Năm 2024, huyện Châu Thành sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm đất nông nghiệp kém hiệu quả sang chăn nuôi, trồng cây ăn trái và cây màu, rau dưa các loại có giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định.
Đây là mục tiêu huyện Châu Thành đề ra nhằm cụ thể hóa các nội dung thực hiện của Quyết định số 1994/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 23 ngày 11/01/2024 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang về việc Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2024. Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành đã xây dựng Kế hoạch số 286 ngày 08/7/2021 về việc thực hiện chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và cây màu, rau dưa các loại, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản huyện Châu Thành giai đoạn 2021 - 2025.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Huyện Châu Thành tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tính đến cuối năm 2023, Huyện đã chuyển đổi 1.2303,87 ha, trong đó màu 1.132,7 ha, cây ăn trái 71,17ha.
Mục tiêu đề ra trong năm 2024, Huyện phấn đấu chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cây màu, rau dưa các loại; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với diện tích 660,22 ha. Cụ thể, diện tích chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cây màu, rau dưa các loại 597,50 ha, trong đó, nhóm cây ăn trái: 62,00 ha; nhóm cây màu: 93,00 ha; nhóm rau dưa các loại: 442,50 ha. Diện tích chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản là 62,72 ha.
Về chủng loại cây màu, Huyện khuyến cáo nông dân trồng các loại giống cây có năng suất cao, dễ tiêu thụ, có khả năng cải tạo đất và thu hoạch nhiều lần trong cùng vụ trồng để tăng thu nhập như cây họ Đậu (đậu xanh, đậu đũa, đậu côve, ....), đặc biệt cây họ đậu có giá trị kinh tế cao được doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu như cây đậu nành rau. Một số loại cây trồng khác như bắp, mè, sen,... riêng diện tích chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái gồm các chủng loại như cây Xoài, các loại cây có múi, Mít, Chuối, Mãng Cầu, Sầu Riêng,…
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành sẽ đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ nông dân nguồn giống chất lượng, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng năng suất, giảm giá thành; hỗ trợ thông tin thị trường giúp nông dân định hướng tốt trong việc chuyển đổi; thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích người sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trọng tâm là công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ sản phẩm rau màu và cây ăn quả.
Uỷ ban nhân dân huyện Châu Thành cũng đề ra các giải pháp: tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và vận động nông dân tham gia chủ trương, định hướng của tỉnh và huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cây ăn trái và rau màu áp dụng các kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất, những kiến thức liên quan đến sản xuất an toàn thực phẩm, kiến thức về mã vùng trồng. Phấn đấu trong năm 2024 tổ chức 12 lớp tập kỹ thuật trồng cây ăn trái trên 11 xã và 02 thị trấn.
Đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua trình diễn những mô hình chuyển đổi có hiệu quả trên các loại cây trồng, nuôi trồng thủy sản như: mô hình trồng cây ăn trái ứng dụng hệ thống tưới tự động; mô hình nuôi lươn sinh sản trong ống nhựa; mô hình trồng dưa (dưa hấu, dưa lưới, dưa leo) trồng nhà lưới... Tận dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và nguồn vốn khác thực hiện hỗ trợ các hộ dân đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tưới phun tự động, canh tác trong nhà lưới, ....) và hỗ trợ các xã, thị trấn phát triển hạ tầng thủy lợi, hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Hỗ trợ thông tin thị trường tiêu thụ, giá cá nông sản đến người dân từ đó khuyến cáo nông dân chọn các loại cây trồng, vật nuôi canh tác phù hợp. Tiếp tục củng cố các hợp tác xã, Tổ hợp tác hiện có. Đồng thời, rà soát các Tổ hợp tác đủ điều kiện thành lập Hợp tác xã làm cầu nối liên kết bao tiêu nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp.
Đồng thời chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Phòng Kinh tế và Hạ tầng mời gọi, kết nối các doanh nghiệp kinh doanh nông sản gắn kết Hợp tác xã nông nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn huyện; phối hợp các cấp, ngành chuyên môn cung cấp thông tin về thị trường các loại mặt hàng nông sản để giúp UBND các xã, thị trấn và nông dân thuận lợi trong định hướng chuyển đổi. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đề nghị Trạm khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Tổ kỹ thuật viên thủy sản phân công cán bộ phụ trách địa bàn các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý dịch hại trên cây trồng vật nuôi nhằm có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục trình diễn, nhân rộng các mô hình chuyển đổi hiệu quả và ứng dụng công nghệ cao và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; rà soát, thống kê giá cả nông sản trên địa bàn huyện làm cơ sở đề xuất, khuyến khích nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện các tập huấn nông dân kiến thức về mã vùng trồng, kỹ thuật trồng cây màu và cây ăn trái đạt năng suất cao, các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng, hướng đến sản xuất nông nghiệp giá trị cao, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân trên địa bàn./.
Trần Ngân