Chủ động phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi

Những tháng đầu năm, thời tiết bước vào thời điểm giao mùa là môi trường thuận lợi cho các loại dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện trên đàn vật nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi trong huyện. Để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo đảm chất lượng, sản lượng gia súc, gia cầm, hiện nay, các địa phương trong huyện đang tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tuyên tuyền phòng, chống dịch dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Theo Ngành nông nghiệp huyện, thời tiết giao mùa diễn biến phức tạp, làm cho vật nuôi không kịp thích nghi nên hay bị nhiễm một số bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tạo điều kiện cho các dịch bệnh phát sinh. Đối với trâu, bò một số dịch bệnh dễ nhiễm như bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi, bệnh lở mồm long móng, bệnh cước chân, bệnh trướng bụng đầy hơi. Đối với heo là các bệnh tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả; heo con hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi… đối với gia cầm một số bệnh hay gặp như bệnh cúm, tiêu chảy, H5N1..

Trong thời điểm chuyển mùa, Ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, bổ sung các chất dinh dưỡng, khoáng, vitamin, che chắn chuồng trại… để nâng cao sức đề kháng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin bắt buộc theo quy định.

Nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, thời gian qua, Ngành thú y huyện cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, trong đó đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine với phương châm phòng bệnh là chính. Song song đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, triển khai các đợt cao điểm tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. 

Thực hiện theo khuyến cáo của địa phương. Cô Nguyễn Thị Hoa, ấp Hoà Hưng, xã Hoà Bình Thạnh có đàn bò gần 5 con, cô luôn chú ý chăm sóc và theo dõi tình hình sức khoẻ của đàn bò. Cô Nguyễn Thị Hoa, ấp Hoà Hưng, xã Hoà Bình Thạnh cho biết “Mùa mưa tôi hay kiểm tra mái che chắn đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi. Tôi cũng thường kiểm tra đường thoát nước thải, quét dọn chuồng trại để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế ngập khi mưa to. Tôi cho bò ăn thức ăn sạch, uống nước sạch, nhờ vậy mà hạn chế bệnh”.

Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành, hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện trên 274.000 con với hơn 2.410 hộ chăn nuôi. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Trạm đã tổ chức1.453 lượt kiểm tra, giám sát địa bàn về thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên toàn huyện. Nhìn chung các địa phương đã thực hiện tốt các quy định  về phòng, chống dịch bệnh như: tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi trong diện tiêm và khi có phát sinh mới; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; quản lý tốt vịt chạy đồng, đặc biệt là kiểm tra chặt chẽ giấy chứng nhận tiêm phòng cho đàn gia cầm từ nơi khác đến địa phương; kiểm tra tại các chợ về tình hình mua bán gia cầm sống, sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch và không rõ nguồn gốc... nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không phát hiện dịch bệnh lở mồm long móng hay viêm da nổi cục trên trâu, bò. 

Tuy nhiên, ở một số xã, thị trấn có diện tích chăn nuôi thuỷ sản vẫn còn xuất hiện một số bệnh chủ yếu trên cá tra. Cụ thể, diện tích nghi nhiễm bệnh là 11ha/15 hộ. Trong đó có 6 ha/9hộ nghi nhiễm bệnh ký sinh trùng, 5 ha/6hộ nghi nhiễm bệnh xuất huyết.

Cũng theo nhận định của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện do tình hình thời tiết nắng nóng diễn biến kéo dài, nhiệt độ nước tại ao nuôi thủy sản thay đổi thường xuyên làm ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản nuôi. Tuy nhiên, chưa phát hiện dịch bệnh thủy sản tại các hộ nuôi trên địa bàn.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Châu Thành chủ động phối hợp cùng các xã, thị trấn đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản bảo vệ sản xuất.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện thực hiện phun khử trùng chuồng trại cho hộ chăn nuôi

Cụ thể, gần đây, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện thực hiện cấp phát 160 lít hóa chất vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi với tổng diện tích 480.000 m2. Hóa chất đã được giao đến các xã, thị trấn nhằm triển khai kịp thời đến người dân để thực hiện tiêu độc khử trùng trong môi trường chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm phòng vaccine, đặc biệt tăng cường công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng tại những khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Hộ chăn nuôi rải vôi khử trùng chuồng trại

Theo dõi giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm toàn huyện, phát triển đàn gia súc, gia cầm, khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp gắn với an toàn sinh học, ưu tiên 4 đối tượng nuôi: bò, heo, gà, vịt… chọn nuôi giống mới có năng suất và phẩm chất thịt tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tiêm ngừa bệnh dại trên động vật

Đặc biệt, thời gian tới, Trạm sẽ thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục và bệnh dại. Nhanh chóng phát hiện và xử lý các ổ dịch theo quy định. Tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Thực hiện công tác truyền thông phòng chống bệnh dại chó. Khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, tăng cường sức kháng của vật nuôi bằng các loại khoáng, vitamin…vệ sinh chuồng trại, khu vực xung quanh, tạo sự thông thoáng chuồng nuôi. 

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành an toàn thực phẩm tại các chợ đối với các hộ kinh doanh mua bán sản phẩm động vật và gia cầm sống  trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra nguồn gốc gia súc, gia cầm khi nhập vào các cơ sở giết mổ theo đúng quy định. Tiếp tục rà soát, thực hiện công tác tiêm phòng bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm phát sinh mới trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách hộ chăn nuôi lên phần mềm Quản lý vật nuôi và hướng dẫn việc kê khai hoạt động chăn nuôi tại địa phương, góp phần đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi thời gian tới tại địa phương, đảm bảo người chăn nuôi an toàn./.

Trần Ngân