Huyện Châu Thành

UBND xã Vĩnh Thành

  • Ông: Đoàn Đức Dịnh

    CT. UBND xã

    Điện thoại: 0902811776

    Email:

  • Ông: La Thị Lan Thanh

    CC. Văn phòng thống kê

    Điện thoại: 0971144268

    Email: vinhthanh@angiang.gov.vn

Tổ Chức Bộ Máy Hành Chính

Giới thiệu sơ lược xã

09/11/2020

LỜI NÓI ĐẦU

 Sau khi xác lập chủ quyền vùng đất Nam Bộ, triều đình nhà Nguyễn thực hiện chính sách khuyến khích, chiêu mộ dân binh đến vùng đất này khai hoang lập thôn, làng từ những thập niên nửa đầu thế kỷ XIX. Năm 1832, tỉnh An Giang được thành lập, thôn Thâm Trạch được hình thành, xây dựng và phát triển qua từng giai đoạn lịch sử của dân tộc và hầu hết phần đất của thôn Thâm Trạch xưa1, ngày nay có tên gọi là xã Vĩnh Thành.

Thôn Thâm Trạch xưa là vùng đất hoang vu, sình lầy, đầy cỏ dại, nước phèn, dân cư thưa thớt. Trong quá trình khai hoang, lập thôn, lập làng, nhân dân thôn Thâm Trạch xưa, người mới đến đây định cư lập nghiệp cũng như người dân bản địa sớm đoàn kết yêu thương, đùm bọc giúp nhau cải tạo tự nhiên, chống bọn địa chủ áp bức, bóc lột và chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, giữ gìn từng tất đất của cha, ông bao đời khai phá.

 Khi còn là vùng đất và thành phần dân cư của xã Vĩnh Trạch, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân xã Vĩnh Trạch, trong đó có nhân dân xã Vĩnh Thành ngày nay đã đồng hành cùng với dân tộc chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bám đất, giữ làng, không ngại hy sinh xương máu, của cải đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, thống nhất nước nhà.

Sau ngày ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/04/1975), nước nhà thống nhất, để bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc, xã đã vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, huy động lương thực, góp phần cùng nhân dân An Giang chiến đấu đánh thắng quân Khmer đỏ do tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêngxary cầm đầu.

Năm 1979, thực hiện chủ trương của Chính phủ tách một phần đất và dân cư xã Vĩnh Trạch và Vĩnh Nhuận để thành lập xã mới – xã Vĩnh Thành, qua 36 năm xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội(1979 – 2015), nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986) đến nay, Đảng bộ xã Vĩnh Thành đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, cùng nhau chung sức, chung lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, đẩy mạnh phát triển sản xuất, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Tự hào với truyền thống khai hoang, mở đất, góp phần đấu tranh giữ nước và xây dựng quê hương của Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Thành; thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành, Đảng ủy xã Vĩnh Thành tiến hành sưu tầm tư liệu và biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thành 1979 - 2015 để ghi lại thành tích chiến đấu vẻ vang của quân dân xã, tôn vinh những đồng chí, đồng bào đã hy sinh, những thương binh, liệt sĩ, những người có công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; ghi lại thành tích của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thành trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu biết về lịch sử đấu tranh và xây dựng quê hương của nhân dân, đồng thời giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chăm lo tốt các gia đình chính sách, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, tích cực phấn đấu xây dựng xã nhà ngày càng giàu đẹp.

Nội dung bố cục cuốn lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thành 1979 – 2015, gồm 3 Chương:

Chương I: Vĩnh Thành – Vùng đất và con người.

Chương II:Vĩnh Thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược(1945 – 1975).

Chương III: Vĩnh Thành 36 năm xây dựng và phát triển (1979 – 2015).

Chúng tôi chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp và cung cấp tư liệu của các cán bộ lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử trong và ngoài xã, Chi cục Thống kê huyện Châu Thành đã cung cấp số liệu thống kê, sự giúp đỡ về chuyên môn của phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo tàng An Giang, của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành và các ngành chức năng đã tạo điều kiện cho cuốn sách sớm ra mắt bạn đọc.

Trong điều kiện tài liệu thành văn thất lạc và lưu trữ quá ít, nhân chứng lịch sử không còn nhiều, nên việc biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thành” không tránh khỏi những thiếu sót. Đảng bộ xã Vĩnh Thành rất mong ý kiến đóng góp, bổ sung của đồng bào, đồng chí và quý độc giả gần xa để lần tái bản sau sẽ đầy đủ, hoàn chỉnh hơn.

Xin trân giới thiệu cùng bạn đọc quyển lịch sử Đảng bộ xã Vình Thành !

 

 ĐẢNG ỦY XÃ VĨNH THÀNH

                                                                    

 

CHƯƠNG I

VĨNH THÀNH – VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI

 

I- VĨNH THÀNH TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ

1- Vĩnh Thành xưa

Vùng đất xã Vĩnh Thành ngày nay, xưa có tên gọi là thôn Thâm Trạch (còn gọi là Tham Trạch)1 thuộc tổng Biên Thành, hạt Thanh Tra Long Xuyên từ 3 -12 - 1870 lập mới cùng với việc thành lập tổng. Từ 5 - 1 - 1876 gọi là làng thuộc hạt Tham Biện Long Xuyên. Từ 1 - 1 - 1900 thuộc tỉnh Long Xuyên. Ngày 4 - 10 - 1912 tổng Biên Thành giải thể làng Thâm Trạch nhường 2 khoảnh đất cho làng Phú Hòa và làng Vĩnh Chánh, rồi thuộc tổng Định Phú cùng tỉnh. Năm 1917, Tham Trạch là một trong 7 làng của tổng Định Phú, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên.

 Ngày 1 - 1- 1920 làng Thâm Trạch hợp với làng Vĩnh Thuận thành làng Vĩnh Trạch2 thuộc tổng Định Phú, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Ngày 24/4/1957, Vĩnh Trạch là một trong 6 xã thuộc quận Núi Sập, tổng Định Phú, tỉnh An Giang. Ngày 31 - 5 - 1961 thuộc quận Châu Thành cùng tỉnh. Ngày 8/9/1964, Vĩnh Trạch là một trong 5 xã của tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh An Giang.3

Về phía chính quyền cách mạng, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Vĩnh Trạch thuộc quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Từ tháng 12/1948 thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Từ tháng 2/1951 thuộc tỉnh Long Châu Hà. Từ tháng 10/1954 thuộc tỉnh Long Xuyên. Ngày 22/10/1956 thuộc tỉnh An Giang, rồi tháng 5/1974 thuộc tỉnh Long Châu Hà cho đến tháng 12/1975.

Thực hiện Quyết định số 19/QĐ-TW ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị, tỉnh An Giang được tái lập lại, xã Vĩnh Trạch thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ngày 25/4/1979, thực hiện Quyết định số 181/CP của Hội đồng Chính phủ, xã Vĩnh Thành được thành lập trên cơ sở cắt phân nửa phần đất các ấp Đông Bình Nhất, Đông Bình Nhì, Trung Bình Nhì, Tây Bình và lấy trọn phần đất ấp Đông Bình Trạch của xã Vĩnh Trạch và lấy trọn phần đất ấp Đông Phú 1 của xã Vĩnh Nhuận làm đất xã Vĩnh Thành; lấy sông Long Xuyên và rạch Ba Dầu làm ranh giới giữa hai xã Vĩnh Thành và Vĩnh Trạch. Từ đó, xã Vĩnh Thành thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho đến ngày nay.

Sau khi xác lập chủ quyền vùng đất Nam Bộ năm 1757, triều Nguyễn giao trọng trách cho các công thần Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại tiến hành đào kênh và thực hiện chính sách chiêu mộ, khuyến khích người dân miền ngoài và ở các nơi khác đến khai hoang, lập thôn, ấp, trấn giữ và bảo vệ vùng đất Nam Bộ vào những thập niên đầu thế kỷ XIX. … Đặc biệt, sau khi Nguyễn Văn Thoại chỉ huy đào kênh nối sông Đông Xuyên (Long Xuyên) với sông Thoại Hà hoàn thành (1818), thông thương tuyến đường thủy từ Long Xuyên đến Rạch Giá, đã tạo điều kiện cho dân cư từ nơi khác đến vùng đất này làm ăn, sinh sống, trong đó có vùng đất Thâm Trạch xưa, thuộc xã Vĩnh Thành ngày nay.

Dân cư thôn Thâm Trạch xưa, bao gồm người dân bản địa và lưu dân người Việt từ các nơi khác đến định cư lập nghiệp, trong đó có những người Khmer chạy loạn giặc Xiêm. Nhưng, cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, trên vùng đất Thâm Trạch, người Việt đến định cư, lập nghiệp và sinh sống còn thưa thớt1.

Thuở ban sơ, cộng đồng người Việt, người Khmer thôn Thâm Trạch xây cất nhà theo kiểu nhà sàn cao hơn mặt nước lũ và định cư xen kẽ lẫn nhau dọc theo 2 bờ sông, kênh, rạch, chủ yếu là 2 bờ sông kênh Đông Xuyên (Long Xuyên) và những nơi có ngọn rạch đổ ra sông và có cây Sợp cổ thụ (thuộc ấp Đông Bình Nhất xã Vĩnh Thành ngày nay), họ đã chọn nơi đây để dừng chân lập nghiệp lâu dài. 

Những người Việt xưa đến thôn Thâm Trạch định cư, lập nghiệp có nguồn gốc từ các tỉnh miền Trung. Đó là những người nông dân, thợ thủ công nghèo khổ bị địa chủ phong kiến áp bức, bóc lột không sống nỗi ở quê hương, buộc họ phải lê bước vào vùng đất Nam Bộ tìm sinh kế; những người mắc tội lưu đày bị sung quân, sung công đi khai khẩn biên ải, nhiều nhất là thời Minh Mạng trở về sau, khi mãn hạn ở lại làm ăn, lập gia đình, lâu ngày trở thành dân bản xứ và những binh lính đồn trú dưới hình thức “đồn điền, phường, trại…” với nhiệm vụ, vừa giữ vững biên cương, vừa khai khẩn đất hoang. Họ được phép mang theo gia đình để làm ăn sinh sống, chọn nơi “đất lành chim đậu” tình nguyện ở lại lập nghiệp lâu dài. Lâu dần có sự hòa hợp giữa người Việt với người Khmer trong mối giao lưu kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ… hàng ngày.

Buổi đầu trên đường khẩn hoang, mở đất, để có cái ăn đủ no, cái mặc đủ lành, lưu dân người Việt, dân bản địa thôn Thâm Trạch phải chiến đấu chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, rừng sâu, cỏ dại, lau sậy mọc chằng chịt, nước phèn, muỗi, đỉa, thú dữ và chim chóc sống từng đàn phá hoại mùa màng, chúng luôn di chuyển tạo nên những lối mòn, trở thành những kênh rạch tự nhiên như: Đường Tượng, Mương Trâu... đông đúc nhất là loài quạ nên hình thành địa danh xóm Quạ Kêu (đầu ấp Đông Bình Nhất của xã ngày nay), và quá trình khai hoang mở đất, cư dân nơi thôn Tham Trạch còn khai quật được bộ xương cá sấu lớn và nhiều xương thú  khác đã hóa thạch (hiện Bảo Tàng huyện Châu Thành còn lưu giữ).

“Tới đây xứ sở lạ lùng,

Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh!”

Hay:

“Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,

Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma!”

Về sau, số người đến thôn Thâm Trạch định cư, lập nghiệp ngày càng nhiều, phần đông là dân các xã Long Giang, Long Kiến, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới), xã Mỹ Hòa Hưng (huyện Châu Thành, nay thuộc TP.Long Xuyên) và một số dân cư từ nơi khác tới...  

Bao đời cộng cư khai hoang mở đất, sinh sống, người Việt, người Khmer thôn Thâm Trạch xưa, xã Vĩnh Thành ngày nay có truyền thống đoàn kết, gắn bó, cần cù trong lao động sản xuất, kiên trì, nhẫn nại, đùm bọc yêu thương nhau, cùng chung sức vượt qua khó khăn, có ý thức vươn lên trong cuộc sống, chống thiên tai và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Bầu ơi! thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn”.

Người Kinh xưa ở thôn Thâm Trạch sinh sống chủ yếu là nghề trồng lúa mùa nổi, kỹ thuật sản xuất thủ công, lạc hậu, năng suất thấp khoảng 1,2 - 1,4 tấn/ha và chăn nuôi gia súc gia cầm nhỏ lẻ, khai thác cá, tôm tự nhiên dưới các hình thức giăng câu, đặt lờ, đặt lợp, chài, bủa lưới, vó… phục vụ cho tiêu dùng hàng ngày hoặc làm cá khô, làm cá mắm, nước mắm… tồn trữ để tiêu dùng lâu dài hoặc mang đi trao đổi để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Người Khmer thôn Thâm Trạch cũng sống bằng nghề trồng lúa mùa nổi, nhưng quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm làm ra chủ yếu là để tiêu dùng trong gia đình. Một số người nghèo khó đi làm thuê cho những gia đình giàu có, cho địa chủ trong thôn. Đất đai, trâu, bò cùng với sức lao động cơ bắp của những người nông dân là 3 yếu tố cơ bản của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp để làm ra hạt lúa, con cá, con tôm… ở thôn Thâm Trạch bấy giờ.

Trong quá trình định cư, lập nghiệp, tìm kế mưu sinh, lưu dân người Việt đã hình thành nên những tộc họ sống theo từng nhóm nhỏ; cùng với người Khmer, họ đã nhanh chóng trở thành bộ phận cư dân chủ đạo trong cuộc chinh phục vùng đất này và sống gắn bó mật thiết, hòa thuận, chia sẻ nhau mọi khó khăn và thuận lợi. Chính điều kiện cộng cư này, đã làm cho hai dân tộc Kinh, Khmer tiếp xúc với nhau nhiều hơn, họ vừa giao lưu vừa tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhau để làm giàu thêm bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc mình và hình thành nên một nền văn hóa riêng biệt của vùng đất này.

Quá trình khai hoang, chinh phục thiên nhiên, chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bám đất, giữ thôn, giữ làng, sự hòa hợp sinh sống giữa người Kinh, người Khmer đã để lại nhiều dấu ấn trong đời sống tinh thần, ngôn ngữ, văn hóa nghệ thuật phong phú, hài hòa, đó là: tiếng hò man mác trên sông nước mênh mông, các điệu lý, điệu Dạ cổ hoài lang gợi cảm của người Kinh; điệu múa “lâm thôn” của người Khmer…

Dân cư thôn Thâm Trạch xưa, nay là xã Vĩnh Thành chủ yếu là hai dân tộc Kinh và Khmer theo nhiều tôn giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và từ khi Phật giáo Hòa Hảo thành lập (1939) đến nay, đã có nhiều người dân theo đạo này. Khi cư dân đông đúc, nhu cầu và hoạt động tín ngưỡng được hình thành, nhiều chùa, miếu, nhà thờ được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của dân cư.

Khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII, cư dân người Việt thôn Thâm Trạch xây dựng miếu Tham Trạch1 để thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh tại vàm Rạch Chùa nằm cặp theo sông Đông Xuyên với lòng mong muốn được an cư lạc nghiệp lâu dài trên mảnh đất mà họ đã dày công khai phá. Hàng năm từ ngày 19 - 21 tháng 02 âm lịch, cư dân trong làng tụ tập về đây để tổ chức Lễ hội Kỳ Yên cầu cho quốc thới dân an, mưa thuận gió hòa, đời sống sung túc, Lễ hội còn là dịp để mọi người trai gái, trẻ già họp mặt cùng nhau giao lưu trao đổi với nhau sau những ngày tháng lao động mệt nhọc.

Năm 1909, cộng đồng người Khmer Thâm Trạch xây dựng ngôi chùa và đặt tên là SéReyMeangKolsakor – tên tiếng Việt nghĩa là Kim An Hà Phước Tự (tức chùa vàng nằm cặp bờ sông), sau nhiều lần tu sửa đến nay ngôi chùa này mang đậm nét kiến trúc cổ truyền kết hợp với lối kiến trúc hiện đại uy nghi, nằm cặp bờ sông Long Xuyên thuộc ấp Đông Bình Trạch, xã Vĩnh Thành, đây là nơi sinh hoạt tâm linh của đồng bào Khmer trong xã.

Năm 1917, cộng đồng dân cư Thâm Trạch theo đạo Thiên Chúa đã xây dựng nhà thờ Thiên Chúa Giáo bằng tre lá để sinh hoạt tâm linh tại vàm kinh Bốn Tổng (ấp Tân Thành, xã Vĩnh Thành ngày nay), qua nhiều lần trùng tu, đến nay nhà thờ Ba Bần được xây dựng khá khang trang với lối kiến trúc mang đậm nét tôn giáo, đứng cặp bên ngã ba rạch Long Xuyên - Ba Dầu.

Khi lập xã Vĩnh Thành,  tiếp nhận ấp Đông Phú 1 của xã Vĩnh Nhuận, trong đó có đình thần Phú Nhuận, ngôi đình này cũng thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, Lễ hội Kỳ Yên hàng năm từ ngày 19 - 21 tháng 4 âm lịch, ngôi đình này được xếp hạng Di tích Nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh vào năm 2004.

Tuy nhiên, dưới chế độ phong kiến và 30 năm xâm lược, chiếm đóng, cai trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Vĩnh Thành – bộ phận dân cư của xã Vĩnh Trạch trước đây phải sống trong cơ cực, thiếu thốn, cả đời sống vật chất và tinh thần. Hệ thống giao thông và phương tiện vận tải hầu như chưa có gì đáng kể, nhân dân đi lại sinh hoạt và sản xuất chủ yếu là đường sông, phương tiện vận chuyển, đi lại bằng xuồng, nghe, mạng lưới đường bộ từ Long Xuyên đến Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thành ngày nay, trước năm 1975 là đường đất nhỏ, hẹp, hàng năm khi lũ về dù lớn hay nhỏ đều bị ngập nước, xe đạp, xe lôi đạp và xe lôi thùng có gắn Honda làm “đầu kéo” là những phương tiện chủ yếu để đi lại, vận chuyển hàng hóa và hành khách trên tuyến đường này.

[1]Tuyệt đại bộ phận dân cư bị mù chữ, người dân mỗi khi đau ốm, nhất là dân nghèo phải chữa trị bằng thuốc nam, thuốc bắc, thầy đồng bóng, thầy bùa, thầy pháp;  sinh hoạt và đời sống văn hóa, văn nghệ còn nghèo nàn, chủ yếu dưới hình thức “đàn ca tài tử” vào các dịp đám tiệc, cưới hỏi vào những đêm trăng sáng khi mùa lũ về và chỉ khi có dịp Lễ hội Kỳ Yên người dân mới được thưởng thức những vở hát bộ, họa hoằn lắm mới có một vài đoàn cải lương từ Sài Gòn xuống biểu diễn nhưng chủ yếu chỉ phục vụ cho giới địa chủ, nhà giàu. Và bấy giờ nhân dân không có phương tiện nghe nhìn, chỉ có một vài nhà giàu khá giả mới có đủ tiền mua máy hát dĩa, radio, còn người nghèo chỉ biết đi xin “nghe nhờ”.

Qua tiến trình lịch sử, từ lớp cư dân khai phá, lập thôn, làng đầu tiên đến lớp người kế tiếp, cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer đã đổ bao mồ hôi, xương máu, vượt qua khó khăn, thử thách bảo vệ, xây dựng và đưa vùng đất thôn Tham Trạch nghèo nàn, lạc hậu trước đây, trở thành vùng đất xã Vĩnh Thành phát triển như ngày nay.

2- Vĩnh Thành ngày nay

Vĩnh Thành ngày nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Địa hình của xã nằm trải dọc theo sông Long Xuyên và rạch Ba Dầu; phía Đông giáp xã Mỹ Khánh (thành phố Long xuyên); phía Nam giáp xã Vĩnh Trạch và xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn); phía Tây giáp xã Vĩnh Nhuận; phía Bắc giáp xã Vĩnh Lợi và Hoà Bình Thạnh (huyện Châu Thành). Trung tâm hành chính xã Vĩnh Thành nằm cách trung tâm huyện Châu Thành khoảng 18 - 20 km và cách thành phố Long Xuyên (An Giang) 10 - 12 km.

Theo Niên giám Thống kê của Chi cục Thống kê huyện Châu Thành năm 2015, xã Vĩnh Thành có tổng diện tích tự nhiên là 2.609 ha, trong đó đất nông nghiệp là 2.312 ha, đất chuyên dùng là 211 ha và đất ở là 86 ha.  

Là phần đất nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, thời tiết xã Vĩnh Thành chia thành hai mùa rõ rệt, mùa nước và mùa khô. Mùa nước từ tháng 7 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 6 (dương lịch).

“Sáu tháng đạp đất đồng khô,

Nửa năm đi trên mặt nước…”

Đó cũng là một trong những nét đặc trưng nói chung của đồng bằng An Giang, vùng đất đầu nguồn lưu vực sông Cửu Long.

Chế độ thủy văn ở xã Vĩnh Thành thay đổi theo mùa. Vào mùa mưa trùng với mùa nước nổi, nước sông, kinh, rạch dâng lên cao và đến thượng tuần tháng 10 là mực nước đạt đỉnh cao nhất (đỉnh lũ), nên trước đây và những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) hầu hết đồng ruộng Vĩnh Thành bị ngập nước. Có năm, có nơi ngập sâu từ 1,5 - 2m. Sau đó nước dần dần rút xuống, đến khoảng tháng 11, nước trả lại đồng ruộng cho người sản xuất và báo hiệu thời tiết xã Vĩnh Thành chuyển sang mùa khô, nước sông, kinh, rạch, mương cạn dần.

Vào mùa mưa, nhất là những tháng nước nổi, ngày xưa cũng như ở các nơi khác, xã Vĩnh Thành có nhiều cá, tôm tự nhiên sinh sống trên đồng ruộng, trên sông, kinh, rạch với nhiều chủng loại: cá linh, cá rô, cá lóc, cá trê, mè vinh, cá trèn, cá kết, cá dảnh, cá sặc, tép, cua đồng, rắn, mà nhiều nhất là cá linh…, cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống ngon và bổ dưỡng cho nhân dân trong mùa nước nổi. Ngoài ra, cá được chế biến thành khô, mắm để dành ăn lâu ngày hoặc tiêu thụ trong và ngoài xã. Qua đó, tạo cho người dân trong xã có thêm việc làm và thu nhập.

Giống như khí hậu huyện Châu Thành, khí hậu ở xã Vĩnh Thành chịu ảnh hưởng bởi gió mùa nhiệt đới, mưa nhiều trong các tháng 7, 8, 9; lượng mưa khoảng từ 1.000 - 1.300 mm. Có hai ngọn gió thổi nhiều và mạnh nhất là ngọn gió Nồm (còn gọi là gió Nam) và ngọn gió Bấc. Khí hậu điều hòa dễ chịu, không nóng quá, không lạnh quá, không ẩm ướt quá và cũng không khô quá, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 28,60C – 300C.

Vĩnh Thành có nguồn nước ngọt dồi dào. Hàng năm, vào mùa nước nổi, nước ngọt bắt nguồn từ con sông Hậu chảy vào sông Long Xuyên, rạch Ba Dầu, rồi nước chảy vào các con kênh, rạch Tầm Vu, Trà Sa,Trà Suốt, Rạch Chùa, kênh Sáu Miên, Kênh Năm Lợi, kênh Xẻo Xoài, Xẻo Môn, Xẻo Sót, kênh Chín Liền, kênh Đích Mun thuộc xã. Từ đây, nước ngọt chảy rẻ vào các kênh, mương thủy lợi nội đồng, rồi lan tỏa khắp các cánh đồng của xã mang theo một lượng phù sa lớn bồi đắp đồng ruộng. Trong quá trình sử dụng, đầu tư cải tạo, hệ thống kênh, mương, rạch cũ trước đây thường xuyên được nạo vét, gia cố, khơi thông dòng chảy, cùng với hệ thống hệ kênh, mương mới đào từ sau ngày 30/4/1975 và những năm gần đây đã làm cho vùng đất xã Vĩnh Thành vốn bằng phẳng, màu mỡ, lại càng màu mỡ, phì nhiêu hơn, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản tự nhiên vào mùa nước nổi và phát triển các ngành nghề sản xuất, thương mại - dịch vụ khác, cũng như thỏa mãn nhu cầu nước sinh hoạt của dân cư địa phương.

Vĩnh Thành có 5 ấp: ấp Đông Bình Nhất, Đông Bình Trạch, Trung Thành, Tân Thành và Đông Phú 1; dân số 3.383 hộ với 14.665 người, trong đó 7.367 nam và 7.298 nữ; công đồng dân cư ở xã gồm các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc kinh chiếm 90,81%, dân tộc Khmer, Hoa chiếm 9,19% và theo nhiều tôn giáo, trong đó Phật giáo Hòa Hảo chiếm 61,90%, Phật giáo chiếm 32,80%, Thiên Chúa giáo chiếm 5,30% so với tổng số hộ của xã.

Kinh tế Vĩnh Thành phát triển đa dạng với 3.099 hộ/ 3.383 hộ tham gia các ngành nghề sản xuất và kinh doanh thương mại – dịch vụ khác nhau, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp chiếm72,77%, hộ thủy sản chiếm 1,36%, hộ công nghiệp, TTCN chiếm 4,23%, hộ xây dựng chiếm 1,87%, hộ thương mại chiếm 12,36%, hộ vận tải chiếm 0,87%, hộ dịch vụ và hộ khác chiếm 6,54%.

Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn Vĩnh Thành đã được nhựa, bê tông hóa trên tuyến lộ dài 19,10 km, đoạn từ ranh giáp xã Mỹ Khánh đến ấp Đông Phú 1 của xã được tôn cao, các tuyến giao thông còn lại đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân, kể cả xe 04 bánh lưu thông dễ dàng ngay trong mùa mưa lũ.

Toàn xã có 01 trường Mẫu giáo, 02 trường Tiểu học, 01 trường Trung học cơ sở, hàng năm huy động học sinh đến trường trên 2.500 em, phong trào xã hội hóa giáo dục phát triển khá mạnh mẽ, mỗi gia đình đã nêu cao ý thức trách nhiệm cùng với nhà trường giáo dục con em mình, đồng thời đẩy mạnh công tác chống lưu ban - bỏ học; nhân dân đã có nhiều đóng góp công sức, vật chất góp phần đưa sự nghiệp giáo dục xã nhà ngày một phát triển hơn. Để kịp thời động viên, khích lệ các em học sinh trong học tập và rèn luyện, hàng năm, Vĩnh Thành luôn duy trì việc tổ chức họp mặt truyền thống nhằm tuyên dương những học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng chuyên nghiệp, đây là nét đẹp văn hóa của địa phương, nhằm khuyến khích các thế hệ hiện tại ra sức học tập cống hiến nhiều hơn cho quê hương bằng tri thức, trí tuệ của mình.

Trạm y tế được xây dựng khang trang với 12 giường bệnh có 1 bác sĩ, 6 y sĩ và nhân viên y tế đảm nhiệm, đủ sức thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và dập tắt kịp thời các loại dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. 5/5 ấp của xã đạt chuẩn văn hóa và xã Vĩnh Thành được công nhận đạt chuẩn văn hóa đầu tiên so với các xã, thị trấn khác của huyện Châu Thành.

Thu nhập bằng tiền và đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp dân cư Vĩnh Thành luôn được cải thiện theo hướng ngày càng cao, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của nhân dân được Đảng bộ quan tâm đúng mức, toàn xã có 3 tụ điểm hát với nhau, 5 câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền thường xuyên hoạt động, thu hút rất nhiều người tham gia, đã tạo nên một phong trào rèn luyện thân thể, vui chơi giải trí lành mạnh và rộng lớn. Hầu hết các hộ dân trong xã đều có phương tiện cá nhân (xe gắn máy, xe môtô) đi lại và các phương tiện nghe nhìn.

Với những kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm từ thành công, chưa thành công trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh qua 36 năm thành lập xã (1979 – 2015), sẽ là tiền đề và điều kiện cho Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thành phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 và các mục tiêu kinh tế, xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra.

 

II- TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN VĨNH THÀNH

Là một bộ phận không thể tách rời cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhân dân Vĩnh Thành, Vĩnh Trạch cũng đã kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc. Truyền thống ấy, một mặt xuất phát từ tình cảm tha thiết gắn bó với quê hương, ruộng đồng mà các thế hệ cha ông đã dầy công xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt và cả những gian khổ mất mát hy sinh; mặt khác, truyền thống yêu nước còn xuất phát khí phách anh hùng, một di sản tinh thần của những người đi khai hoang mở đất ở một vùng rừng thiêng, nước độc, nơi xứ lạ quê người, biểu hiện ở tính cách mạnh mẽ, chí mạo hiểm và trên hết là tinh thần sẵn sàng phản kháng quyết liệt trước những áp bức, bất công, những thế lực thù địch với cả khát vọng tự do, độc lập.

Trong suốt chiều dài lịch sử khai hoang mở đất và giữ đất, người dân Vĩnh Thành, Vĩnh Trạch luôn đoàn kết đấu tranh cải tạo, chinh phục tự nhiên, đấu tranh chống áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân.

Tháng 6 năm 1867, Thực dân Pháp đánh chiếm An Giang, người dân Vĩnh Thành, Vĩnh Trạch tiếp tục trở thành người nô lệ, bị bóc lột nặng nề hơn trên chính mảnh đất của mình. Bấy giờ, tuyệt đại bộ phận dân cư lao động cực nhọc và ra sức khẩn hoang ruộng đất nhưng phần lớn đất sản xuất của họ tập trung vào trong tay những người giàu có. Từ đó, đã hình thành tầng lớp địa chủ, quan lại bao chiếm ruộng đất, bóc lột nhân dân. Ở thôn Thâm Trạch - phần đất của xã Vĩnh Thành ngày nay, có địa chủ Trường Tiền Son; ở thôn Vĩnh Thuận - phần đất của xã Vĩnh Trạch ngày nay có Đốc Phủ Kỉnh; tri huyện Nguyễn Ngọc Chơn … Mỗi năm chúng thu tô trên phần đất của người nông dân mà chúng đã bao chiếm với mức thu từ 3 đến 4 giạ lúa/công (lúa 1 vụ thường năng suất chỉ đạt 7 - 8 giạ/công/năm nếu trúng mùa). Ngoài ra, chúng còn cho tiền góp, tiền mua lúa non, đổi lúa chịu, lúa nợ quy ra thành lúa vay … mỗi lần địa chủ thu tô hàng trăm ngàn giạ lúa, nhưng thực ra lúa thu tô thường chỉ chiếm 1/3 tổng số lúa thu, số còn lại là từ các khoảng thu lúa nợ, lúa cho vay nặng lãi mà có, khiến cho nhiều tá điền đến cuối vụ phải trắng tay; khi đến đình đám, ma chay, cưới hỏi, lễ tết… chúng còn bắt tá điền đến lao dịch không công hoặc đem gà vịt cống nạp. Ngoài ra, mỗi năm người dân còn phải đóng thuế thân từ 2 – 3 giạ lúa/người cho bọn Hương Chức Hội Tề, làm cho đời sống người dân ngày càng cơ cực, lòng căm phẫn phong kiến, thực dân của cư dân càng thêm sâu sắc, lòng yêu nước của nhân dân ngày một dâng cao.

