Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế địa phương

Xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện Châu Thành đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. gắn với những tiềm năng, lợi thế của huyện. Qua đó, góp phần phát triển KTXH, nâng cao đời sống người dân.

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành tích cực hỗ trợ, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu canh tác, lựa chọn cây, con giống phù hợp với từng vùng để tăng năng suất, sản lượng theo hướng bền vững gắn với những tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Ngoài ra, nông dân còn tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, các phương thức canh tác công nghệ cao, phá vỡ thế độc canh của các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất. Đồng thời, còn sáng tạo, linh hoạt trong việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với khai thác du lịch sinh thái để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân….

Sau thời gian triển khai thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Thành đã tổ chức thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trong cây ăn trái và rau màu trên địa bàn huyện, trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển bền vững các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của huyện thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung theo hướng mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; sản xuất theo chuỗi, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.

Tính đến thời điểm cuối tháng tháng 06 năm 2024, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và rau màu trên địa bàn huyện là là 604,45 ha/660,22 ha, đạt 91,55% kế hoạch (Trong đó: Màu 556,44 ha; cây ăn trái 48,01 ha). Đối tượng chủ yếu đối với cây ăn trái là xoài, cam, bưởi, quýt, chanh,… còn rau màu là bầu, bí, cà, ớt, đậu nành rau, dưa hấu, dưa leo. Song song đó, huyện Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Châu Thành năm 2024 (Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 01/3/2024) và Quyết định về việc kiện toàn Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện (Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 23/4/2024). Đến nay, đã có 08/13 xã, thị trấn đã đăng ký được 16 sản phẩm tiềm năng,… 

Để đạt được những kết quả trên là nhờ sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, xã, thị trấn nên việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và rau màu được triển khai khá thuận lợi. Bà con nông dân trên địa bàn huyện rất chăm chỉ, cần cù, học hỏi, sáng tạo trong lao động, biết áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ cao trên mảnh đất của mình. Bên cạnh các mặt thuận lợi, việc chuyển đổi đất trồng còn gặp nhiều khó khăn: thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái thời gian đầu tư khá dài, nông dân thiếu vốn để sản xuất nên chưa dám mạnh dạn đầu tư; đầu ra sản phẩm gặp không ít kho khăn, đa số nông dân tự trồng và tự tìm kiếm thương lái để bán sản phẩm mình làm ra…

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, từng bước nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân gắn với phát triển sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng, tiêu chuẩn, chất lượng. Ngoài ra, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, nhân rộng các mô hình có tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là thực hiện chuỗi liên kết sản xuất… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, thúc đẩy phát triển KTXH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.

Minh Thiện