Châu Thành tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai

   Trong năm 2023, Châu Thành tuy không ảnh hưởng trực tiếp từ các đợt mưa bão, áp thấp nhiệt đới, nắng nóng và mưa lớn trên diện rộng. Nhưng các đợt mưa lớn kèm gió mạnh xảy ra trên diện rộng gây ngập úng cục bộ, hư hại cho hoa màu… gây khó khăn cho sản xuất của Nhân dân trên địa bàn.

   Theo thống kê, các đợt mưa bão kèm theo mưa giông làm tốc mái che của của một số hộ dân ở xã Vĩnh Nhuận, gây thiệt hại trên 20.000.000 đồng. Riêng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp gây ngã đỗ, ngập úng 553,3 hecta cây màu, mức độ thiệt hại từ 30-70% và  trên 1.520,3 hecta cây lúa, mức độ thiệt hại từ 30-70%, cục bộ có những nơi đỗ ngã đến 100% diện tích. Bên cạnh đó, tình hình mưa lũ kéo dài cũng đã gây sạt lở bờ sông kênh, rạch rất nghiêm trọng với chiều dài 3.030m2 ở các xã, thị trấn: An Châu, Bình Hòa, An Hòa, Cần Đăng, Hòa Bình Thạnh, Vĩnh Thành, Tân Phú, Vĩnh An…

   Khó khăn là thế, tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân huyện, sự chủ động của các Ban, Ngành huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã khắc phục khó khăn, chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu; triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch; tổ chức thi công các công trình thủy lợi theo đúng kế hoạch đề ra; gia cố, bảo vệ đê trong mùa lũ, khắc phục nhanh những thiệt hại do giông lốc gây ra, giảm tối đa thiệt hại cho người dân. 

   Bên canh đó, Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự huyện đã triển khai phương châm 4 tại chỗ đến các xã, thị trấn hỗ trợ kịp thời cho các xã, thị trấn để chủ động ứng phó đối với tình trạng mưa lớn xảy ra trên địa bàn. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, điều hành kịp thời công tác bơm chống úng, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Ủy ban mặt trận các cấp tổ chức vận động Nhân dân, các doanh nghiệp và các tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại do mưa lũ, tạo điều kiện để người dân an tâm tái sản xuất.

   Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là trong những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa giông gây thiệt hại 10 căn nhà, trong đó tốc mái 09 căn và sập hoàn toàn 01 căn tại các xã cần đăng, Bình Hoà, Hoà Bình Thạnh, ước tính thiệt hại trên trên 292 triệu đồng. Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo lực lượng địa phương đến hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại an tâm, ổn định cuộc sống.

   Để chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục sớm hậu quả của thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện trong năm 2024. Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự huyện đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị trong công tác chỉ đạo điều hành, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo kịp thời triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. 

   Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Luật phòng, chống thiên tai và các văn bản có liên quan về công tác phòng, chống thiên tai; Quyết định số 06/QĐ-BCH ngày 06/02/2024 của Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự tỉnh An Giang về kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ và Nhân dân về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Vận động Nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống bảo vệ tài sản của gia đình. Chỉ đạo phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, thực hành diễn tập về các tình huống thiên tai giả định, phương án xử lý, tránh tình trạng bị động, hoảng loạn khi có thiên tai xảy ra. 

   Quán triệt mục tiêu phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến thiên tai để chủ động cảnh báo, thông tin kịp thời đến các xã, thị trấn để người dân biết, chủ động ứng phó. Tập trung rà soát các điểm dân cư, những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra mưa đá, gió lốc, lũ quét, sạt lở đất…tuyên truyền cảnh báo Nhân dân và có phương án ứng phó kịp thời với tình huống bất lợi khi thiên tai xảy ra. 

   Quan tâm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và Nhân dân, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thương mại, trong đó, chú trọng đặt an toàn tính mạng cho người dân lên hàng đầu trong thực hiện công tác ứng phó biến đổi khí hậu- phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự. Các ban, ngành có liên quan tăng cường phối hợp với các chủ đầu tư rà soát các công trình đang triển khai thi công trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ thi công, có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ. Các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý tổ chức kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu hư hỏng hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất để có kế hoạch sửa chữa trước mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình và khu vực dân cư….

   Chủ động nắm chắc tình hình để làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong xây dựng các phương án, kế hoạch, kịch bản, chủ động các lực lượng, phương tiện, các điều kiện đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các tình huống, sự cố theo đúng nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả và phương châm "4 tại chỗ" đáp ứng yêu cầu chung, góp phần thực hiện tốt công tác ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai trên địa bàn./.

Trần Ngân.