nghiệm... Đồng thời, các em cần tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử dân tộc cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngoài ra, các em học sinh cũng cần có ý thức gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử dân tộc bằng những hành động cụ thể như: tôn trọng, bảo vệ di sản văn hóa, tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử,..

 Chương trình giáo dục Vui cùng lịch sử huyện Châu Thành năm 2025 được tổ chức tại hai điểm trường là THCS Cần Đăng và THCS An Hoà nhằm tạo sân chơi bổ ích, vừa học vừa chơi, giúp các em học sinh có cơ hội được hiểu biết nhiều hơn về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các di tích trên địa bàn huyện. Qua đó, giáo dục các em tinh thần uống nước nhớ nguồn, yêu lịch sử quê hương, đặc biệt là lòng biết ơn đến với Bác hồ, Bác Tôn kính yêu. Chương trình diễn ra trong thời lượng là 90 phút nhưng đã thu hút gần 200 em học sinh tại mỗi điểm trường tham gia nhiệt tình vì chương trình lồng ghép, kết hợp các hoạt động vui chơi, mang tính giải trí, tạo không khí vui tươi, vừa học vừa chơi, có những phần thưởng hấp dẫn nên các em rất thích thú. Nội dung chương trình tương tự như trò chơi Rung chuông vàng nhưng về kiến thức thì liên quan đến lịch sử các cột mốc sự kiện lịch sử và các nhân vật lịch sử. 

Hiện nay, đa phần các em học sinh cảm thấy Lịch sử như một môn học thuộc lòng đơn thuần. Các em thường có suy nghĩ: chỉ cần ghi nhớ càng nhiều sự kiện, ngày tháng càng tốt, miễn sao trả lời đúng trong bài kiểm tra. Chính cách học này khiến môn Sử trở nên khô khan, nhàm chán, và học sinh dễ bị lẫn lộn giữa các sự kiện. Thông qua Chương trình giáo dục “Vui cùng lịch sử” giúp các em không còn cảm thấy học lịch sử khô khan và yêu thích nghiên cứu nhiều hơn môn lịch sử. Khi các em học sinh có cảm tình với lịch sử thì sẽ mở lòng, học với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái, việc ghi nhớ và hiểu bài sẽ trở nên tự nhiên hơn, không còn là áp lực. Chương trình vui cùng lịch sử áp dụng phương pháp trình chiếu Video Clip tư liệu lịch sử có lồng ghép hình ảnh, âm thanh và các hiệu ứng bắt mắt kèm theo giọng thuyết minh ngọt ngào, tình cảm giúp các em tập trung theo dõi, ghi nhớ sâu sắc và cảm thấy nhưng xem phim giải trí chứ không phải đọc những con chữ khó nhớ. Phương pháp truyền đạt nội dung này giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và hiệu quả.

Thông qua chương trình nhằm định hướng các em yêu thích học lịch sử và có ý thức, hành động đúng đắn đối với việc giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử dân tộc là vô cùng quan trọng. Học lịch sử là để hiểu những câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ, từ đó biết trân quý giá trị của hoà bình, độc lập tự do, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mình đối với lịch sử dân tộc, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ hoà bình, phát triển đất nước.

Trịnh Diễm