Chính sự căm thù phong kiến, thực dân và truyền thống yêu nước đã thôi thúc nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (1867 – 1868), sử sách đã ghi: Sau khi đốt tàu Esperance của giặc Pháp, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã kéo về đóng giữ vùng Tân Hội, Núi Sập, Ba Bần, Ba Dầu… Nhân dân Vĩnh Trạch, Vĩnh Thành đã cùng nhân dân các xã bạn tích cực đắp cảng ở Trà Kênh (Định Mỹ) nhằm ngăn không cho tàu Pháp tiếp ứng Rạch Giá, tạo điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đánh úp đồn Rạch Giá trong đêm 16/6/1868. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng đã tạo được tiếng vang lớn thể hiện tinh thần quật khởi, yêu nước của nhân dân không chịu khuất phục làm nô lệ cho thực dân, phong kiến.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) với đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc, đánh đổ địa chủ phong kiến giành ruộng đấu cho dân cày đã nhóm lên ngọn lửa yêu nước và bùng cháy âm ỉ trong lòng nhân dân Vĩnh Thành, Vĩnh Trạch. Tháng 4/1930, chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên của vùng Long Xuyên - Châu Đốc được thành lập tại xã Long Điền A – huyện Chợ Mới, các đồng chí đảng viên đã lãnh đạo nhân dân nhiều nơi đấu tranh giành lại ruộng đất, đòi giảm tô, điển hình như ở Thoại Sơn, nhân dân đấu tranh đòi địa chủ Trần Kim Phụng trả lại 3.200 công đất ở Vọng Thê. Cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi, đã tác động mạnh mẽ đến nhân dân Vĩnh Thành, Vĩnh Trạch. Từ đó, tuyệt đại bộ phận nhân dân đã tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, khi tổ chức Thanh niên Tiền Phong ra đời đã thu hút nhiều thanh niên Vĩnh Thành, Vĩnh Trạch tham gia. Cùng lúc đó, các Đoàn thể cứu quốc cũng được tích cực xây dựng, lực lượng Thanh niên Cứu quốc do ông Lê Nghĩa Hiệp lãnh đạo và hoạt động công khai với danh nghĩa là Thanh niên Tiền phong; Đình Vĩnh Trạch là nơi tụ hợp thanh niên ngày đêm luyện tập võ nghệ, học tập cứu thương, học truyền tin, tổ chức các buổi diễn thuyết, tuyên truyền đường lối cách mạng, kêu gọi nhân dân đoàn kết xung quanh Đảng chống thực dân Pháp và tay sai.

Năm 1932, sau cuộc khủng bố ác liệt của thực dân Pháp, tổ chức Đảng nhiều nơi bị phá vỡ và thiệt hại. Cán bộ, đảng viên ở Chợ Mới, tỉnh lỵ Long Xuyên bị lộ chuyển đến Châu Thành hoạt động xây dựng cơ sở như đồng chí Trương Minh Thế, Bùi Phú Xương… Nhờ sự hoạt động tích cực, các đồng chí đã xây dựng được cơ sở quần chúng ở Vĩnh Trạch,Vĩnh Thành và nhiều nơi khác. Các cơ sở này đã làm nòng cốt cho phong trào cách mạng, tham gia rải truyền đơn, vận động nhân dân lao động đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, chống tề làng ức hiếp trong cao trào đấu tranh dân chủ (1936 - 1939).

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, sau đó vẫn duy trì, củng cố bộ máy tay sai Pháp ở địa phương. Nhằm lôi kéo nhân dân, nhất là thanh niên, trí thức, chúng đưa ra chiêu bài lừa phỉnh tuyên bố “cho Việt Nam được độc lập”, tuyên truyền thuyết “Đại Đông Á”, tức người da vàng cùng nhau đoàn kết đánh đuổi người da trắng… Giữa năm 1945, lợi dụng ý đồ bọn Nhật muốn nắm lực lượng thanh niên để làm hậu thuẫn cho Chính phủ Trần Trọng Kim, Xứ ủy chủ động kịp thời đưa bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra thành lập Thanh niên Tiền phong do ông làm thủ lĩnh, để tranh thủ nắm lực lượng Thanh niên và tổ chức này nhanh chóng lan rộng đến tận xã, ấp.

Tháng 8/1945, phong trào cách mạng có bước phát triển mạnh, nhất là sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, quân đội Nhật ở Đông Dương như rắn không đầu. Khí thế đảng viên và các tầng lớp nhân dân vô cùng phấn khởi trước tình thế và thời cơ cách mạng đã chín muồi, Mặt trận Việt Minh phát lệnh Tổng khởi nghĩa, khí thế quần chúng ở khắp nơi lên cao.

Ở Vĩnh Thành, Vĩnh Trạch sáng ngày 25/8/1945, nhân dân chia làm hai đoàn do các ông Xã Cang và Trần Minh Châu lãnh đạo, đã rầm rập kéo về trụ sở xã, trước khí thế của quần chúng bọn tề làng đã bỏ chạy, sau đó đoàn thứ nhất do ông Xã Cang lãnh đạo tiếp tục cùng nhân dân các xã Thoại Sơn, Vọng Thê, Định Mỹ kéo về tham gia cướp chính quyền Quận, và đoàn thứ hai do ông Trần Minh Châu lãnh đạo cùng nhân dân các xã Phú Hoà, Vĩnh Chánh kéo về tỉnh lỵ Long Xuyên tham gia cướp chính quyền tỉnh. Sau khi dự lễ mít tinh tại nhà việc làng Thoại Sơn và quảng trường nhà việc Mỹ Phước – Long xuyên, các đoàn đã diễu hành quanh vùng đến chiều tối mới giải tán, cờ đỏ sao vàng rợp cả đường đi.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945, đã làm thay đổi cuộc đời của nhân dân lao động sau mấy mươi năm bị thực dân Pháp và tay sai áp bức, bóc lột. Bằng quyết tâm đoàn kết vùng lên, nhân dân đã chiến thắng và giành được độc lập, tự do, chính quyền thuộc về nhân dân lao động. Chiến thắng này đã khẳng định lòng tin của nhân dân tỉnh An Giang nói chung, nhân dân Vĩnh Thành, Vĩnh Trạch nói riêng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời tin vào sức mạnh của chính mình.

CHƯƠNG II

VĨNH THÀNH TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP, ĐẾ QUỐC MỸ VÀ NHỮNG NĂM ĐẦU XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG (1945 - 1979)

             

I- KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945 – 1954)

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Bảy Tiên được Huyện uỷ phân công phụ trách công tác Đảng ở xã Vĩnh Trạch, Uỷ ban nhân dân xã nhanh chóng được thành lập gồm có 05 người: Trần Minh Châu giữ chức Chủ tịch; Trương Minh Công giữ chức phó Chủ tịch phụ trách Công an; Lê Nghĩa Hiệp giữ chức Ủy viên phụ trách Thanh niên Tiền Phong; Nguyễn Ngọc Thới giữ Ủy viên phụ trách Quân sự; Trần Quốc Bình giữ chức Ủy viên phụ trách Kinh tài.

Mặt trận và các đoàn thể cũng đã nhanh chóng thành lập, thu hút nhiều người tham gia, là chỗ dựa vững chắc của chính quyền cách mạng. Chính quyền và các đoàn thể cứu quốc xã đã thực hiện nhiệm vụ quản lý điều hành xã hội, phát động nhân dân hưởng ứng phong trào bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan… giữ gìn an ninh trật tự tạo nên cuộc sống vui tươi, yên ổn xóm làng và vận động nhân dân đóng góp tiền, vàng hưởng ứng “Tuần lễ vàng” theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc sống tự do hạnh phúc chưa được bao lâu, thì vào ngày 23/9/1945 thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Tháng 11/1945 quân Pháp đánh chiếm một số tỉnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Dù chiến tranh lan rộng khắp nơi, nhưng chính quyền và các đoàn thể xã thực hiện sự chỉ đạo của Đảng đã vận động nhân dân đi bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tại Đình Vĩnh Trạch (chợ Cái Vồn ngày nay) vào ngày 01/11/1946, lực lượng Thanh niên được bố trí canh gác và bảo vệ chặt chẽ, hầu hết nhân dân Vĩnh Thành, Vĩnh Trạch đều tham gia bầu cử và chọn người theo danh sách của Mặt trận Việt Minh đề cử.

Tháng 11/1945, Uỷ ban nhân dân xã được đổi tên thành Uỷ ban kháng chiến hành chánh xã và thành lập một tiểu đội chiến đấu do đồng chí Nguyễn Ngọc Thới chỉ huy ngày đêm luyện tập võ nghệ để chuẩn bị kháng chiến chống Pháp. Cuối năm 1945, huyện Châu Thành lập trạm thu thuế tại vàm Ba Bần để tạo thêm kinh phí cho kháng chiến. Các đồng chí trong Uỷ ban kháng chiến hành chánh xã do đồng chí Trần Quốc Bình Uỷ viên uỷ ban phụ trách Kinh tài đã tham gia cùng với cán bộ huyện vận động các ghe buôn bán tuyến Long Xuyên - Rạch Giá đóng góp nuôi quân. Chỉ trong thời gian ngắn, Trạm thuế đã thu được hơn mấy ngàn đồng Đông Dương, 200 mét vải, 02 thùng thuốc chữa bệnh đưa về tỉnh. Lực lượng Thanh niên Tiền Phong đóng tại Đình gồm: Trần Văn Kiểm, Trương Văn Công, Trương Văn Ngươn, Mai Văn Biện, Trần Văn Chiểu... tích cực hoạt động.

Ngày 9/1/1946, Pháp đánh chiếm tỉnh lỵ Long Xuyên, sau đó tiến vào Núi Sập theo đường kinh Long Xuyên - Rạch Giá. Lực lượng dân quân, du kích xã do  đồng chí Nguyễn Ngọc Thới chỉ huy phối hợp với địa phương quân huyện trong tay có 2 khẩu súng lục, 3 khẩu FM, 6 khẩu súng Mút tổ chức phục kích tàu địch phía bờ sông thuộc ấp Đông Bình Nhất – (xã Vĩnh Thành). Trước đó, du kích giăng dây kẽm ngang mặt kinh để làm vật cản. Khi tàu Pháp lọt vào trận địa, lực lượng ta đồng loạt nổ súng làm bị thương và tiêu diệt tại chỗ 04 tên, tàu Pháp hư hại nhiều chỗ phải nhờ 02 tàu khác kè nhau tháo chạy.

Tại Trà Kênh (Định Mỹ), dưới sự chỉ huy của các đồng chí Đinh Trường Sanh - Uỷ viên quân sự tỉnh, các đồng chí Lâm Thành Ken, Nguyễn Văn Hoành, Lê Văn Năm...nhân dân và dân quân tự vệ xã Định Mỹ, cùng các xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn đắp cản ngăn tàu địch bằng những ghe chài chở đá nhận chìm xuống kinh. Lực lượng Thanh niên Tiền Phong tổ chức đốn những cây sao lớn trên bờ cắm xuống lòng kinh cách nhau khoảng 500 - 700m. Trên bờ ta lập phòng tuyến từ Ba Bần đến kinh Trà Kênh (Định Mỹ) gài mìn tự tạo bằng thuốc nổ bắn đá. Khi tàu giặc từ Long Xuyên đi vào ta cho nổ mìn làm chậm bước tiến của chúng để bảo vệ lực lượng Vệ Quốc Đoàn rút về U Minh, bảo vệ đồng bào tản cư và thực hiện "Vườn không", "Nhà trống"...

Sau khi chiếm đóng, thực dân Pháp nhanh chóng lập lại bộ máy tay sai tề xã, lập đồn bót và khủng bố cách mạng. Chúng tăng cường trang bị vũ khí các loại và mua chuộc bọn cầm đầu phản động đội lốt tôn giáo và ra sức càn quét xóm ấp. Thực hiện chỉ đạo của Huyện uỷ, số cán bộ đảng viên cơ sở bám địa bàn, tạm thời nằm im chờ tình hình lắng dịu để móc nối trở lại và củng cố tổ chức các cơ sở cách mạng trong xã rút vào hoạt động bí mật.

Tháng 4 năm 1947, Pháp lập đồn tại khu vực chợ Ba Bần với 25 tên dân vệ, ngày đêm kiểm soát hoạt động của ta, chúng kích động bọn tay sai đội lốt tôn giáo sát hại cán bộ cách mạng và những người chúng có tư thù, nhiều gia đình không chịu nỗi phải di tản ra Long Xuyên tìm nơi ở hoặc xuống ghe sống tạm, không dám ở nhà. Trước sự đánh trả ác liệt của địch, Trung ương điều bộ đội 304 do ông Huỳnh Văn Trí (Mười Trí) về hoạt động võ trang tuyên truyền vùng Định Mỹ, Vĩnh Trạch, Vĩnh Hanh, nhờ vậy đồng bào có đạo ngày càng ủng hộ kháng chiến nhiều hơn.

Đầu năm 1948, lực lượng Vệ Quốc Đoàn hoạt động mạnh khắp nơi trong tỉnh, hỗ trợ địa phương bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở các xã Thoại Sơn, Châu Thành phục hồi, xây dựng cơ sở cách mạng…

Trước sự tấn công của bộ đội Vệ Quốc Đoàn, tên Trần Văn Soái (Năm Lửa) Tổng Tư Lệnh của quân đội Hoà Hảo đã tăng viện cho đồn Vĩnh Trạch 01 đại đội do tên thiếu tá Quang chỉ huy và khẩn trương xây dựng hệ thống phòng thủ ở Đích Mun, Bến Ngự  thuộc ấp Trung Bình Nhì – (nay là ấp Trung Thành, xã Vĩnh Thành).

Năm 1949, nhằm giúp cho xã có điều kiện làm tốt công tác vận động nhân dân chống Pháp, ngày 15/01/1949, bộ đội Vệ Quốc Đoàn thuộc tiểu đoàn Cửu Long Giang do ông Mười Trí phụ trách, đã triển khai các mũi tấn công địch, một cánh quân đánh vào đồn Cái Vồn do tên Niệm chỉ huy, bọn lính trong đồn tháo chạy về Đích Mun, Bến Ngự (xã Vĩnh Thành ngày nay), bị cánh quân khác của ta phục kích chờ địch ở Đích Mun, Bến Ngự chặn đánh, kết quả ta diệt tại chỗ 36 tên, thu 20 súng và nhiều quân trang, quân dụng, phá huỷ toàn bộ hệ thống phòng thủ Đích Mun, Bến Ngự mà chúng vừa xây dựng. Trận đánh này, đã làm nức lòng dân chúng, tạo sự tin tưởng về lực lượng của ta trong quần chúng nhân dân trong xã, nhiều cơ sở cách mạng đã mang lương thực, thuốc men ủng hộ cho bộ đội.

Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, du kích xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong các ngày Lễ Độc Lập, Nam bộ kháng chiến … truyền đơn, biểu ngữ được rải dán khắp nơi trong xã.

Đêm mùng 4 tết năm 1949 bộ đội của đồng chí Võ Quan Anh và Huỳnh Văn Trí chỉ huy lực lượng Vệ Quốc Đoàn Quân khu 9 tấn công đồn dân vệ Ba Bần. Sau 02 ngày bao vây nổ súng, bộ đội ta tiêu diệt tại chỗ 12 tên thu được 16 súng các loại. Thua trận ở đồn Ba Bần, địch điên cuồng càn quét ruồng bắt các cơ sở của ta, qua chỉ điểm chúng phục kích bắn chết đồng chí Trần Quốc Bình - ủy viên Kinh tài và đồng chí Tám Khương cán bộ phụ trách ấp tại cây Sao Một (ấp Trung Thành, xã Vĩnh Thành ngày nay); đồng thời, Trần Văn Soái (Năm Lửa) tăng cường đại đội 12 cho đồn Cái Vồn do tên thiếu tá Quang chỉ huy.

Năm 1950, bộ đội Huỳnh Văn Trí (Mười Trí) kết hợp với lực lượng quân khu 9 tổ chức bao vây đồn Cái Vồn, uy hiếp, chặn đường tiếp tế của địch, bọn lính trong đồn chống trả quyết liệt, nhưng qua một đêm chiến đấu, ta chiếm được đồn. Bọn địch lớp chết, lớp chạy bỏ đồn. Lợi dụng đêm tối, tên Niệm phóng xuống sông đội giề lục bình thoát khỏi vòng vây của ta và chạy về Long Xuyên.

Trong năm 1950, Pháp dồn sức đối phó với kế hoạch tổng phản công của cách mạng, nhằm giành lại thế mạnh của chúng trên chiến trường, chúng đã canh phòng cẩn mật các trục lộ giao thông Long Xuyên - Núi Sập để ngăn chặn sự liên lạc của ta giữa các vùng kháng chiến và vùng địch tạm chiếm.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Châu Thành tăng cường đưa cán bộ huyện xuống địa bàn phối hợp với dân quân du kích đánh địch và xây dựng được 15 cơ sở cách mạng nuôi chứa cán bộ và làm nòng cốt cho phong trào chống bắt lính, vận động tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo ủng hộ kháng chiến, tiêu biểu là gia đình ông Lê Văn Cang nuôi chứa bà Trần Thúy Liểu (Năm Liểu - Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo Thoại Sơn, Châu Thành) mỗi khi về vùng này công tác.

Đêm 5 rạng ngày 6/5/1950, lực lượng huyện phối hợp với du kích các xã Vĩnh Phú, Phú Nhuận, Vĩnh Trạch, Phú Hòa tấn công và bao vây một loạt tháp canh do lực lượng giáo phái đóng giữ. Sau đó, một chiếc tàu chở đồ cứu viện bị rơi vào ổ phục kích của ta.

[2]Tháng 10/1950, bộ đội ta mở chiến địch Long Châu Hậu (Long Châu Hà I) ở vùng Bảy Núi giành thắng lợi...Biệt động đội của ông Mười Trí diệt tên Nhiệm ở Vĩnh Trạch.1

Bị đánh liên tiếp trên chiến trường, Pháp ra sức tuyển mộ, bắt lính bổ sung quân, mở rông phạm vi càng quét, chiếm đóng, xóa thế "Cài răng lược" giữa vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm . Chúng yểm trợ cho bọn Hòa hảo - Dân Xã Đảng, tung gián điệp vào vùng giải phóng do thám và tuyên truyền nói xấu cách mạng, gây hoang mang trong nhân dân.

Năm 1951, Pháp cho sửa lại Hương lộ Long Xuyên - Phú Hòa (tỉnh lộ 943 ngày nay) xây thêm nhiều tháp canh trên trục lộ và tổ chức các cuộc hành quân càn quét dài ngày để giành thế chủ động trên chiến trường.

Đêm 09 rạng ngày 10/2/1951, chiến dịch bắt đầu nổ súng, suốt ngày 10/2 Tiểu đoàn 404 thuộc Trung đoàn Tây Đô bao vây đồn Vĩnh Trạch và Phú Nhuận, địch huy động thuỷ - lục - không quân ở Cần Thơ, Sa Đéc cùng bọn Năm Lửa, Ba Cụt vào tiếp viện, nhưng phải rút lui trước hỏa lực của ta. 15 giờ ngày 12/2 ta chiếm đồn Phú Nhuận thu toàn bộ vũ khí và kịp thời rút khỏi khu vực.1

Đợt II của chiến dịch diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/2/1951, mục tiêu của đợt này nhắm vào các xã Vĩnh Trạch, Phú Hòa, Vĩnh Chánh, Phú Nhuận. Mở màn đợt II, mũi tấn công chính là đồn Vĩnh Trạch do tiểu đoàn 404 đảm nhiệm, các tiểu đoàn 402,406 kết hợp giữ mặt giữa đồn Vĩnh Trạch và Định Mỹ. Địch cho máy bay hoạt động bắn phá khu vực Vĩnh Hanh. Sau đó, chúng điều 3 tàu chiến từ Long Xuyên vào giải vây cho đồn Vĩnh Trạch. Ta rút về ngọn Ba Dầu - Vĩnh Phú để bảo toàn lực lượng.

Qua các đợt chiến dịch, lực lượng cách mạng tại xã đã giành được nhân tâm của nhân dân trong xã. Bọn tề xã ấp và lực lượng chiếm đóng hoang mang lo sợ, nhân dân phấn khởi tích cực ủng hộ kháng chiến, các tổ chức cách mạng bí mật tại xã tiếp tục được củng cố..

Năm 1952, thực dân Pháp tập trung lực lượng phản kích để lên dây cót tinh thần binh lính vốn đã rệu rã do thất bại liên tiếp trên khắp chiến trường. Trong khi đó lực lượng vũ trang giáo phái lại mâu thuẫn nội bộ, tranh giành quyền lợi, bọn chúng treo giải thưởng để giết hại lẫn nhau.

Đầu xuân năm 1952, bộ đội ông Bá về Vĩnh Chánh phối hợp với lực lượng huyện và du kích xã chặn đánh tàu Pháp chạy từ Long Xuyên đi Núi Sập. Ta giăng dây kẽm gai ngang sông, trên bờ bố trí lực lượng phục kích địch tại khu vực ấp Đông Bình Nhì (Vĩnh Trạch). Khi tàu giặc chạy ngang qua vướng dây kẽm sẽ lũi vào bờ nơi ta phục kích. Nhưng, dây kẽm nhỏ bị đứt, kế hoạch không thành, tàu Pháp tắp vào phía bờ chùa Khmer (xã Vĩnh Thành) đối diện. Chúng mang lên bờ khẩu cối 60 li bắn về phía ta, bộ đội ta bắn trả diệt 1 tên Pháp, phía ta 5 thanh niên của xã Vĩnh Chánh đang tiếp tế cho bộ đội trúng đạn hy sinh.

[3]Cuối năm 1952, Pháp điều tên Tây chín ngón nổi tiếng ác ôn từ An Hóa, Bến Tre về Núi Sập. Tên này phối hợp với lính Commandos tổ chức lực lượng gọn nhẹ, ban đêm thường thọc sâu vào vùng giải phóng Ba Thê, Định Mỹ, Tân Hội rình rập, giết hại đồng bào. Ở Vĩnh Trạch, chúng bắt các ông Lê Văn Hiền, Lê Văn Gương, Võ Văn Liễn về Núi Sập tra tấn và đánh chết ông Liễn, làm cho nhân dân Vĩnh Trạch lo sợ, ban đêm không dám ra khỏi nhà hoặc phải trốn vào đồng sâu ẩn náu.

Cuối năm 1952, đầu năm 1953, Pháp chuyển hướng hoạt động mạnh mẽ, tổ chức lực lượng càn quét khắp nơi trong tỉnh, huyện nhằm thực hiện chiến lược củng cố và chiếm đóng. Chúng ráo riết sửa lộ Mặc Cần Dưng - con đường chiến lược thọc sâu vào vùng giải phóng, lấn chiếm vùng du kích để biến thành vùng tạm chiếm và đã thực hiện được ở Vĩnh Hanh

Tháng 4/1953 thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về tiệu diệt địch mở vùng, bộ đội địa phương huyện Châu Thành phối hợp với Biệt động đội 304 và du kích các xã diệt đại đội tên Tiên ở Hòa Bình Thạnh; đồng thời dụ hàng binh lính địch ở kinh Bốn Tổng.

Đầu năm 1954, khắp các chiến trường trong cả nước dấy lên phong trào "Thi đua giết giặc lập công" hưởng ứng chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 ở chiến trường chính; từ cuối tháng 5/1954, khả năng đối phó của địch yếu ớt ở các chiến trường trong cả nước. Chúng chỉ xây dựng công sự kiến cố để cố thủ, trấn an bọn đồn trú khi ta uy hiếp; tinh thần binh lính địch hoang mang, cầu an, nội bộ có nhiều mâu thuẫn. Các báo cáo đưa tin chiến sự công khai ở Bắc bộ, Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève diễn ra hàng ngày...

Ngày 7/5/1954, tin ta chiến thắng Điện Biên Phủ gây "Chấn động địa cầu", thực dân Pháp buộc phải đầu hàng vô điều kiện. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết; Huyện ủy phổ biến lệnh ngừng bắn và chỉ đạo tập kết chuyển quân đến nơi quy định. Nhân dân Vĩnh Trạch, trong đó có nhân dân Vĩnh Thành vui mừng phấn khởi, vì được sống trong hòa hòa bình sau 9 năm dài kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là sự lãnh chỉ đạo của Đảng bộ địa phương, nhân dân Vĩnh Trạch, Vĩnh Thành đã không ngại gian khổ, hy sinh để đóng góp sức người, sức của cho cách mạng và là nơi nuôi chứa, trú ẩn an toàn cho cán bộ cách mạng, tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Sắc là cơ sở nuôi chứa cán bộ và động viên các con tham gia cách mạng, làm giao liên bà Nguyễn Thị Đẹt (từ năm 1945), bà Nguyễn Thị Bùi ( từ năm 1948).

II- KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC (1954 – 1975)

1- Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, chống địch tố cộng, diệt công, tiến lên "Đồng khởi"(1954 – 1961)

Hiệp định Genève về Đông Dương được ký ngày 20/7/1954 và có hiệu lực ngày 29/10/1954. Đất nước tạm thời bị chia cắt 2 miền, sau 2 năm (20/7/1956) sẽ tổ chức tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Huyện ủy sắp xếp một số người đi tập kết ra Bắc.

Ở Vĩnh Trạch, sau Hiệp định Genève, có ông Lê Hồng Hải (Năm Chi, con thầy Cai Tịnh) đi tập kết. Số cán bộ còn lại rút vào hoạt động bí mật xây dựng cơ sở, lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch đòi dân sinh, dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Genève, chống khủng bố, đàn áp nhân dân.

Sau khi Hiệp định Genève có hiệu lực, nhân dân Vĩnh Trạch, Vĩnh Thành chẳng những không được hưởng không khí hòa bình, thông nhất đất nước, mà còn phải lo âu đối phó với tình hình chính trị, xã hội rất phức tạp ở địa phương. Lực lượng võ trang giáo phái của Lê Quang Vinh (Ba Cụt), Trần Văn Soái (Năm Lửa) trở lại chiếm đóng, kiểm soát tình hình. Bọn chúng đe dọa, làm tiền những gia đình có chồng con theo kháng chiến khiến cho không khí căng thẳng bao trùm lên thôn xóm. 

   Ở miền Nam, Mỹ thay chân Pháp và dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm gấp rút củng cố, xây dựng bộ máy ngụy quân, ngụy quyền từ Trung ương đến cấp xã, ấp, thẳng tay đàn áp những người kháng chiến và cấu kết với bọn bọn phản động đội lốt tôn giao cướp bóc, đàn áp nhân dân.

Năm 1955, đồng chí Đỗ Thành Quang (Tư Quang) sau khi học tập thông suốt tinh thần nội dung Hiệp định Genève, được Ban cán sự huyện phân công phụ trách xã, gây dựng phong trào, phát động và lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch đòi chúng thi hành Hiệp định Genève, xây dựng các cơ sở cách mạng như bà Nguyễn Thị Huệ làm giao liên năm 12 tuổi, Năm Sứt....tổ chức rải truyền đơn với nội dung hiệu triệu của Ủy ban Liên Việt Nam Bộ:

Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm !.

Thành lập một Chính phủ tán thành hoà bình, thống nhất thi hành Hiệp định Genève !.

Lập lại quan hệ bình thường Bắc – Nam !

Đình chỉ các cuộc xung đột nồi da xáo thịt !.

Việt Nam hoà bình, thống nhất, dân chủ, độc lập muôn năm!

Tại địa phương, lực lượng giáo phái Trần Văn Soái (Năm Lửa), đòi chia sẻ quyền lực với chính quyền Sài Gòn. Tháng 6/1955, lấy chiêu bài thống nhất lực lượng quốc gia, “Quốc gia hóa”, Ngô Đình Diệm huy động lực lượng thanh toán quân đội giáo phái, bước đầu giành thắng lợi và thâu tóm quyền hành trong tay; Diệm tiến hành xây dựng, củng cố chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Ở cấp xã, chính quyền là Hội đồng Hương chính với 6 ủy viên.

Ngày 23/10/1955, Diệm tổ chức “Trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại lên làm Tổng thống và ngày 4/3/1956, tổ chức bầu cử Quốc Hội để hợp pháp hóa chế độ độc tài nhằm khủng bố nhân dân và đánh phá cách mạng.

Để thực hiện lời kêu gọi, ta vận động nhân dân đứng lên đấu tranh đòi Diệm thi hành Hiệp định Genève, tổ chức Hiệp thương tổng tuyển cử, xé phiếu bầu "Trưng cầu dân ý” của Diệm bỏ vào thùng phiếu, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi địa chủ Trường Tiền Son, Đốc Phủ Kỉnh, Tri huyện Chơn giảm tô từ 03 - 04 giạ lúa/công xuống còn 01 – 1,5 giạ lúa/công/năm.

Sau khi ổn định bộ máy chính quyền, tổ chức lại địa bàn quản lý, thống nhất lực lượng quân đội, ngày 24/7/1956, Diệm phát động giai đoạn II chiến dịch 'Tố cộng” quyết liệt, sâu rộng đến từng xóm, ấp, từng gia đình, nhằm mục đích trực tiếp đánh phá, tiêu diệt phong trào cách mạng. Chúng phân loại gia đình theo A, B, C1 để dễ kiểm soát, quản lý; đưa các đoàn công dân vụ xuống xã, ấp tìm diệt cơ sở cách mạng...để hỗ trợ chiến dịch "Tố cộng", địch tổ chức nhiều cuộc hành quân càng quét, đánh phá cơ sở cách mạng và trên thực tế chúng đã đoạn tuyệt với Hiệp định Genève. Trước tình hình này, trên chủ trương cho một số cán bộ được đi "Điều lắng", số cán bộ tại chỗ phải tạm thời ngưng hoạt động để giữ bí mật

Năm 1957, bằng các hình thức hoạt động công khai, bán công khai như hớt tóc dạo, làm thợ mộc, giăng câu, giăng lưới, đặt lờ...các cán bộ móc nối với đảng viên đi "Điều lắng" nơi khác về hoặc số nằm im nay hoạt động trở lại. Đồng chí Bùi Giang Đông (Năm Đống) hoạt động lưu động ở các xã Vĩnh Trạch, Định Mỹ, Phú Hòa; đồng chí Đặng Quang Xã (Tám Xê) hoạt động ở Vĩnh Trạch, Phú Hòa, Vĩnh Chánh nắm tình hình và truyền đạt chủ trương của Đảng đến cơ sở.

Thông qua các hoạt động nói trên, sự lãnh đạo của Đảng được khôi phục, các đảng viên bám được cơ sở vận động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh kịp thời theo chủ trương của Đảng đòi dân sinh, dân chủ, chống Diệm đàn áp, "Tố cộng" mở rộng mặt trận đấu tranh với địch và bảo vệ lực lượng cách mạng. Nhiều gia đình tin Đảng, thương cán bộ không sợ tù đầy, hy sinh nuôi chứa cán bộ, ủng hộ tiền của và cho con em đi theo cách mạng, tiêu biểu như gia đình đồng chí Đỗ Thành Quang (Tư Quang) và vợ là Nguyễn Thị Bùi (Bảy Bùi), gia đình ông Vương Văn Kia, gia đình ông Phan Hưng Thời.

Trong 2 năm (1957 - 1958), thông qua các chiến dịch "Bình định", "Bảo vệ mùa màng" ngụy quyền An Giang ra sức đánh phá cơ sơ cách mạng, bao vây phong tỏa kinh tế ta; đưa các đoàn "Công dân vụ" xuống nông thôn làm nhiệm vụ nắm dân và truy lùng tìm diệt cán bộ cách mạng. Chúng dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền lừa bịp nhân dân và sử dụng những tên đầu hàng phản cách mạng để theo dõi, ngày đêm rình rập những gia đình có người tham gia kháng chiến.

