Xác định công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng thực hiện công tác phát triển đảng viên, đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác kết nạp đảng viên trong học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực.

Đảng bộ huyện có 56 tổ chức cơ sở Đảng, hiện tại có 4.535 đảng viên, trong đó: có 17 đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy gồm 13 đảng bộ xã, thị trấn, 4 đảng bộ ngành; có 39 chi bộ trực thuộc Huyện ủy và 175 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Hiện nay, toàn huyện có 5 tổ chức Đảng có đảng viên là học sinh, tổng số 225 đảng viên, trong đó: có 22 đảng viên học sinh, gồm: Đảng bộ trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, có 3 chi bộ trực thuộc, với 70 đảng viên, có 4 đảng viên học sinh; 4 chi bộ trường THPT Cần Đăng, THPT Vĩnh Bình, THCS và THPT Vĩnh Nhuận, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, với 155 đảng viên, có 18 đảng viên học sinh.
Được kết nạp vào Đảng khi học lớp 12 là niềm vinh dự, tự hào không chỉ đối với các học sinh ưu tú mà còn là của nhà trường và phụ huynh. Mặc dù chủ trương phát triển đảng trong học sinh tuy còn mới mẻ, không tránh khỏi lo lắng, băn khoăn ban đầu nhưng các chi, đảng bô nhà trường và các thầy, cô đã vào cuộc quyết liệt để phát hiện, ươm mầm, bồi dưỡng nhiều nhân tố tích cực.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, nhà trường tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng, giác ngộ lý tưởng của Đảng, đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm phát hiện nhân tố điển hình để bồi dưỡng, giúp đỡ, tạo điều kiện để các em đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ năm 2020 đến tháng 9/2024 các chi, đảng bộ trường THPT đã kết nạp tổng số 42 học sinh vào Đảng, đã chuyển sinh hoạt 20 đảng viên. Hiện tại nguồn học sinh đủ điều kiện kết nạp Đảng tại 5 điểm trường là 53 em, đã có giấy chứng nhận bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Các em học sinh được kết nạp Đảng đều là những đoàn viên thanh niên ưu tú, có thành tích học lực giỏi, hạnh kiểm tốt 3 năm liền, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường và có tính tiên phong, gương mẫu trong các phong trào hoạt động Đoàn của trường, trong đó nữ chiếm 57,14%. Sau khi được kết nạp vào Đảng, những học sinh là đảng viên tiếp tục phấn đấu rèn luyện tốt, nâng cao bản lĩnh chính trị, phát huy thành tích đạt được trong học tập; hầu hết đảng viên là học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đều thi đỗ vào các trường đại học.
Phát triển Đảng trong học sinh có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường “sức trẻ” cho Đảng, tạo nguồn cán bộ kế cận, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đảng viên. Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song công tác kết nạp đảng viên trong học sinh trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Nguồn quần chúng để xem xét kết nạp vào Đảng trong các trường THPT mặc dù có số lượng đông, nhưng số học sinh có đủ điều kiện, tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ thấp, do có sự ràng buộc về độ tuổi xét kết nạp vào Đảng; theo quy định “tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi...”, thực tế nhiều học sinh xuất sắc nổi bật trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động phong trào đã được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, nhưng trong thời gian học tập tại trường chưa đủ 18 tuổi để xem xét kết nạp. Một bộ phận học sinh nhận thức chính trị tư tưởng còn hạn chế, chưa giác ngộ mục tiêu, lý tưởng, động cơ phấn đấu vào Đảng. Một số cấp uỷ nhà trường còn lúng túng trong thực hiện các thủ tục kết nạp đảng viên đối với học sinh.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trong học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện, thời gian tới Ban thuờng vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác phát triển đảng viên. Tập trung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh nhận thức sâu sắc về quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao ý thức giác ngộ chính trị để xác định động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn. Các cấp ủy chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên; tăng cường bồi dưỡng nhận thức về Đảng và quan tâm kết nạp học sinh có thành tích xuất sắc, gương mẫu trong học tập và rèn luyện, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tích cực tham gia các hoạt động tại trường học và ở khu dân cư. Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là tổ chức đảng trong trường học.
Cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo nhà trường, tổ chức Đoàn thanh niên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong học sinh; thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục, phát hiện, tạo nguồn kết nạp đảng viên đối với học sinh ưu tú có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài trong công tác xây dựng Đảng, nhằm bổ sung nguồn nhân lực trẻ cho Đảng, cho hệ thống chính trị các cấp trước mắt và lâu dài.

Cấp ủy các chi bộ, đảng bộ cơ sở trường THPT cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc khảo sát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng ưu tú là học sinh để xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên, đưa chỉ tiêu về công tác phát triển đảng viên là học sinh vào nghị quyết của chi bộ, đảng bộ. Tạo môi trường thuận lợi để học sinh học tập, giác ngộ lý tưởng, hình thành động cơ trong sáng, tích cực rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Phân công đảng viên chính thức làm nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng và giới thiệu học sinh ưu tú, đủ điều kiện kết nạp vào Đảng.

Bên cạnh đó, cần quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ công tác Đảng cho Bí thư, Phó bí thư, cấp ủy các tổ chức Đảng trường học; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tạo nguồn, phát hiện nguồn và công tác kết nạp đảng viên là học sinh bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, hồ sơ, thủ tục theo quy định. Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong việc tổ chức các phong trào thi đua, tạo môi trường để học sinh trong các nhà trường có nhiều cơ hội hoạt động rèn luyện tu dưỡng và thể hiện năng lực của mình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia các phong trào để rèn luyện, trưởng thành và nỗ lực phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Trúc Phương