Xã Tân Phú nỗ lực xây dựng đạt chuẩn xã Nông thôn mới

 

Tân Phú là địa phương có điểm xuất phát thấp, trước khi xây dựng Nông thôn mới đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Phát huy tiềm năng và thế mạnh hiện có, cùng với sự đoàn kết nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng vượt khó của Nhân dân nên địa phương đã nỗ lực xây dựng hoàn thành 19/19 tiêu chí Nông thôn mới.

Xã Tân Phú huyện Châu Thành, được thành lập từ năm 1979, theo Quyết định số 181-CP ngày 25/04/1979 của Hội đồng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới và đổi tên một số xã và thị trấn thuộc tỉnh An Giang.

Xã Tân Phú là xã nông nghiệp thuộc huyện Châu Thành, có vị trí nằm cách xa trung tâm huyện Châu Thành. Hướng Đông giáp xã Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành); hướng Tây giáp xã Tà Đảnh (huyện Tri Tôn); hướng Nam giáp xã Tây Phú (huyện Thoại Sơn); hướng Bắc giáp xã Vĩnh An và thị trấn Vĩnh Bình (huyện Châu Thành). Tổng diện tích đất tự nhiên 2.425,01 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp là 2.272,90 ha.

Địa bàn hành chính có 03 ấp: Tân Thành, Tân Lợi, Tân Thạnh. Toàn xã có 1.001 hộ với 3.634 nhân khẩu. Dân tộc Kinh có 3.614 nhân khẩu chiếm 99,41% dân số.

Xã được huyện chọn thực hiện hoàn thành xã Nông thôn mới năm 2024. Ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã đã xác định đây là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương do đó đã tập trung triển khai thực hiện với quyết tâm hoàn thành đúng theo lộ trình kế hoạch đề ra. Cùng với đó, dưới sự lãnh, chỉ đạo tích cực của Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành, cùng với truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng và hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã Nông thôn mới theo đúng lộ trình với nhiều kết quả nổi bậc.

Thực hiện lộ trình xây dựng xã Nông thôn mới, xã đã tích cực thực hiện công tác lập quy hoạch và Đề án xây dựng Nông thôn mới phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Xã xây dựng hệ thống giao thông của địa phương ngày càng hoàn thiện. Các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã, liên ấp, đến cả tuyến đường dân sinh, tuyến đường nội đồng đều đạt chuẩn quy định. Từ năm 2011 đến nay đã nâng cấp 34,5 km tuyến giao thông nội đồng đảm bảo thuận tiện cho người dân đi lại và giao thương mua bán phát triển kinh tế. Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, xã luôn chú trọng đầu tư và phát triển thủy lợi. Các công trình thủy lợi như cống đập được đầu tư đảm bảo, hệ thống tưới tiêu được chủ động: Hiện trên địa bàn xã có 20 tuyến kênh với chiều dài 55,4 km; 24 công trình cống; 4 tiểu vùng sản xuất lúa với diện tích 2.275,92 ha, đảm bảo sản xuất quanh năm. Với hệ thống bơm, tưới tiêu gồm 19 trạm bơm với 28 máy bơm, tổng công suất hoạt động 56.000 m3/giờ. Từ đó luôn chủ động được nguồn nước trong sản xuất, vừa cung cấp nguồn nước tưới tiêu vừa chống ngập úng. 

 

Bà con nông dân đã mạnh dạng ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, chủ động tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp, thực hiện nhiều loại hình kinh doanh các loại dịch vụ, tham gia chuỗi liên kết sản xuất làm tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh và lợi nhuận. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, xã đã phối hợp ngành chuyên môn phát triển hệ thống điện đạt chuẩn và an toàn. Tỷ lệ hộ dân đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn là 989/1.001 hộ, đạt tỷ lệ 98,80%. Cơ sở hạ tầng, thương mại nông thôn thường xuyên được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn, đảm bảo hoạt động mua bán hàng hóa của người dân. Nhà ở, dân cư không ngừng được cải thiện và phát triển. Từ năm 2011 đến nay quỹ vì người nghèo - an sinh xã hội và các nguồn khác đã tiếp nhận tiền và hiện vật quy tiền đã sữa chữa, cất mới 159 căn với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn xã không còn nhà tạm, dột nát. Từ đó giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định yên tâm lao động sản xuất.

Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, địa phương luôn xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”, vì thế, trường học được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay, xã có 02/03 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chất lượng dạy và học ngày một nâng lên, công tác khuyến học, khuyến tài ngày càng được toàn xã hội quan tâm đóng góp. 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, trong đó, Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ đủ 15 tuổi trở lên có bằng cấp, chứng chỉ của xã là 608 lao động/ 2.249 lao động có khả năng lao động, đạt tỷ lệ 27,03%. Trên lĩnh vực y tế, các Chương trình y tế Quốc gia được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,19%. Trạm y tế đạt chuẩn, đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh ban đầu cho người dân địa phương. Riêng lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông, cơ sở vật chất văn hóa được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia. Mạng lưới thông tin và truyền thông phát triển đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm được địa phương tăng cường và có những việc làm thiết thực, qua đó góp phần bảo vệ môi trường vùng nông thôn. Hệ thống chính trị luôn vững mạnh. Cán bộ, đảng viên luôn có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt, trình độ chuyên môn đạt chuẩn, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn đảm bảo và giữ vững. 