Cùng thời gian này, với mục đích chi viện cho quận Núi Sập để đàn áp phong trào cách mạng trong huyện, chính quyền Diệm cho đắp lộ Long Xuyên - Núi Sập (tỉnh lộ 943 ngày nay). Vào mùa nước, chủ thầu mướn dân đào, lặn lấy đất ruộng dùng xuồng chỡ về đắp lộ với giá rẻ mặt, sau khi đắp xong, chúng cho cán đá để xe nhà binh đi được.

   [4]Năm 1959, Vĩnh Trạch Thành lập Chi bộ với 3 đảng viên, do đồng chí Đặng Quang Xã (Tám Xê) làm Bí thư, 2 đảng viên là Trần Nhơn (Ba Tiền - dân tộc Khmer) và Khưu Tấn Hồng (Ba Cơ); có đội du kích hợp pháp 12 người do đồng chí Khưu Tấn Hồng chỉ huy làm nhiệm vụ rải tuyền đơn, trừ gian, diệt ác. Sau đó, Huyện ủy cử đồng chí Tám Xê đi học lớp Trần Phú 4 tháng, phân công nữ đồng chí Lê Thị Quang (Sáu Quang, Sáu Trầu) làm Bí thư Chi bộ xã. Chi bộ thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên, mở lớp học cho Thanh niên do đồng chí Năm Tân hướng dẫn học tập, tổ chức trừ gian, phá kềm, năm quy luật địch hành quân báo về huyện.        Cuối năm 1959, xét thấy tên Lê Văn Hiển là Trưởng ấp Đông Bình Nhất (xã Vĩnh Thành) nổi tiếng ác ôn, bắt bớ đàn áp nhân dân, chỉ điểm cho giặc bắt giam cầm các gia đình cơ sở cách mạng của ta như các ông Bùi Văn Nhâm, Lê Văn Diệu, Cả Bật… đội du kích xã dưới sự chỉ huy của đồng chí Sáu Trầu, Ba Cơ cùng các đồng chí du kích xã như: Hai Xía, Hai Tây, Ba Cường đã bao vây bắt tên Hiển tại nhà, tổ chức họp dân công khai tội ác và xử tử y tại chỗ.

Năm 1959, sự đánh phá, khủng bố của địch lên đến đỉnh điểm khi Diệm ban hành luật 10/1959 (ngày 6/5/10/1959), lê máy chém chặt đầu Cộng sản và những người yêu nước, chúng ra sức đóng thêm đồn bót, tăng cường lực lượng bảo an, dân vệ, tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét và bắt giam, giết hại những người chúng nghi là "Cộng sản", với khẩu hiệu "Thà giết lầm còn hơn bỏ sót".

Trong khi phong trào cách mạng miền Nam đứng trước khó khăn, thử thách nghiêm trọng, thì Nghị quyết 15 của Trung ương ra đời đáp ứng nguyện vọng tha thiết của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tháng 8/1959, nội dung tóm tắt Nghị quyết 15 của Đảng nhanh chóng được truyền đi đến tận cơ sở gói gọn trong những từ “Ở trên cho đánh”. Mọi người phấn khởi chuẩn bị bước vào giai đoạn chiến đấu mới.

Ngày 17/1/1960,  phong trào "Đồng khởi" ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre nổ ra, rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh Nam bộ, Tây Nguyên và Trung Trung bộ. Hội nghị Tỉnh ủy họp vào quý I/1960 quyết định phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền ở nông thôn. Tháng 9/1960, Huyện ủy ra Nghị quyết phát động quần chúng phá thế kềm kẹp của địch, giành quyền chủ động ở nông thôn. Hưởng ướng phong trào "Đồng khởi", các xã của Núi Sập, Châu Thành xây dựng lực lượng tự vệ để hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm

Tháng 9/1960, du kích xã phá sập cầu ở ấp Đông Bình Nhất (Vĩnh Thành) và bắn chết tên địa chủ Ngôn, một tên chỉ điểm có nhiều tội ác với cách mạng. Chính tên Ngôn đã dẫn đám dân vệ đồn Vĩnh Trạch bao vây nhà ông Tô Quốc Đạt (Hai Tệt, gia đình cơ sở cách mạng) bắt đồng chí Ba Ngô chi ủy viên của Chi bộ xã Vĩnh Chánh khi đồng chí đi công tác từ huyện về ghé qua nhà ông Hai Tệt để viết khẩu hiệu, may cờ Đảng, nhưng nhờ sự mưu trí của gia đình ông Hai Tệt và sự bình tĩnh của đồng chí Ba Ngô, đã kịp thời huỷ bỏ tài liệu truyền đơn và giấu cờ, bọn giặc bắt ông về đồn, nhưng không tìm được chứng cứ buộc chúng phải thả đồng chí.

Năm 1960, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, phong trào đồng khởi của nhân dân các xã  Vĩnh Trạch, Vĩnh Chánh, Vĩnh Hanh, Cần Đăng, Bình Hòa, Hòa Bình Thạnh, Bình Đức...của huyện Châu Thành diễn ra sôi nổi. Họ đã xuống đường mít-tinh, biểu tình, treo cờ, băng- gôn, khẩu hiệu, biểu ngữ để uy hiếp tinh thần địch; lực lượng tự vệ, du kích đốt pháo, ống lói gây tiếng nổ; làm súng giả bằng bẹ chuối, thân đu đủ ngụy trang bộ đội kéo quân qua lại trên bờ, dưới sông, lấy danh nghĩa tiểu đoàn Thất Sơn, ban đêm ta phát loa kêu gọi, cảnh cáo những tên ác ôn, ra lệnh giải tán tề xã... làm cho tề xã phải hoảng sợ.

Ngày 20/12/1960, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh An Giang ra đời, đã lãnh đạo đưa phong trào nhân dân đấu tranh lên mạnh mẽ.

Để đối phó với phong trào cách mạng đang trổi dậy, Nguỵ quyền tăng cường quân số lượng dân vệ cho đồn Cái Vồn và đồn Ba Bần từ 25 tên lên 40, củng cố bộ máy xã ấp, tập trung phát triển thanh niên chiến đấu ở ấp lên 30 tên, đưa Công Dân vụ xuống ấp, đẩy mạnh công tác “phản nội tuyến” và mở nhiều đợt hành quân càn quét.

Ngày 4/4/1961, ngụy quyền cấm trại các đồn để bảo vệ cuộc bầu cử, các điểm bỏ phiếu được bảo an, dân vệ canh gác ngày đêm. Thực hiện chủ trương của Huyện uỷ, chi bộ lãnh đạo nhân dân phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống Nguỵ quyền vào ngày 09/4/1961. Đến ngày bầu cử, nhiều gia đình lánh mặt không đi bỏ phiếu, để trẻ em ở nhà hoặc bị địch hăm dọa, thúc ép buộc phải đi bỏ phiếu, thì tỉm cách xé rách, bấm thủng phiếu bầu.

Tháng 10/1961, nhằm kiện toàn địa bàn và tập trung cho giai đoạn mới, huyện Châu Thành và Huệ Đức sáp nhập lấy tên là huyện Châu Thành. Tiếp tục phát huy thắng lợi của những ngày "Đồng khởi". Ngày 12/4/1961, lực lượng du kích xã do đồng chí Khưu Tấn Hồng (Ba Cơ) chỉ huy phối hợp cùng lực lượng bộ đội huyện do đồng chí Chín Khói, Hai Bính chỉ huy tổ chức treo cờ, biểu ngữ căng ngang 02 cây gáo (ấp Trung Thành, xã Vĩnh Thành), với dòng chữ: “Đả đảo đế quốc Mỹ cướp nước và bọn tay sai Ngô Đình Diệm bán nước”, cách đồn dân vệ Cái Vồn  khoảng 600m và lực lượng ta phục sẵn. Khoảng 1 giờ sau nghe tin báo,  tên cảnh sát Lê Ngọc Phan dẫn 2 tiểu đội từ đồn Cái Vồn chia làm 2 cánh đi đường bộ và đường sông tiến về nơi treo cờ biểu ngữ, lọt vào trận địa phục kích. Ta nổ súng diệt tại chỗ 06 tên, trong đó có tên cảnh sát Lê Ngọc Phan, thu 08 súng carbine, 17 băng đạn. Bọn địch còn lại tháo chạy thục mạng về đồn Cái Vồn.

Phong trào nổi dậy của quân, nhân trong huyện, mọi nỗ lực chính trị, quân sự của ngụy quyền đều không có kết quả. Vùng giải phóng và căn cứ lõm của cách mạng được mở rộng. Từ Cánh đồng Năm Xã đến kinh Bốn Tổng là địa bàn đứng chân chỉ đạo phong trào quần chúng các xã Vĩnh Trạch, Vọng Thê, Định Mỹ, Thoại Sơn...Cánh mạng giành quyền làm chủ được 3 ấp ở Vĩnh Trạch. Cán bộ, đảng viên tăng cường tuyên truyền, vận động nhnâ dân và phát động phong trào tấn công, phá hủy đồn bót, diệt ác gây khí thế trong toàn huyện, khiến tên Quận trưởng phải thỉnh cầu tên Tỉnh trưởng An Giang gấp rút xây dựng thêm đồn yếu điểm ở Ba Bần để đảm bảo khỏi bị diệt cộng uy hiếp.

Mùa lũ 1961, đời sống nhân dân đói khổ, Chi bộ lãnh đạo nhân dân Vĩnh Thành, Vĩnh Trạch phối hợp với nhân dân các xã bạn thành lập đoàn biểu tình khoảng 700 người kéo về tỉnh lỵ, đưa đơn kiến nghị Tỉnh trưởng đòi để cho nhân dân đi lại tự do làm ăn, đòi giảm thuế, xin được cứu trợ...Tên Tỉnh trưởng buộc phải hứa giải quyết các nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, khi chính quyền ngụy cấp phát hàng cho nhân dân, thì tên Lê Ngọc Thái Trưởng ấp Trung Bình Nhì (anh ruột của tên Lê Ngọc Phan) tổ chức lập danh sách khống để chiếm đạt hàng cứu trợ. Trước sự việc này, đêm 10/11/1961, lực lượng du kích xã dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Thành Khoan (Tám Khoan) đã đột nhập vào nhà bắt tên Thái, ngày 12/11/1961 đưa về địa điểm trước nhà thờ Ba Bần công khai tội ác của y và xử tử tại chỗ trước sự chứng kiến của hàng trăm đồng bào.

Ngày 12/12/1961, Đại hội thành lập Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Châu Thành được tổ chức tại Cản Đá ( xã Tân Phú ngày nay), là sự kiện quan trọng đánh dấu thời kỳ đấu tranh mới. Mặt trận chủ trương trừ gian, làm công tác binh vận, vận động binh sĩ trong các đồn dân vệ và gia đình họ ủng hộ cách mạng  Kết quả quả, ta tranh thủ được binh sĩ đồn Vĩnh Trạch, Vĩnh Chánh, nên khi địch hoạt động ở đâu, ta đều nắm được tin tức. Một số binh sĩ còn lấy đạn, lựu đạn cung cấp cho cách mạng.

Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX ở xã Vĩnh Trạch (trong đó bao gồm xã Vĩnh Thành ngày nay), có các gia đình cơ sở nuôi chứa và luôn là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ cách mạng hoạt động. Gia đình bà Trần Thị To đào hầm bí mật trong nhà; gia đình bà Lê Thị Đọt nuôi chứa các ông Nguyễn Văn Tôn (Mười Tôn), Mười Nhiễu, Tám Khoan, Tám Xê, Tư Râu, Mười Cai, Chín Văn, Hai Tửng. Gia đình các ông Vương Văn Kia, Tô Quốc Đạt, Trần Văn Dương, ông Đáng1, Ba Ẩn, Ba Phòng, Hai Sao, Năm Sứt, Tiều Húa, Ba Nhuận, Hai Đực, Ba Luân, Tư Xinh, Tư Xem, Hai Diệp, Bảy Qúi, Bảy Tích, Bảy Dệt, Chín Vị, Chính Chỉnh, Hai Cưng, Út Tuấn, Út Liêm, Út Nhì 2...làm nhà vách đôi, đào hầm bí mật trong nhà, dưới mé sông, ở chuồng bò, chuồng heo, ngoài vườn, ngụy trang bằng cách làm cây rơm ở bên trên để nuôi chứa cán bộ. Ông Lê Văn là du kích tham gia rải truyền đơn, diệt ác, phá tề (mỗi năm 3,4 lần), gia đình nuôi chứa cách mạng, ông bị địch bắt 2 lần, bị đánh đập dã man, nhưng không hề khai báo. Ông Nguyễn Văn Sứt (Năm Sứt) đào hầm bí mật nuôi chứa cán bộ bị địch bắt tra tấn đến tàn tật. Gia đình cơ sở cách mạng là ông Vương Văn Kia và vợ là Tô Thị Huê đều bị địch bắt giam, tra tấn ở khám lớn Long Xuyên, nhưng không khai báo...

Những gia đình cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng nêu trên, phần nhiều là cư trú và nằm trên phần đất ở các ấp Trung Thành, Tân Thành, Đông Bình Nhất của xã Vĩnh Thành ngày nay (Trước giải phóng là Vĩnh Trạch), đặc biệt là ấp Đông Bình Nhất năm liền kề với Cái Chiêng (Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên). Trước 30/4/1975, giao thông đường bộ giữa các ấp này chỉ là con "Đường mòn","Chia cắt", đi lại rất khó khăn, dân cư ở ấp nào, làm gì, thì ấp đó biết. Hoạt động của cán bộ và các cơ sở nuôi chứa cách mạng ở các ấp mang tính "Độc lập", "người nào làm, thì người đó biết".Vì vậy, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, phong trào cách mạng ở nơi đây phát triển khá mạnh so với những ấp khác của Vĩnh Trạch.

Hoạt động của các gia đình cơ sở không chỉ bảo vệ được cán bộ cách mạng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh với địch, diệt ác phá kềm, mà còn là "Chiếc cầu nối" giữa cán bộ với nhân dân, giúp nhân dân hiểu, tin cách mạng vẫn luôn ở bên cạnh đấu tranh, bảo vệ cuộc sống cho họ và vững lòng tin vào chiến thắng quân xâm lược Mỹ, cùng bè lũ tay sai.

 2- Đấu tranh chống địch bình định, gom dân tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1962 – 1968)

 Thắng lợi của phòng trào đồng khởi, địch thất bại liên tiếp trên các chiến trường, phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh. Mỹ Nguỵ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với mong muốn bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, bọn chúng lấy kế hoạch lập ấp chiến lược làm quốc sách.

Đầu năm 1962, với tham vọng tiêu diệt hoàn toàn "Thảm họa Cộng sản" ở An Giang, địch ra sức dồn dân lập ấp chiến lược. Ngụy quyền An Giang mở 15 chiến địch với hàng trăm cuộc hành quân càn quét, lùa dân, phát hoang, với tham vọng biến vùng giải phóng thành vùng trắng. Chúng tăng cường lực lượng dân vệ, võ trang cho lực lượng Thanh niên cộng hòa và cải biến thành Thanh niên chiến đấu; tăng cường kiểm soát nhân dân, xây dựng và bảo vệ ấp chiến lược, coi ấp chiến lược là "Quốc sách" của chính quyền Ngô Đình Diệm.

 Ở Vĩnh Trạch, chúng xây dựng ấp chiến lược ở khu vực ấp Tây Bình và ấp Trung Bình Nhất (nay là ấp Vĩnh Trung), ấp Đông Bình Nhất (nay thuộc xã Vĩnh Thành). Chúng bắt dân đào hào ngăn cách hộ dân với hộ dân, hộ dân với đồng ruộng, có hàng rào bao quanh, ngăn chặn và cách ly cách mạng với nhân dân; lập nhiều vọng gác để kiểm tra người dân ra vào ấp chiến lược, phía trong ấp nhà này ngăn cách nhà kia bằng hàng rào tre. Bọn chúng chọn những tên trung thành với “quốc gia” vào làm Ban Trị Sự ấp, bắt dân làm tờ khai gia đình có dán hình để chúng dễ dàng đối chiếu kiểm soát, mỗi nhà phải trang bị đèn, gậy gộc để khi có Việt cộng vào ấp phải cùng nhau bắt trói giao cho Ban Trị Sự ấp xét xử.

Để hỗ trợ cho việc lập ấp chiến lược, chúng mở nhiều chiến dịch “Bình định chiêu an”, xây dựng hương thôn…. lập tại xã 01 trung đội Thanh niên chiến đấu 40 tên, mỗi ấp 1 tiểu đội Thanh niên chiến đấu cùng hai đồn dân vệ Cái Vồn 40 tên, đồn Ba Bần 25 tên, đều được trang bị vũ khí đầy đủ để bảo vệ ấp chiến lược.

Tuy nhiên, địch rào ấp chiến lược vào mùa khô, ta tổ chức phá ấp chiến lược vào mùa nước. Mỗi lần tổ chức phá ấp chiến lược, du kích xã bám đồn để theo dõi hoạt động của địch. Sau đó, bộ đội địa phương huyện về phục kích, ngăn địch cho du kích phát động nhân dân phá hàng rào. Với cách phá này, hình thức ấp chiến lược ở Vĩnh Trạch, Vĩnh Thành không có tác dụng và địch cũng không có khả năng làm lại sau khi ta phá. Vì vậy, ngày nay trên địa bàn 2 xã Vĩnh Thành và Vĩnh Trạch đều không có kênh ấp chiến lược ngăn cách từ nhà ra đồng.

Năm 1962, đồng chí Lê Thị Quang (Sáu Quang, Sáu Trầu) phối hợp với xã Vĩnh Chánh phá cầu, đánh bót, diệt 1 tên cảnh sát, treo cờ ở Ba Bần. Vào ban đêm du kích xã phát động nhân dân phá cầu Tà Luột (nay là xã Vĩnh Trạch), sau đó đặt mìn đánh sập cầu để cắt đứt giao thông. Có lần du kích đục thân cây gáo, gài lựu đạn ở khu vực cầu Tà Luột, bên ngoài gắn miếng thiếc và ghi chữ "Chống Mỹ". Sáng ra lính nghĩa quân đi tuần tra, một tên hung hăng tiến đến cây gáo giựt miếng thiếc bị lựu đạn nổ nát bàn tay. Du kích còn vẽ hình Ngô Đình Diệm thả bè chuối trôi sông kết hợp với rải truyền đơn tố cáo Ngô Đình Diệm bán nước.

Tháng 9/1962, đồng chí Sáu Quang bị địch bắt, Huyện ủy phân công đồng chí Tư Lúa làm Bí thư chi bộ liên xã Vĩnh Trạch - Hoà Bình Thạnh (do Hòa Bình Thạnh chỉ có 1 đảng viên).Vĩnh Trạch có  02 đồng chí là Trần Nhơn (Ba Tiền), Khưu Tấn Hồng (Ba Cơ) là đảng viên.

Năm 1963, để hỗ trợ cho phong trào quần chúng phá ấp chiến lược trên địa bàn xã Vĩnh Trạch theo chủ trương của Huyện ủy Châu Thành, chi bộ xã quyết định tiêu diệt tên Ngươn, một tên tay sai chỉ điểm ác ôn. Du kích tổ chức phục kích bắt tên Ngươn tại bến đò Trà Suốt và xử tử y tại khu đất miếu Tham Trạch, ấp Đông Bình Nhất (nay là xã Vĩnh Thành).

Sau ngày Ngô Đình Diệm bị đảo chính (01/11/1963), cách mạng giải phóng nhiều nơi và làm chủ nhiều vùng rộng lớn. Do không làm chủ được tình hình, chính quyền ngụy ở xã xin chi viên và được Tỉnh trưởng chấp thuận, 04 liên đội nghĩa quân do tên Thanh chỉ huy được điều về các xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Chánh, Phú Hòa. Chúng thường xuyên càn quét từ Phú Hòa đến Ba Bần, Ba Dầu, gây rất nhiều khó khăn cho cách mạng, Vĩnh Trạch trở thành vùng yếu.

Năm 1964, do bị thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, Mỹ ngụy chuyển sang kế hoạch bình định có trọng điểm hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường; trong 2 năm 1964 - 1965, đổi tên "Ấp chiến lược" thành "Ấp tân sinh", địch lấy Huệ Đức là trọng điểm bình định chính trị của tỉnh An Giang. Trên địa bàn xã, chúng tổ chức thanh lọc nội bộ, đẩy mạnh hoạt động tình báo, đưa đoàn cán bộ bình định nông thôn xuống xã 12 tên theo dõi hoạt động của ta, theo dõi nhân dân, tổ chức huấn luyện quân sự cho Thanh niên chiến đấu ngày đêm canh gác ấp tân sinh.

Tháng 10/1964, đoàn cán bộ do đồng chí Hồ Chí Sơn - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy chỉ huy về Vĩnh Trạch mở vùng yếu. Huyện ủy phân công đồng chí Đặng Quang Xã phụ trách 2 xã Vĩnh Trạch và Phú Hòa; đồng chí Hai Tửng phụ trách 3 xã Vĩnh Trạch, Định Mỹ và Vĩnh Chánh. Cuối năm 1964, Tỉnh ủy điểu động đồng chí Chín Vân (Thường vụ Huyện ủy) về huyện Châu Thành, phân công xuống xã Vĩnh Trạch bám dân, ở hầm bí mật chỉ đạo phong trào.

Trong năm 1964, để tạo khí thế cho phong trào, xét thấy tên Như trưởng ấp Đông Bình Nhất (nay thuộc xã Vĩnh Thành) và tên To phụ tá cho tên Như là 02 tên nổi tiếng tên ác ôn. Chúng đã từng dùng lựu đạn tàn sát gia đình ông Hai Liếng để cướp của và thỏa mản tư thù, sau đó đổ thừa cho Việt cộng. Qua điều tra nắm quy luật đi lại của 2 tên này; đồng chí Nguyễn Hồng Thu (Năm Thu) biệt động Long Xuyên bố trí lực lượng du kích đón lõng tại bến đò Trà Suốt (Vĩnh Thành). Khi chúng vừa xuống đò, đồng chí Năm Thu nổ súng bắn chết tên Như, tên To chạy thoát. Sự kiện này làm cho những tên trưởng ấp khác rất hoang mang lo sợ, không dám hống hách đàn áp nhân dân như trước kia.

Trong 2 năm 1964 - 1965, công tác diệt ác, phá kềm, chống bình định gom dân trên địa bàn huyện Châu Thành diễn ra sôi nổi, tinh thân đấu tranh cách mạng của quần chúng lên cao. Ở xã Vĩnh Trạch, nhân dân chủ động đi tìm cán bộ Mặt trận huyện đề nghị yểm trợ, cho người ra treo cờ, cảnh cáo địch để dân không đi làm cho ấp.

Năm 1965, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" bị phá sản, Mỹ và chính quyền tay sai chuyển sang chiến lược“Chiến tranh cục bộ”, chúng đưa quân Mỹ và quân chư hầu trực tiếp tham chiến trên chiến trường niền Nam Việt Nam thực hiện kế hoạch “Bình định”,“Tìm diệt”, dồn dân vào ấp tân sinh, đẩy mạnh hoạt động an ninh tình báo... tăng cường hành quân tìm diệt, gia tăng mật độ bắn pháo. Chỉ trong thời từ 30/5 - 15/6/1965, trên địa bàn huyện Châu Thành địch mở 20 cuộc hành quân, tham gia mỗi cuộc hành quân có từ 13 tiểu đội đến 35 đại đội, và sự chi viện hoả lực của 9 tàu chiến.

Đầu năm 1965, Huyện ủy phân công đồng chí Tư Lúa nhận nhiệm vụ mới, điều đồng chí Trần Bá Ngô (Ba Ngô) về xã Vĩnh Trạch làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ có 4 đảng viên là Ba Ngô, Lữ Văn Xiếu (Hai Xiếu), Ba Cơ, Trần Nhơn (Ba Tiền). Tất cả đảng viên đều nằm hầm bí mật. Chi bộ xây dựng được các gia đình cơ sở cách mạng như: gia đình Út Quởn, Út Trấn, Ba Chà; gia đình ông Lê Quang Lạc là cơ sở nuôi chứa các đồng chí Trần Bá Ngô, Huỳnh Văn Tòng (Năm Tòng), Lê Quang, Võ Thành Khoan (Tám Khoan) và cung cấp củi, gạo cho cách mạng. Mặt khác, ông Lạc thường xuyên quan hệ, nhậu nhẹt với lính đồn Ba Bần để che mát địch và nắm tin tức. 

Cuối năm 1965, đồng chí Trần Bá Ngô được Huyện ủy điều về huyện và phân công đồng chí Võ Thành Khoan về xã làm Bí thư Chi bộ.

Hai năm 1965 – 1966, địch mở nhiều chiến dịch bình định nông thôn, đưa từng đoàn cán bộ xây dựng nông thôn xuống xã trực tiếp ăn ở trong dân để theo dõi, chặn đứng các hoạt động của ta; tăng cường lùng sục gắt gao tìm diệt cán bộ cách mạng ở hầm bí mật, đẩy mạnh hoạt động tình báo, gián điệp, chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, chiêu hàng, nắm Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo các cấp để gây mâu thuẫn, chia rẽ nhân dân; tích cực sử dụng bọn phẩn động đội lốt tôn giáo chống phá cách mạng. Bằng những hình thức hoạt động này, địch lấp dần căn cứ lõm của Vĩnh Trạch ở trong vùng cách đồng 5 xã.

Năm 1966, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Châu Thành, du kích xã tiếp tục đẩy mạnh công tác diệt ác, phá kềm, phá ấp tân sinh và phối hợp với lực lượng võ trang liên tục tổ chức các hoạt động tấn công địch về quân sự, chính trị, binh vận....ngụy quyền huyện, tỉnh gặp phải khó khăn khi đối phó dẫn đến tinh thần binh lính ngụy sa sút.

Những thắng lợi của cách mạng trên địa bàn huyện năm 1966, đã tạo kiện cho cán bộ, đảng viên lần lượt về bám trụ tại ở các xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Hanh...xây dựng thêm cơ sở, nhân đầu mối, cụ thể là: Ông Nguyễn Văn Ký tiếp tục làm giao liên nắm tình hình địch và đưa rước cán bộ về xã công tác; gia đình ông Đỗ Thành Quang tiếp tục đào hầm bí mật trong nhà nuôi chứa các đồng chí Ba Ngô, Tám Khoan, Năm Thu, Mười Nhiễu, Nửa...Ông Vương Văn Linh đổi tên thành Vương Tiến Nghĩa để trách sự truy lùng của địch, và ông được tổ chức đưa đi học 3 tháng ở nhà thương Long Xuyên tiếp tục tham gia rải truyền đơn, mua thuốc cung cấp cho cách mạng. 

Tháng 3/1967, đồng chí Chín Vân Thường vụ Huyện ủy, đồng chí Hai Tửng Huyện ủy viên và đồng chí Phong Trung đội trưởng địa phương quân huyện về bám trụ địa bàn, chỉ đạo phong trào cách mạng ở các xã Vĩnh Trạch, Định Mỹ, Vĩnh Chánh. Tên Nửa bảo vệ đồng chí Chín Vân chiêu hồi khai báo dẫn địch đến khui hầm bí mật tại xóm Rạch Chùa (xã Vĩnh Thành ngày nay) bắn chết cả 3 đồng chí1. Sau sự kiện này, địch đã bắt hết 03 gia đình cơ sở của ta gồm gia đình Tư Xinh, Son, Út Nhì. Riêng cô Tư Xinh bị địch bắt giam nhiều năm tra tấn dã man và gia đình ông Quang cũng lấp hầm bí mật.

Tháng 11/1967, Huyện uỷ Châu Thành tổ chức Hội nghị tại đồng tràm Huệ Đức triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy và xây dựng kế hoạch tổng tấn công của huyện, sắp xếp tổ chức, phân công cán bộ, chuẩn bị các mặt công tác để thực hiện kế hoạch. Theo kế hoạch này, mặt trận Châu Thành - Huệ Đức được chia thành 3 khu vực chính:(1) Khu vực tấn công địch. (2) Khu vực công kích phụ để kềm chân, căn kéo địch. (3) Khu vực khởi nghĩa bằng lực lượng chính trị, binh vận. Các xã phổ biến chủ trương này và được nhân dân tích cực hưởng ứng.

[5]Năm 1968, một mặt, địch thành lập "Ủy ban nhân dân chống cộng", lấy đơn vị xã, ấp làm trọng điểm, mỗi Ủy ban có 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, 01 Tổng thư ký và các ủy viên. Thanh niên và trung niên từ 15 tuổi đến 45 tuổi nếu không thuộc diện đi linh, thì phải vào tổ chức này; mặt khác, chúng còn lập tổ chức gọi là Toán, Liên toán dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hội đồng nhân dân xã. Lực lượng này được trang bị súng, hàng đêm thay phiên canh gác tại trụ sở Hội đồng nhân dân xã. Các ủy viên an ninh xã, ấp có nhiệm vụ đặt các trạm gác kiểm soát người qua lại, tuần tiễu phục kích dưới sự yểm trợ của Thanh niên chiến đấu và lính nghĩa quân.1

Đêm mùng 01 tết (ÂL) Xuân Mậu Thân năm 1968, trước giờ nổ súng tấn công, Đại đội điạ phương quân huyện có 30 đồng chí do đồng chí Chuột chỉ huy đã tập kết tại nhà ông Sáu Vệ chờ lệnh xuất kích. Tiếng súng chiến dịch nổ vang trước giờ giao thừa, mở đầu bằng việc bao vây gọi hàng đồn nghĩa quân Vĩnh Hanh, ở Vĩnh Trạch ta bao vây và tấn công đồn Cái Vồn suốt 02 ngày làm cho bọn chúng không dám ra khỏi đồn.

Trong suốt đợt 1 của chiến dịch từ 31/1/1968 – 15/3/1968, toàn bộ lực lượng cách mạng Châu Thành chỉ hơn 100 quân, nhưng đã kiên cường chiến đấu bám giữ cánh đồng Năm Xã, thường xuyên đối đấu với lực lượng 10 Đại đội bảo an, 02 Tiểu đoàn chủ lực và Sư đoàn  9 ngụy có cả trực thăng và xe M113 yểm trợ. Đợt 2 của chiến dịch chủ yếu diễn ra ở các nơi khác của huyện Tri Tôn.

 Nhìn chung, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, trên mặt trận Châu Thành tuy chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhưng có ý nghĩa to lớn về mặt chiến lược. Quân dân ta đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần công sức cùng quân dân miền Nam trong việc làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ và buộc chúng phải quay trở lại bàn đàm phán với ta tại Paris.

Tháng 7/1968, Huyện ủy điều đồng chí Võ Thành Khoan về làm Bí thư Chi bộ liên xã Vĩnh Phú - Phú Nhuận và phân công đồng chí Tư Lúa giữ chức Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Trạch. Chi bộ bước vào giai đoạn đấu tranh mới vô cùng gây go và phức tạp.

3- Đấu tranh chống bình định, lấn chiếm của địch, tiến tới giải phóng xã (1969 - 1975)

Thất bại trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với âm mưu “Dùng người Việt, trị người Việt”, "Lấy chiến tranh, nuôi chiến tranh". Thực hiện chiến lược mới, chính quyền Sài Gòn ra sức bắt lính, đôn quân để bù số quân Mỹ rút về nước; đồng thời, chuyển từ giai đoạn từ “Bình đình cấp tốc”sang giai đoạn “Bình định đặc biệt”; đẩy mạnh việc củng cố bộ máy chính quyền xã, ấp, tăng cường hoạt động an ninh tình báo, quân sự hóa nhân dân thông qua tổ chức “Ủy ban Phượng Hoàng” và “Ủy ban nhân dân tự vệ” cấp quận, xã. Mặt khác, để lừa bịp và xoa dịu các cuộc đấu tranh của nhân dân, địch thực hiện cái gọi là "Viện trợ dân sinh" đưa hàng tiêu dùng và các phương tiện sản xuất nông nghiệp xuống xã, ấp như: cấp trâu, bò, phân bón, hạt giống cho hộ nghèo...để "Lấy lòng dân", "Lôi kéo" nhân dân trong các kỳ bầu cử.

