Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, trình độ công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có sự gắn kết giữa công nghệ và nông nghiệp khiến cho việc phát triển nông nghiệp ở huyện Châu Thành còn gặp nhiều khó khăn. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, còn gọi là công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Vì vậy, ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.Qua đó đóng góp phần chung vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Trong thời gian qua, huyện tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế. trong vụ Sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 vừa qua, huyện ứng dụng: chương trình “3 giảm 3 tăng” là 26.694,2 ha, chiếm 96,93% diện tích xuống giống; Chương trình “1 phải 5 giảm” là 18.232,10 ha, chiếm 66,21 diện tích xuống giống. Cùng với đó, huyện đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 06/03/2024 về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới huyện Châu Thành năm 2024. Song song đó, thực hiện Đề án số 08-ĐA/HU ngày 11-5-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và phát triển mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Diện tích chuyển đổi từ lúa sang rau màu và cây ăn trái vụ Đông Xuân năm 2023-2024 là 303,62 ha (Trong đó: Màu 288,18 ha; cây ăn trái 15,44 ha).
Cùng với đó, trồng trọt là lĩnh vực then chốt cần tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt để làm tăng năng suất, chất lượng, giảm nguy cơ về dịch bệnh; giảm lực lượng lao động trực tiếp; giảm thất thoát, hư hao trong khâu thu hoạch, vận chuyển. Ngoài ra, công tác chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp luôn được quan tâm thực hiện, cùng với việc đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học vào sản xuất, vì vậy, có nhiều nông dân trên địa bàn, dám nghĩ, dám làm mạnh dạng đầu tư thực hiện nhiều mô hình trồng hoa màu – cây kiểng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ những kết quả đạt được góp phần vào sự phát triển chung của địa phương để từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên thông qua việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn với giải quyết việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Điều đó tạo tiền đề thuận lợi để Đảng bộ và Nhân dân huyện Châu Thành nỗ lực để trở thành “Huyện Nông thôn mới” trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới, huyện Châu Thành sẽ tiếp tục tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn. Tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người nông dân gắn với huy động sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp - nông thôn. Khuyến khích phát triển các mô hình liên kết hợp tác sản xuất hàng hóa lớn, giải quyết nhiều việc làm và ứng dụng công nghệ cao để góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập và giảm nghèo tại địa phương.
Minh Thiện