Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (KSND), đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước XHCN Việt Nam. Cùng với sự ra đời của ngành KSND, Viện KSND huyện Châu Thành ra đời và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Viện KSND tỉnh An Giang, Huyện ủy Châu Thành, sự giám sát của Hội đồng nhân dân huyện và sự phối hợp, hỗ trợ của UBND huyện Châu Thành, các ngành, các cấp cũng như sự ủng hộ của Nhân dân, Viện KSND huyện đã vượt qua những khó khăn, thử thách, không ngừng phấn đấu, trưởng thành, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo các quyền dân chủ của Nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển quê hương, đất nước.

Thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra Chiến lược Cải cách tư pháp nhằm “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Ngành KSND tiếp tục được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Luật Tổ chức VKSND sửa đổi được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24-11-2014 đã tiếp tục khẳng định chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIII đã thông qua 7 đạo luật mới về tư pháp. Các đạo luật này, cùng với Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã tiếp tục khẳng định chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND, đồng thời có nhiều quy định mới đáp ứng yêu cầu để Viện KSND thực hiện tốt chức năng Hiến định, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát. Vị thế, vai trò của ngành KSND tiếp tục được khẳng định, tăng cường.


Trên cơ sở đó, Viện KSND huyện đã đổi mới, giữ vững kỷ luật, đoàn kết, chủ động đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả: công tác kiểm sát hoạt động tư pháp ngày càng được nâng lên và đạt hiệu quả chất lượng. Thực hành quyền công tố hàng nghìn vụ án hình sự, dân sự không để xảy ra oan sai. Thông qua công tác kiểm sát đã ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị đối với các cơ quan liên quan và hữu quan, nhằm khắc phục vi phạm và bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước và công dân. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết nhiều đơn thư, khiếu nại tố cáo đặc biệt liên quan đến các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện như: giải phóng đất đai tuyến đường cao tốc đoạn qua huyện Châu Thành,…góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị địa phương.
Trong năm, hướng ứng Kế hoạch phát động phong trào thi đua năm 2024 của VKSND tỉnh An Giang, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt 07 phong trào thi đua, gồm: Phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển - xã hội hằng năm và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Phong trào ngành Kiểm sát nhân dân thi đua rèn luyện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh - Chính trực - Khách quan - Thận trọng - Khiêm tốn" gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025; Phong trào thi đua thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 - 2025; Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Phong trào thi đua cả nước thi đua học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời 2023 - 2030; Phong trào thi đua chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân. Qua triển khai thực hiện các phong trào thi đua, công chức, người lao động tại đơn vị đã nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của bản thân, nâng cao vai trò, bản lĩnh, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có nhiều đóng góp phong các công tác an sinh xã hội, xây dựng Nông thôn mới, xây dựng xã hội học tập... trên địa bàn huyện. Những thành quả trên đã góp phần ngày càng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành KSND Việt Nam, đó là: “Truyền thống nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ Nhân dân” như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2015.



Năm 2024, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã thụ lý 199 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đã xử lý, giải quyết 190, đang giải quyết 09 tố giác, tin báo. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự trong giai đoạn khởi tố, điều tra 107 vụ/165 bị can. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự 124 vụ/176 bị cáo. Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự 72 người, trong đó giữ người trong trường hợp khẩn cấp 23, bắt quả tang 43, bắt truy nã 01, đầu thú 05; kiểm sát việc tạm giam 130 người. Công tác kiểm sát thi hành án hình sự phạt tù có thời hạn 112 người, thi hành án treo, cải tạo không giam giữ 55 người. Công tác kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình thụ lý kiểm sát việc giải quyết 1.834 vụ, việc... Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo 53 đơn, trong đó có 10 đơn thuộc trách nhiệm kiểm soát việc giải quyết, đã phân loại xử lý. Việc tiếp nhận, xử lý, thụ lý giải quyết đơn khiếu nại tố cáo liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân được thực hiện theo đúng Quy chế số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cũng trong năm 2024, chấp hành nghiêm sự giám sát của Hội đồng nhân dân huyện, định kỳ 6 tháng, 1 năm, đơn vị đều báo cáo đầy đủ, kịp thời tình hình chấp hành pháp luật tại địa phương, kết quả hoạt động công tác kiểm sát trước các kỳ họp HĐND và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND huyện. Thực hiện mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện trong công tác kiểm sát, nhất là công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, công tác tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đơn vị đã thực hiện tốt các quy chế phối hợp liên ngành cấp tỉnh giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong giải quyết án; Quy chế phối hợp với Cơ quan điều tra trong công tác giải quyết nguồn tin về tội phạm xác định án trọng điểm, việc có tính chất phức tạp, được dư luận quan tâm, để đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, trong thời gian tới, Viện KSND huyện Châu Thành tiếp tục phát huy truyền thống, quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực tư pháp. Tập trung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm sát viên; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kế hoạch số 179/KH-VKSTC-V9 ngày 8-3-2012 của VKSND tối cao về việc triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; rèn luyện 5 đức tính của người cán bộ kiểm sát theo lời dạy của Bác Hồ: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới ngày càng cao, mỗi cán bộ, công chức, người lao động Viện KSND huyện tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để xây dựng ngành KSND ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ pháp luật trong tình hình mới, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Hoa Võ