Di Tích Lịch Sử Văn Hóa

Đình thần Bình Phú di tích lịch sử cách mạng
Di tích lịch sử cách mạng đình Bình Phú, trước kia thôn Bình Phú, tổng Định Thành Hạ, tỉnh Long Xuyên. Năm 1919, do điều chỉnh địa giới hành chính, thôn Bình Phú thuộc xã Bình Hòa, tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh An Giang. Nay đình Bình Phú thuộc ấp Bình Phú I, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Đình cách trung tâm hành chính huyện Châu Thành khoảng 04km. Từ thị trấn An Châu, theo Quốc lộ 91 hướng đi Châu Đốc, đến chân cầu Mương Trâu, rẽ phải đến bờ Nam sông Hậu khoảng 800m là đến khu vực di tích.
Responsive image

Bộ cổng và ngôi đình thần Bình Phú

Theo lời kể của ông Trần Văn Sóc và các bậc cao niên tại địa phương, vào khoảng năm 1882, Hương sư Mai Văn Lập, người thôn Bình Phú vận động dân làng đóng góp công sức, tiền của xây dựng ngôi đình trên phần đất ông Cả Võ (Lê Quan Võ) hiến tặng, hiện đình Bình Phú còn lưu giữ tờ giao quyền sử dụng đất cho Ban Quý tế đình thần Bình Phú do con cháu ông cả Lê Quan Võ viết ngày 28 tháng 10 năm 1939. Cũng như bao nhiêu ngôi thờ khác, khởi thủy đình Bình Phú được xây cất bằng vật liệu gỗ tạp, mái tranh vách lá, nền đất đơn sơ. Năm 1942, kính phục, tri ân người có tinh thần yêu nước, xả thân vì đại nghĩa của ông Thái Văn Huấn, hương cả Võ Văn Sử cùng một số dân làng Bình Phú đến gia đình ông Thái Văn Huấn thỉnh sắc phong Thần Thái Văn Huấn về thờ tại đình thần Bình Phú. Cảm kích và ngưỡng mộ nghĩa khí ông Thái Văn Huấn, liều mình đánh Pháp bảo vệ chủ quyền dân tộc, nhân dân thôn Bình Phú và các vùng lân cận đến cúng bái ông ngày càng đông.

Giữa năm 1946, hương sư Mai Văn Lập cùng Hương chức Hội tề làng Bình Phú, đứng ra vận động dân làng đồng tâm hợp lực sửa chữa lại ngôi đình. Lần sửa chữa này, đình thần Bình Phú có bộ khung sườn bằng gỗ, mái nhị cấp, vách gạch xây hợp chất hồ vôi ô dước. Năm 1970, ảnh hưởng chiến tranh, thời gian, đình xuống cấp nặng (chính điện đình gần như bị phá hủy), Ông Võ Quang Tường (Bảy Từ) cùng chính quyền xã Bình Phú cung cấp vật liệu xây dựng và vận động dân làng xây dựng mới ngôi đình, ổn định đến ngày hôm nay.

Đình tọa lạc ở thế đất đẹp, chính diện đình nhìn ra bờ Nam sông Hậu hứng ngọn gió mát quanh năm, bến đình là hàng cây cổ thụ (cây sao, dầu) thân cao to có chu vi khoảng 3m, ước độ gần 200 năm tuổi, là chứng tích của thời kỳ khởi lập đình. Vì thế mà không gian ở đây xanh mát, thoáng đãng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Nhằm gìn giữ hàng cây cổ thụ, Ban Quản trị đình Bình Phú đã ý thức xây bờ kè bảo vệ, vừa chống nước xoáy lở, vừa làm tăng thêm cảnh sắc thiên nhiên của ngôi thờ.

Đình thần Bình Phú có khuôn viên rộng 4.600m2, diện tích xây dựng 1.236m2 . Bao bọc xung quanh khuôn viên đình là hệ thống tường rào kiên cố, vững chắc, trụ bê tông vuông, dưới gạch xây, trên gắn chấn song. Chính giữa trước sân là bức bình phong, hai bên bình phong gắn kỳ lân, mặt trước bình phong đắp phù điêu điểu hoa, mặt hậu là bệ thờ Thần nông, hai bên sân là miếu thờ Chúa xứ và Sơn quân.