Từ giữa năm 1968 đến đầu năm 1969, địch tăng cường hoạt động đánh phá “Chà đi xát lại”cánh đồng Năm Xã, đã gây cho lực lượng cách mạng Châu Thành - Huệ Đức nhiều khó khăn, thiệt hại. Ở Vĩnh Trạch, địch tăng cường cho đồn dân vệ Cái Vồn - Ba Bần lên 1 trung đội, xây dựng những toán phòng vệ dân sự thay phiên canh gác ngày đêm. Phong trào cách mạng ở địa phương lâm vào thời kỳ khó khăn, ác liệt. Phần lớn cơ sở cách mạng ở xã, ấp bị đánh phá. Một bộ phận đảng viên ở xã bị đánh bật ra khỏi địa bàn theo Huyện ủy về căn cứ Núi Tô, bấy giờ Vĩnh Trạch trở thành "Vùng trắng".

Ngày 09/9/1969, đồng chí Nguyễn Thị Bùi - Giao liên xã hoạt động hợp pháp vẫn còn bám địa bàn và được kết nạp vào Đảng tại rừng tràm Huệ Đức. Đồng chí Bùi đã tích cực hoạt động, móc nối cơ sở cũ, xây dựng những gia đình cốt cán, có cảm tình với cách mạng. Một số du kích được đưa vào lực lượng phòng vệ dân sự để hoạt động hợp pháp như các ông Nguyễn Văn Bé, Trương Văn Quản...lấy đạn của địch, mỗi lần các ông lấy được vài chục đến 100 viên đạn cung cho cách mạng.

Trong điều kiện cách mạng gặp khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng, nhân dân vẫn một lòng tin Đảng, tin vào chiến thắng. Thông qua đi làm ruộng, đào chuột, giăng câu, thả lưới để qua mắt địch, nhân dân liên hệ, tiếp tế nuôi chứa cán bộ cách mạng, điển như trại ruộng của gia đình ông Huỳnh Công Khinh ở xã Vĩnh Nhuận là cơ sở nuôi chứa các đồng chí Võ Thành Khoan (Tám Khoan), Nguyễn Văn Tôn (Mười Tôn), Năm Mập.... đồng thời, với những chiếc xuồng trong mùa nước nổi, những chiếc xe bò trong mùa khô là những phương tiện  che mắt địch tiếp tế hữu hiệu cho cách mạng bấy giờ.

Ngày 28/03/1970, Huyện uỷ chia địa bàn huyện Châu Thành ra làm 03 vùng để tập trung chỉ đạo chuyển diện: Từ bị kềm chặt lên tranh chấp yếu; từ tranh chấp yếu lên tranh chấp mạnh. Trong đó, xã Vĩnh Trạch thuộc vùng 2 (từ tranh chấp yếu lên tranh chấp mạnh); bằng ý chí và tinh thần cách mạng kiên cường, Đảng bộ Châu Thành đã nỗ lực bám trụ xây dựng cơ sở và lãnh đạo quần chúng đấu tranh ở các xã Vọng Thê, Định Mỹ, Vĩnh Chánh, Vĩnh Trạch1 đòi quyền sử dụng đất do cách mạng cấp, gửi thu binh vận, khiến làng lính lo sợ, phớt lờ lệnh của cấp trên. Trong năm, ta còn diệt được 1 tên tình báo và phát triển được 2 du kích mật ở xã Vĩnh Trạch. Bấy giờ, ở ấp Tây Bình của xã có 1 đảng viên, 1 đoàn viên, 7 cảm tình và 1 du kích mật.2

Thực hiện chỉ đạo của Huyện uỷ Châu Thành chống đôn quân bắt lính, các xã Vọng Thê, Thoại Sơn, Vĩnh Phú, Định Mỹ, Vĩnh Trạch tổ chức huy động  khoảng 200 gia đình binh sĩ kết hợp với một số xã vùng ngoài như Phú Hòa, Vĩnh Chánh và kéo đến quận, tỉnh tìm xác chồng, con, em khóc than thảm, công khai nguyền rủa bọn tội phạm chiến tranh, đòi tiền tử tuất và kêu gọi chồng, con,em về với gia đình làm ăn. Qua cuộc vận động này, đã có hàng trăm tên địch các loại bỏ nhiệm, đào ngũ.3

Ngày 26/3/1970, Nguyễn Văn Thiệu Ban hành Luật "Người cày có ruộng", nhằm hợp thức hóa cho tay chân cướp đất của nông dân ở các xã vùng giải phóng trước đây như Vọng Thê, Vĩnh Trạch, Thoại Sơn. Gia đình ông Lê Văn Nam (thầy Cai Tịnh) có 900 công đất ở xã Vọng Thê và Mỹ Hiệp Sơn bị chính quyền Thiệu tịch thu. Địch còn tăng cường đưa quân chốt chặn, gài trái phong tỏa các đường ra vào căn cứ không cho nhân dân liên hệ, tiếp tế cho cách mạng; tổ chức lực tình báo, gián điệp, Phượng hoàng để nắm tình hình và tiến hành bình định bước 3... đã gây không ít khó khăn và thiệt hại cho phong trào cách mạng. Ở 2 xã Vọng Thê và Vĩnh  Trạch lực lượng cảm tình giảm 42 quần chúng4.

[6]Ngày 8/8/1970, đồng chí Nguyễn Thị Bùi bị địch bắt ở xã Vọng Thê trong đang đi tiếp tế, khi thấy dưới xuồng có gạo và thuốc tây. Chúng đưa đồng chí về giam ở quận 1 tuần, rồi giam 6 tháng ở khám lớn Long Xuyên và dùng nhiều cực hình tra tấn, nhưng  đồng chí chỉ một mực khai là gạo và thuốc đem cho bà con. Không khai thác được gì, địch buộc phải thả đồng chí về địa phương và đồng chí vẫn tiếp tục hoạt động bí mật trước sự theo dõi gắt gao của địch. Thời gian này, địch đóng đồn bót dày đặc và kiểm soát gắt gao, Huyện ủy phân công đồng chí Võ Thành Khoan xuống Đập Đá (Tân Hội, Kiên Giang) móc nối với những người dân ở các xã Vĩnh Trạch, Phú Hòa vào Đập Đá làm để xây dựng cơ sở, tạo thế bí mật về xã bám dân công tác.

Năm 1971, Huyện ủy điều đồng chí Võ Thành Khoan Bí thư Chi bộ xã Thoại Sơn về làm Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Trạch. Năm 1972, đồng chí Võ Thành Khoan phân công giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành - kiêm Trưởng An ninh huyện và tiếp tục phụ trách xã Vĩnh Trạch đến ngày giải phóng.

Để tăng cường vùng yếu, đồng chí Trần Thị Lệ (Năm Lệ), cán bộ Mặt trận tỉnh được phân công về  bám hợp pháp xã Vĩnh Trạch ở nhà ông Lê Văn Năm (thầy Cai Tịnh) để xây dựng cơ sở; đồng chí Năm Lệ móc nối và xây dựng được các gia đình cơ sở là ông Lê Quang Lạc (Bảy Tích), bà Tám Ngọn (người ở Tân Hội - Kiên Giang lên được kết nạp Đảng năm 1972). Gia đình ông Tám Khá tới lui nhà bà Lê Thị Vân (bà Mụ Vân - con thầy Cai Tịnh).

Thời gian này, Đảng bộ còn tổ chức học tập Chỉ thị 01/CT.71 của Trung ương cục và thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về tiếp tục củng cố, phát triển lực lượng, chuyển phương châm, phương hướng hoạt động. Sau học tập Chỉ thị, Ban cán sự họp hội nghị đánh giá tình hình tương quan lực lượng ta - địch và đề ra kế hoạch chuyển loại ấp trên địa bàn huyện Châu Thành. Ở xã  Vĩnh Trạch loại ấp trắng chuyển lên loại 4 có ấp Tây Bình, loại trắng chuyên lên cơ sở có ấp Đồng Bình Nhất (nay là xã Vĩnh Thành). Cán bộ thường xuyên ra vào hoạt động trên địa bàn xã nhờ bám được cơ sở.

Từ năm 1970 - 1972, địch tăng cường bình định cấp tốc, đóng thêm đồn bót ở những nơi xung yếu, mở các chiến địch "Phượng hoàng" đánh phá cơ sở cách mạng, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, cho dán khẩu hiệu, bích chương ở nhà dân, tuyên truyền xuyên tạc cộng sản. Đồng thời, địch còn tăng cường các hoạt động quân sự và nhiều hoạt động khác để cứu vãn nguy cơ thất bại của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" như: ra sức càn quét, tung biệt kích, gài mìn các tuyến đi lại của ta, sử dụng tay sai chỉ điểm để phát hiện những hoạt động của cách mạng; kết hợp cho máy bay ném bom với rải truyền đơn, phát loa kêu gọi "Chiêu hồi", "Chiêu hàng" để được chúng khoan hồng. Một số người không chịu nỗi điều kiện khó khăn, ác liệt đã ra đầu thú địch, nhưng không khai báo cơ sở.

Để hỗ trợ cho chiến dịch "Mùa hè đỏ lửa" năm 1972, cán bộ cách mạng tăng cường bám cơ sở và tổ chức võ trang tuyên truyền về thắng lợi của ta trên chiến trường; lực lượng võ trang huyện Châu Thành do đồng chí Hà Long Mỹ chỉ huy 18 tay súng đào công sự ở khu vực nhà thầy Cai Tịnh và phối hợp với lực lượng chủ lực Miền tổ chức võ trang tuyên truyền trên địa bàn rộng lớn từ ngã 3 Ba Bần (Vĩnh Trạch) đến xã Vọng Thê. Lực lượng chính trị do 2 đồng chí Năm Lệ và Tám Nhọn phụ trách vận động quần chúng phục vụ hậu cần (cơ sở hậu cần đạt tại nhà ông Tám Khá) và nổi dậy hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở địa phương.

Sáng ngày 7/11/1972, ta nổ súng đánh địch đến chiều tối, gây cho chúng nhiều, gây cho chúng nhiều thương vong. Địch tổ chức phản công bắng bộ binh, tàu chiến và máy bay, bộ đội chủ lực bị thương và hy sinh 10 đồng chí, đến chiều tối, lực lượng ta rút về Tân Hội - Kiên Giang.

Bị thất bại nặng nề trên mặt trận quân sự và chính trị, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo ra cục diện mới trên chiến trường Nam Bộ.

Sau Hiệp định Paris, được Mỹ hà hơi tiếp sức, Nguyễn Văn Thiệu tăng cường lực lượng để lấn đất, giành dân. Chúng bắt nhân dân vẽ cờ 3 sọc treo nóc nhà, kể cả nhà lá (vẽ trên miếng thiếc) và cho máy bay đi kiểm tra, gia đình nào không treo, chúng cho là theo "Việt cộng". Người dân đi làm ruộng phải đem theo cờ để tránh bị máy bay bắn phá. Chúng còn bắt nhân dân viết khẩu hiệu "Đả đảo cộng sản" gắn trước nhà và tuyền tuyền những luận điệu chống cộng; đồng thời ra sức tuyên truyền lập trường "4 không" như: Không chấp nhận, không thương lượng, không liên hiệp và không nhượng đất cho Cộng sản.

Ở xã Vĩnh Trạch, địch bỏ đồn dân vệ Cái Vồn - Ba Bần, xây dựng lực lượng cấp phân chi khu với quân số 125 tên, được trang bị đầy đủ các loại vũ khí; ban bố lệnh tổng động viên và tăng cường  bắt lính ở độ tuổi từ 17 đến 45. Ngày đêm , lính đồn lùng sục bắt bớ và ăn hối lộ bằng nhiều cách. Khi đi "Bắt quân dịch", chúng đến từng nhà lục soát, khiến thanh niên, đàn ông phải thường xuyên trốn tránh. Nhiều người chạy vào đồng ruộng ẩn nấp hoặc lánh đi nơi khác làm ăn. Những gia đình tương đối khá giả có con, em trong độ tuổi quân dịch thường xuyên bị lính đến hạch sách. Có người chạy không kịp phải chui vào lu, khạp. Khi lính xét thấy có tiền  để trên đầu, thì chúng lấy tiền, không bắt người. Cảnh bắt lính làm náo động xóm làng, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, xáo trộn.

Về phía ta, sau thời gian rút theo Huyện ủy về Núi Tô, năm 1973 các đồng chí Hai Xiếu, Ba Tiền về bám xã. Chi bộ xã Vĩnh Trạch tái lập lại, với 3 đảng viên. Đồng chí Nguyễn Thị Bùi làm Bí thư, Trần Nhơn (Ba Tiền) và Lữ Văn Xiếu (Hai Xiếu).

Thời gian này, cán bộ cách mạng bám cơ sở, đi sâu vào công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng, nhất là quần chúng tín đồ Phật giáo Hòa Hảo để phát động phong trào đấu tranh đòi hòa bình. dân sinh, dân chủ, chống địch phá hoại Hiệp định Paris, chống bắt lính đôn quân và kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh võ trang, các gia đình cơ sở vẫn một lòng tin vào chiến thắng của cách mạng.

Tháng 01/1974, địch tăng cường lực lượng bảo an cơ động, tiếp tục hành quân càn quét, bắt lính, lần chiếm, củng cố bộ máy kềm kẹp tề xã; tăng cường hoạt động tình báo, gián điệp, mua chuộc, xây dựng lực lượng võ trang tôn giáo và khống chế quần chúng tín đồ. Chúng còn phong tỏa kinh tế của ta và vơ vét cúa gạo của nông dân cung cấp cho Sài Gòn. Tề xã, ấp thừa cơ hạch sách nhân dân, tăng cường ăn hối lộ những người trốn lính, đào ngũ 

Thời gian này, tên Trần Văn Hữu trưởng ấp Đông Bình Trạch (nay là xã Vĩnh Thành) rất hống hách với nhân dân. Y thường xuyên phát biểu gây chia rẽ tôn giáo, dân tộc và đã từng chỉ điểm bắt bớ gia đình cách mạng, ruồng bố, bắt lính theo kế hoạch đôn quân của nguỵ, Chi bộ đã vận động thuyết phục ông Huỳnh Kim Lợi (người dân tộc Khmer) đứng ra lãnh đạo đồng bào đấu tranh. Sáng ngày 22/3/1974, một đoàn biểu tình từ 02 ấp Đông Bình Nhất, Đông Bình Trạch (thuộc xã Vĩnh Thành ngày nay) khoảng hơn 100 người kéo đến Hội đồng xã yêu cầu Xã trưởng thay thế tên trưởng ấp.Trước khí thế của quần chúng, bọn tề xã hứa đáp ứng yêu cầu của đồng bào. Sau đó, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng được đẩy mạnh, tháng 5/1974, hầu hết các gia đình ở các ấp của xã đều giữ con em mình ở nhà không cho qua Tây An Cổ Tự làm lễ ra mắt tổng đoàn Bảo an. Tháng 10/1974, Chi bộ lãnh đạo 200 đồng bào Vĩnh Trạch đấu tranh liên tiếp 2 ngày, giải thoát được 5 thanh niên bị bắt lính.

Cuối năm 1974 và tháng 4/1975, cách mạng miền Nam đang ở thế tiến công và giành nhiều thắng lợi trên khắp các chiến trường. Ở huyện Châu Thành, lực lượng võ trang của ta hoạt động mạnh, liên tục tấn công địch ở vùng trọng điểm xã Vọng Thê, bứt rút đồn bót làm cho địch suy yếu nhanh chóng. Thời cơ cách mạng đang đến gần, Chi bộ xây dựng các cơ sở may cờ, khẩu hiệu để chuẩn bị giải phóng xã.

Thời gian này, cùng với những thắng lợi dồn dập ở nhiều nơi, cán bộ cách mạng bám dân để tuyên truyền, giải thích đường lối của Đảng, động viên nhân dân cho con em tòng quân giết giặc. Đồng bào vô cùng phấn khởi, tin tưởng vào tương lai của cách mạng. Quân ngụy sẽ thất bại nhanh chóng.

Đêm 30/4/1975, Huyện ủy họp mở rộng chuẩn bị những trận đánh quyết định theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Cục miền Nam (3/1975) là:“Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh". Chủ trương này, tạo điều kiện cho các địa phương tích cực, chủ động giành chính quyền khi thời cơ đến.

Trước ngày 30/4/1975, một bộ phận của địa phương quân huyện và đội võ trang tuyên truyền tỉnh đứng chân ở Vĩnh Trạch và Định Mỹ hoạt động võ trang tuyên truyền. 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975 Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lực lượng địch ở địa phương như rắn không đầu. Trước đó, binh lính các đồn hoang mang, rệu rã, phấn lớn vất súng ống, quân trang, quân dụng bỏ về quê. Huyện ủy tổ chức lực lượng giải phóng các nơi trong huyên Châu Thành.

Chiều tối ngày 30/4/1975, Vĩnh Trạch được giải phóng; ông Dệt cài cắm trong nội bộ địch đón cán bộ tiếp quản xã. Nhân dân Vĩnh Trạch vô cùng phấn khởi, vì không còn chiến tranh tàn phá. Từ nay, mọi người được làm chủ cuộc sống của mình.

Trải qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chi bộ và nhân dân Vĩnh Trạch đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc ngoại xâm của dân tộc và đóng góp một phần của cải, xương máu cho công cuộc giải phóng quê hương.

Để bám địa bàn, nhiều cán bộ, đảng viên phải chấp nhận gian khổ, hy sinh, xả thân vì nghĩa lớn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng nằm xuống mãnh đất quê hương để cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhân dân Vĩnh Trạch góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi vẻ vang cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và đưa dân tộc Việt Nam bước vào một thời kỳ mới - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

4- Những năm đầu xây dựng quê hương theo con đường xã hội chủ nghĩa (1975 - 1979)

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đập tan bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn, giành chính quyền về tay nhân dân. Tổ quốc Việt Nam được thống nhất. Nhân dân Vĩnh Trạch vui mừng bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chi bộ Vĩnh Trạch bấy giờ có 5 đảng viên, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Thống, Nguyễn Thị Bùi, Lữ Văn Xiếu (Hai Xiếu), Trần Văn Nhơn (Ba Tiền), Lê Quang Lạc, do Nguyễn Văn Thống làm Bí thư, Lê Quang Lạc làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng xã, Lê Thị Bùi làm Phó Bí thư - kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng và Hội trưởng Hội phụ nữ xã.

Tháng 3/1976, Huyện ủy điều đồng chí Lương Minh Hoàng về làm Bí thư Chi bộ xã thay cho đồng chí Thống. Tháng 6/1976, đồng chí Huỳnh Quang Sang (Sáu Sang) - Phó trưởng Phòng Công an huyện Châu Thành được Huyện ủy phân công kiêm Bí thư Chi bộ xã thay cho Lương Minh Hoàng. Tháng 1/1979, Huyện ủy điều đồng chí Sáu Sang làm Trưởng Phòng giao thông huyện Châu Thành và phân công đồng chí Huỳnh Văn Ty làm Bí thư Chi bộ xã. Các đồng chí giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân xã Vĩnh Trạch gồm Nguyễn Tài Đức (tháng 6 – 12/1976), Nguyễn Văn Đấu (tháng 1/1977 - 12/1978), Trần Nhơn (1/1979 -  9/1979). Trụ sở UBND xã nằm cạnh Đình Vĩnh Trạch tại ấp Trung Bình Nhất, bên bờ kinh Long Xuyên - Rạch Giá.

Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, bao trùm lên trên hết của Chi bộ những tháng cuối năm 1975 - 1978 là nhanh chóng xây dựng kiện toàn hệ thống chính trị đủ sức lãnh đạo nhân dân, xây dựng củng cố chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, lực lượng công an, quân sự và dân quân tự vệ. giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khôi phục sản xuất, cứu trợ đồng bào bị thiếu đói, ổn định lòng dân và từng bước ổn định cuộc sống nhân dân; xây dựng và phát triển văn hóa xã hội, xóa bỏ những tàn tích của chế độ cũ; xây dựng cuộc sống mới, con người mới của chế độ mới XHCN.

Chính quyền cách mạng kêu gọi các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện, nộp súng và tổ chức học tập cải tạo cho họ. Các đối tượng có chức vụ từ tiểu đội trưởng trở xuống học tập 7 ngày tại xã, do cán bộ huyện giảng dạy; từ  trung đội trưởng trở lên học 3 tháng tại huyện; cấp bậc sĩ quan từ chuẩn úy trở lên đưa đi học tập ở Xuân Lộc, Đồng Nai, Sông Bé. Sau khi khi học tập xong, các đối tượng này trở về địa phương hòa nhập với cộng đồng, cùng chung tay với nhân dân xây dựng quê hướng.

Cán bộ các ban, ngành xã liên hệ chặt chẽ với nhân dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, sinh hoạt và các nhu cầu khác của nhân dân. Ban đầu, cán bộ chưa có lương, chỉ hưởng sinh hoạt phí, đời sống của họ còn nhiều khó khăn, chưa có nhiều kinh nghiệm công tác, mọi người vừa học, vừa làm, sai thì sửa và đều phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

Ngày 25/4/1976, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, sự tuyên truyền cổ động của Mặt trận, các đoàn thể địa phương, nhân dân xã  nô nức đi bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp và bầu cử Quốc hội khóa VI, có gần 100% cử tri Vĩnh Trạch đi bổ phiếu, tham gia xây dựng chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển quê hương, bên cạnh những thuận lợi cơ bản do có sự lãnh đạo của một Đảng dày dạn kinh nghiệm trong 2 cuộc kháng chiến và đất nước hòa bình, Chi bộ và nhân dân Vĩnh Trạch còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do điểm xuất phát của kinh tế, văn hóa, xã hội và kết cấu hạ tằng kinh tế, xã hội rất thấp.

Sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với tập quan canh tác lúa mùa nổi cha truyền con nối 1 vụ/năm, năng suất thấp, khoảng 1,6 - 2 tấn/ha. Trên địa bàn xã, một bộ phận nhân dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Đời sống đại bộ phận nhân dân còn nghèo, có người thiếu đói thường xuyên phải ăn độn khoai mì. Vì vậy, ngoài cây lúa mùa, vào mùa nước nổi, nhân dân còn làm thêm các nghề khai thác thủy sản tự nhiên, làm mướn....để có thêm thu nhập mới đủ sống qua ngày.

Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ mới, các ban ấp ở xã được thành lập gồm trưởng và phó ấp, Năm 1977, mỗi ấp xây dựng 1 tổ đoàn kết sản xuất gồm 15 - 20 hộ hoặc 30 - 40 hộ gia đình. Tổ này làm trung gian phân phối vật tư "Đầu vào", thu mua nông sản "Đầu ra" theo gia chỉ đạo và giá "Thỏa thuận" theo quy định của Nhà nước. Chính quyền động động những người có nhiều đất "Tự nguyện" chia lại cho bà con dòng họ theo hạn định, nếu còn thừa thì "Nhường cơm sẻ áo" bằng cách giao cho Nhà nước để chia lại cho người nghèo 5 công/hộ.

Cuối năm 1977, đầu năm 1978, xã vận động nhân dân đào đắp đường lộ tẻ Vĩnh Trạch dài 1,2 km ở ấp Trung Bình Nhất (nay thuộc VĩnhTrạch) từ lộ bờ sông đến hương lộ Long Xuyên-Núi Sập (tỉnh lộ 943). Lộ làm xong, tao điều kiện đi lại, lưu thông vận chuyển hàng hóa dẽ dàng; đường mương 2 bên lộ tẻ có tác dụng dẫn nước tưới tiêu cho diện tích lúa, màu khoảng 7 ha. Nhân dân vui mừng lấy tên đồng chí Bí thư Chi bộ xã đặt tên cho lộ tẻ là lộ Sáu Sang. 

Chi bộ và chính quyền vận động nhân dân từng bước chuyển diện tích lúa mùa 1 vụ sang sản xuất lúa 2 vụ (Thần Nông Tám) ở những nơi có điều kiện và đã chuyển được khoảng 300 ha theo các tuyến kinh Long Xuyên- Rạch Giá, kinh Mặc Cần Dưng, kinh Ông Cò, góp phần tăng sản lượng lương thực và làm tốt nghĩa vụ huy động lương thực của xã giao nộp cho huyện..

Chi bộ tập trung chỉ đạo làm tốt công tác thủy lợi để cải tạo đồng ruộng, được nhân dân hưởng ứng rất sôi nổi, toàn xã đã huy động hàng ngàn lượt người tham gia đào mới và nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng với tổng chiều dài 12.000m và tổng khối lượng đào đắp là 136.000m3, xã được huyện đầu tư xây dựng trạm bơm điện và được khởi công từ tháng 6/1977 đến tháng 3/1978 đưa vào sử dụng tưới tiêu để chuẩn bị chuyển 1.200 ha đất lúa 1 vụ ở các ấp Đông Bình Nhất, Đông Bình Trạch, Trung Thành, Tân Thành (thuộc xã Vĩnh Thành ngày nay) sang trồng lúa 2 vụ và trồng màu. Đồng thời, vận động nhân dân khôi phục lại các ngành nghề truyền thống như chằm nón lá, đan lờ tôm, nghề mộc ..để tăng thu nhập.

Chính quyền xã cũng chia cho mỗi hộ 5 công đất để làm lúa 2 vụ, ai có nhu cầu thì đăng ký nhận đất. Tổ đoàn kết sản xuất làm trung gian cung cấp vật tư nông nghiệp cho nông dân theo hình thức "Hợp đồng B", ứng vật tư trước, tới mùa nông dân thu hoạch lúa trả lại cho Nhà nước. Hình thức quản lý nông nghiệp "Kiểu này" cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nông dân và Nhà nước, vì năng suất lúa chỉ đạt 1,5 - 2 tấn/ha, nông dân chưa tha thiết mở rộng diện tích lúa 2 vụ...Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kém.

Thời gian này, Vĩnh Trạch thành lập 01 Hợp tác xã mua bán trên cơ sở huy động vốn góp cổ phần tự nguyện của nhân dân. Hợp tác xã nhận hàng từ Phòng Thương  nghiệp huyện đem về địa phương bán theo chế độ phân phối theo tem phiếu và theo sổ mua hàng. Hàng hóa của hợp tác xã là công nghệ phẩm và nông sản thực phẩm (Vải, đường, muối, xà phồng, bột ngọt...); đồng thời, hợp tác xã mua heo hơi của nhân dân, rồi giết mổ, bán thịt lại cho nhân dân theo giá phân phối.

Theo chủ trương của trên, Vĩnh Trạch lập 3 trạm kiểm soát lưu thông hàng hóa: ở ngã 3 Ba Bần, khu vực Cầu Mương Trâu - kinh Thoại Hà, ấp Vĩnh Đông) theo "Kiểu ngăn sông, cấm chợ" và huy động nghĩa vụ thuế nông nghiệp. Những người ở địa phương khác đến làm mướn, làm ruộng trên địa bàn xã, khi thu hoạch được chở lúa về theo quy định "3 giạ" đối với người làm mướn và theo "Nhân khẩu" đối với người làm ruộng. Số lúa còn lại phải bán cho địa phương theo giá thu mua của Nhà nước hay gọi là giá "Thỏa thuận".

Công tác xây dựng, củng cố Mặt trận và các đoàn quần chúng được Chi bộ rất chủ trọng. Các tổ chức này sinh hoạt lệ đúng kỳ và từng bước đi vào nề nếp, phương thức theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và chất lượng hoạt động ngày càng nâng cao.

Về văn hóa, xã hội. Sau ngày giải phóng, Vĩnh Trạch có 3 trường cấp I, với 4 điểm trường và 20 phòng học cấp IV đã xuống cấp; xã mở thêm 1 điểm trường ở kinh Ông Cò; số giáo viên chế độ cũ được trưng dụng, cùng với những người có trình độ học vấn được hợp đồng, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng cấp tốc để đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Chính quyền tích cực tổ chức sửa chữa trường lớp, đóng bàn ghế cho học sinh. Con em nông dân nô nức đến trường trong cảnh thanh bình. Phong trào bình dân học vụ được phát động rộng rãi theo phương châm "Người biết chữ dạy người không biết chữ". Mỗi ấp tổ chức 2 - 3 điểm học ở nhà dân và mỗi điểm học từ 10 - 20 người. Qua đó, giúp cho một số người biết đọc, biết viết chữ và có điều kiện học tếp để nâng cao trình độ học vấn về sau.

Năm 1977, ngành giáo dục huyện mở 3 lớp 6 trên địa bàn Vĩnh Trạch, gồm 2 lớp ở điểm trường Tiểu học "A", 1 lớp ở điểm trường Tiểu học "B", tạo điều kiện cho học sinh cấp II không phải đi học xa ngoài xã.

Trạm y tế xã có 1 y tá và 2 nhân viên tích cực hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, tim ngừa cho trẻ em, kết hợp Đông, Tây y trong khám và điều trị bệnh cho nhân dân ở xã.

Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao bước đấu có sự phát triển khá mạnh, xã có 1 sân bóng đá ấp Trung Bình Nhất, rộng 1 ha phục vụ cho việc vui chơi, tập luyện và thi đấu của các đội bóng ở các ấp và giao lưu với đội bạn ở những xã khác. Đội văn nghệ xã tích cực luyện tập, phục vụ các ngày lễ, ngày tết Nguyên đán, kết hợp với tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nhằm đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tình hiình mới, Vĩnh Trạch thành lập mỗi ấp 1 tiểu đội du kích có trang bị súng, thường xuyên canh gác vào ban đêm, do đó các tệ nạn xã hội được ngăn chặn kịp thời và trình trạng trộm cắp đêm không còn xảy ra.

Trong thời gian này, địch thành lập cái gọi là "Mặt trận cứu ngụy dân tộc" quy tựu một số tên ngụy quân, ngụy quyền đầu sỏ ác ôn phối hợp với bọn phản động đội lốt tôn giáo ngấm ngầm hoạt động chờ thời cơ cướp chính quyền, gây khó khăn và tạo nnê tình hình căng thẳng trên địa bàn huyện, trong đó có địa bàn xã Vĩnh Trạch.

Dựa vào cơ sở tai mắt, ta phát hiện một số tên tàn quân ẩn núp trong dân  có âm mưu bạo loạn lật đổ chính quyền xã Vĩnh Trạch. Đêm 4, rặng ngày 5/5/1975, lực lượng Công an, Xã đội Vĩnh Trạch phối hợp với lực Huyện đội, Công an huyện vây bắt 14 tên ở khu vực  ấp Trung Bình Nhất, thu 1 thùng lựu đạn.

Tháng 10/1976, lực lượng Xã đội và du kích ấp do đồng chí Nguyễn Văn Đấu - Chính trị viên Xã đội chỉ huy đi kiểm tra trạm gác vào ban đêm gặp 1 chiếc xuống đang bơi dưới sông, có dấu hiệu khả nghi. Khi kêu lại kiểm tra, thì chúng bỏ chạy để lại chiếc xuồng và 1 khẩu súng Colt45.

Mùa nước năm 1977, ta phát hiện tàn quân ở cầu Mương Trâu, 1 tiểu đội lực lượng Xã đội và du kích ấp được bố trí phục kích vào ban đêm, địch bắt ngờ ném lựu đạn về phía ta, rồi bỏ chạy, đồng chí Mai Thành Bé Năm - Xã đội trưởng bị thương.

