Chiều ngày 29-10-2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang phối hợp Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ - Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia và Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Phương Nam tổ chức Hội thảo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Sumitri và kết hợp phân hữu cơ Growel M+ trong vụ Thu Đông năm 2024 tại xã Vĩnh Nhuận. Tham dự Hội thảo có bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang; Ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng Phòng Trồng trọt Bảo vệ Thực vật, Chi cục Trồng trọt Bảo vệ Thực vật tỉnh An Giang; Cùng 100 nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành.

Bà Phạm Thị Như, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành báo cáo kết quả thực hiện mô hình.
Đầu vụ Thu Đông năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang phối hợp với Văn phòng Thường trực tại Nam bộ - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Phương Nam thực hiện mô hình trình diễn xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Sumitri và kết hợp phân hữu cơ Growel M+ trên 5 héc-ta lúa hộ ông Hồ Văn Be, ấp Vĩnh Hiệp 1, xã Vĩnh Nhuận, với giống lúa VNR 98, mật độ 60kg/1héc-ta. Trong đó, chọn 2 héc-ta sử dụng chế phẩm Sumitri + phân bón hóa học và 3 héc-ta sử dụng phân hữu cơ BM+ phân bón hóa học. Dự kiến ngày 06/11/2024 thu hoạch.

Tham quan thực tế mô hình
Tại Hội thảo, bà con nông dân được tham quan thực tế mô hình. Trình diễn mô hình cho thấy, ruộng xử lý chế phẩm Sumitri và phân BM đã giúp vi sinh vật phân hủy tốt lượng rơm rạ. Đặc biệt, giai đoạn 35 ngày sau xử lý chế phẩm Sumitri và bón lót phân BM lượng rơm rạ đã được phân hủy 90 đến 100%. Mặt ruộng có nhiều vi sinh, đất mùn mịn, từ đó giúp giảm 25 đến 32% lượng phân hóa học so với ruộng đối chứng.

Nông dân tham gia thảo luận về ứng dụng mô hình
Hội thảo là dịp tuyên truyền cho nông dân thay đổi tập quán trong đốt rơm rạ sau mỗi vụ và xử lý rơm rạ đúng cách, đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường vùng nông thôn.
Kim Xoàng