Đình Bình Phú xây dựng theo kiểu chữ Tam (三), mái lợp fibrociment, võ ca 2 bộ nóc, chính điện nóc cổ lầu, mái tam cấp, bờ nóc chính điện trang trí bộ tượng lưỡng long triều dương. Chính giữa tiền đình trang trí bức vẽ long mã phụ hà đồ, trong vòng tròn,bên trên đắp nổi 4 Hán tự màu đỏ, 2 bên Hán tự trang trí song long, vân mây. Xung quanh mặt dựng gắn các khuôn thông gió, cửa sổ, hình chữ nhật, hình tròn vừa trang trí mảng vách chính diện vừa tạo ánh sáng và thông thoáng cho võ ca đình.

Responsive image

Ba cửa chính dẫn vào chính điện đình thần Bình Phú

Đình Bình Phú kết cấu theo kiểu kiến trúc cổ truyền đình làng Nam bộ xưa: 3 gian, 2 chái, tạo không gian nội thất rộng rãi, thông thoáng. Hệ thống kết cấu bộ khung sườn cột, vì kèo,… đều bằng bê tông, cốt thép, nền võ ca, võ quy lót gạch màu trắng, đỏ (20x20), chính điện lót gạch men màu vàng (30x30). Võ ca, võ quy cột vuông, thân cột đắp nổi liễn đối, Hán tự vàng trên nền đỏ. Mảng vách 2 bên võ ca và võ quy không xây kín, mà lắp chấn song xi măng, cùng các khuôn thông gió nhằm tạo ánh sáng tự nhiên và thoáng mát cho nội thất ngôi thờ. Võ ca, có sân khấu xây kiên cố, nơi xây chầu, hát bội trình thần và phục vụ nhân dân trong dịp lễ Kỳ yên. Nối chính điện và võ ca là võ quy (phủ quy, nhà chầu), nơi các chức sắc chầu lễ, cầm chầu (khi hát bội) hoặc hội họp, 2 bên võ quy có 2 bộ cửa ra vào.

Chính điện là khu vực trung tâm có vai trò quan trọng trong toàn bộ không gian kiến trúc của ngôi thờ. Khu vực chính điện ngăn cách với bên ngoài bởi 3 bộ cửa sắt kéo, bên trên từng bộ cửa đắp biển (dạng hoành phi), mỗi biển có 4 Hán tự vàng trên nền đỏ. Nền chính điện cao hơn võ ca và võ quy 10cm, thể hiện sự tôn kính và ngưỡng vọng đối với vị Thần được thờ. Chính điện cột bê tông tròn, thân cột đắp câu liễn ốp cột, chữ khắc chìm màu vàng, nền đỏ. Bộ tứ trụ chính điện cao và to hơn các cột khác, đôi trụ phía trước vẽ rồng, mây uốn lượn trên thân cột, bên trên, nối liền đôi trụ này là bộ bao lam chạm lộng tứ linh, điểu hoa, hồ điệp, lựu, triền chi sắc màu rực rỡ. Các bàn thờ được sắp xếp theo thứ bậc chức sắc xã hội thời phong kiến.

Responsive image

Bệ thờ thần nơi chính điện đình Bình Phú

Trung tâm chính điện, đặt ngôi thờ Thần. Đình Bình Phú tôn thờ thần Thái Văn Huấn. Tương truyền, ông Thái Văn Huấn là người Chợ Voi thuộc vùng Bảy Núi, là người yêu nước, làm quan đến chức Tuần phủ dưới thời vua Tự Đức. Năm 1867, thực dân Pháp đánh chiếm toàn bộ Nam Kỳ, ông chỉ huy một toán quân ngoan cường chiến đấu với Hải quân Pháp tại trận địa Mỹ Tho, do thế trận không cân sức, ông bị thương và mất, được gia đình an táng tại làng Mỹ Đức (phần mộ ông Thái Văn Huấn hiện còn tại xã Mỹ Đức). Bệ thờ thần xây cao rộng, ba cấp, cấp trên cùng trang trọng đặt khánh thờ Thần bằng gỗ, trong cùng đắp nổi đại tự Thần thếp vàng trên nền son đỏ thắm, khánh thờ chạm lộng, chạm nổi tinh tế các đề tài truyền thống: lưỡng long triều dương, tứ linh, điểu hoa, dây lá,… sơn son thếp vàng lấp lánh, làm tăng nét uy nghiêm, thẩm mỹ nội thất ngôi thờ. Phía dưới hai bên bệ thờ Thần là đôi hạc đứng lưng quy.

