Châu Thành dự trực tuyến Hội nghị Báo cáo viên cấp tỉnh tháng 09/2024  

Sáng ngày 24/9/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh định kỳ tháng 9/2024 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tới điểm cầu cấp huyện, nhằm cung cấp và định hướng thông tin, tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên các cấp trong tỉnh. Đồng chí Trần Thị Thanh Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự và chủ trì hội nghị. 

Tại điểm cầu huyện Châu Thành, đến dự có đồng chí Lê Bích Phượng - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy; đồng chí Từ Thanh Khiết - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện; cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và lãnh đạo các ban, ngành huyện. 

Lãnh đạo huyện dự hội nghị 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe thông tin về tình hình kết quả công tác phòng chống thiên tai 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh An Giang. Qua tổng hợp, tình hình thiên tai 9 tháng đầu năm ước thiệt hại trên 6 tỷ đồng, làm 01 người chết và 03 người bị thương, nhiều nhà ở bị sập, tốc mái, gây sạt lở nhiều nơi… Trước tình hình đó, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh đã thành lập các đoàn công tác và nhiều đợt kiểm tra ở các huyện, thị, thành để chỉ đạo, điều hành về công tác chủ động phòng, chống hạn, thiên tai, công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, ban hành nhiều công văn chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống hạn kiệt, phòng chống thiên tai và ứng phó với thời tiết nguy hiểm đảm bảo sản xuất nông nghiệp, dân sinh trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (ƯPBĐKH-PCTT&PTDS) tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 12 quyết định hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả mưa dông, sạt lở từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai, với tổng kinh phí trên 8,9 tỷ đồng. 

Các đại biểu dự hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị

Trong các tháng cuối năm 2024, để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai bất thường, đồng thời, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&PTDS tỉnh triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau: Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng; Thường xuyên cập nhật và tuyên truyền kịp thời về các tin dự báo, cảnh báo thiên tai của các cơ quan chuyên môn; chỉ đạo ứng phó của các cơ quan Trung ương, địa phương để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó; cách nhận biết và các biện pháp ứng phó mưa, dông kèm lốc, sét, mưa đá. Trong đó, đặc biệt lưu ý: Đề phòng tai nạn do sập nhà; tốc mái nhà; cây, cột điện đỗ ngã; các vật thể bị dông, lốc thổi bay; điện giật; sét đánh... Tuyệt đối không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đỗ ngã. Trong thời gian xảy ra mưa, dông, lốc không nên đi ra ngoài trời, nên trú ở trong các nhà ở kiên cố, hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, kiên cố, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào; Chuẩn bị phương án, biện pháp đảm bảo các cơ sở y tế, giáo dục sẵn sàng đưa vào hoạt động bình thường khi có ảnh hưởng của bão, hoàn lưu bão và lũ đầu nguồn sông Cửu Long gây ra; Chủ động di dời người dân, nhà ở đến nơi an toàn khi có dấu hiệu răn nứt, sụt lún nguy cơ sạt lở; Chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, trạm bơm thực hiện công tác kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng và trạm bơm tiêu, kịp thời chống úng bảo vệ diện tích sản xuất vụ Thu Đông năm 2024 tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh; Các chủ đầu tư, đơn vị đang thi công công trình có kế hoạch bảo vệ công trình, tránh hư hỏng do ảnh hưởng của mưa dông, lũ, sạt lở…; Chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông (đường thủy, đường bộ) khi có tình huống thiên tai…

Đối với các nội dung tại Hội nghị Báo cáo viên tháng 9/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các đồng chí báo cáo viên, tuyên truyền viên lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo thiết thực, hiệu quả. 

Hoa Võ