Chủ động chăm sóc lúa thu đông đầu vụ

Sau thu hoạch lúa Hè thu, hiện nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành bắt tay vào sản xuất vụ Thu đông 2024. Vụ sản xuất này đối mặt với điều kiện sản xuất bất lợi do ảnh hưởng của sâu bệnh và mưa lũ. Ðể sản xuất hiệu quả vụ lúa thu đông, nông dân cần áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời, thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp trong các khâu làm đất, chọn giống, gieo sạ tập trung đồng loạt để né rầy, tránh lũ, tăng cường chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch lúa kịp thời.

Cán bộ Ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân chăm sóc cây lúa

Năm nay, tuy chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài và dịch hại, nhưng sản xuất lúa vẫn đảm bảo có lãi cho bà con nông dân trên địa bàn. Vụ Hè thu nông dân đã thu hoạch dứt điểm và bán được mức giá khá tốt so với các năm trước, dao động từ 6.300 đồng đến 7.500 đồng, nên nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Châu Thành đã tranh thủ sản xuất vụ thu đông 2024 với kỳ vọng sẽ có vụ mùa thắng lợi. 

Ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu, nông dân đã khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất, bắt tay ngay vào sản xuất lúa thu đông. Vụ thu đông 2024, toàn huyện có kế hoạch gieo trồng hơn 23.667 ha. Đến trung tuần tháng 08 năm 2024, nông dân tại các các xã, thị trấn đã xuống giống với diện tích trên 16.000ha. Dự kiến lịch thời vụ gieo sạ đợt 1 từ 25/7 đến 05/8/2024; đợt 2 từ 22/8 - 31/8/2024. 

Ðể giảm chi phí sản xuất và phòng tránh nguy cơ lúa bị đổ ngã trong vụ này, Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông cửu long. Trong đó, nông dân cần chú ý thực hiện tốt từ khâu làm đất, chọn giống tốt từ cấp xác nhận trở lên, thực hiện bón vùi phân bón vào đầu vụ, áp dụng giải pháp tưới ngập khô xen kẽ, sử dụng phân bón hợp lý, cân đối, tránh bón thừa phân đạm... qua đó giúp cây lúa có bộ rễ tốt, chắc khỏe, ít bị sâu bệnh và đổ ngã. 

Về khâu làm đất: nông dân cần chủ động vệ sinh đồng ruộng tiến hành xử lý rơm, gốc rạ và cỏ quanh bờ... bằng cách thu gom và vận chuyển rơm tươi ra khỏi ruộng sau thu hoạch, có thể sử dụng nấm Trichoderma hoặc các chế phẩm sinh học giúp phân hủy rơm, rạ sau đó cày xới phơi đất từ 7 - 15 ngày giúp khoáng hóa chất hữu cơ, nhằm hạn chế hiện tượng thối rễ cho lúa do ngộ độc, đồng thời cắt đứt nguồn ký chủ của sâu, bệnh trên đồng ruộng. Đặc biệt hạn chế tối đa ngộ độc hữu cơ ở giai đoạn đầu của cây lúa.

Nông dân phun xịt xử lý cỏ dại trước khi gieo sạ

Tranh thủ cày, xới, trục vùi rơm, rạ mới thu hoạch, làm đất thật kỹ, ứng dụng cơ giới hóa sản xuất lúa nhằm giảm chi phí và canh tác thích ứng trong điều kiện mưa, bão, kết hợp đánh nhiều rãnh thoát nước để hạn chế ngập úng.

Chuẩn bị giống: sử dụng giống lúa theo khuyến cáo của ngành, cấp giống xác nhận, giống có năng suất và chất lượng cao, có tiềm năng đáp ứng thị trường tiêu thụ, thích nghi rộng và có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết và dịch bệnh như: sử dụng giống xác nhận; lượng giống gieo sạ không quá 70 kg/ha; xử lý và ngâm ủ hạt giống theo khuyến cáo của nhà sản xuất và phù hợp cho từng phương pháp gieo sạ.