Hai bên ngôi thờ Thần là bệ thờ Tả ban và Hữu ban. Khánh thờ Tả, Hữu ban chạm khắc tứ linh, điểu hoa, dây leo. Đối diện với ngôi thờ Thần là bệ thờ Hội đồng, dưới 2 bên bệ thờ đặt bộ lỗ bộ cán gỗ, lưỡi kim loại. Chính giữa ngoài cùng trang trọng đặt bàn thờ Bác Hồ. Mảng vách bên trái (trong nhìn ra) là các nghi thờ Bạch Mã, Tiền, Hậu hiền, Tiền linh Hương chức, bên phải là các nghi thờ Thái giám, Tiền linh Binh linh, chiến sĩ trận vong. Hầu hết các bệ thờ, nghi thờ đều bằng bê tông ốp gạch men màu trắng. Vách hậu chính điện thờ Cửu huyền Thất tổ. Cặp bên trái chính điện là nhà khách, mái lợp tol, khung thép tiền chế, cột bê tông, vách bên trong nhà khách đặt khánh thờ Tiên sư.

Hằng năm, đình Bình Phú có nhiều ngày lễ cúng, trong đó có 3 lễ trọng:
Giỗ Thần: 15,16/8 âm lịch
Lễ Kỳ yên: 15, 16, 17/4 âm lịch
Lễ lạp (chạp) miễu: ngày 16/12 âm lịch

Tín ngưỡng và lễ hội ở đình luôn được gìn giữ, tiếp nối truyền lưu từ đời này qua đời khác, thể hiện khát vọng của nhân dân về một cuộc sống bình yên, no ấm. Vào ngày lễ hội cúng đình, trên khắp các nẻo đường quê rợp bóng cờ ngũ sắc tung bay, chiêng trống liên hồi, lòng người khắp nơi náo nức cùng hướng về không gian thiêng liêng. Các lễ hội được tổ chức trang trọng chu đáo, đúng theo nghi thức cổ truyền dân tộc, thu hút đông đảo bà con địa phương và vùng lân cận đến dự lễ chiêm bái linh Thần, trước hết để tỏ lòng tôn kính và biết ơn các vị phúc thần và các bậc tiền nhân có công khai phá, mở làng để lại cơ nghiệp cho con cháu, sau là cầu Quốc thới dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bên cạnh phần lễ, phần hội hết sức hào hứng, náo nhiệt, là phần không thể thiếu và đông vui nhất của lễ hội cúng đình, với các trò chơi truyền thống dân gian: Đua thuyền, chạy việt dã, kéo co,… thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, gắn kết cộng đồng làng xã. Góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa làng xã, bảo tồn, phát huy những vốn quý của di sản văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo được sân chơi cho đông đảo dân làng trong mỗi kỳ lễ hội, đồng thời tạo được điểm tham quan, vui chơi giải trí cho khách du lịch.

Nối tiếp truyền thống yêu nước của cha ông, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bình Phú một lòng theo Đảng, tham gia cách mạng, gầy dựng cơ sở nuôi chứa, đùm bọc cán bộ hoạt động cách mạng. Vì vậy, phong trào cách mạng địa phương không ngừng phát triển, góp phần cùng cả nước đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Một trong những cơ sở đó có đình Bình Phú.

Năm 1940, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, dưới sự lãnh đạo của liên Tỉnh ủy Long Xuyên, nhân dân xã Bình Phú nổi dậy phá lộ, phá cầu Mặc Cần Dưng và treo cờ Đảng ở vàm rạch Mặc Cần Dưng. Năm 1944, đồng chí Bùi Phú Xương từ tỉnh lỵ Long Xuyên được phân công đến xã Bình Hòa móc nối liên lạc với các đồng chí tại chỗ để hoạt động như đồng chí: Trương Minh Thế, Huỳnh Văn Dự, Võ Quang Tích, Phan Văn Hoành (Tám Hoành), Võ Phước Từ… và chi bộ Bình Hòa - chi bộ đầu tiên của Châu Thành được thành lập gồm các đồng chí: Trương Minh Thế (Bí thư), Huỳnh Văn Dự (Phó Bí thư), Phan Văn Hoành, Võ Quang Tích, Nguyễn Văn Kiệm, Nguyễn Văn Dũng (Tám Thạnh), văn phòng làm việc tại nhà đồng chí Huỳnh Văn Dự. Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện hình thành có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chi bộ đã trực tiếp đưa đường lối chủ trương của Đảng thâm nhập vào các tầng lớp nhân dân và lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi quyền lợi, chống áp bức, khủng bố. Các đồng chí đảng viên được phân công bám dân, từng bước xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng ra khắp địa bàn huyện. Cũng trong thời gian này đồng chí Nguyễn Minh Chưởng (Ba Đạo ở cồn Bà Hòa) từ Côn Đảo vượt ngục về trú ẩn nhà đồng chí Nguyễn Văn Dũng (ấp Bình Phú). Đồng chí hoạt động công khai bằng hình thức dạy học và đình Bình Phú được chọn làm nơi dạy học, qua đó bắt liên lạc với các đồng chí ở địa phương và tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản cho những quần chúng tiến bộ, tích cực, phát triển tổ chức cơ sở Đảng.