Tháng 7/1978, được Công an tỉnh hỗ trợ cử 2 điệp viên về xã, Công an, Xã đội Vĩnh Trạch phối hợp với Xã đội Vĩnh Nhuận tổ chức theo dõi bắt 2 tên tàn quân ngụy ở khu vực ấp Tây Bình, thu 1 sung AR15 và 1 thùng lựu đạn.

Những năm 1977, 1978, 1979, xã gặp rất nhiều khó khăn, đa số nhân dân còn thiếu đói, sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, các ngành nghề khác khôi phục chậm chạp, trận lũ lớn năm 1978, đã hủy hoại cơ sở hạ tầng vừa mới xây dựng, toàn bộ diện tích lúa mùa và lúa hai vụ bị mất trắng, đã khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, nhiều hộ bị thiếu ăn, xã phải thành lập đoàn cứu trợ nhân dân qua mùa nước nổi.

Mặt khác, từ khi chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, cho đến khi kết thúc (4/1977 –  7/1/1979), mỗi năm xã đã vận động và đưa từ 10 - 20 thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới Tây Nam và được trên 500 lượt người tham gia dân công hỏa tuyến cắm chông, đắp lộ phục vụ chiến trương biên giới. Đồng thời, Xã đội Vĩnh Trạch còn đưa lực lượng của đơn vị mình tham gia đóng chốt nơi biên giới.

Bốn năm sau ngày quê hương giải phóng, Chi bộ và nhân dân Vĩnh Trạch (trong đó có xã Vĩnh Thành) luôn đồng tâm, hiệp lực, không chỉ phấn đấu nỗ lực vượt qua khó khăn trong khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước ổn định đời sống nhân dân ở địa phương, mà còn đóng góp sức người, sức của cho chiến trường đánh đuổi bọn Khmer đỏ, góp phần cùng quân và dân An Giang bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc./.

 

CHƯƠNG III

XÃ VĨNH THÀNH 36 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI (1979 – 2015)

          

I- THÀNH LẬP XÃ VĨNH THÀNH VÀ BƯỚC ĐẦU XÂY DỰNG, PHÁT KINH TẾ -XÃ HỘI THEO CƠ CHẾ TẬP TRUNG QUAN LIÊU BAO CẤP (1979 – 1985)

Để tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo và quản lý đối với các xã có địa bàn rộng lớn và đông dân cư, ngày 25/4/1979, thực hiện Nghị quyết số 181/CP của Hội đồng Chính Phủ, xã Vĩnh Thành được chính thức thành lập và trở thành một trong 12 xã, thị trấn của huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Khi mới thành lập xã, Chi bộ xã Vĩnh Thành có 03 đảng viên. Đồng chí Nguyễn Tấn Thành (Sáu Thành) Huyện ủy viên được huyện điều về làm Bí thư Chi bộ (tháng 7/1979 - 4/1982); đồng chí Nguyễn Thành Đạt làm Bí thư (tháng 5/1982 - 11/1986). Đây cũng là giai đoạn Chi bộ tập trung sức xây dựng, củng có hệ thống chính trị; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hộ Đảng bộ Châu Thành lần thứ III.

Là xã mới thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động tác nghiệp của hệ thống chính trị và kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của dân cư ở Vĩnh Thành chưa có gì đáng kể, sản xuất nông nghiệp kém phát triển, một số diện tích đất sản xuất lúa 01 vụ trước kia do nhân dân thiếu vốn dẫn còn bỏ hoang, tiến độ làm thủy lợi và cải tạo ruộng đất còn rất chậm; TTCN, thương mại - dịch vụ chưa phát triển, toàn xã chỉ có 01 chợ nhỏ được tiếp nhận của xã Vĩnh Nhuận cũ; hệ thống lộ giao thông nông thôn chưa được định hình, nhân dân đi lại sản xuất và sinh hoạt chủ yếu bằng xuồng ghe và đi theo lối mòn, toàn xã chỉ có 02 điểm trường với 14 phòng học, cơ sở vật chất bị xuống cấp; chưa có trạm y tế, chỉ có 01 Tổ y tế với 01 Y sĩ và 02 nhân viên, Trung tâm hành chính xã được đặt tại khu vực Trạm bơm; trụ sở và nơi làm việc tạm của xã ở chung với nơi làm việc của nhân viên Trạm bơm; hệ thống chính trị còn nhiều bất cập và yếu kém về số lượng và chất lượng hoạt động, trước tình hình đó đã đặt ra cho Chi bộ, Ủy ban nhân dân xã nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Nhiệm vụ trọng tâm của chi bộ Vĩnh Thành giai đoạn từ sau khi thành lập xã đến năm 1985 là ngoài việc xây dựng, củng cố và từng bước nâng cao chất lượng hoạt của hệ thống chính trị xã và các ấp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, còn phải tập trung sức lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh cải tạo hệ thống thủy lợi, chuyển diện tích lúa mùa 01 vụ sang sản xuất lúa 02 vụ/năm theo hướng thâm canh tăng năng suất, phát triển các loại rau màu, chăn nuôi gia súc gia cầm, giải quyết kịp thời tình trạng thiếu lương thực, cải thiện đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển các ngành nghề TTCN, duy trì, củng cố và phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và vận động nhân dân vào con đường làm ăn tập thể dưới hình tập đoàn sản xuất, HTX.NN…

Kết quả đến năm 1985, Vĩnh Thành đã chuyển lúa mùa nổi (01 vụ) sang sản  xuất lúa 02 vụ với diện tích 600 ha (tăng 200 ha so với năm 1979); năng xuất bình quân 6 tấn/ha/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 6.211 tấn; bình lương thực đầu người đạt 500kg/năm, góp phần khắc phục tình trạng thiếu đói của nhân dân và huy động lương thực đưa về trên đạt từ 70 – 80% chỉ tiêu của huyện giao hàng năm cho xã.

Thành lập Ban vận động để vận động nhân dân vào làm ăn tập thể và đến năm 1985, toàn xã xây dựng được 30 tập đoàn sản xuất nông nghiệp, cùng với Huyện, xã Vĩnh Thành được công nhận hoàn thành phong trào hợp tác hóa nông nghiệp vào cuối năm 1985.

Tuy nhiên, do tập thể hóa ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân đưa vào làm tài sản chung của các tập đoàn sản xuất nông nghiệp theo phương thức "Nóng vội", “Úp bộ” không được trả bồi hoàn, mà chỉ được tính công để phân phối thu nhập sau mỗi vụ thu hoạch, cộng với trình độ quản lý yếu kém của tập đoàn sản xuất, đã dẫn đến người nông dân không quan tâm đến hiệu quả sản xuất, không tích cực lao động, đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật và hậu quả là sản xuất nông nghiệp của xã không tăng lại còn có chiều hướng sụt giảm...

Các hoạt động dạy và học ở xã tiếp tục duy trì ổn định, số trẻ đến tuổi học mỗi năm đến trường lớp học ngày càng nhiều, y tế từng bước làm tốt công tác khám chữa bệnh cho dân theo phương thức kết hợp “Đông, Tây y” được Chi bộ thường quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu có sự chuyển biến tích cực.

Công tác an ninh quốc phòng được duy trì và tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và các chính sách xã hội khác, hàng năm xã thực hiện các chỉ tiêu giao quân về huyện đạt từ 80 – 95%.

Công tác xây dựng Đảng, từ năn 1980 - 1985, Chi bộ phát triển mới và tiếp nhận đảng viên từ nơi khác về 09 đồng chí, nâng tổng số đảng viên trong Chi bộ đến cuối năm 1985 là 12 đồng chí. Hệ thống chính trị xã, các Ban ấp từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở xã.

Tuy nhiên, qua 06 năm (1980 – 1985), lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Chi bộ và nhân dân xã VĩnhThành còn đối mặt với những khó khăn, yếu kém cần phải có giải pháp sớm khắc phục, đó là: tình trạng quản lý yếu kém, tham ô, tiêu cực diễn ra trong nhiều tập đoàn sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân; các trường học ở xã phần lớn làm bằng tre lá tạm bợ, học ca 3 diễn ra phổ biến; y tế thiếu dụng cụ khám và chữa bệnh; công tác phát triển đảng viên mới chưa đạt chi tiêu đề ra hàng năm, đội ngũ cán bộ, đảng viên còn thiếu và yếu, chưa đủ sức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Mặc dù còn những hạn chế, yếu kém trong lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Song với những kết đạt được trong 06 năm qua, kể từ sau khi xã được thành lập(1980 – 1985), sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu để Chi bộ Vĩnh Thành tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình trước nhân dân địa phương và với cấp trên trong chặng đường tiếp theo.

II- XÃ VĨNH THÀNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI THEO ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI, CNH,HĐH VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA ĐẢNG(1986 – 2015)

1- Giai đoạn 1986 – 2000

Từ năm 1986 - 1990, Chi bộ xã Vĩnh Thành do các đồng chí Bùi Quang Văn làm Bí thư (tháng11/1986 - 11/1987); đồng chí Tôn Văn Thơ làm Bí thư (tháng 12/1987 - 12/1988); đồng chí Lê Tuấn Kiệt làm Bí thư (tháng 5/1988 - 10/1989); đồng chí Nguyễn Thành làm Bí thư (tháng 10/1989 - 02/1991), đã lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương theo đường lối đổi mới Đại hội VI (12/1986) của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành lần thứ IV, lần thứ V.

Sau 7 năm (1979 - 1985) thành lập xã và xây dựng kinh tế, xã hội theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp, Chi bộ Vĩnh Thành tập trung đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, nạo vét, đào đắp, gia cố kinh mương, làm thủy lợi nội đồng, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nên hệ thống giao thông nông thôn và thủy lợi ở xã đã sẵn sàng cho việc chuyển diện tích từ gieo trồng lúa mùa sang lúa 2 vụ.

Tuy nhiên, năm 1986 Vĩnh Thành phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do việc“Xóa, cắt xâm canh”, tập thể hóa tràn lan và “Úp bộ”trong nông nghiệp, nạn thiếu xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, cùng với việc điều hành sản xuất theo cơ chế quan liêu bao cấp, sự phân phối bình quân chủ nghĩa trong các đơn vị kinh tế hợp tác và những yếu kém, tiêu cực trong ban quản lý tập đoàn sản xuất nông nghiệp, đã trở thành nổi ám ảnh và là sợi dây “Trói buộc” làm hạn chế tính năng động, sáng tạo của người nông dân trong lao động sản xuất. Trong chừng ấy thiếu sót, người nông dân nhận thấy trong số sản phẩm mình làm ra có một phần lớn lọt vào túi của Ban quản lý các tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp. Do đó, họ không còn tha thiết với lao động sản xuất, không quan tâm chăm sóc thửa ruộng của mình.

Năm 1987, năm đầu tiên Vĩnh Thành bước vào thực hiện công cuộc đổi mới theo chủ trương của Đảng. Ngày 19/2/1987, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ra Quyết định 93/QĐ.UB xóa bỏ khái niệm "Xâm canh", xem xét, giải quyết đất cho chủ cũ và hộ kinh tế mới theo định mức nhân khẩu.

Sang năm 1988, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế theo lối hành chính tập trung, quan liêu, bao cấp được thay thế dần bởi cơ chế quản lý mới đối với nền kinh tế quốc dân, đó là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự yếu kém về trình độ, năng lực quản lý nông nghiệp từ xã đến các ban chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp và ban quản lý các tập đoàn sản xuất, tập đoàn máy ở Vĩnh Thành ngày càng bộc lộ rõ nét. Thực hiện chủ trương đổi mới hình thức quản lý trong nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, các tập đoàn sản xuất nông nghiệp, tập đoàn máy do lúng túng trong áp dụng cơ chế quản lý mới, dẫn đến làm ăn không có hiệu quả từ đó đã tự tan rã. Việc thiếu vốn sản xuất trong nhân dân và việc các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vay vốn của nông dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp ở xã còn bế tắt.

Trước yếu kém nói trên, Chi bộ Vĩnh Thành triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (còn gọi khoán 10); Quyết định 303/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định cụ thể thực hiện Chỉ thị 47/CT.TW của Bộ Chính trị về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất; Thông báo 63/TB-UB về những biện pháp cấp bách giải quyết các tranh chấp ruộng đất trong nội bộ nông dân, chủ yếu là tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới; Chỉ thị 49/CT-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh về củng cố các tập đoàn máy trong nông nghiệp.

Năm 1989, Vĩnh Thành tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 303, Quyết định 93 và Chỉ thị số 48/CT-UB của UBND tỉnh An Giang, thu hồi đất bao chiếm trái phép của cán bộ, các tư liệu sản xuất được hoàn trả lại cho chủ sở hữu cũ, giao quyền sử dụng ruộng đất canh tác lâu dài cho nông dân nhằm ổn định sản xuất và đời sống của họ; xã tiến hành giao đất canh tác cho nông dân trên cơ sở phân chia định suất gia đình, bình quân mỗi lao động chính nhận được 2.000m2 đất lúa 2 vụ, 3.000m2 đất lúa mùa nổi. Mỗi lao động phụ nhận được nửa diện tích so với lao động chính, có 100% hộ trong xã đều được nhận đất canh tác. Cùng với việc giao đất cho nông dân và triển khai thực hiện chỉ thị số 27 của Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh tỉnh An Giang về phát triển tín dụng nông nghiệp trong toàn tỉnh, xã Vĩnh Thành tiến hành hòa giải những mâu thuẫn về tranh chấp đất nông nghiệp giữa chủ đất mới được giao đất sử dụng và chủ đất cũ có công khai phá trên nguyên tắc nội bộ nông dân tự thỏa thuận với nhau, chính quyền làm trung gian giải quyết. Đồng thời, xã triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về tổ chức hình thức hợp tác mới trong nông nghiệp.

Với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đoàn kết nội bộ và sự phấn đấu vượt qua khó khăn, chỉ sau 04 năm (1987 – 1990) thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Chi bộ xã đã lãnh đạo nhân dân chuyển 100% diện tích đất trồng lúa 1 vụ/năm (lúa mùa nổi) sang trồng lúa 2 vụ/năm (Đông Xuân và Hè Thu) là 1.960 ha và năm 1990 đạt 3.570 ha, tăng 2.970 ha; năng suất lúa bình quân đạt 9,5 tấn/ha/năm, tăng 3,5 tấn/ha; tổng sản lượng lúa đạt 16.929 tấn, tăng 10.718 tấn (tăng đột biến); bình quân lương thực đầu người đạt 1.362 kg/năm, tăng 862 kg  so với năm 1985.

Cùng với cây lúa, Vĩnh Thành quy hoạch các tiểu vùng luân canh và xen canh cây màu và gieo trồng được 150 ha cây bắp lai, tận dụng hết diện tích đất sản xuất còn lại và đất thổ cư để trồng rau dưa các loại, vận động nhân dân chăn nuôi gia súc gia cầm, phát triển các cơ sở TTCN. Kết quả, năm 1990, đàn heo của xã đạt 245 con, đàn trâu, bò đạt 42 con và phát triển được 34 cơ sở sản xuất TTCN với 102 lao động.

Công tác tuyên truyền vận động của Mặt trận và các đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của công tác thủy lợi đối với sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài việc ngân sách hỗ trợ đào, vét những kênh, mương dẫn nước tưới, tiêu cấp 1, cấp II, nhiều hộ nông dân Vĩnh Thành tích cực bỏ tiền của và công sức đào đắp bờ bao, nạo vét mạng lưới thủy lợi nội đồng trên phần đất ruộng của mình canh tác.

Năm 1990, mạng lưới giao thông đường bộ trong các ấp nội xã được đầu tư nâng cấp, tôn tạo nâng cao với chiều dài 10,2km, trong đó 0,6 km đường cấp phối và 9,6km đường đất, 30 chiếc cầu, đa số là cầu cây, lót ván trên địa bàn xã với tổng chiều dài 175m được sửa chữa với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng, chủ yếu do nhân dân đóng góp tiền và công lao động quy đổi ra tiền, và đã góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa nội xã và ngoài xã.

Về văn hóa - xã hội, các điểm trường Tiểu học và các phòng học ở Vĩnh Thành được sửa chữa và nâng cấp. Chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 1990, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Tiểu học đạt 73,4%. Công tác xóa mù, bổ túc văn hóa và phổ cập giáo dục Tiểu học đã được triển khai thực hiện. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thực hiện đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 2,15% năm 1986, giảm xuống còn 2,06% năm 1990. Y tế xã tổ chức khám và chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân mỗi năm có hơn 200 lượt người.

Tuy nhiên, bình quân tỷ lệ huy động học sinh từ 5 tuổi trở lên đến trường các năm học 1986 - 1987, 1987 – 1988, 1988 - 1989 và 1989 – 1990 ở Vĩnh Thành chỉ đạt từ 60 – 65%. Riêng tỷ lệ huy động học sinh từ 5 tuổi trở lên đến trường năm học 1988 - 1989 đạt 55,10%. Và tính đến ngày 1/4/1989, ở Vĩnh Thành có 1.892 người từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường để học (Theo Niên giám thống kê huyện Châu Thành).

Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở xã Vĩnh Thành thu hút ngày càng nhiều đối tượng trẻ và người lớn tham gia. Công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, tết ở địa phương ngày càng tốt hơn. Các đối tượng và gia đình chính sách, người già neo đơn được Chi bộ thường xuyên quan tâm chăm sóc, thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ thương binh liệt sĩ, ngày tết cổ truyền.

Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã có bước cải thiện nâng lên đáng kể. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở xã những năm này khá ổn định. Các tệ nạn xã hội như số đề, đá gà, cờ bạc…cũng giảm dần. Công tác tuyển quân và giao quân đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch của huyện giao hàng năm.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng ở xã luôn được củng cố và phát triển về mặt tổ chức. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của các tổ chức chính trị - xã hội luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Chi bộ và kế hoạch hàng năm của UBND xã, đã góp phần cùng với chính quyền từ năm 1987 - 1990 hòa giải thành công hàng trăm vụ tranh chấp ruộng đất.

Về xây dựng Đảng, 5 năm (1986 - 1990), Chi bộ tổ chức triển khai nhiều đợt học tập, sinh hoạt thời sự, các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, các chương trình hành động của Huyện ủy Châu Thành cho hơn 100 lượt cán bộ, đảng viên, nhân viên từ xã đến các ban tự quản ấp. Hàng năm, Chi bộ tổ chức cho đảng viên tự phê bình và phê bình, kiểm tra chấp hành và xét phân loại đảng viên, phân loại Chi bộ.

Từ 1986 – 1990, Chi bộ phát triển đảng viên mới và tiếp nhận đảng viên từ nơi khác về Chi bộ 7 đồng chí. Cuối năm 1990, Chi bộ xã có 19 đảng viên.

Từ tháng 12/1990 – 12/1995, Chi bộ và UBND xã Vĩnh Thành do đồng chí Mai Hòa Hạnh làm Bí thư (tháng 02/1991 - 11/1991); đồng chí Sun Thị Mỹ Dung làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã (tháng 11/1991 - 4/1993). Đến ngày 28/12/1993, Huyện ủy quyết định thành lập Đảng ủy xã Vĩnh Thành do đồng chí Lưu Vĩnh Cửu làm Bí thư Đảng ủy - kiêm Chủ tịch UBND xã (tháng 12/1993 - 7/1994). Năm 1990 - 1995 là giai đoạn Chi bộ Vĩnh Thành lãnh đạo nhân dân thực hiện các Nghị quyết Đại hội Chi bộ xã lần thứ IV, lần thứ V về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở xã theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành lần thứ VI.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Chi bộ thứ IV, nhiệm kỳ (1991 – 1993), Chi bộ và nhân dân xã phải đối mặt với nhiều khó, thách thức, nhất là giá tiêu thụ nông sản của nông dân không ổn định và có xu hướng giảm thấp, giá lúa thuế nông nghiệp quy ra tiền để dân nộp cho Nhà nước cao hơn so với giá lúa trên thị trường, đã gây nhiều thiệt thòi cho nông dân và làm ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện Nghị quyết của Đại hội Chi bộ xã lần thứ IV.

Với tinh thần chịu trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân, Chi bộ xã đạo, động viên nhân dân đoàn kết, phát huy những thành tích đã đạt được và cùng nhau tập trung sức khắc phục khó khăn, tiếp tục phấn đấu vươn lên thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội của Đại hội chi bộ lần thứ IV. Kết quả đến năm 1993, tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 3.768 ha, tăng 189 ha, năng suất bình quân 10,7 tấn/ha, tăng 1,2 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 20.163 tấn, tăng 3.243 tấn, bình quân lương thực đầu người 1.565 kg/năm, tăng 202 kg so năm 1990. 

Trong 3 năm (1991 – 1993), Chi bộ chủ động tháo gỡ kịp thời những khó khăn về vốn tín dụng đầu tư sản xuất nông nghiệp, Thành lập được 52 tổ liên doanh, liên kết sản xuất. Thông qua các tổ này, Ngân hàng đã cho nông dân vay vốn vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu 1992 là 852.000.000 đồng, vụ Đông Xuân và Hè Thu 1993 là 2.268.263.000 đồng trên diện tích 1.160,46 ha của 903 nông hộ.

Hai năm (1992 – 1993), nông dân xã tự góp tiền và ngày công lao động để nạo vét 10 con kênh với chiều dài 6.471 mét, khối lượng đào đắp 16.078 m3 với tổng kinh phí trên 28.940.000 đồng, trong đó nhân dân đóng góp ngày công lao động quy đổi ra tiền trên 60%. Năm 1993, xã  hoàn thành cơ bản công tác đo đạt ruộng đất và cấp quyền sử dụng ruộng đất cho 461 hộ, với diện tích 405,52 ha.

Về chăn nuôi, xã có đàn trâu bò 23 con, giảm 19 con; đàn heo 778 con, tăng 533 con; Tiểu thủ công nghiệp có 52 cơ sở với 142 lao động, tăng 18 cơ sở và 40 lao động so với năm 1990

Mạng lưới thông vận tải đường bộ ở xã đã hoàn thành trên 70% việc tôn cao, mở rộng liên ấp với mặt đường 7m, dời nhà và đổ cát tuyến đường Vĩnh Thành – Vĩnh Nhuận, thông tuyến xe 2 bánh đi lại được dễ dàng, kể cả trong mùa nước lũ và đang tiếp mở rộng nâng cao mặt đường tuyến Vĩnh Thành – Hòa Bình Thạnh, Vĩnh Thành – Vĩnh Lợi, với tổng chi phí ước tính trên 200 triệu đồng do nhân dân tự lo. Thời gian này, xã có trên 50 cây cầu đã hư và xuống cấp, xe nhỏ 4 bánh không đi lại được và xã không có kinh phí để sửa chũa, xây cất mới.

Về tài chính, công tác thu thuế, chủ yếu là thuế nông nghiệp – nguồn thu chủ yếu của địa phương cho ngân sách xã được Chi bộ, UBND xã xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động cán bộ, đảng viên gương mẫu, kết hợp với giáo dục và vận động nhân dân tích cực thu nộp thuế, nhưng hàng năm thu không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Vì vây, thu ngân sách xã Vĩnh Thành chủ yếu là thu từ nguồn bổ sung của ngân sách huyện cho xã. Do đó, Vĩnh Thành thường bội chi ngân sách, chủ yếu là chi lương và các hoạt động thường xuyên của bộ máy ở xã. 

Về văn hóa - xã hội, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Năm 1992, tỉnh đã đầu tư xây dựng ở xã trường cấp II kiên cố, khang trang và bổ sung thêm một số phòng học cho  trường Tiểu học. Năm 1993, xã đã xóa dạy và học ca ba. Chất lượng dạy và học có mặt tiến bộ hơn so với thời kỳ 1986 – 1990. Tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp năm học 1991 – 1992: cấp I đạt 98%, cấp II đạt 57%;  năm học 1992 – 1993: cấp I đạt 95%, cấp II đạt 60%; đồng thời, các chỉ tiêu của ngành giáo dục huyện giao cho xã đều cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh chưa đến lớp và bỏ học còn nhiều so với quy định của ngành, một số lớp học xuống cấp nghiêm trọng, nhưng xã thiếu kinh phí đầu tư sửa chữa, số lượng giáo viên còn thiếu ở các cấp học, xã chưa có trường lớp mẫu giáo.

Năm 1991, Vĩnh Thành xây dựng xong Trạm y tế xã, gồm 1 Bác sĩ, 6 y sĩ và nhân viên y tế, mỗi ấp đều có Tổ y tế hoạt động. Chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám điều trị bệnh (Đông – Tây y), công tác y tế dự phòng và thực hiện các chương trình của Quốc gia của y tế xã được nâng lên rõ nét. Năm 1993, xã có 5 vườn thuốc nam và 4 điểm chẩn trị y học dân tộc; công tác Dân số và kế hoạch hóa gia đình được nhân dân tích cực tham gia. Từ năm 1991 – 1993, đã thực hiện 201 ca triệt sản, trong đó có 4 nam.

Thực hiên phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", năm 1992 – 1993, xã sửa chửa và cất mới trên 10 căn nhà trị giá 20 triệu đồng, cấp phát trên 150 kg quần, áo và trên 1.000 kg gạo cho các đối tượng chính sách và các hộ nghèo khó. Lắp đặt được 10 giếng khoan theo chương trình nước sinh hoạt cho nông thôn. Cho 50 hộ nghèo vay giúp vốn làm ăn, với tổng số tiền trên 20 triệu đồng. Hàng năm xã đều tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho hộ chính sách nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7 với số tiền trên 2 triệu đồng.

Về an ninh, quốc phòng, ở xã tiếp tục được giữ vững ổn định. Năm 1993, toàn xã có 5 Ban tự quản và 46 tổ nhân dân tự quản; 179 dân quân tự vệ, 1 trung đội cơ động tại xã và 1 tiểu đội nữ, mỗi Ban tự quản có 1 tiểu đội. Trong lực lượng dân quân tự vệ có 3 đảng viên, 25 đoàn viên Thanh niên cộng sản. Công tác tuyển quân 2 năm 1991, 1992 đều đạt và vượt chỉ tiêu, năm 1993 không đạt chỉ tiêu.

Thực hiện mô hình lãnh đạo, quản lý mới ở Vĩnh Thành, từ năm 1991, đồng chí “Bí thư  kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã”. Trong mô hình lãnh đạo, quản lý mới “kết hợp” này, các Chủ trương, Nghị quyết của Đảng ở các cấp, và Nghị quyết của Chi bộ được cụ thể hóa, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, bảo đảm tính thời gian, tính hiệu lực quản lý về mặt nhà nước của Ủy ban nhân dân và sự lãnh chỉ đạo của Chi bộ xã thông qua việc xây dựng hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện quy chế làm việc, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ báo cáo, kiểm tra giám sát giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị và của cá nhân trước tập thể theo nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, từ đó đã hạn chế và khắc phục bệnh gia trưởng, độc đoán chuyên quyền.

Về công tác xây dựng Đảng, Vĩnh Thành đã tập trung xây dựng Chi bộ vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương III của Đảng. Chi bộ tổ chức các đợt học tập các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, giữ vững nguyên tắc tự phê bình và phê bình, chế độ sinh hoạt thường lệ, kiểm điểm đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng từng tháng, quý.

Trong nhiệm kỳ, Chi bộ đã phát triển 6 đảng viên mới, tiếp nhận từ nơi khác về Chi bộ 4 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong Chi bộ là 29 đồng chí, trực tiếp công tác và sinh hoạt ở 6 tổ đảng gồm: 5 tổ đảng ở 5 Ban tự quản và 1 tổ đảng Công an - Quân sự. Chi bộ quy hoạch và đưa đi học trường chính trị Tôn Đức Thắng 3 đồng chí, 2 đồng chí học Đại học Tài chính tại chức, 1 đồng chí học lớp trung cấp kế toán ngân sách, đưa đi học ở trường đảng huyện trên 20 đối tượng.

Hàng năm, hầu hết các đảng viên chi bộ đều được kiểm tra, kiểm điểm chấp hành điều lệ Đảng, xét tư cách phân loại đảng viên và trong nhiệm kỳ đã đề nghị cấp trên xử lý kỷ luật khai trừ 2 đảng viên (1đảng viên tham ô thuế, 1 đảng viên bỏ sinh hoạt đảng) và đề nghị xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 đảng viên vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống. Kết quả xét tư cách, phân loại chất lượng đảng viên và chi bộ trong từng năm, chi bộ Vĩnh Thành chưa đạt “Vững mạnh” mà còn nằm trong diện “khá” và “yếu”.

Tháng 7 năm 1993, Vĩnh Thành tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ V, nhiệm kỳ 1993 – 1995. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thành tựu đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém của nhiệm kỳ trước, Đại hội chi bộ xã xác định 3 mục tiêu và phương hướng tổng quát cho nhiệm kỳ 1993 – 1995 như sau: 

(1) Tập trung lãnh, chỉ đạo đồng bộ hệ thống chính trị của xã thực hiện các chủ trương, giải pháp giải phóng, khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh sẵn có về sản xuất nông nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống...nhằm tăng thu nhập cho nông dân, giải quyết việc làm cho số lao động chưa có việc làm thường xuyên và nhàn rỗi. Từng bước xóa đói, giảm nghèo, tăng nhanh hộ khá và giàu theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh”.

(2) Xây dựng và phát triển nông thôn ổn định về chính trị, bảo đảm về trật tự an toàn xã hội, phát huy dân chủ hóa đời sống xã hội, sự nghiệp giáo dục, y tế và văn hóa phát triển tương xứng kinh tế, điện được thấp sáng trong toàn xã, giao thông thông suốt, thuận tiện trong xã, liên xã và về huyện, thị xã.

(3) Tiếp tục vận động đổi mới và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh đủ sức tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết của Chi bộ đề ra.

Để đạt những mục tiêu và phương hướng tổng quát, trong nhiệm kỳ, Chi bộ Vĩnh Thành lãnh đạo nhân dân phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội…chủ yếu đến năm 1995 như:

+ Tổng diện tích gieo trồng lúa mỗi vụ đạt 1.900 ha, năng suất đạt 10,76 tấn/ha,  cây bắp lai từ 150 – 200 ha, cải tạo 60% vườn tạp, phát triển nuôi trồng thủy sản, giai súc gia cầm, phấn đấu bình quân mỗi gia đình nuôi 1 con heo và hỗ trợ nông dân được vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất.

+ Hoàn thành công tác đo đạt và cấp giấy quyền sử dụng đất đạt 100%, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vụ tranh chấp ruộng đất còn tồn động theo thẩm quyền để nhân dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

+ Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng các ngành nghề TTCN, thương nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, cải tạo và sắp xếp lại chợ Đông Phú I, xây dựng một khu chợ mới ở điểm phù hợp.

+ Tiếp tục hoàn chỉnh nâng cấp, mở rộng mặt đường 7 m, đổ các cấp phối toàn tuyến giao thông liên xã Vĩnh Thành – Vĩnh Nhuận, Vĩnh Thành – Hòa Bình Thạnh, Vĩnh Thành – Vĩnh Lợi dài 20 km, tranh thủ nguồn vốn của huyện, tỉnh và huy động đóng góp của nhân dân để cải tạo, xây cất mới 50 cây cầu cho xe nhỏ 4 bánh lưu thông suốt tuyến đường liên xã, xe 2 bánh lưu thông dễ dàng trong nội xã vào mùa khô, kéo điện về ấp Đông Phú I và một số khu vực ở các ấp hiện nay chưa có điện.

+ Các hộ định cư trong xã không còn thiếu đói, nhà cửa dột nát, tạm bợ, liên hệ với ngân hàng cho nông dân vay vốn cất mới, sửa chữa nhà và mua sắm các vật dụng phục vụ đời sống gia đình.

