Châu Thành phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số 

 

Trong thời kỳ chuyển đổi số, văn hóa đọc vẫn luôn được huyện Châu Thành quan tâm bởi tính cấp thiết đối với sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung. Trong tương lai, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa và nguồn nhân lực, cụ thể là các công trình thư viện đưa văn hóa đọc trở thành nền tảng kết nối tri thức và ứng dụng tri thức trong các lĩnh vực của xã hội, nhất là xã hội số. 

Trưng bài và giới thiệu những quyển sách hay cho các em học sinh nhân ngày hội Văn hoá đọc năm 2025

Nằm trong xu hướng phát triển chung của các ngành, các lĩnh vực. Văn hóa đọc hiện nay chịu không ít ảnh hưởng sự tác động từ công nghệ số. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg: Phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Thư viện huyện Châu Thành tổ chức cho các em trường Tiểu học Cần Đăng giao lưu chơi trò chơi và trả lời câu hỏi xoay quanh thói quen đọc sách

Hoạt động vui chơi lòng ghép giáo dục thói quen đọc sách được các em học sinh hưởng ứng tích cực

Ngay sau khi các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai của Nhà nước ban hành, huyện Châu Thành đã nghiêm túc thực hiện, xây dựng các Kế hoạch triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện, cụ thể: thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện; chuyển đổi số ngành thư viện trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Châu Thành được đánh giá là một trong những huyện đi đầu về công tác phát triển văn hóa đọc. Theo thống kê, 100% các trường học trên địa bàn huyện đều có thư viện, 80% các nhà văn hóa xã có tủ sách. Hằng năm, thư viện huyện luân chuyển, trao tặng cho hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học từ 5.000 bản sách trở lên. Bên cạnh đó, thư viện huyện chú trọng việc quảng bá, giới thiệu và hướng dẫn mọi đối tượng, tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện sử dụng trang thư viện số nhằm giúp bạn đọc tiếp cận hơn 50.000 tài liệu với đa dạng các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị… Công tác phát triển tài liệu số cũng được Thư viện huyện chú trọng triển khai, đến nay, đã bổ sung khoảng hơn 30.000 trang tài liệu số hóa. Thư viện huyện hướng tới nhiều mô hình đổi mới như: cung cấp tài liệu đọc tại chỗ và cho mượn về nhà; tra cứu và cung cấp thông tin; khai thác tài liệu đa phương tiện; dịch vụ triển lãm sách; dịch vụ hỏi đáp, đăng ký thẻ trực tuyến; dịch vụ tư vấn, tổ chức thư viện. Trung bình mỗi năm phục vụ trên 80.000 lượt bạn đọc và khách tham quan, hơn 5.000 lượt sách, báo luân chuyển. Hỗ trợ sách, báo và nghiệp vụ tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đặc biệt định hướng cho các thư viện cơ sở đẩy mạnh hoạt động thư viện gắn với phong trào xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

 Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành tổ chức các hoạt động, các cuộc thi, sự kiện nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, như: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam huyện Châu Thành năm 2025; Hội thi Thiếu nhi kể chuyện theo sách lần thứ XXI chủ đề “Những trang sách em yêu” huyện Châu Thành năm 2025; Chương trình giáo dục “Vui cùng lịch sử huyện Châu Thành năm 2025”, Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời… tổ chức thường xuyên, đồng thời các hoạt động trưng bày, triển lãm trực tiếp và trực tuyến nhằm phục vụ bạn đọc. Chú trọng thực hiện các hoạt động thư viện theo hướng hiện đại hóa, tạo lập các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến, phục vụ bạn đọc trên môi trường số. Dịch vụ đăng ký thẻ bạn đọc trực tuyến đã hỗ trợ đăng ký cho hơn 250 bạn đọc từ xa; dịch vụ hỗ trợ, tư vấn phục vụ 24/24h thông qua Fanpage của thư viện. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, Website, Fanpage Thư viện; Kênh Youtube. Thư viện thường xuyên tổ chức các cuộc thi trực tuyến nhằm thu hút đông đảo bạn đọc tham gia. Thực hiện các cuộc Triển lãm, giới thiệu sách trực tuyến phục vụ bạn đọc trên môi trường số….

Động viên các em trả lời đúng câu hỏi là những phần quà

Trong thời kỳ chuyển đổi số, Thư viện huyện Châu Thành cần phải cập nhật, nâng cấp các phần mềm quản trị tài liệu số hiện đại, các cơ sở vật chất kỹ thuật có tính năng phù hợp để giúp cho việc tiếp cận thông tin của người sử dụng trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Từ đó sẽ thu hút được bạn đọc đến với thư viện. Tuy nhiên, vẫn cần phải giữ được sự phát triển song song đối với thư viện truyền thống. Điều đó cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự phối hợp của các cơ quan chức năng. Có thể khẳng định, văn hóa đọc là nền tảng, yếu tố tất yếu để phát triển của toàn nhân loại. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, môi trường số đang tác động đến mọi lĩnh vực của xã hội. Đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải chú trọng việc chấn hưng và phát triển văn hóa đọc.

Trịnh Diễm