Năm 1945, nhận được Chỉ thị tổng khởi nghĩa, đồng chí Bùi Phú Xương (đặc phái viên của Tỉnh ủy Long Xuyên) chịu trách nhiệm liên hệ với Đảng bộ Châu Thành - Long Xuyên để chuẩn bị giành chính quyền, đồng chí đến Bình Hòa tổ chức cuộc họp ở đình Bình Phú cùng các đồng chí: Trương Minh Thế, Võ Quan Tích, Nguyễn Thị Chắn, Tám Tích, Năm Đại,… phân công nhau vận động nhân dân kéo về tỉnh lỵ Long Xuyên mít tinh giành chính quyền tỉnh. Sáng sớm ngày 25-8-1945, đoàn diễu hành Châu Thành gồm nhân dân các xã: Bình Hòa, Bình Thủy, Hòa Bình Thạnh, Cần Đăng và các tín đồ tôn giáo do đồng chí Tý lãnh đạo, với băng cờ, khẩu hiệu rầm rộ, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi hướng về quảng trường lễ đài trước nhà việc Mỹ Phước (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên) để dự mít tinh mừng ngày chính quyền Cách mạng về tay nhân dân.

Tháng 11/1945, tại đình Bình Phú, chính quyền cách mạng phát động “Tuần lễ vàng” được nhân dân nhiệt tình ủng hộ đóng góp nhiều tài sản, tiền của cho cách mạng.

Ngày 6/1/1946, đình Bình Phú được bố trí là nơi đặt thùng phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Địa điểm bỏ phiếu có lực lượng thanh niên canh gác, bảo vệ. Nhân dân xã Bình Hòa phấn khởi nô nức đi bầu vì lần đầu tiên thực hiện quyền công dân.
Giữa 1946, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy phân công cán bộ về các xã hỗ trợ xây dựng lực lượng vũ trang, phát động chiến tranh du kích, hoạt động trừ gian diệt tề, gây thanh thế cho cách mạng. Đồng chí Đoàn Phi Hùng, cán bộ khu 9, tổ chức Ban sát gian, trú đóng tại ấp Bình Phú, liên lạc với các đồng chí tại chỗ hoạt động. Phong trào trừ gian diệt tề được dấy lên mạnh mẽ trong quần chúng. Ta bắt và xử tử tên Quý điểm chỉ viên của Pháp, làm cho bọn tề gian lo sợ, quần chúng phấn khởi tin tưởng cách mạng.

Năm 1949, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, xã Bình Hòa đẩy mạnh các hoạt động võ trang tuyên truyền, phát triển lực lượng du kích xã, xây dựng thêm 3 tổ du kích mật, mỗi tổ từ 3 đến 5 đồng chí do đồng chí Trương Văn Du làm liên tổ trưởng. Các tổ du kích hoạt động ở khu vực đình Bình Phú, ngọn Mương Trâu, chùa Tân An. Tổ du kích mật ấp Bình Phú do đồng chí Trương Văn Du chỉ huy, bám trụ đình Bình Phú tổ chức thực hiện các công tác trừ gian diệt tề, phục kích, đánh phá đồn bót, tiêu hao nhiều sinh lực địch, làm thất bại nhiều cuộc hành quân càn quét của địch.
Đầu năm 1972, đồng chí Nguyễn Thị Tiến (Ba Tiến), cán bộ Đoàn thanh niên tỉnh An Giang, được phân công về huyện Châu Thành. Sau đó, đồng chí nhận nhiệm vụ bám xã Bình Hòa hoạt động móc nối gây dựng cơ sở, tổ chức.

Đồng chí Ba Tiến đến gặp chị Hồ Thị Oanh (Bảy Ây) ấp Phú An, Ông Võ Văn Tường (Bảy Từ) và sang cồn Bình Thạnh liên hệ ông Tư Bia là người kháng chiến cũ để nắm tình hình xã. Ông Bảy Từ chuẩn bị chỗ trú ẩn cho đồng chí Ba Tiến ở đình Bình Phú khi gặp tình huống xấu.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đình tiếp tục là cơ sở trú đóng vững chắc của cán bộ cách mạng. Nơi chính điện thờ thần, phía sau vách chính điện là nơi cán bộ huyện, xã tổ chức nhiều cuộc hội họp bí mật, lãnh đạo các phong trào đấu tranh hợp pháp, bí mật, gầy dựng cơ sở cách mạng ở địa phương và một số xã quanh vùng. Trên la-phông cổ lầu được ngụy trang vách 2 ngăn (vách đôi) là nơi bố trí các cán bộ cách mạng ẩn náo an toàn khi có động và là “kho” cất giấu vũ khí, tài liệu,… Trên máng xối của đình (tiếp giáp chính điện với nhà khói) là nơi thanh niên địa phương trốn quân dịch.

