Châu Thành tăng cường công tác truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em

Hiện nay, trước thực trạng một số địa phương trong tỉnh xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện Châu Thành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em để nâng cao kỹ năng phòng ngừa cho trẻ, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em một cách hiệu quả.

Châu Thành triển khai mô hình quản lý trường hợp trẻ em bị xâm hại

Thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn huyện Châu Thành đạt được nhiều kết quả tích cực. Huyện uỷ Châu Thành đã ban hành kế hoạch số 149/KH-HU thực hiện Chỉ thị số 28- CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị, gia đình và toàn xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; bảo đảm trẻ em được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ tốt nhất, xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em và thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực trẻ em, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện Châu Thành đã tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, chiến lược quốc gia vì trẻ em, liên quan đến trẻ em như: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045; Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 - 2030 và các chương trình, kế hoạch khác có liên quan đến trẻ em.

Truyền thông chính sách pháp Luật Hôn nhân gia đình và trẻ em

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em với nội dung và hình thức phong phú. Truyền thông được thể hiện qua 3 kênh chính là truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên các trang mạng xã hội và truyền thông cộng đồng. Thông qua công tác truyền thông, nhận thức của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực xâm hại, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Trong đó, Huyện đặc biệt chú trọng truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trong các trường học, ở vùng nông thôn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại tình dục.

Tại Trường Trung học cơ sở Hoà Bình Thạnh vào những ngày đầu năm học, Nhà trường tổ chức cho các em học sinh tham gia buổi truyền thông về kiến thức bảo vệ trẻ em và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em do Ban Chấp hành Xã Đoàn phối hợp với Công an xã tổ chức truyền thông phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ.

Xã đoàn phối hợp Trường THCS Hoà Bình truyền thông Luật trẻ em cho học sinh
Các em học sinh trung học cơ sở Hoà Bình Thạnh tìm hiểu qua tờ bướm tuyên truyền

Trong hơn 30 phút, hơn 150 em học sinh các khối được cung cấp các kiến thức bảo vệ trẻ em. Cán bộ tuyên truyền viên đã đặt ra những câu hỏi cho các em như thế nào là xâm hại trẻ em, thế nào là dâm ô trẻ em và hướng dẫn các kỹ năng phòng, tránh, xử lý khi trẻ bị tai nạn thương tích và xâm hại; giải thích rõ những hậu quả đối với trẻ em khi bị xâm hại; các chính sách của nhà nước hỗ trợ khi trẻ bị xâm hại và các quy định về xử phạt hành vi xâm hại trẻ em... các em được tham gia vào các tình huống giả định khi bị xâm hại để có cách xử lý và phòng, tránh hiệu quả. 

Em Nguyễn Thị Mỹ Kim, học sinh lớp 8A1, Trường Trung học cơ sở Hoà Bình Thạnh chia sẻ “em rất thích thú khi tham gia buổi tuyên truyền ngày hôm nay, đối với bản thân em nó rất bổ ích, em thấy mình tìm hiểu được rất nhiều kiến thức liên quan đến chúng em, em bắt đầu hiểu được thế nào là bạo lực học đường, thế nào là xâm hại trẻ em, các cô chú hướng dẫn nhiều kỹ năng để giúp chúng em tránh được những tình huống xấu...”.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động động thương binh và xã hội huyện Châu Thành phối hợp cùng với các xã, thị trấn trong toàn huyện tổ chức truyền thông các nội dung liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, với sự tham gia của hơn 650 trẻ em. Tại các địa phương, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh - Phó Trưởng Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện Châu Thành phổ biến các nội dung liên quan đến Bình đẳng giới; chỉ tiêu 18.5 đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại trẻ em; bảo vệ và hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ tổn thương trong gia đình và xã hội...đồng thời, xem clip truyền thông về phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ; phòng chống lao động sớm hay trẻ em; phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em; giới thiệu một số mô hình bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn như địa chỉ tin cậy; nhà tạm lánh; mô hình chuyển gửi chăm sóc, thay thế ...

Qua những buổi truyền thông đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thúc đẩy mọi tầng lớp xã hội thay đổi hành vi nhằm thực hiện bình đẳng giới giảm khoảng cách giới, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; giảm dần số vụ bạo lực trên cơ sở giới. Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ trẻ, phòng chống tình trạng bạo lực, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật ở trẻ em. Huyện còn duy trì và thực hiện hiệu quả các chương trình “Mẹ đỡ đầu – kết nối yêu thương”; xây dựng nhiều mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Địa chỉ tin cậy – nhà tám lánh”; Tổ chức họp nhóm tuyên truyền “Mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” tạo điều kiện để các em được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn.

Trao tặng quà Chương trình Mẹ đỡ đầu cho trẻ mồ côi mẹ do dịch bệnh

Để việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hiệu quả, thời gian tới, các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho trẻ về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; những ảnh hưởng của bạo lực, xâm hại trẻ em đối với sự phát triển của trẻ; nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em hình thành và hoàn thiện nhân cách; trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, góp phần bảo vệ và giúp gia đình, các em phòng tránh những tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra, tạo môi trường vui tươi, lành mạnh cho trẻ phát triển toàn diện./.

Trần Ngân.