+ Xây dựng đội thuế đủ về số lượng, đảm bảo phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là hoàn thành chỉ tiêu thu thuế của huyện giao hàng năm, cân đối được ngân sách xã, bảo đảm chi lương và các hoạt động thường xuyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chống tiêu cực.

+ Không còn phòng hư hỏng, dột nát, tre lá, không để tái lập dạy và học 3 ca, huy động học sinh đến đường, thi tốt nghiệp đạt chỉ tiêu, kế hoạch của ngành đề ra, mỗi trường mở ít nhất 1 lớp xóa mù chữ và phổ cập cấp I, trường cấp II mở lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ nhân viên trong xã và cho các đối tượng khác có nhu cầu học tập.

+ Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ khám và điều trị bệnh tốt cho nhân dân, tiếp tục thực hiện tốt công tác DS – KHHGĐ, duy trì và phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong dân.

+ Thực hiện đúng, đủ và kịp thời các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, các đối tượng hộ nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định.

+ Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng trong công tác tuyên truyền giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Chi bộ, kế hoạch chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Ủy ban nhân dân xã và phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia xây dựng Chi bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thề xã trong sạch, vững mạnh…

Đầu năm 1994, thực hiện Quyết định của Huyện ủy Châu Thành, Chi bộ Vĩnh Thành được nâng lên thành Đảng bộ xã Vĩnh Thành, đồng chí Lưu Vĩnh Cửu giữ chức Bí thư Đảng ủy - kiêm Chủ tịch UBND xã.

Năm 1994, mặc dù nước lũ kéo về sớm so với thời gian dự báo, nhưng Chi bộ kịp thời chỉ đạo nông dân chủ động xuống giống trước thời điểm nước lũ kéo về. Cụ thể, diện tích gieo trồng lúa cả 2 năm liên tiếp (1994 – 1995), mỗi năm là 3.800 ha và đạt 100%, năng suất lúa bình quân là 11,28 tấn/ha/năm đạt 104,83%, sản lượng lúa 21.419,87 tấn/năm đạt 104,77% so với Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng bộ đề ra. Năm 1995 so với năm 1993, diện tích gieo trồng lúa tăng 32 ha, năng suất lúa bình quân11,28 tấn/ha/năm, tăng 0,58 tấn, sản lượng lúa tăng 1.254 tấn, bình quân lương thực đầu người1.663kg/năm (21.419,87 tấn/12.877 khẩu) tăng 107 kg.

Công tác khuyến nông được chú trọng. Trong 2 năm 1994, 1995, Vĩnh Thành tổ chức 17 cuộc hội thảo và nhiều cuộc tuyên truyền phổ biến khác có 424 nông dân tham dự, nhằm hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, sử dụng giống mới; thực hiện mở 1 lớp học triển khai Chương trình IPM tại xã có 17 học viên là nông dân cốt cán tham dự, qua đó giúp họ tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích canh tác lúa.

Năm 1995, Vĩnh Thành có 15 hộ thực hiện chương trình RVAC và 26 hộ lên kế hoạch cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, lượng rơm sau thu hoạch vụ Đông Xuân 1994 – 1995, đều được nông dân sử dụng hết để ủ lấy nấm, góp phần tăng thêm thu nhập và giải quyết được phần nào lao động nhàn rỗi trong nhân dân.

Cây màu như đậu, rau dưa các loại…gieo trồng được 9,3 ha, đạt 6% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và tăng 4,3 ha so với năm 1993. Nghề trồng năm rơm, cải tạo vườn tạp thành vườn trồng cây ăn quả đang được phát triển khá.

Về chăn nuôi ở xã, chỉ chiếm 20% giá trị tổng sản phẩm của ngành nông nghiệp và tăng 8% so với năm 1993. Chăn nuôi gia súc gia cầm ở xã chủ  yếu là đàn heo, nhưng năm 1995 chỉ đạt 710 con, giảm 68 con so với năm 1993.

Về tín dụng, Ngân hàng khu vực đã kịp thời xét và chấp thuận cho nông dân vay vốn sản xuất nông nghiệp trong 2 năm 1994 và 1995 với tổng số tiền là 4.901.951.000 đồng, góp phần khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi như trước đây, qua đó ổn định được sản xuất và cải thiện nâng cao đời sống của nông dân.

Công tác thủy lợi nội đồng, với phương châm là “Nhà nước và nhân dân cùng làm” 2 năm 1994, 1995 đào vét được 13 con kênh lớn nhỏ với tổng khối lượng là 79.000m3 đất, trị giá trên 320 triệu đồng, chủ yếu là do nhân dân đóng góp tiền và ngày công lao động quy đổi ra tiền. Trong đó, riêng kênh Mới Sáu Miên khối lượng đào vét là 61.000m3, nông dân đóng góp 80,2 triệu đồng trên tổng số 120 triệu đồng

Công tác quản lý ruộng đất ở xã, do làm tốt công tác do đạc đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất. Đến năm 1995, Vĩnh Thành đã cấp được 2.203 giấy quyền sử dụng đất với tổng diện tích 1.995 ha, đạt 95% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội.

Năm 1994, Vĩnh Thành có 47 cơ sở Tiểu thủ công nghiệp với 131 lao động làm việc ở các nghề mộc, đóng ghe xuồng, cưa xẻ gỗ, xay xát… phục vụ chủ yếu nhu cầu của nhân dân trong xã, giảm 5 cơ sở và 11 lao động so với năm 1993

Về giao thông đường bộ, mùa lũ năm 1994 đã gây thiệt hại nặng, ước tính trị giá trên dưới 1.644.198.400 đồng. Vĩnh Thành chủ trương nghiêm cấm đổ cỏ rác cây cối xuống lòng kinh, mương, cống, rảnh, giải phóng chà, đáy, vó, cản trở giao thông. Công an kết hợp với giao thông xử phạt trên 5.500.000 đồng và cho các đối tượng vi phạm làm cam kết.

Cuối năm 1994, khi nước lũ rút xuống đến năm 1995, xã  thực hiện mở rộng mặt lộ đường nông thôn ngang từ 5 – 7m, đào đắp 96.400m3 đất tôn mặt đường dài 20.000m cao hơn đỉnh lũ năm 1994, lắp đặt 07 cống thay cầu, xây dựng mới 4 cây cầu và sửa chữa 19 cây cầu sau mùa lũ lụt với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng do nhân dân đóng góp.

Về tài chính – Ngân sách, thu thuế nông nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp và thủy lợi là nguồn thu chủ yếu tại địa phương của ngân sách xã hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết. Những so với nhu cầu, thu ngân sách trên địa bàn chỉ đảm bảo được nhu cầu chi lương và hoạt động phí thường xuyên của xã. Vì vậy, trong 2 năm (1994 – 1995), bình quân mỗi năm Vĩnh Thành bội chi ngân sách khoản 135 – 150 triệu đồng.

Về văn hóa – xã hội, trong lĩnh vực giáo dục, xã kết hợp tốt giữa 3 môi trường là nhà trường với gia đình và xã hội trong việc vận động trẻ đến trường,  năm học 1994 – 1995 đạt 78%, năm học 1995 – 1996 đạt 93% và đã xóa hẳn tình trạng tái dạy và học ca ba. Chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực. Năm học 1995, thi tốt nghiệp cấp I đạt 83%, tăng 7%, thi tốt nghiệp cấp II đạt 84%, tăng 19% so với năm 1993. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở các lớp còn lại của hai cấp I, II đều đạt từ 68%. Năm học 1994 – 1995, xã tổ chức dạy thêm môn Anh văn cho chương trình học ở cấp II.

Trạm y tế xã tiếp tục làm tốt khâu khám, điều trị bệnh, tập trung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tuyên truyền giáo dục vận động nhân dân ý thức y tế cộng đồng, các chương trình y tế quốc gia và của ngành hàng năm đều đạt loại khá. Năm 1995, xã vận động và quản lý 1.247 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai, triệt sản, trong đó có 9 nam. Tỷ lệ sinh con thứ 3, 4 giảm góp phần hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống còn 2,1%.

 Văn hóa Thông tin – Thể dục thể thao. Năm 1995, xã lắp đặt 13 loa truyền thanh cộng đồng với chiều dài 4 km, tăng 12 loa so với năm 1993. Hệ thống truyền thành xã đi vào hoạt động nề nếp và có chất lượng; một số hoạt động như băng, cờ, pano, biểu ngữ, thông tin cổ động phục vụ tốt các ngày lễ lớn trong năm. Duy trì và phát triển 5 sân bóng chuyền, thành lập 8 thành viên đội bóng có tuyển đi thi đấu tại huyện đạt giải 3 năm 1994.

Về chính sách xã hội, Đảng ủy Vĩnh Thành luôn quan tâm lãnh chỉ đạo Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện đúng, kịp thời và đầy đủ các chế độ quy định của Đảng và Nhà nước cho những đối tượng chính sách, xây dựng 4 căn nhà tình nghĩa kiên cố trị giá trên 15 triệu đồng.

Với phương châm “Lá lành, đùm lá rách”, năm 1994, Vĩnh Thành đã làm tốt 3 đợt vận động cứu trợ cho nhân dân xã khắc phục lũ lụt, không để hộ dân nào bị đói, cụ thể:

Đợt I, cán bộ, nhân viên xã trích từ tiền lương cứu trợ 1.500.000 đồng, nhân dân đóng góp cứu trợ là 3.904.000đ, 435 kg gạo, 300 kg muối. Đoàn cứu trợ của huyện giúp xã số tiền 6.900.000đ, cấp phát bằng hiện vật gồm 16 chiếc xuồng, 8 kg lưới, 1115 kg gạo, 40 kg quần áo cũ, 12 cái nềm, 32 kg muối Iốt, 700 gói mì, một số lượng lớn thuốc trị bệnh và cùng nhiều tặng phẩm khác…..Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh đến thăm hỏi và tặng 3.000.000 đồng cho 30 hộ. Tỉnh ủy gởi thư thăm hỏi và kèm theo 200.000 đồng.

Đợt II, Ủy ban huyện Châu Thành cứu trợ 40 kg quần áo, 300 gói mì và 6 phần quà của Xưởng BaSon. Chữ thập đỏ huyện cho 15 chiếc xuồng và 20 tay lưới.

Đợt III, huyện cứu trợ gồm nhiều phần quà, gồm mì ăn liền Miliket, bột ngọt, quần áo cũ, gạo, thịt họp, nước chấm…..và huyện chi kinh phí giúp bà con sửa chữa, di dời nhà do lũ lụt cho 62 hộ, vớisố tiền 6 triệu đồng. Kho bạc Nhà nước đã đầu tư cho 105 hộ vay khắc phục hậu quả lũ lụt với số tiền là 45.000.000 đồng, mỗi hộ không quá 500.000 đồng.

Xã  tiếp nhận tiền, quà và tổ chức đoàn đi đến từng hộ xem xét cứu trợ và đã cấp phát đầy đủ, đúng đối tượng cho 625 lượt hộ, bằng 2.456 khẩu để cứu đói khắc phục hậu quả lũ lụt. Ngoài ra, xã còn tổ chức vận động “Đền ơn đáp nghĩa”, gây quỹ xây dựng nhà tình nghĩa được 1.500.000 đồng để giúp cho 2 hộ chính sách gặp khó khăn sửa chữa lại nhà ở.

Thực hiện được dự án cải tạo vườn tạp cho hơn 52 hộ, với số tiền 150 triệu đồng và nhiều dự án sản xuất khác, góp phần việc làm và thu nhập ổn định cuộc sống cho nhân dân. Kết hợp với Mặt trận và các đoàn thể làm tốt công tác ngăn chặn các đối tượng tệ nạn xã hội…Thực hiện tốt Chỉ thị 200/TTg, đã giải tỏa được 40/50 cầu tiêu cất trên ao cá thông ra sông rạch.

Phối kết hợp chặt chẽ giữa HĐND với MTTQ tổ chức tốt cuộc bầu cử HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 1994 – 1999,  Đại biểu HĐND xã khóa mới đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo Luật định, theo Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân xã được nâng lên và thực hiện tốt vai trò cơ quan hành chánh nhà nước ở xã trong việc cụ thể hóa đường lối, Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị Nghị quyết của cấp trên…., quản lý điều hành hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng có hiệu quả.

An ninh, quốc phòng, xã Vĩnh Thành tổ chức được 46 tổ tự quản khắp trên địa bàn xã, ấp. Phối kết hợp chặt chẽ với các ngành, Mặt trận và các đoàn thể, Công an, Quân sự và các tổ tự quản nắm vững địa bàn, quản lý chặt đối tượng, chủ động hòa giải các mầm móng nảy sinh của bọn xấu, kiểm tra bảo vệ địa bàn, tổ chức 137 cuộc tuần tra, bảo vệ an toàn các ngày lễ, tết, bầu cử HĐND 3 cấp. 

Quân sự xã tiếp tục thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý và huấn luyện và đã phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng, đảm bảo sẳn sàng chiến đấu tại chỗ và chi viện chiến đấu khi có yêu cầu. Xây dựng được 247 DQTV đạt tỷ lệ 2,56%, thành lập được 1 tiểu đội nữ, mỗi Ban tự quản đều có 1 tiểu đội thường trực. Hoàn thành chỉ tiêu giao quân 2 năm liền đạt 107%.

Mặt trận và các Đoàn thể tiếp tục duy trì hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, vận động thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc, gây quỹ hậu phương quân đội năm 1994 được 23.450.000đ, năm 1995 được 29.461.000đ và vận động gây quỹ xây dựng xã hội trên 29 triệu đồng để sửa chữa cầu.

Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ duy trì thường công tác xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức theo tinh thần Nghị quyết TW 3 (khóa VII) của Đảng và chương trình hành động của Huyện ủy Châu Thành,  nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cho cả Đảng bộ  và từng đảng viên ngang tầm với nhiệm vụ mới. 

Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ đã phát triển được 18 đảng viên mới, đạt 90% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ lên 45 đồng chí vào cuối năm 1995. Từ đầu năm 1994 – 1995, Đảng bộ đã xây dựng được 8 Chi bộ trực thuộc, gồm 5 Chi bộ ấp, 3 Chi bộ ngành.

Cử đi đào tạo tại Trường chính trị huyện 19 đồng chí, bồi dưỡng công tác quản lý hành chánh tỉnh 4 đồng chí, 3 đồng chí học Đại học tại chức tài chính và cùng nhiều lớp nghiệp vụ khác.

Để tăng cường công tác kiểm tra và xử lý kỷ luật đảng viên theo Điều lệ Đảng quy định, Đảng bộ Vĩnh Thành quy định, mỗi đảng viên phải giữ vững sinh hoạt lệ kỳ hàng tháng, tự phê và phê bình kiểm điểm 2 lần trong năm. Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo 2 đồng chí, xóa tên 1 đồng chí. Qua kết quả xét tư cách phân loại qua 2 năm Đảng bộ Vĩnh Thành được xếp loại khá.

Tháng 1/1996, Đảng bộ Vĩnh Thành tổ chức Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI, nhiệm kỳ 1996 – 2000. Đại hội bầu đồng chí Lý Minh Châu giữ chức Bí thư Đảng ủy (01/1996 – 10/2000).

Đại hội đã xác định mục tiêu tổng quát 5 năm (1996 – 2000) là đẩy mạnh nhịp độ tăng tưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt hơn chính sách xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ra sức xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Để thực hiện mục tiêu tổng quát nêu trên, đến năm 2000, Đảng bộ Vĩnh Thành đấu đạt những chỉ tiêu cụ thể sau đây:

+ Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ 9 – 11%.

+ Diện tích gieo trồng lúa mỗi vụ 2.000 ha, năng suất bình quân từ 11,2 – 11,8 tấn/ha/năm.

+ Thu nhập bình quân đầu người 280USD/năm;(1USD = 14.700đồng).

+ Tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Phấn đấu hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2000 dưới 1,5%.

+ Nâng cao trình độ dân trí, hoàn thiện cơ sở vật chất giáo dục. Trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100%.

+ Phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 1,5%.

+ Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác an ninh trên các mặt trận tư tưởng.

+ Phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

+ Nâng cao hiệu lực hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể theo hướng tinh gọn, hiệu quả cao. Xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, đảm bảo ngang tầm với nhiệm vụ chính trị…

Vĩnh Thành tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI, nhiệm kỳ 1996 - 2000 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Châu Thành lần thứ VII. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI,  Vĩnh Thành phải đối mặt với khó khăn về lũ lụt (1994, 2000), thời tiết diễn biến bất thường, cùng với khủng hoảng tài chính, tiền tệ Châu Á làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của Đảng bộ xả đề ra.

Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thành đã  vượt qua những khó khăn, thử thách và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng bộ xã để ra cho nhiệm kỳ 1996 - 2000.

Sản xuất nông nghiệp bình quân 5 năm (1996 – 2000), mỗi năm diện tích gieo trồng lúa 2 vụ là 3.925,2 ha/năm (tăng 125,2 ha so năm 1995), đạt 98,12%, năng suất lúa bình quân là10,39 tấn/ha/năm, đạt 90,34%, sản lượng lúa bình quân là 20.198,42 tấn/năm, đạt 87,81%, lương thực bình quân đầu người 1.553kg/năm, đạt 87,78% so với chỉ tiêu Nghị quyết.

Diện tích trồng màu (rau, dưa các loại) 20 ha đạt 75%, cải tạo 16 ha vườn tạp thành vườn cây ăn quả đạt 80% so Nghị quyết.

Chăn nuôi, đàn heo 1.374 con (tăng 709 con so 1995), đạt 74,8% chỉ tiêu Nghị quyết. Riêng năm 1996, đàn gia cầm, chủ yếu là vịt 30.700 con, tăng 10.200 con so năm 1995 và đạt 107% chỉ tiêu Nghị quyết. Nhưng đến năm 2000, đàn vịt giảm 15.760 con, đạt 35% chỉ tiêu Nghị quyết, còn diện tích mặt nước bè, ao hầm nuôi cá các loại 4,50 ha, tăng 1,71 ha so với năm 1996.

Về khuyến nông, xã tổ chức 49 cuộc hội thảo và nhiều cuộc họp tuyên truyền phổ biến việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Thực hiện chương trình IPM giúp cho nông dân giảm được chi phí “Đầu vào” và tăng hiệu quả sản xuất.

Ngân hàng và quỹ tín dụng đầu tư cho hộ nông dân ở xã vay bình quân mỗi năm từ 2,5 - 4 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất trồng trọt và chăn nuôi của nhân dân, khắc phục khá tốt tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, nhờ đó góp phần ổn định sản xuất và nâng dần đời sống của nông dân.

Công tác thủy lợi, Vĩnh Thành đào, vét được 19.195m kênh nội đồng với khối lượng 173.920m3. Trong đó,  thi công bằng cơ giới 4 kênh với kinh phí 365.435.000đ (nhân dân đóng góp 80%, ngân sách địa phương 20%).

Công tác quản lý ruộng đất, trong nhiệm kỳ, xã tổ chức đăng ký kê khai cho 2418 hộ với 2085 ha diện tích đất nông nghiệp và đất chuyên dùng khác đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết. Năm 2000, xã đã cấp 2.317 chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2.017 ha và đạt 100% chỉ tiêu huyện Châu Thành giao.

Năm 2000, xã có 6 cơ sở Tiểu thủ công nghiệp, giảm 7 sơ sở; 40 cơ sở kinh doanh khách sạn – Nhà hàng, giảm 29 cơ sở; nhưng đã phát triển được 5 doanh nghiệp tư nhân với quy mô nhỏ, 115 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ ăn uống, giải khát dưới hình thức kinh tế hộ gia đình, tăng 27 cơ sở so với năm 1996, các cơ sở này giải quyết hơn 558 lao động nhàn rỗi ở địa phương có việc làm.

Mạng lưới giao thông nông thôn, các điểm trường, Trạm y tế xã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, trụ sở làm việc của UBND xã được xây dựng mới, hoàn thành việc kéo điện về ấp Đông Phú I, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết. Đặc biệt, xã đã  cất mới cầu treo Tân Thành, cải tạo rải cát đá nâng cấp 5 tuyến lộ dài 20,6 km, với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng (Ngân sách huyện hỗ trợ 460 triệu đồng). Trong đó, Rạch Chùa dài 03km : 90.000.000 đồng; Trà Suốt dài 3,5 km: 105.000.000 đồng; VT – VL dài 2,1 km: 117.600.000 đồng; VT – HBT dài 3km: 168.000.000 đồng; VT – VN dài 9km: 620.000.000 đồng.

Công tác thu thuế các loại hàng năm đạt từ 98 – 100% chỉ tiêu của huyện giao. Tổng thu, chi ngân sách xã 5 năm đạt 5.788.685.000đ, trong đó nguồn nhân dân đóng góp và trích hồi thu thuế sử dụng đất nông nghiệp là chính.

Bằng sự linh hoạt trong xây dựng mối quan hệ giữa Đảng ủy Vĩnh Thành với Ngân hàng, từ năm 1996 – 1998, Ngân hàng đã giải ngân cho 954 hộ dân vay tiền tôn nền nhà, chiếm 35% doanh số cho vay hàng năm ở xã. Giới thiệu cho vay ưu đãi hộ nghèo được 277 triệu đồng, vay sản xuất chăn nuôi và các ngành nghề khác đạt hơn 7 tỷ đồng.

GDP bình quân đầu người tăng lên năm sau cao hơn năm trước: Từ 2.310.000 đồng năm 1996, tăng lên 2.750.000 đồng năm 1997, 2.900.000 đồng năm 1998, 3.050.000 đồng năm 1999, 3.150.000 đồng năm 2000 và đạt 76,53 % chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội (tỷ lệ quy đổi 1USD = 14.700 đồng Việt Nam cùng năm).

Về nhà ở, tư liệu sinh hoạt, máy móc và tiện khác. Năm 2000, Vĩnh Thành có 27 nhà ở kiên cố, 798 nhà ở bán kiên cố và 1.631 nhà ở khác, 1.156 Tivi, 988 Radiocassette, 30 máy cày, 39 máy tuốt lúa, 338 máy bơm nước, 194 tàu thuyền vận tải, đánh bắt cá có động cơ.

 Đạt được kết quả trên là do cả nhiệm kỳ, Đảng ủy Vĩnh Thành thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách khuyến nông, khuyến mãi, tín dụng, thủy lợi và quản lý đất đai để hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.

Về văn hóa – xã hội, nhận thức rõ giáo dục đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển con người, tạo tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nên trong cả nhiệm kỳ, Đảng bộ và nhân dân xã tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đến năm 2000, toàn xã đã xây dựng được 4 trường Tiểu học, trong đó có 39 phòng học, 4 phòng làm việc, 1.800 học sinh, 63 giáo viên và 8 người trong Ban giám hiệu. Chất lượng dạy và học được nâng lên rõ nét. Tỷ lệ học sinh thi lên lớp và chuyển cấp đạt từ 90 – 95%.; số học sinh bỏ học nửa chừng chỉ chiếm 2% và số học sinh bỏ học này được xã vận động học ở các lớp PCGD Tiểu học, mù chữ. Năm 1998, xã được công nhận đạt chuẩn PC. GDTH 85%, chuẩn XMC 93,9% và năm 1999 được công nhận đạt chuẩn PC.GDTH 92% - Chuẩn XMC: 98%. Nâng cấp, cất mới 26 phòng cấp II với 9 lớp học, 350 học sinh, hàng năm tỷ lệ học sinh cấp II lên lớp đạt 95 – 98%, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 95 – 98%.

Y tế hoạt động khám và điều trị tại Trạm y tế xã và các tổ y tế các ấp hàng năm gần 30.000 lượt bệnh nhân đạt 95% kế hoạch của ngành giao. Các chương trình y tế quốc gia của ngành thực hiện đều đạt và vượt chỉ tiêu. Công tác DS – KHHGĐ hàng năm thực hiện đạt tỷ lệ từ 96 – 100% chỉ tiêu của ngành, góp phần hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,6% và đạt 93,75% chỉ tiêu Nghị quyết.

Văn hóa thông tin đã phục vụ tốt các ngày lễ hội, hội nghị, tổ chức tuyên truyền cổ động qua trạm truyền thanh, thông báo bằng loa phóng thanh lưu động, dán Pano, khẩu hiệu……phối kết hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư và nếp sống văn minh gia đình văn hóa. Năm 2000, xã có 2/5 ấp được công nhận ấp văn hóa với 1.210 hộ, chiếm chiếm 49,83% tổng số hộ toàn xã..

Về chính sách xã hội, xã có  82 hộ chính sách đang quản lý, trong đó có 30 hộ khó khăn về kinh tế. Năm 2000, xã cất mới được 13 căn nhà cho gia đình thương binh liệt sỹ với tổng số tiền 152.000.000 đồng, trong đó ngân sách huyện cấp 8 căn với số tiền 108.000.000 đồng, sửa chữa 10 căn nhà với số tiền 50.000.000 đồng.

Công tác xóa đói giảm nghèo của xã cũng được Đảng ủy quan tâm như chăm sóc sức khỏe, giới thiệu việc làm, vận động bài trừ tệ nạn rượu chè cờ bạc….., giúp vốn vay…số hộ thoát nghèo hàng năm đạt 2 – 5%. Nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở xã năm 2000 còn chiếm đến 9,4%.

Về hiệu lực quản lý nhà nước, HĐND xã nhiệm kỳ 1994 – 1999 đã tổ chức 12 kỳ họp đúng định kỳ, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên, bước đầu đã thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, thường xuyên phối kết hợp với các ngành chức năng tiếp xúc cử tri, nghe cử tri đóng góp ý kiến những vấn đề phát sinh của địa phương để trình ra kỳ họp xem xét giải quyết, quyết định trên cơ sở ý kiến của cử tri và chấp hành sự lãnh đạo của Đảng.

Lề lối làm việc của UBND xã đã được cải tiến theo hướng nâng cao được hiệu lực quản lý, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn, kịp thời, chính xác và đúng pháp luật, và làm tốt công tác hòa giải cơ sở. Trong nhiệm kỳ, xã nhận 258 đơn của nhân dân, đã hòa giải thành được 221 đơn, chuyển huyện 31 đơn, tồn 06 đơn.

Về an ninh – quốc phòng ở xã tiếp tục giữ vững ổn định, lực lượng công an quân sự trong sạch vững mạnh. Từ năm 1996 – 2000, dưới sự giúp đỡ của nhân dân, Công an xã bài trừ được 56 tên uống rượu càng quấy, xóa 3 điểm mại dâm, 9 lệnh truy nã, đưa 8 đối tượng hoàn lương hòa nhập cộng đồng làm ăn tốt.

Quân sự tổ chức tuyển, giao quân hàng năm đạt 100% và xây dựng lực lượng và huấn luyện dân quân tự vệ đạt 1,04% so với tổng số dân.

Về công tác vận động quần chúng, trong nhiệm kỳ Đảng ủy tiếp tục xây dựng, củng có về mặt tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyền truyền, giáo dục thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình và nhân dân chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và phát triển Hội viên, đoàn viên mới. Từ năm 1996 – 2000, các đoàn thể xã đã phát triển được 715 hội viên, đoàn viên, vận động quỹ xã hội từ thiện được 325 triệu.

Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ủy quan tâm và tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng bộ trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tốt chức, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, của các Chi bộ trực thuộc và của từng đảng viên để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở xã trong thời kỳ đổi mới..

 Đảng ủy chủ trương và yêu cầu mỗi đảng viên của Đảng bộ phải ra sức học tập lý luận chính trị, các Nghị quyết của Đảng bộ cấp trên, thường xuyên tự phê bình và phê bình, giữ vững chế độ sinh hoạt lệ kỳ, cùng các nguyên tắc xây dựng và sinh hoạt Đảng, chấp hành tuyệt đối Nghị quyết và Điều lệ Đảng, kiểm điểm đảng viên chấp hành và xét tư cách, phân loại đảng viên hàng năm.

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Vĩnh Thành đã phát triển 63 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ là 91 đồng chí sinh hoạt ở 13 Chi bộ, gồm 5 Chi bộ ấp, 5 Chi bộ Trường học, 1 Chi bộ Công an, 1 Chi bộ Xã đội, 1 Chi bộ Y tế. Quy hoạch và đưa đi học Đại học tài chính tại chức 2 đồng chí ở Đại học thuế  và Đại học Vĩnh Long, 1 đồng chí học lớp trung cấp pháp lý; đưa đi học ở trường Đảng huyện Châu Thành và học đối tượng Đảng tại xã trên 80 đồng chí. Đảng ủy thi hành kỷ luật dưới hình thức khai trừ 2 đảng viên, kỷ luật khiển trách và cảnh cáo 5 đảng viên vi phạm đánh bạc, quan hệ nam nữ.

Qua kết quả xét tư cách, phân loại chất lượng đảng viên và Đảng bộ trong từng năm, Đảng bộ Vĩnh Thành chưa đạt loại khá. Điều này, đã nói lên trong nhiệm kỳ 1996 – 2000, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ xã Vĩnh Thành còn những mặt hạn chế, yếu kém, tồn tại cần phải được khắc phục trong nhiệm kỳ sau.

Qua 5 năm (1986 – 2000) thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Chi, Đảng bộ xã về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương theo đường lối đổi mới của Đảng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, số lượng đảng viên và chất lượng hoạt động của Đảng bộ xã Vĩnh Thành ngày càng lớn mạnh, hệ thống chính trị xã được củng cố về mặt tổ chức và chất lượng hoạt động phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Vì vậy, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quản lý về mặt nhà nước của chính quyền xã ngày càng tốt hơn.

 

2- Giai đoạn 2001 – 2015

Tháng 10/2000, Vĩnh Thành tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2000 – 2005. Đồng chí Trần Minh Nhựt được Đại hội bầu làm Bí thư Đảng ủy (tháng 10/2000 - 3/2003); đồng chí Hồ Quang Hoài thay đồng chí Trần Minh Nhựt làm Bí thư Đảng ủy (tháng 7/2003 - 10/2009).

Đại hội Đảng bộ xác định mục tiêu tổng quát từ năm 2000 – 2005 là tiếp tục đẩy mạnh nhịp độ phát triển kinh tế, giữ vũng an ninh chính trị, gắn với việc xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hóa, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt chính sách xã hội, dân chủ cơ sở, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ra sức xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trước tình hình mới.

Để thực hiện được mục tiêu tổng quát nói trên, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thành phấn đấu đến năm 2005 đạt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội cụ thể như sau:

+ Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH, ổn định diện tích lúa 2 vụ mỗi năm 3.928 ha, với năng suất 11,5 tấn/ha/năm. 

+ Tăng sản lượng lương thực bình quân hàng năm 2.600 tấn; tổng sản lượng lương thực đến năm 2005 là 33.052,8 tấn.

+ Sản xuất lúa vụ 3 đến năm 2005 đạt 1.300 ha.

+ Thu nhập bình quân đầu người 3.750.000 đồng/năm.

+ Tỷ kệ tăng dân số tự nhiên giảm đến năm 2005 còn 1,35%.

+ Nhựa hóa giao thông nông thôn đạt 11km.

+ Phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7% năm 2005.

+ Xây dựng cơ bản 32 phòng học, 1 Công an, 1 Xã đội, 5 văn phòng ấp và 1 điểm bưu điện văn hóa xã.

+ Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt an ninh trên mặt trận tư tưởng, phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

+ Công tác tuyển quân hàng năm đạt chỉ tiêu 100%, xây dựng dân quân tự vệ đạt 3% dân số.

+ Nâng cao hiệu lực hoạt động của các tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng.