Địch xác định ấp Bình Phú, xã Bình Hòa là vùng có nhiều “ảnh hưởng Việt cộng” nên thường xuyên đánh phá cơ sở. Chi bộ xã Bình Hòa tổ chức cuộc họp tại nhà đồng chí Huỳnh Văn Dự triển khai chỉ đạo của Huyện ủy, kêu gọi nhân dân trong xã bám đất giữ làng, phát huy tốt truyền thống yêu nước, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, vận động bà con đấu tranh chống bắt bớ, nổi bật là phong trào chống bắt lính, đôn quân. Chi bộ xã xây dựng nhiều cơ sở cách mạng, quần chúng nồng cốt ở ấp Bình Phú, tạo lực lượng cho phong trào lớn mạnh. Xây dựng căn cứ lõm của huyện, xã tại ấp Bình Phú. Đội vũ trang công tác của huyện thường xuyên về Bình Hòa, trú đóng đình Bình Phú tuyên truyền xây dựng niềm tin trong nhân dân, chuẩn bị cơ sở cách mạng. Các đồng chí Năm Dự, Tám Hoành,.. trú đóng đình Bình Phú phát động các phong trào trừ gian diệt ác, phá đồn, phá cầu đường, kêu gọi binh lính bỏ ngũ, không đi lính cho giặc.

Hưởng ứng chiến dịch Hồ Chí Minh, chi bộ xã Bình Hòa tập trung củng cố xây dựng cơ sở, đẩy mạnh các phong trào đấu tranh chính trị, binh vận và quân sự, tạo khí thế đấu tranh mạnh mẽ, ngăn chặn có hiệu quả các đợt hành quân lấn chiếm của địch, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của địch, buộc kẻ thù từng bước phải xuống thang chiến tranh, góp phần tích cực cùng quân dân Châu Thành tự vùng lên giải phóng hoàn toàn huyện bằng chính thực lực của mình vào ngày 02/5/1975.

Ảnh hưởng chiến tranh, đình tuy không còn mang nét cổ xưa, song lịch sử hình thành và phát triển đình gắn liền với quá trình khai phá vùng đất mới nguyên sơ, quá trình định cư lập nghiệp của dân làng Bình phú xưa và là công trình văn hóa gắn liền với phong tục tập quán, đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân Bình Phú nói riêng và cả vùng nói chung. Mặt khác, trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, đình là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu ở địa phương, nơi bám trụ của cán bộ cách mạng huyện, xã, lãnh chỉ đạo các phong trào cách mạng; nơi tổ chức các cuộc họp mật của cán bộ, đảng viên triển khai nhiệm vụ; nơi cất giấu vũ khí, đạn dược, tài liệu; nơi tập hợp nhân dân tuyên truyền đường lối cách mạng, phát động các phong trào đấu tranh góp công sức đáng kể trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Trải qua bao thăng trầm, đình Bình Phú vẫn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, từ mái lá đơn sơ ban đầu, cho đến cột đúc vách xây, mái tol, kể cả lúc bị đạn bom chiến tranh tàn phá thì ngôi đình vẫn vững chãi, vẫn vẹn nguyên giá trị về tấm lòng ngưỡng kính, là biểu tượng thiêng liêng và là niềm tự hào của người dân vùng đất Bình Phú.

Hiện nay, đình Bình Phú được Ban Quản lý di tích bảo quản khá tốt, các hình thức lễ hội vẫn được duy trì, bảo lưu để những lễ hội cổ truyền tỏa sáng những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp và cứ đều đặn hằng năm, vào những ngày trăng rằm tháng tư, đình lại tưng bừng tổ chức lễ hội Kỳ yên, làm phong phú thêm những giá trị tinh thần cao quí, thắt chặt, thắm đượm thêm tình làng nghĩa xóm, cùng đoàn kết ra sức phấn đấu xây dựng gia đình, quê hương ngày càng tốt đẹp hơn. Từ những giá trị lịch sử chứa đựng, Đình Bình Phú được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng theo Quyết định số: 1252/QĐ-CT.UB ngày 21/5/2002./.

Ban biên soạn kỷ yếu di tích lịch sử - văn hóa huyện