Cây lúa seo sạ theo khuyến cáo của Ngành nông nghiệp

Quản lý nguồn nước tưới: Điều chỉnh lượng nước theo nhu cầu phát triển của cây lúa; ứng dụng tối đa các giải pháp tưới tiết kiệm nước (ướt khô xen kẽ) cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây, nhưng vẫn đảm bảo được việc quản lý cỏ dại, dịch hại và tăng hiệu quả sử dụng phân bón, nhằm hạn chế chồi vô hiệu. Đặc biệt, là điều chỉnh mực nước giai đoạn trổ - chín nhằm hạn chế đổ ngã, giảm thất thoát trong quá trình thu hoạch.

Phân bón: bón phân theo nhu cầu phát triển của cây lúa, cân đối đạm, lân và kali. Có thể sử dụng phân hỗn hợp NPK theo liều lượng khuyến cáo trên cây lúa hoặc kinh nghiệm qua thực tế nhằm tạo điều kiện lúa đẻ nhánh tốt, tăng chồi hữu hiệu. Vụ Thu Đông cây lúa phát triển trong điều kiện mùa mưa, bão nhiều. Vì thế cần tăng cường sử dụng các sản phẩm phân bón có chứa canxi và silíc; ưu tiên sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc sinh học, bổ sung các loại phân bón cung cấp qua lá, bón phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng... để tăng sức chống chịu cho cây lúa trong điều kiện bất lợi của thời tiết.

Đồng thời, để phòng tránh sự bùng phát, lây lan, gây hại của các loại dịch hại nguy hiểm và đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông 2024, ngay từ khá sớm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành yêu cầu các cơ quan chuyên môn, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ và xử lý tốt rơm rạ để tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Ðảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ từ 3 tuần trở lên hạn chế sự lây truyền của các mầm sâu bệnh. Ðồng thời, căn cứ diễn biến rầy nâu vào đèn tại huyện và tỉnh, kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ xuống giống vụ lúa thu đông đảm bảo né rầy, hạn chế chi phí bơm tưới đầu vụ và tránh lũ cuối vụ.

Nông dân chang đất và tạo rãnh để quản lý nước vào ruộng

Bên cạnh đó, nông dân cần chủ động quản lý cỏ dại - đây là đối tượng dịch hại quản lý và phòng trừ tốn nhiều chi phí nên quản lý tốt ngay đầu vụ. Trước khi gieo sạ 7-10 ngày có thể chủ động nhử cỏ dại bằng cách đưa nước vào ruộng cho đủ ẩm để nhử cỏ mọc, sau đó sử dụng thuốc trừ cỏ xử lý nhằm hạn chế mật độ cỏ dại ngay đầu vụ. Ngăn ngừa hoặc hạn chế cỏ dại vào ruộng từ hạt giống, sử dụng giống sạch hạt cỏ (giống cấp xác nhận hay giống nguyên chủng). Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ. Xử lý cỏ dại bằng thuốc hóa học tùy theo điều kiện từng nơi nên phòng trừ biện pháp diệt cỏ dại cho phù hợp. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm nhằm khống chế cỏ dại và lúa cỏ ngay đầu vụ hoặc xử lý thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm khi chưa chủ động quản lý được nguồn nước tưới.

Vụ Thu Đông do mưa, bão thường xuyên xảy ra thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại phát sinh, phát triển và gây hại trên diện rộng. Theo dự báo, vụ Thu đông năm nay sẽ có một số sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây lúa như: rầy nâu, muỗi hành, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt... đặc biệt là chuột, đây là đối tượng có khả năng gây hại trên diện rộng, gây nặng khi nguồn thức ăn và nơi cư trú bị xâm hại.

Nông dân phun thuốc phòng trừ sâu hại đầu vụ

Để quản lý và phòng trừ các đối tượng dịch hại trong vụ Thu Đông 2024 bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, sớm phát hiện dịch hại tiến hành phòng trị tránh lây lan diện rộng, theo dõi bản tin tình hình dịch hại địa phương để có các biện pháp xử lý chủ động, kịp thời mang hiệu quả cao nhất; hạn chế phun thuốc trừ sâu sớm (lúa dưới 40 ngày sau sạ) để bảo tồn thiên địch, tránh sâu rầy gây hại bộc phát ở giai đoạn sau. 

Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) và thực hiện chương trình “một phải năm giảm” (phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm giá thành sản xuất và giảm thất thoát sau thu hoạch)... nhằm giúp bà con nông dân chủ động chăm sóc cây lúa khoẻ ngay từ đầu vụ, hạn chế dịch hại, đổ ngã, gia tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất./.

Trần Ngân.