+ Xây dựng Đảng bộ vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Vĩnh Thành thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII, nhiệm kỳ 2000 - 2005 dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Châu Thành lần thứ VIII soi đường. Nhưng, cũng là giai đoạn Đảng bộ Vĩnh Thành phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như lũ lụt xảy ra liên tiếp, thời tiết diễn biến bất thường, dịch cúm gia cầm, dịch bệnh đạo ôn trên lúa, giá cả vật tư nông nghiệp có xu hướng tăng, giá cả nông sản, nhất là giá lúa có xu hướng giảm và khó tiêu thụ .v.v. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân, Vĩnh Thành tập trung sức vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt và thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII đề ra.

Sản xuất nông nghiệp, bình quân mỗi năm diện tích gieo trồng lúa 2 vụ là 3.927,12 ha/năm đạt 99,97%, năng suất lúa là 11,5 tấn/năm đạt 100%, tổng sản lượng lúa là 22.814,82 tấn/năm đạt 102% so với chỉ tiêu Nghị quyết và tổng sản lượng lúa 5 năm (2001- 2005) là 114.074 tấn, tăng 13.882 so với nhiệm kỳ 1996 – 2000, giá trị sản xuất bình quân 24.500.000 đồng/ha, tăng 7.810.000 đồng/ha so với năm 2001. Sản xuất màu (dưa hấu, mía và các loại rau màu khác) tăng 5,2 ha đạt 102% chỉ tiêu Nghị quyết, giá trị cây màu 45.000.000 đồng/ha, lợi nhuận cao gấp 2 lần so với cây lúa.

Tuy nhiên, nếu tính sản xuất 3 vụ lúa /năm, đến năm 2005 – Năm cuối cùng Vĩnh Thành thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ xã, thì diện tích gieo trồng lúa đạt 75,11%, tổng sản lượng lúa đạt 69,03% so chỉ tiêu Nghị quyết, do nhiều nguyện nhân khách quan, chủ quan khác nhau, nên cả nhiệm kỳ 5 năm (2001 – 2005) xã chưa thực hiện được chỉ tiêu sản xuất vụ 3.

Công tác khuyến nông, trong nhiệm kỳ đã mở 81 lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi, về Chương trình “3 giảm, 3 tăng” với hơn 3.500 lượt người tham dự, qua đó giúp nông dân tiết kiệm chi phí hạ giá thành và tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, từ năm 2002, nông dân Vĩnh Thành thực hiện Chương trình 3 giảm 3 tăng được 1.020 ha, trong đó lúa chất lượng cao 1.197 ha, đạt 103%, cải tạo vườn tạp thành ao hầm nuôi cá và vườn cây ăn trái được 22,7 ha đạt 80% so với Nghị quyết.

Chăn nuôi ở xã tiếp tục được phục hồi và có bước phát triển đáng kể. Năm 2005, xã có đàn heo 1.418 con, tăng 128 con, đàn trâu, bò 122 con, tăng 93 con, đàn gia cầm 30.559 con, tăng 8.109 con, đàn dê 45 con, diện tích mặt nước ao hầm nuôi cá 29,40 ha, tăng 15,6 ha, giữ ổn định 2 bè nuôi cá, tổng sản lượng cá nuôi tăng 36 tấn, diện tích nuôi tôm chân ruộng lúa 8,5 ha, tăng 4 ha, năng suất 2,5 tấn/ha, tăng 0,5 tấn/ha so với năm 2001 và đạt từ 85 – 100% chỉ tiêu Nghị quyết.

Thành quả phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm của Vĩnh Thành trong nhiệm kỳ 2001 – 2005 là do Thú y chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm như: xã đã tiêu huỷ 19.000 con gia cầm, phát 350 tài liệu bướm, tuyên truyền trên Đài truyền thanh 2 lượt /ngày, mở 3 cuộc hội thảo có 160 người tham gia. Phát thuốc phun xịt tiêu độc được 14 lít BKA và thường xuyên kiểm tra các chợ, cũng như việc vận chuyển gia cầm trên địa bàn.

Về thủy lợi – quản lý đất đai, xã thực hiện đào, vét được 123.215m kênh nội đồng với khối lượng 363.863 rn3, tổng kinh phí 545.794.500 đồng do nhân dân đóng góp, cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp cho 2.816 hộ, đạt 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.326 hộ, với diện tích 86.945m2.

 Về Tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ. Năm 2005, xã có 10 cơ sở Tiểu thủ công nghiệp với 33 lao động giảm 25 cơ sở và 76 lao động đạt 45% so với chỉ tiêu Nghị quyết.

Một trong những thành tựu nổi bật của Đảng ủy Vĩnh Thành trong việc lãnh chỉ đạo Đảng bộ và nhân dân thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII, nhiệm kỳ 2001 – 2005 là tăng GDP bình quân đầu người qua mỗi năm: Năm 2001 là 3.100.000 đồng, đạt 82,66%; năm 2002 là 3.330.000 đồng, đạt 88,80%;  năm 2003 là 3.550.000 đồng, đạt 94,66%; năm 2004 là 4.250.000 đồng, đạt 113,33%; năm 2005 là 4.750.000 đồng, tăng 1.000.000 đồng và đạt 126,66% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. 

Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Vĩnh Thành tiếp tục cải tạo, mở rộng và nâng cấp cao mạng lưới giao thông đường bộ dài 38,81 km cao hơn đỉnh lũ năm năm 2000, bao gồm: Đường nhựa và bê tông 9,70km, đường cấp phối 7,90 km và đường đất 21,21 km. Trong đó, bê tông hoá 7 km đoạn từ ranh xã Vĩnh Thành giáp xã Mỹ Khánh đến cầu Treo Tân Thành, kinh phí do huyện đầu tư, mở rộng và nâng cấp lộ 2 bên bờ kênh Bốn Tổng đến giáp xã Vĩnh Lợi với khối lượng 72.320m3, nâng cấp lộ bờ bắc kinh Chắc Cà Đao dài 3.000m, cất mới cầu kênh Bốn Tổng, kinh phí 65 triệu đồng do nhân dân đóng góp, cất mới cầu Xẻo Sót kinh phí 400 triệu do huyện đầu tư, lắp các cống thay thế cầu bị hư kinh phí 77 triệu đồng (Nhà nước và nhân dân cùng làm), mở rộng và nâng cấp rải cát tuyến lộ Rạch Chùa - Trà Suốt dài 8 km. Qua đó, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt đi lại cho nhân dân, từng bước làm biến đổi bộ mặt nông thôn Vĩnh Thành theo hướng tiến bộ.

Vĩnh Thành tiếp tục xây dựng, phát triển mạng lưới điện, nước sinh hoạt cho dân cư ở các tuyến kênh Bốn Tổng, Chắc Cà Đao, Rạch Chùa. Năm 2005, tỷ lệ hộ sử dụng điện 98,73%/tổng số hộ (2.970 hộ/3008 hộ) tăng, 21,73%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch 70,01%/tổng số hộ (2.106 hộ/3008 hộ), tăng 60% so với năm 2000 và đạt 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Ngoià ra, xã còn có 214 hộ sử dụng điện thoại, chiếm 7,11%/tổng số hộ và đạt 14,05 hộ/máy.

Công tác xây dựng cơ bản trong nhiệm kỳ, có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2005, xã quy hoạch đầu tư 3 khu dân cư là: Tân Thành, Đông Bình Nhất và Đông Bình Trạch, với diện tích 8,1 ha, phân ra 320 nền, thi công chợ Tân Thành 2,2 ha, đầu tư cất mới và sửa chữa 3 điểm trường, cất mới 1 nhà văn hoá xã, 1 trụ sở làm việc của Công an, Quân sự, xây dựng bưu điện văn hoá, đài truyền thanh xã do kinh phí huyện đầu tư, xây dựng mới chợ Đông Bình Nhất, sửa chữa và nâng cấp chợ Đông Phú I, tổ chức thi công chợ Tân Thành.

Về thương mại – dịch vụ. Năm 2005, xã duy trì và phát triển được 6 doanh nghiệp tư nhân (xây xát và kinh doanh xăng dầu), tăng 1 doanh nghiệp; 199 cơ sở kinh doạnh thương mại – dịch vụ, tăng 69 cơ sở; 108 cơ sở kinh doanh khách sạn – nhà hàng, tăng 59 cơ sở và đã giải quyết cho hơn 780 lao động ở xã có việc làm, tăng 192 lao động so với năm 2000 và đạt 110% so với chỉ tiêu Nghị quyết

Công tác quản lý tài chính -  ngân sách, bình quân trong nhiệm kỳ 2001 - 2005, Vĩnh Thành thu thuế trên địa bàn xã mỗi năm theo phân cấp của huyện là 650.000.000 đồng, đạt từ 98 - 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Tổng thu ngân sách xã trong 5 năm là 3.983.421.640 đồng và tổng chi ngân sách xã là 3.983.421 đông. Đây là nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ Vĩnh Thành cần đối được thu, chi ngân sách xã.

Vĩnh Thành giới thiệu cho hộ nghèo vay tín chấp của Ngân hàng chính sách xã hội huyện được 15 dự án Quốc gia về giải quyết việc làm, bao gồm các dự án chăn nuôi và các ngành nghề khác với tổng số tiền 532 triệu đồng. Thông qua các quỹ tín dụng và các Ngân hàng khác, xã  đã giới thiệu cho nhân dân vay trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ, tăng cường nguồn vốn đầu tư thâm canh trồng trọt và chăn nuôi của nông dân. Tuy nhiên, công tác thu hồi nợ tôn nền và nợ hộ nghèo còn chậm.

Về văn hóa – xã hội, Đảng bộ Vĩnh Thành luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo đầu tư cho giáo dục và xác định vai trò then chốt của giáo dục & Đào tạo trong nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cấu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Năm 2005, xã có 1 trường Mẫu giáo, gồm 8 lớp học, 5 phòng học, 11 giáo viên, 199 học sinh; 3 trường Tiểu học, gồm 50 lớp học, 45 phòng học, 61 giáo viên phục vụ quản lý, giảng dạy 1.347 học sinh; 1 trường Trung học cơ sở, gồm 11 lớp học, 10 phòng học, 22 giáo viên, 394 học sinh. Tỷ lệ học sinh lên lớp và thi đỗ tốt nghiệp các năm học 2001 – 2002, 2002 – 2003, 2003 – 2004, 2004 – 2005, học sinh Tiểu học đạt từ 98,70 – 100%, học sinh Trung học cơ sở đạt từ  96 – 98%, tỷ lệ lưu ban bỏ học dưới 3% và tỷ lệ công nhận phổ cập giáo dục Tiểu học hàng năm là 98,1%.

Thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, xã đã vận động nhân dân đóng góp 375 tấm đal lót sân trường, 1.275 cái áo trắng tặng cho học sinh nghèo. Hàng năm đều duy trì tổ chức buổi họp mặt giao lưu học sinh, sinh viên thi đỗ vào các trường cao đẳng Đại học chuyên nghiệp, nhằm động viên, khuyến khích, động viên tinh thần ham học của các học sinh và phong trào hiếu học trên địa bàn xã.

Tuy nhiên, do mới thành lập, cơ sở vật chất của trường Mẫu giáo chưa được đồng bộ và chưa phù hợp với lứa tuổi mẩu giáo, nên công tác vận động học sinh vào lớp học chưa đạt yêu cầu.

 Y tế xã hoạt động khám và điều trị bệnh hàng năm cho trên 40.000 lượt bệnh nhân, đạt 98% kế hoạch ngành giao; các Chương trình y tế quốc gia, của ngành thực hiện đều đạt và vượt chỉ tiêu. Công tác DS – KHHGĐ hàng năm đạt tỷ lệ từ 96 - 100%; tỷ lệ tăng dân số giảm xuống còn 1,24% thấp hơn Nghị quyết 0,11%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 24%.

Về hoạt động văn hoá văn nghệ , thông tin – thể dục thể thao ở Vĩnh Thành có bước phát triển mới. Năm 2005, xã có 3/5 ấp được công nhận là ấp văn hóa với 2.032 hộ, chiếm 67,55% tổng số hộ (2.032 hộ/3.008 hộ), tăng 17,72% so với năm 2000, 4 cơ quan đạt chuẩn văn hoá và Đình Trung Phú Nhuận thuộc xã Vĩnh Thành được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh.

Văn hóa, văn nghệ thông tin, thể dục thể thao, xã Vĩnh Thành tiếp tục tổ thông tin lưu động, gắn 100 pano, áp phích, 120 khẩu hiệu, thành lập đội văn nghệ thông tin tuyên truyền với 19 thành viên phục vụ yêu cầu tuyên truyền cổ động các ngày lễ, tết, các chủ trương, chính sách của Đảng và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tổ chức 5 CLB hát với nhau, 5 CLB đờn ca tài tử thường xuyên sinh hoạt đáp ứng yêu cầu của người dân vui chơi, giải trí cho nhân dân. Tổ chức 30 giải thi đấu thể dục thể thao trong các ngày lễ lớn, tết cổ truyền, các trò chơi dân gian nhân các lễ hội của người dân tộc và lễ hội đình làng. Lắp đặt mới hệ thống Đài truyền thanh dài 4 km và 16 bộ loa, ba cụm truyền thanh gồm 6 loa, thời lượng phát thanh ngày 3 buổi, đưa lượng thông tin tin thức, thời sự đến tận người dân kịp thời, đầy đủ và chính xác.

Về chính sách xã hội, đến năm 2005, Đảng ủy Vĩnh Thành chỉ đạo các ban, ngành chức năng xã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước cho 59 hộ đang quản lý; cất mới 42 căn nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh liệt sĩ, với số tiền 168 triệu đồng, sửa chữa, cất mới 120 căn nhà tình thương, với số tiền 360 triệu đồng, duy trì các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách nhân dịp lễ tết và trợ cấp cho các đối tượng người già neo đơn, trẻ em thiệt thòi.

Công tác xóa đói giảm nghèo được Đảng ủy quan tâm lãnh đạo và đạt hiệu quả cao, số hộ nghèo ở xã Vĩnh Thành năm 2005 còn 75 hộ, giảm 168 hộ so với năm 2000, bình quân mỗi năm trong nhiệm kỳ xóa được 36 hộ nghèo đạt 110% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Vĩnh Thành giới thiệu việc làm, giúp vốn vay thông qua các dự án Quốc gia về giải quyết việc làm, mở 06 lớp dạy thêu may công nghiệp cho 180 học viên tạo việc làm và thu nhập bình quân từ 10.000 - 15.000 đồng/ngày, đưa 9 lao động xuất khẩu sang Malaysia đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Đồng thời, giới thiệu 619 lao động đến làm việc ở các công ty trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết tốt việc làm và thu nhập ổn định cho lao động thiếu việc làm, chủ yếu là lao động nghèo ở xã.

Về an ninh, quốc phòng, do thực hiện tốt Nghị quyết số 01 của Huyện ủy và các Nghị quyết, Nghị định của Trung ương về chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, về các chương trình quốc gia phòng chống tội phạm và về xây dựng lực lượng Công an, Quân sự trong sạch vững mạnh, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Vĩnh Thành luôn được giữ vững. Qua 5 năm, xã đã quản lý tốt 16 đối tượng, đưa đi trường giáo dưỡng 2 đối tượng theo Nghị định 163/CP, tổ chức tuần tra 762 cuộc, công tác tuyển và giao quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu, xây dựng và tổ chức huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ đạt yêu cầu, chiếm 1,23% so với tổng số dân, quản lý 197 quân dự bị động viên giao về trên huấn luyện đạt chỉ tiêu và làm tốt công tác hậu phương quân đội, giúp đỡ các gia đình có con em tại ngũ.

Về hiệu lực quản lý nhà nước, cơ cấu tổ chức, nội dung và chất lượng hoạt động của HĐND, UBND xã ngày càng được nâng lên, công tác tiếp xúc cư tri, tiếp dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của HĐND, UBND đạt yêu cầu. Trong 05 năm, xã tiếp nhận 106 đơn, hoà giải thành được 93 đơn, chuyển 10 đơn, tồn động 3 đơn. Chủ yếu là đơn tranh chấp về đất đai, dân sự, hôn nhân, gia đình.

Đảng ủy thường xuyên lãnh chỉ đạo công tác Mặt trận và các Đoàn thể, tăng cường những cán bộ có năng lực phẩm chất đạo đức tốt phụ trách công tác Dân vận, Mặt trận và Đoàn thể. Mặt trận và các đoàn thể luôn làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục vận động nhân dân, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền dân chủ của mình trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương... Hàng năm, xã tổ chức tuyên dương, họp mặt trên 125 gia đình văn hoá tiêu biểu. Trong 5 năm, xã phát triển được 1.075 hội viên, đoàn viên đạt 105% so Nghị quyết đề ra và vận động các loại quỹ xã hội được 675.triệu đồng.

Về công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ xã Vĩnh Thành luôn được Đảng ủy quan tâm lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm sao cho Đảng bộ, các Chi bộ trực thuộc và mọi đảng viên có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, trình độ nhận thức và năng lực hoàn thành nhiệm vụ cao, phẩm chất, đạo đức tốt, Đảng bộ luôn trong sạch vững mạnh về mặt số lượng và chất lượng hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ đã phát triển được 44 đảng viên mới, đạt 80% chỉ tiêu Nghị quyết, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ xã  đến năm 2005 là 123 đồng chí, sinh hoạt ở 14 Chi bộ trực thuộc gồm: 5 Chi bộ ấp, 4 Chi bộ trường học và 5 Chi bộ ngành Y tế, Quân sự, Công an, Văn phòng UBND xã, khối Dân vận, quy hoạch cán bộ và đã đưa đi đào tạo 29 đồng chí, trong đó cử nhân chính trị 1 đồng chí, cao cấp chính trị 1 đồng chí, Trung cấp chính trị 11 đồng, Sơ cấp chính trị 8 đồng chí, Đại học hành chính 3 đồng chí, Trung học hành chính 5 đồng chí và nhiều đồng chí dự học các lớp đào tạo ngắn hạn do tỉnh, huyện mở.

Qua kết quả phân tích chất lượng đảng viên và Chi bộ hàng năm có 30% đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 65% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, 5% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, 14/14 Chi bộ hàng năm đều được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh. Đảng bộ hàng năm đạt trong sạch vững mạnh. Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy đã thi hành kỷ luật 9 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, dưới hình thức khiển trách và cảnh cáo.

Ngày 14/07/2005, Vĩnh Thành tổ chức Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 09 đồng chí và tiếp tục bầu đồng chí Hồ Quang Hoài làm Bí thư Đảng uỷ. Tháng 10/2009, đồng chí Hồ Quang Hoài được Huyện ủy phân công nhiệm vụ mới, đồng chí Tô Văn Hùng giữ chức Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành.

Đại hội xác định mục tiêu tổng quát phải phấn đấu từ năm 2005 - 2010 là: “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - Xã hội theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, giữ vững ổn định chính trị, thực hiện tốt phong trào TDĐKXDĐSVH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách xã hội, Quy chế dân chủ cơ sở, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, củng cố và nâng chất hoạt động của hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát nói trên, Đại hội đã đề ra các chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu cần phấn đấu thực hiện đến năm 2010 như sau:

+Tăng sản lượng lương thực bình quân hàng năm: 400 tấn.

+ Thu nhập bình quân đầu người là 8.000.000 đồng.

+ Tỷ lệ tăng dân số đến 2010: l%/năm.

+ Hạ tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi: 2%/năm.

+ Xuất khẩu lao động: 25 lao động/năm.

+ Giải quyết việc làm: 1.500 lao động.

+ Hạ tỷ lệ hộ nghèo có dưới 3% tổng số hộ năm 2010.

+ Xây dựng cơ bản: 15 phòng học, 05 văn phòng Ấp.

+ Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch : 80%, hộ sử dụng điện.

+ Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác an ninh trên mặt trận tư tưởng. Xây dựng 03 ấp đạt chuẩn 3 không.

+ Công tác tuyển quân hàng năm đạt chỉ tiêu 100%, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,4%.

+ Thực hiện tốt quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, phát huy dân chủ cơ sở, thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, giải quyết 100% đơn thư khiếu nại tố cáo.

+ Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các Đoàn thể, thực hiện tốt phong trào TDĐKXDĐSVH, có 2.232 hộ đạt gia đình văn hoá, xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá vào năm 2007.

+ Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh.

Vĩnh Thành thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010 dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Châu Thành lần thứ IX soi đường; tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở xã khá ổn định và đang trên đà phát triển theo hướng tích cực, thu nhập và đời sống của nhân dân trong xã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2005 – 2010, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thành phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại như dịch cúm gia cầm, sốt xuất huyết, rầy nâu, bệnh đạo ôn, giá cả hàng tiêu dùng và vật tư nông nghiệp ở mức cao,….. Nhưng dưới lãnh đạo của Đảng bộ, sự đoàn kết và đồng thuận của hệ thống chính trị và nhân dân xã Vĩnh Thành đã khắc phục kịp thời những khó khăn, trở ngại và phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội... mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII đề ra.

Sản xuất nông nghiệp bình quân diện tích gieo trồng lúa 2 vụ trong 5 năm (2006 – 2010), bình quân mỗi năm là 4.168,28 ha. Riêng năm 2010, diện gieo trồng lúa 2 vụ là 4.370,8ha/năm, tăng 456,8 ha, năng suất lúa 13,1 tấn/ha/năm, tăng 0,2 tấn, tổng sản lượng lúa bình quân là 28.639,1 tấn/năm tăng 3.216,1 tấn, sản lượng lương thực bình quân đầu người 1.984 kg/năm tăng 175 kg so với 2005. Đây là nhiệm kỳ Đảng bộ Vĩnh Thành lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đạt cao trên cả 3 mặt: Diện tích, năng suất và sản lượng so với tất cả các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã trước đó. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng lúa 2 vụ mỗi năm đạt 114,47%, năng suất lúa bình quân đạt 113,91%, sản lượng lúa tăng bình quân hàng năm đạt 127,05% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII đề ra.

Công tác khuyến nông, khuyến ngư cũng được đẩy mạnh, hàng năm Vĩnh Thành đã chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 2.015 hộ ứng dụng vào sản xuất đạt 85 – 90% tổng diện tích canh tác. Từ đó, góp phần giảm chi phí “Đầu vào”, nâng cao chất lượng và tăng giá trị nông sản thương phẩm “Đầu ra” cho nông dân từ 35 triệu đồng/ha năm 2005, lên 58 triệu đồng/ha/năm 2010 và đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tăng GDP bình quân chung đầu người của dân cư Vĩnh Thành ứớc tính khoảng 12,320 triệu đồng năm 2010, đạt 154% so với Nghị quyết đề ra. Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Vĩnh Thành không chỉ được cải thiện, nâng cao mà một bộ phận nông dân đã có tích lũy đầu tư mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ sản xuất và phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Năm 2010, toàn xã có 42 máy làm đất (máy cày, máy xới), thực hiện cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100% so tổng diện tích; 32 máy suốt lúa; 17 máy sấy lúa, đảm nhận lúa hàng hóa thông qua sấy đạt 30% tổng sản lượng; 951 máy động cơ diesel và máy bơm phục vụ tưới tiêu; 20 máy gặt (trong đó 19 máy gặt đập liên hợp, 01 máy gặt xếp dãy), đáp ứng 85% tổng diện tích áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt, 461 phương tiện vận chuyển các loại.

Về chăn nuôi, đàn trâu, bò 125 con, tăng 3 con, đàn heo 2.373 con, tăng 950 con, đàn gia cầm 18.237 con, giảm 12.322 con, diện tích mặt nước nuôi cá ao hầm 11,20 ha, giảm 18,2 ha so với năm 2005. Đàn trâu, bò đạt 100%, đàn heo đạt 94,92%, đàn gia cầm đạt 151,97% (18.237con/12.000 con), nuôi trồng thủy sản đạt 16,26% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Riêng số bè nuôi cá dẫn duy trì ( 2 bè) so với đầu nhiệm kỳ. 

Năm 2010, Vĩnh Thành đã có 58 cơ sở Tiểu thủ công nghiệp, thu hút 159 lao động có việc làm và thu nhập thường xuyên, có cuộc sống ổn định, tăng 27 cơ sở và 52 lao động so với năm 2006 và đạt 107,40% so với chỉ tiêu Nghị quyết.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng, xã đã thực hiện bê tông hóa, nhựa hóa 14,5km lộ giao thông nông thôn xe 4 bánh đi đến được trung tâm ấp, 21 km lộ liên ấp được nâng cấp rải cát đi lại thuận tiện trong mùa mưa lũ. Cất mới 07 cây cầu tổng kinh phí 5,7 tỷ đồng. Nạo vét 17km kinh nội đồng.

Hộ sử dụng điện đạt 93,99% (3.180/3.383 hộ), tăng 4% so với năm 2006 và đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; 578 hộ sử dụng nước sạch từ 2 nhà máy nước tại 2 ấp Đông Bình Nhất và ấp Tân Thành, chiếm 17,08%/tổng số hộ; những hộ còn lại đều sử dụng nước qua lắng lọc hợp vệ sinh. Số thuê bao điện thoại cố định là 844 máy, tăng 630 máy so 2005; 108 hộ thuê bao internet tăng 100% so đầu nhiệm kỳ.

Trong nhiệm kỳ, xã cất mới 5 trụ sở ấp, 1 khu dân cư, 2 điểm trường; xây mới và nâng cấp trụ sở làm việc của UBND xã và đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Thành lập 02 chợ, sửa chữa nâng cấp chợ Đông Phú 1 thu hút 508 cơ sở thương mại – dịch vụ hoạt động, nâng tổng số cơ sở kinh doanh thương mại – dịch vụ trên đại bàn xã năm 2010 là 695 cơ sở, tăng 287 cơ sở; 209 cơ sở kinh doanh khách sạn – nhà hàng, tăng 101 cơ sở; giải quyết cho 1.197 lao động ở địa phương có việc làm, tăng 388 lao động so với năm 2005 và đạt từ 130 - 160% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (tăng đột biến).

Tổng thu ngân sách trong nhiệm kỳ là 8.867.000.000 đồng, đạt 116,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết, trong đó thu trên địa bàn là 1.838.095.000 đồng. Tổng chi là 7.441.000.000 đồng, vượt 1,83% so với Nghị quyết. Thông qua các Quỹ tín dụng và các Ngân hàng, xã đã giới thiệu cho nhân dân vay hàng năm trên 15 tỷ đồng để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao.

Về văn hóa – xã hội, dưới sự quyết tâm lãnh chỉ đạo của Đảng ủy và sự đồng thuận của nhân dân, lĩnh vực giáo dục ở xã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2010, xã có 1 trường Mẫu giáo, gồm 7 phòng học, 12 lớp học, 12 giáo viên và 323 học sinh; 3 trường Tiểu học, gồm 37 phòng học, 46 lớp học, 64 giáo viên và 1.179 học sinh; 1 trường Trung học cơ sở, gồm 8 phòng học, 15 lớp học, 25 giáo viên và 296 học sinh.

Hàng năm, tỷ lệ huy động học sinh đến trường và lên lớp các bậc học đạt từ 98 – 100% chỉ tiêu của ngành giáo dục và chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng đề ra. Chất lượng dạy và học ở các cấp học đều được nâng lên rõ nét. Tỷ lệ học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở thi đậu tốt nghiệp các năm học 2006 – 2007, 2007 – 2008, 2008 – 2009, 2009 – 2010 đạt từ 95 – 100%. Trong nhiệm kỳ, Trung tâm Học tập cộng đồng ở xã đã phát huy tốt vai trò đào tạo nghề và đã mở được 45 lớp với 725 học viên tham dự.

Công tác xã hội hóa giáo dục đựơc quan tâm và đẩy mạnh hoạt động. Hội khuyến học xã phối hợp với Hội cha mẹ học sinh các trường vận động được 250 triệu đồng để hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học, họp mặt tuyên dương học sinh thi có thành tích trong đỗ Cao đẳng, Đại học và duy trì việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi khối lớp 4, 5 về giải Trạng Nguyên, giải Lê Quý Đôn hàng năm.

Thực hiện nâng chất 10 chuẩn Chương trình Quốc gia về y tế xã và các Chương trình y tế mục tiêu, làm tốt công tác phòng và điều trị bệnh cho nhân dân, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em… thực hiện tốt 12 điều y đức, kết hợp Đông - Tây y trong tháng khám và điều trị, hướng dẫn trồng và sử dụng những cây thuốc nam quanh nhà. Chủ động phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm thường xảy ra, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, dịch cúm…

Duy trì có hiệu quả cụôc vận động “TDĐKXDĐSVH”. Năm 2010, xã có 5/5 ấp (!00%) đạt chuẩn ấp văn hóa và xã Vĩnh Thành đạt xã văn hóa trước thời gian 1 năm so với Nghị quyết đề ra. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao luôn được quan tâm. Tổ chức nhiều giải TDTT, cử vận động viên tham gia các giải do huyện và tỉnh tổ chức.

Thường xuyên quan tâm chăm sóc 98 đối tượng chính sách, người già cao tuổi, trẻ mồ côi và người tàn tật. Từ năm 2006 – 2010, xã cất mới 8 căn, sửa chữa 29 căn nhà tình nghĩa, (vượt 12 căn) đạt 170,58% so với Nghị quyết; xã đã hoàn thành chỉ tiêu giảm hộ nghèo hàng năm theo Nghị quyết. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới ở xã là 7,95% (269 hộ/3.383 hộ).

Trong nhiệm kỳ, xã tiếp nhận và thực hiện 23 Dự án quốc gia về giải quyết việc làm với số tiền 505 triệu đồng, giải quyết cho hơn 1.200 lao động có việc làm, chủ yếu là lao động nghèo và giới thiệu 1.396 lao động chưa có việc làm của xã đi làm việc ở trong và ngoài tỉnh An Giang, đạt 173,06% chỉ tiêu Nghị quyết (2.596 lao động/1.500 lao động). Ngoài ra, xã còn bảo lãnh 15 tổ, với 1.011 hộ nghèo, hộ khó khăn vay tín chấp tại Ngân hàng chính sách xã hội huyên là 5,922 tỷ đồng để thực hiện các dự án chăn nuôi, mua bán nhỏ …

An ninh - quốc phòng - an ninh luôn được ổn định. Trong nhiệm kỳ, Công an đã tổ chức 15 buổi diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”,  xây dựng lực lượng Công an xã trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc thực hiện có hiệu quả, 144 tổ tự quản và 03 đội dân phòng thường xuyên được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động .

Quân sự làm tốt công tác trực ban sẵn sàng chiến đấu, tổ chức quản lý tốt nguồn dự bị động viên và giao nguồn cho trên huấn luyện. Xây dựng lượng dân quân đạt từ 01 – 1,3% so tổng dân số. Thực hiện tốt công tác Hậu phương quân đội, công tác hậu cần, hàng năm đưa cán bộ đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh. Công tác giáo dục chính trị, huấn luyện và giao quân đạt 100% chỉ tiêu huyện giao.

Về hiệu quả quản lý nhà nước, HĐND xã khóa IX nhiệm kỳ 2004 – 2011 đã tổ chức14 kỳ họp đúng luật định, thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe tiếp nhận ý kiến đóng góp của cử tri, trả lời hoặc đề xuất Đảng ủy, UBND xã giải quyết những vướng mắc, bức xúc của cư tri và những vấn đề có liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân theo thẩm quyền. UBND xã làm tốt công tác quản lý hành chính, tiếp công dân... Thành lập câu lạc bộ nông dân với pháp luật, tích cực hòa giải thành 673 vụ tranh chấp ở địa bàn ấp đạt 97,3%, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người.