Với thế mạnh là xã nông nghiệp, cả hệ thống chính trị xã cùng với ngành nông nghiệp các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ đó, bà con nông dân áp dụng tốt quá trình canh tác. Hiện xã có 4.330 ha diện tích gieo trồng lúa sản xuất theo chương trình 3 giảm 3 tăng, có 2.790 ha diện tích gieo trồng lúa sản xuất theo chương trình 1 phải 5 giảm, từ đó giúp bà con nông dân áp dụng tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, địa phương đã chuyển 13,22 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu và chuyển 39,20 ha từ đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả chuyên canh có giá trị kinh tế cao như chanh, ổi, xoài, cam, dừa, sầu riêng, cà na, mít thái, na thái, dâu tầm, bưởi, vú sữa… góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân.

Cùng với đó, ngoài việc sản xuất lúa truyền thống, ngành nông nghiệp địa phương còn hướng nông dân đến liên kết sản xuất lúa chất lượng cao ổn định với các công ty cụ thể: Địa phương liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với Tập đoàn Lộc Trời từ năm 2019 đến năm 2024, với diện tích 3.033 ha. Tham gia cánh đồng lớn 3.033 ha, từ đó giúp bà con nông dân có đầu ra ổn định cho nông sản, tránh bị thương lái ép giá.

Địa phương chú trọng thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và phát triển mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, nông dân mạnh dạng ứng dụng công nghệ cao, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái. Tính đến nay, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái là 52,42  ha. Trong đó chuyển sang trồng cây ăn trái là 39,2 ha và chuyển sang trồng rau màu là 13,22 ha. Từ việc chuyển đổi, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình trồng cây ăn trái ứng dụng hệ thống tưới tự động bằng năng lượng mặt trời trên cây sầu riêng, mô hình tưới nhỏ giọt trên cây mít, sầu riêng... Các mô hình ứng dụng công nghệ cao từng bước đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Điểm sáng trong xây dựng Nông thôn mới xã Tân Phú đó là xây dựng cầu giao thông nông thôn. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, địa phương đã huy động nguồn lực đóng góp tiền, hiện vật và ngày công lao động. Những cây cầu bê tông vững chắc nối nhịp đôi bờ có giá trị hàng tỷ đồng, đã tạo điều kiện để người dân đi lại dễ dàng, giao thương mua bán thuận tiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Trong 2 năm 2023 và 2024, xã đã khởi công xây dựng các cây cầu kiên cố như: Cầu  Kênh 1, ấp Tân Thạnh, cầu Kênh Ranh Tân Phú – Tà Đảnh, cầu Mẫu Giáo, cầu Kênh 4, cầu Phổ Minh, cầu Kênh Phèn, cầu Kênh 2… Với kinh phí gần 10 tỷ đồng, từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông ở địa phương, giúp bà con Nhân dân đi lại và giao thương hàng hóa dễ dàng hơn. 

 

Kết quả xây dựng Nông thôn mới luôn gắn liền với diện mạo nông thôn thay đổi. Nhiều năm qua, xã luôn chú trọng xây dựng cảnh quang môi trường xanh-sạch-đẹp. Đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp. Nhiều mô hình và công trình tạo cảnh quang môi trường phát huy hiệu quả. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng Nông thôn mới” của địa phương phát huy hiệu quả với các mô hình “Đi từng ngõ, rõ từng nhà”, mô hình “Đường hoa – Xóm đẹp”  như: Công trình đường hoa xóm đẹp tỉnh lộ 947 Tân Phú – Vĩnh Bình và tuyến ĐH 06 Tân Phú – Vĩnh Nhuận, phát động Nhân dân trồng hoa tạo cảnh quang môi trường các tuyến đường trên địa bàn xã, từ đó góp phần chỉnh trang diện mạo nông thôn xã ngày càng khởi sắc. 

Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, địa phương làm rất tốt công tác huy động mọi nguồn lực. Từ khi xây dựng Nông thôn mới đến năm 2024, xã đã huy động trên 200 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là trên 10 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là trên 88 tỷ đồng, ngân sách huyện trên trên 67 tỷ đồng, ngân sách xã trên 628 triệu đồng, vốn tín dụng, doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp trên 33 tỷ đồng. Kết quả xây dựng Nông thôn mới hôm nay đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, kinh tế - xã hội phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, diện mạo nông thôn đổi khác, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh. Thu nhập bình quân của xã năm 2024 đạt 65,076 triệu đồng/người/năm, tăng 36,852 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.

Hành trình xây dựng xã Tân Phú đạt chuẩn xã Nông thôn mới, là một hành trình dài với nhiều thành tựu nổi bậc, góp phần cùng với huyện hoàn thành Đề án xây dựng huyện Châu Thành đạt chuẩn “Huyện Nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025”, góp sức thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành đã đề ra, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Với mục đích, ý nghĩa đó, tin chắc rằng, Tân Phú tiếp tục giữ vững danh hiệu “Xã Nông thôn mới”, hướng đến xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, tất cả vì mục tiêu đưa quê hương ngày càng phát triển phồn vinh, giàu đẹp.

Minh Tân