Công tác vận động quần chúng. Đảng ủy quan tâm lãnh, chỉ đạo xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương. Mặt trận, các Đoàn thể từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Tổ chức trên 2.156 cuộc tuyên truyền các chủ trương Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện tốt các chính sách tôn giáo – dân tộc. Từ năm 2006 – 2010, Mặt trận và các đoàn thể xã đã vận động nhân dân tự nguyên đóng góp sửa chữa, cất mới 137 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, hoàn chỉnh 72 căn nhà Chương trình 134; 10 căn nhà Chương trình 167, vận động gây Quỹ cây mùa xuân được 105 triệu đồng, Quỹ xã hội từ thiện được 1,8 tỷ đồng để xây dựng cầu, làm lộ nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội khác trên địa bàn xã; bộ máy tổ chức Mặt trận và đoàn thể từ ấp đến xã được củng cố kiện toàn, phát triển được 2.210 hội viên, đoàn viên; đạt 15,2% dân số.

Về công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy xã luôn chủ động xây dựng Nghị quyết, kế hoạch, chương trình, nội dung xây dựng Đảng bộ vững mạnh cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tổ chức nhiều đợt học tập quán triệt chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho đảng viên, cho Chi, Đảng bộ, Mặt trận, các đoàn thể quần chúng và nhân dân nhận thức, đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Đảng ủy đã triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ năm 2007 - 2010, tất cả cán bộ đảng viên và quần chúng ở các cơ quan, đơn vị đều tham gia học tập đầy đủ chuyên đề và các tác phẩm theo nội dung từng năm và sau học mỗi người phải xây dựng kế hoạch chỉ tiêu cụ thể về tu dưỡng rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với công việc và chức trách cá nhân. Kết quả là, trong nội bộ không có trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa biến chất phải bị kỷ luật. Ngoài ra, Đảng ủy còn tổ chức thành công nhiều phong trào hành động thiết thực làm theo lời Bác dạy ở xã như: Phong trào tiết kiệm; thể dục – thể thao, phong trào thi đua kể chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ, đặc biệt là phong trào “Toàn dân treo Ảnh Bác Hồ” thu hút đông đảo học sinh, cán bộ đảng viên và nhân dân tham gia và thực hiện tốt. Sau hơn 2 tháng phát động, có 100% hộ gia đình treo ảnh Bác. Đồng thời, các trường trên địa bàn duy trì tốt chương trình phát thanh học đường về nội dung của cuộc vận động và kể chuyện dưới cờ đầu tuần, góp phần sinh động trong việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở địa phương.

Giữ vững và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, thực hiện tốt công tác luân chuyển điều động, phân công bố trí cán bộ. Trong nhiệm kỳ Đảng bộ phát triển được 51 đảng viên mới, đạt 91% so với chỉ tiêu Nghị quyết, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 170 đồng chí vào năm 2010 và đạt 1,17% dân số. Quy hoạch và đã đưa đi đào tạo 47 đảng viên ở các Trường lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài tỉnh. Công tác đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng thực hiện đúng quy định, hàng năm có 25 – 30% đảng viên trong Đảng bộ đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ và 1 – 2% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; 15/15 Chi bộ hàng năm đều được công nhận đạt trong sạch vững mạnh. Trong nhiệm kỳ 5 năm, Đảng bộ có 4 năm đạt trong sạch vững mạnh, 1 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Công tác kiểm tra thực hiện 45 lượt Chi bộ và đảng viên, đã xử lý kỷ luật 5 đảng viên, trong đó có 01 đảng viên vi phạm Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X).

Tháng 4/2010, Vĩnh Thành tổ chức Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 – 2015. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 12 đồng chí, đồng chí Tô Văn Hùng được Đại hội tín nhiệm tiếp tục bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã.

Đại hội xác mục tiêu tổng quát đến năm 2015 là: “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, gắn với thực hiện tốt chương trình tam nông; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt phong trào “TDĐKXDĐSVH” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt các chính sách xã hội và pháp lệnh Dân chủ cơ sở; mở rộng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường pháp chế XHCN, củng cố và nâng chất hoạt động của hệ thống chính trị vững mạnh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát nêu trên, Đại hội đề ra các chỉ tiêu kinh tế, xã hội cụ thể phấn đấu đến năm 2015 là: 

- Giữ vững diện tích sản xuất lúa 3.920 ha/năm.

- Năng suất bình quân 13,5 tấn/năm; tổng sản lượng đạt từ 26.000 tấn.

-  Giá trị sản xuất 1 ha đất/năm đạt 65 triệu đồng.

- Tỷ lệ tăng dân số tự niên còn 1,01%, dân số ở mức dưới 16.000 người.

- Huy động học sinh ra lớp đạt từ 98%, có 2 trường đạt chuẩn quốc gia.

- Đào tạo nghề giải quyết việc làm 1.100 lao động.

- Hộ sử dụng điện đạt 99%, hộ sử dụng nước sạch đạt 90%.

- Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,5% đến 2015.

- Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 16% (năm 2015).

- Tập hợp quần chúng vào tổ chức đạt từ 40% dân số.

- Tuyển quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu.

- Phát triển 60 đảng viên mới đạt 1,51% dân số (12 đảng viên/năm).

- 15 chi bộ trực thuộc hàng năm đạt trong sạch vững mạnh.

Vĩnh Thành tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Châu Thành lần thứ X và xã triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới; kinh tế, xã hội của xã Vĩnh Thành đang trên đà phát triển khá ổn định, GDP bình quân đầu người và đời sống của dân cư luôn được cải thiện theo hướng tăng lên, bộ mặt nông thôn Vĩnh Thành đã có sự đổi mới, khởi sắc.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, Vĩnh Thành phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn như: Sản xuất nông nghiệp còn mang tính “Độc canh cây lúa”, GDP bình quân đầu người ở xã vẫn thấp hơn so với GDP bình quân đầu người của toàn huyện, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn nhiều hạn chế; Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ quy mô nhỏ, lẻ và phân tán, tỷ lệ hộ nghèo và trẻ suy dinh dưỡng còn cao…Song với tinh thần đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực vượt qua khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thành đã phấn đấu thực hiện tốt những chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX đề ra.

Sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng hằng năm là 6.491 ha, đạt 100% chi tiêu Nghị quyết; năng suất lúa bình quân 19,5 tấn/ha/năm, tăng 01 tấn/ha, năng suất hoa màu bình quân 18 tấn/ha, tăng 3 tấn; tổng sản lượng lúa đạt 193.940 tấn, tăng 68.111 tấn (bình quân 42.193 tấn/năm). Diện tích sản xuất vụ 3 được tổ chức thực hiện từ năm 2011 là 2.163,77 ha, tăng 1.036 ha so với Nghị quyết VIII.

Tổng đàn gia súc hiện có 1.561 con, giảm 411 con; tổng đàn gia cầm 10.376 con, giảm 11.204 con so với đầu nhiệm kỳ. Nuôi trồng thủy sản bình quân mỗi năm đạt 9,5 ha (giảm 2,5 ha so với đầu nhiệm kỳ) đạt 85% kế hoạch gồm các đối tượng như: cá lóc, cá tra giống, cá rô, ếch, tổng sản lượng 1.000 tấn/năm. Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 2.015 hộ ứng dụng vào sản xuất đạt 90% tổng diện tích. Vĩnh Thành có 17 lò sấy lúa, 34 máy gặt liên hợp, hơn 200 máy cày, xới..

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Thành được thực hiện lồng ghép với Chương trình phát triển kinh tế, xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX có hiệu quả, cụ thể: Ban quản lý xây dựng nông thôn mới đã xây dựng kế hoạch phân kỳ các tiêu chí thực hiện trong từng năm. Tính đến cuối năm 2015, xã đạt 19/19 tiêu chí và được Ủy ban nhân dân Tỉnh công nhận Vĩnh Thành là xã đạt chuẩn nông thôn mới (Theo Quyết định số 2361/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh) .

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ có bước phát triển đáng kể. Toàn xã có 654 hộ sản xuất, kinh doanh, thu hút 1.597 lao động ở địa phương, trong đó 112 hộ sản xuất Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp, giải quyết cho 187 lao động; 542 hộ thương mại, dịch vụ (tăng 68 hộ so với cùng kỳ) thu hút 1.410 lao động; có 3.398/3.433 hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 99% (so Nghị quyết đạt 100%). Hộ sử dụng nước sạch có 2.780/3.433 hộ đạt 80,97%, tăng 20,97% so với cùng kỳ (so Nghị quyết là 90%).

Vĩnh Thành tiếp tục thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong nhiệm kỳ, Vĩnh Thành đã xây cất mới 04 cầu pê tông cốt thép, trọng tải 8 tấn (cầu Tân Thành 1, cầu Tân Thành 2, cầu Trà Suốt, cầu Rạch Chùa), 08 cầu gỗ và 02 cầu sắt đường ra cánh đồng với tổng kinh phí 11,318 tỷ đồng. Láng nhựa đường giao thông Trung tâm chính của xã dài 4,8 km với tổng kinh phí 4,600 tỷ đồng. Tổ chức vận động nhân dân  đóng góp nâng cấp, mở rộng, rải cát lộ giao thông đường ra cánh đồng ở các tuyến như: tuyến lộ Rạch Chùa dài 9 km; Trà Suốt 9 km, kênh Tầm Vu 2,5 km, Chắc Cà Đao dài 2,2 km, Sáu Miên dài 2,4 km, Chung Xây dài 1 km, với kinh phí 1,590 tỷ đồng; gia cố các đoạn đê đập bị sạt lỡ tổng chiều dài 2.034 m, xây dựng và lắp đặt 5 cống hỡ và 3 cống tròn với kinh phí 1,020 tỷ đồng; sửa chữa, khắc phục 20 biển báo và biển chỉ dẫn đường trên trục lộ giao thông chính của xã; đồng thời, tổ chức nạo vét 9 tuyến kênh (Xẻo Nga, Tám Thảo, Mương Đình, Ba Khai, Đít Mun, Hai Liệp, Đường Tượng, Hai Bay, Sáu Dương).

Xã đã hoàn thành tốt công tác kiểm kê đất 5 năm (2010 – 2015); đã cấp 2.604 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 97,64%. Tổ chức rà soát và kiểm tra hộ vi phạm hành lang sông, kênh, rạch, đã vận động di dời được 14/46 hộ, đạt 30,43% và tháo dỡ 16 căn nhà mới phát sinh. Toàn xã hiện có 2.746/3.433 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 80% tổng số hộ.

Công tác thu, chi ngân sách thực hiện trong nhiệm kỳ đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 33,922 tỷ đồng/33,922 tỷ đồng, đạt 100% và tổng chi ngân sách 33,192/33,922 tỷ đồng, đạt 97,84%. Ước tổng thu ngân sách địa phương 1.329 tỷ đồng/1.330 tỷ đồng, đạt 99,99%.

Về văn hóa – xã hội, tỷ lệ học sinh ra lớp các bậc hàng năm đều đạt 98% trở lên; tỷ lệ tốt nghiệp bậc Tiểu học 100%, tỷ lệ tốt nghiệp bậc Trung học cơ sở đạt từ 96 – 98%. Hội Khuyến học và Trung tâm học tập cộng đồng được củng cố, kiện toàn. Trong nhiệm kỳ, xã đã tổ chức tuyên dương 225 học sinh thi đỗ vào Đại học; vận động xe đạp, tập vỡ, quần áo và học bổng tặng cho học sinh nghèo, khó khăn với tổng số tiền trên 250 triệu đồng; tổ chức 64 lớp học chuyên đề về các nghề cơ bản và chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp.

Các Chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu. Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi quy định hàng năm đều đạt 100% kế hoạch; trạm y tế được đầu tư xây dựng mới với các trang thiết bị đáp ứng tốt nhu cầu và được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã; hàng năm trạm y tế khám và điều trị Đông, Tây y kết hợp cho trên 40.000 lượt bệnh nhân; xã có 10.635 người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đạt 71% tổng dân số; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,01%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 13,5% (Nghị quyết 16%).

Công tác thông tin tuyên truyền, duy trì tiếp sóng Đài truyền thanh huyện, đài phát thanh An Giang, đài Trung ương được thực hiện tốt. Hệ thống thông tin truyền thanh ở xã được lắp đặt 10 km dây loa, 50 loa hiện đã phủ sóng đều 05/05 ấp đạt 100%; xã có bưu điện phục vụ bưu chính viễn thông; 100% hộ dân truy cập internet; thành lập 05 câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các ấp. Phong trào phát triển thể dục, thể thao được thực hiện đều khắp; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thực hiện đạt hiệu quả cao. Đến nay, xã được công nhận 3.260/3.433 hộ gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 95%, có 5/5 ấp đạt chuẩn văn hóa và giữ vững 15 đơn vị đạt danh hiệu Cơ quan văn hóa.

Đời sống nhân dân tiếp tục ổn định. Tỷ lệ hộ dân có nhà đúng diện tích quy định của Bộ xây dựng đạt 100%. hộ nghèo giảm hàng năm từ 30 – 35 hộ, đến năm 2015 còn 125 hộ, chiếm 3,64% tổng số hộ; trong nhiệm kỳ đã vận động “Quỹ vì người nghèo” được 11,460 tỷ đồng; cất mới 130 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng; đào tạo nghề cho 750 lao động; giải quyết việc làm 1.800 lao động; đã sửa chữa và cất mới 22 căn nhà tình nghĩa tổng số tiền 1,1 tỷ đồng, vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” được trên 200 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách nhân ngày lễ, tết, ngày thương binh liệt sĩ trị giá trên 120 triệu đồng.

Quốc phòng - An ninh, Vĩnh Thành  thực hiện tốt công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Giao quân 57/57 thanh niên đạt 100% chỉ tiêu trên giao hàng năm, trong đó có 11 đảng viên. Tổ chức đăng ký thanh niên hạn tuổi 17 theo kế hoạch hàng năm đạt 100%; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 0,69% so với tổng số dân. Hằng năm đều thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho các đối tượng, đạt chỉ tiêu trên giao.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc thực hiện có hiệu quả; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 144 tổ tự quản và 03 Đội dân phòng. Tổ chức 35 buổi Diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”, xây dựng lực lượng Công an xã luôn trong sạch, vững mạnh; xây dựng 5 Đội dân phòng; củng cố 68 tổ tự quản; cấp 3.250 biển số nhà; xây dựng “ấp 4 không” được 05/05 ấp; thực hiện có hiệu quả các mô hình tự quản an toàn giao thông, mô hình phòng, chống tội phạm, cổng rào an ninh trật tự.

Về chất lượng và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền xã. Chất lượng hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND xã khóa X, nhiệm kỳ 2011 – 2016 theo luật định. Thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; thường xuyên tổ chức giám sát về thực hiện Nghị quyết HĐND và thực thi pháp luật trên địa bàn xã.

Duy trì mối quan hệ tốt giữa HĐND – UBND – MTTQ và các đoàn thể. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử của Quốc hội, HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016; bầu cử trưởng ấp khóa VI, nhiệm kỳ 2012 – 2015, khóa VII, nhiệm kỳ 2015 – 2017 đạt yêu cầu.

Thực hiện tốt việc tổ chức tiếp dân của Chủ tịch UBND vào thứ năm hàng tuần; đã tiếp nhận 161 đơn, đưa ra hòa giải 161 đơn trong đó hòa giải thành 150 đơn, đạt 93 % tổng số đơn, tồn 05 đơn hiện đang xác minh tiếp tục hòa giải.

Thường xuyên hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tôn giáo tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, nghi thức tôn giáo đúng quy định của pháp luật, tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo; quan tâm và tập trung chỉ đạo công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc; tổ chức thăm viếng tặng quà cho bà con dân tộc tiêu biểu nhân dịp lễ tết cổ truyền, tổ chức thành công Hội nghị các dân tộc thiểu số xã lần thứ I năm 2014.

Về công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò của MTTQ và các Đoàn thể trên địa bàn xã, cụ thể: Công tác dân vận của Đảng được Đảng uỷ xã quan tâm thực hiện tốt; vai trò của Mặt trận tổ quốc và các Đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy, các Nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác vận động quần chúng được triển khai sâu rộng trở thành một phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện đạt kết quả các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, Vĩnh Thành đã tổ chức vận động nhân dân đóng góp sửa chữa, cất mới 130 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, vận động Quỹ cây mùa xuân được 552.400.000 đồng tặng trên 2.000 phần quà cho hộ nghèo vui xuân đón tết; vận động Quỹ XHTT trên 11,460 tỷ đồng, sử dụng vào việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội phục vụ đời sống nhân dân.

Các tổ chức đoàn thể phát huy tốt vai trò nòng cốt, nhiều chương trình, mục tiêu thực hiện có hiệu quả, bộ máy tổ chức từ ấp đến xã được củng cố, kiện toàn và phát triển được 2.240 hội viên, đoàn viên đạt 40% dân số trong độ tuổi. Tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2012 – 2017 của các Đoàn thể như: Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi và Đại hội MTTQ xã nhiệm kỳ 2013 – 2018.

Việc thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 luôn được quan tâm; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” luôn phát huy vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân và huy động sức dân đóng góp vào sự phát triển của xã nhà.

Về công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ xã Vĩnh Thành quan tâm chỉ đạo thực hiện toàn diện trên các mặt tư tưởng chính trị, tổ chức, kiểm tra, giám sát, cụ thể: Đảng uỷ Vĩnh Thành đã quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác chính trị tư tưởng phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị ngày càng có hiệu quả thiết thực; công tác quán triệt, triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng từng bước được đổi mới về hình thức, phương pháp và nội dung phù hợp với từng đối tượng.

Thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị được Đảng uỷ xã Vĩnh Thành triển khai sâu rộng trong Đảng bộ, trong các tầng lớp nhân dân đã trở thành hoạt động thường xuyên của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã.

Thường xuyên duy trì nề nếp và chất lượng sinh hoạt định kỳ của các Chi bộ trực thuộc Đảng ủy và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ đảng viên theo hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Hàng năm, Đảng bộ xã có từ 90 – 92% đảng viên hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có từ 13-15% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có 96% Chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh; Đảng bộ xã Vĩnh Thành 05 năm liền đạt Danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hàng năm, Đảng uỷ xã đều tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ; trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, xã đã cử 114 đồng chí học lớp cảm tình đảng, 67 đồng chí học lớp đảng viên mới, 15 đồng chí học lớp Sơ cấp chính trị, 10 đồng chí học lớp Trung cấp chính trị, 05 đồng chí học lớp Đại học chuyên ngành và 11 đồng chí học các lớp Trung cấp chuyên môn khác. Đồng thời, trong nhiệm kỳ qua Đảng bộ đã phát triển được 81 đảng viên mới, đạt 133,33%  so với chỉ tiêu  Nghị quyết, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ là 257 đồng chí.

Công tác kiểm tra, giám sát. Hàng năm, Đảng uỷ tổ chức kiểm tra chấp hành trên 80% Chi bộ, 85% cấp ủy viên cùng cấp, và trên 95% đảng viên. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến cán bộ, công chức. Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ Vĩnh Thành đã thi hành kỷ luật 04 đồng chí. Trong đó, cảnh cáo 01, cách chức 02, khiển trách 01.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Vĩnh Thành lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh có nhiều chuyển biến tích cực, công tác quản lý nhà nước, vận động quần chúng, công tác xây dựng Đảng đạt yêu cầu đề ra; 15/16 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết, 01 chỉ tiêu gần đạt.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Vĩnh Thành lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015  đề ra còn có những hạn chế, yếu kém như: Tăng trưởng kinh tế chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh của xã; chưa quy hoạch thành vùng nguyên liệu chuyển canh và ứng dụng công nghệ cao một cách đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp; việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới so với yêu cầu còn chậm; bộ máy hoạt động điều hành và quản lý nhà nước chưa chủ động, nhất là trong xây dựng kế hoạch, cải tiến lề lối làm việc còn chậm, chưa đồng bộ. Hoạt động của hệ thống chính trị vẫn còn nặng hành chính hóa. Công tác đào tạo quy hoạch cán bộ tuy được quan tâm thường xuyên, nhưng chưa đáp ứng kịp thời so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Công tác phát triển đảng đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng chưa quan tâm đến công tác xây dựng lực lượng trung kiên để tạo nguồn phát triển đảng; tệ nạn xã hội trên địa bàn xã có lúc có nơi còn xảy ra chưa được ngăn chặn kịp thời.

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Huyện uỷ Châu Thành, ngày 20/04/2015, Vĩnh Thành tổ chức Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Đại hội tiếp tục bầu đồng chí Tô Văn Hùng giữ chức Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Vĩnh Thành lần thứ X đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là: “Tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của cấp uỷ Đảng; phát huy tiềm năng thế mạnh và nội lực của địa phương, tranh thủ các nguồn đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội tạo bước đột phá trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp; thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội; tạo chuyển biến mạnh về phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, tăng cường quốc phòng an ninh và giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể ngày càng trong sạch vững mạnh”. Và xác định các khâu đột phá và đề ra 14 chỉ tiêu chủ yếu thực hiên từ nay đến năm 2020 là:

(1) Giữ vững sản xuất 03 vụ lúa/năm với tổng diện tích 6.438ha.

(2) Năng suất bình quân 19,5 tấn/năm; tổng sản lượng đạt 42.000 tấn/năm.

(3) Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu.

(4) Đào tạo nghề, giải quyết việc làm 300 lao động/năm.

(5) Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% năm 2020.

(6) Tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch hợp vệ sinh và có nhà ở đúng chuẩn theo quy định  đạt từ 98 – 100%.

(7) Duy trì chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học đã đạt được, huy động học sinh ra lớp đạt 100%, 100% trường trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia.

(8) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 10%.

(9) Tỷ lệ dân tham gia BHYT đạt 80%.

(10) Tỷ lệ hộ gia đình văn hoá đạt trên 98%.

(11) Giao quân hàng năm đạt chỉ tiêu về số và chất lượng.

(12) Tập hợp quân chúng vào tổ chức đạt từ 60% so với tổng dân số, tỷ lệ Đoàn, Hội cơ sở vững mạnh trên 90%.

(13) Phát triển 60 đang viên mới (12 đảng viên/năm); có trên 98% đảng viên hoán thành nhiệm vụ, trong đó 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, 15% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

(14) 100% Chi bộ trực thuộc Đảng bộ hàng năm đạt “Trong sạch vững mạnh”, Đảng bộ hàng năm đạt “Trong sạch vững mạnh”…

 

 

 

KẾT LUẬN

Trải qua tiến trình lịch sử khai hoang, mở đất, lập thôn, lập làng, trong đó có 30 năm (1945 - 1975) góp phần cùng cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc, 04 năm (1975 – 1979) xây dựng chính quyền, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và 36 năm (1979 - 2015) xây dựng và phát triển quê hương kể từ sau ngày thành lập xã, Chi, Đảng bộ cùng quân dân xã Vĩnh Thành đã vượt qua bao gian khổ, khó khăn, thử thách để xây dựng Vĩnh Thành đổi mới như ngày hôm nay.

Kế thừa truyền thống yêu nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, trong suốt chặng đường lịch sử đấu tranh khai hoang, mở đất, lập thôn Tham Trạch, sau đó là xã Tham Trạch và nay là xã Vĩnh Thành, tổ tiên của người dân Vĩnh Thành đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, cả xương máu để chinh phục tự nhiên, bám đất, giữ làng, chống lại bọn cường hào phong kiến, bọn địa chủ áp bức bóc lột và truyền thống này được nhân dân (các thế hệ con cháu) Vĩnh Thành phát huy cao độ trong xây dựng và phát triển quê hương theo con đường CNXH dưới sự lãnh trực tiếp của Đảng bộ xã Vĩnh Thành.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là đấu tranh chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Vĩnh Trạch, nhân dân Đông Bình Nhứt, Đông Bình Trạch, Trung Thành, Tân Thành… thuộc xã Vĩnh Thành ngày nay, cùng với quân dân toàn xã Vĩnh Trạch đã chịu đựng gian khổ, có người đã hy sinh, có người tiêu hao tài sản và có người đã mất đi một phần thân thể của mình để bảo vệ quê hương.

Trong thời kỳ nước nhà được độc lập, thống nhất, cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, những năm 1975 – 1979, Chi bộ và quân dân các ấp của Vĩnh Thành và quân dân toàn xã Vĩnh Trạch phải vượt bao khó khăn, thử thách, tập trung sức xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, khôi phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Khi thành lập mới xã Vĩnh Thành, trải qua 06 năm (1979 – 1985), Chi bộ và quân dân Vĩnh Thành tiếp tục chịu đựng nhiều khó khăn, thiếu thốn mọi thứ và đổ biết bao mồ hôi, công sức, vừa khắc phục hậu quả của chiến tranh vừa xây dựng mới hệ thống chính trị ở xã, vừa phát triển hệ thống thủy lợi, cải tạo đất phèn, khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp và đã phấn đấu vượt qua gian khó, ổn định đời sống nhân dân trong cơ chế hành chính tập trung, quan liêu, bao cấp nghiệt ngã. 

Chuyển sang thời kỳ xây dựng, phát triển quê hương theo đường lối đổi mới của Đảng, Chi, Đảng bộ xã Vĩnh Thành lãnh đạo quân dân nỗ lực tập trung dồn sức người, sức của chống chọi với thiên nhiên và sự nghiệt ngã của cơ chế thị trường để từng bước chuyển toàn bộ diện tích 2.312 ha đất gieo trồng 1 vụ lúa mùa nổi sang sản xuất lúa 2 vụ. Tổng sản lượng lương thực và bình quân lương thực đầu người năm sau cao hơn năm trước. Các ngành nghề TTCN và thương mại - dịch vụ ở xã bước đầu có sự phát triển. Thu nhập và đời sống vật chất, tình thần của nhân dân luôn được cải thiện theo hướng nâng lên. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu hàng năm mà Nghị quyết Chi, Đảng bộ đề ra thực hiện đều đạt và vượt. Hệ thống chính trị luôn được xây dựng, củng cố và nâng chất, Đảng bộ xã phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động, không ít đảng viên của Đảng bộ trưởng thành trong công tác và có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, được nhân dân tin yêu, được Đảng tin tưởng giao nắm giữ những cương vị lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở xã nhiều năm liền và có những đồng chí được Đảng điều về huyện bố trí, bổ nhiệm giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể huyện Châu Thành; đồng thời, hiện nay Vĩnh Thành là một trong những xã được Huyện ủy Châu Thành chọn làm xã điểm để triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015.

Từ trong đấu tranh và xây dựng, phát triển, Đảng bộ Vĩnh Thành đã rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu sau đây:

Một là, sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, sự quán triệt và vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng bộ cấp trên vào xây dựng Nghị quyết và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã sao cho phù hợp với thực trạng tình hình kinh tế, xã hội của địa phương với lòng dân, phản ảnh và đáp ứng được những yêu cầu, nguyện vọng của dân, tạo được niềm tin vững chắc trong lòng dân là nhân tố quyết định cho quá trình tập hợp và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân tự giác vượt qua những trở ngại, khó khăn và phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của xã nhà mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội và trong từng giai đoạn cách mạng.

Hai là, Đảng bộ tin dân, biết dựa vào dân, “lấy dân làm gốc”, chăm lo hạnh phúc, lắng nghe ý kiến, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cán bộ, đảng viên và gia đình gương mẫu về lời nói và hành động trước dân, thường xuyên giữ vững mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân. Từ đó, Đảng nói dân nghe, dân tin, dân nói và làm theo chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Nhờ đó, Đảng bộ đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bài học kinh nghiệm từ việc huy động sức dân khắc phục lũ lụt, làm đường giao thông nông thôn, đào vét kinh, mương, xây dựng hệ thống thủy lợi trong những năm đầu đổi mới và chuyển toàn bộ diện tích canh tác 2.312 ha đất lúa mùa 1 vụ, sang sản xuất lúa 2 vụ ở xã Vĩnh Thành năm 1989 – 1990 đã chứng minh cho điều đó.

Ba là, thường xuyên quân tâm củng cố, chỉnh đốn và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về số lượng và chất lượng; tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Chi, Đảng bộ xã, một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong suốt chặng đường 35 năm (1979 - 2015) bảo vệ, xây dựng quê hương Vĩnh Thành.

Sau ngày thành lập xã Vĩnh Thành (25/4/1979), Chi bộ Đảng xã Vĩnh Thành chỉ có 03 đảng viên, đến năm 1994, Vĩnh Thành thành lập Đảng bộ, gồm 08 chi bộ trực thuộc và 45 đảng viên; năm 2000, gồm 13 chi bộ trực thuộc và 91 đảng viên; năm 2005, gồm 14 chi bộ trực và 123 đảng viên; năm 2010, gồm 15 chi bộ trực thuộc và 170 đảng viên; năm 2015, gồm 15 chi bộ trực thuộc và 257 đảng viên. Đảng bộ và các chi bộ trực thuộc mỗi năm trong các nhiệm kỳ 1993 – 1995, nhiệm kỳ 1996 – 2000, được xếp loại khá và yếu; đến nhiệm kỳ 2000 - 2005, 14/14 chi bộ và Đảng bộ xếp loại trong sạch vững mạnh, đạt 100%; nhiệm kỳ 2005 – 2010, 15/15 chi bộ xếp loại trong sạch vững mạnh, đạt 100%, Đảng bộ 04 năm xếp loại trong sạch vững mạnh và 01 năm hoàn thành nhiệm vụ, đạt 80%; nhiệm kỳ 2010 – 2015, có 96% chi bộ trực thuộc đạt trong sạch vững mạnh và Đảng bộ 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa và phát triển đảng viên mới luôn được Đảng ủy chú trọng cả về số lượng và chất lượng, nhất là phát triển đảng viên trẻ, đảng viên nữ. Năm 1996 – 2015, Đảng bộ Vĩnh Thành đã phát triển được 235 đảng viên mới, bình quân mỗi năm Đảng bộ phát triển được hơn 12 đảng viên mới.

Bốn là, phải thường xuyên quan tâm và giải quyết tốt các chính sách xã hội, an sinh xã hội, chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với nước. “Uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa” không chỉ là đạo lý, mà còn là việc nêu gương sáng cho các thế hệ trẻ, thế hệ tương lai noi theo.

Năm là, trong quá trình lồng ghép hai trong một mục tiêu giữa việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX với việc tổ chức thực hiện 19 tiêu chí gồm 50 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương (theo Quyết định số 2361/QĐ – UBND tỉnh An Giang), Đảng ủy Vĩnh Thành cần quán triệt nhận thức trong hệ thống chính trị xã những bài học kinh nghiệm đã qua, để tập hợp và lãnh đạo nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra./.

 

1.Miếu Tham Trạch xây cất bằng cây gỗ đơn sơ khoảng giữa thế kỷ XVIII đến nay,  đã qua nhiều lần tu sửa và hiện miếu nằm ở ấp Đông Bình Nhất của xã Vĩnh Thành.

2. Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Thành 1944 - 2000. XB năm 2005, tr 56.

3.Thoại Sơn 50 năm đấu tranh, xây dựng (1945 - 1995) XB năm 1997, tr 76.

4. Gia đình loại A là người của "Quốc gia", loại B là dân lưng chừng, loại C là có người theo "Cộng sản".

5.lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Trạch 1945 - 2013. XB Tháng 4/2014, tr 55,56.

1,2,3,4. Thoại Sơn 50 năm đấu tranh, xây dựng(1945 - 1995).XB năm 1997. tr  179, 181, 185, 189.

UBND xã Vĩnh An - huyện Châu Thành

Copyright © 2018 chauthanh.angiang.gov.vn/wps/portal/Home/vinhthanh.All Rights Reserved