Đình thần Phú Nhuận di tích kiến trúc nghệ thuật

Xưa kia, đình Phú Nhuận thuộc xã Phú Nhuận, tổng Định Phú, quận Huệ Đức, nay thuộc ấp Đông Phú I, xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Lúc đầu đình là ngôi miếu nhỏ, vách ván, cột gỗ tạp, nền đất đơn sơ nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của dân làng thời kỳ đầu mở đất. Đình đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa.
 

Toàn cảnh đình thần Phú Nhuận (năm 2016)

Đặc biệt, năm 2017 Nhà nước đã đầu tư ngân sách tu bổ sửa chữa lại toàn bộ ngôi đình: di dời ngôi đình ra phía sau (cách nền đình cũ khoảng 10m), thay toàn bộ mái ngói đại tiểu, lót lại nền gạch tàu, thay một số cột, kèo,… đã bị hư mục, song vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc nguyên gốc ngôi đình cũ.

Di tích cách trung tâm hành chính huyện Châu Thành khoảng 16km. Tại cầu Chắc Cà Đao, du khách di chuyển theo đường lộ Trường Sa (Võ Văn Hoài) cặp rạch Mặc Cần Dưng khoảng 13km, đến Chợ Tân Thành, qua cầu Tân Thành 2, rẽ trái khoảng 03 km là đến di tích.

Bộ cổng đình thần Phú Nhuận (trùng tu năm 2017)

Một điểm nhấn gây ấn tượng sâu sắc với khách thập phương khi đến tham quan đình Phú Nhuận chính là mô-típ quen thuộc: cây đa - bến nước - sân đình, là biểu tượng làng quê truyền thống, mang ý nghĩa tụ thủy thịnh mãn cho cả làng. Trong quan niệm của người xưa, vũ trụ có ba tầng “Thiên - Địa - Nhân” luôn giữ mối quan hệ tương hỗ. Phải chăng chính từ quan niệm thế giới ba tầng thông tỏ và giao cảm ấy, mà từ xưa trong các thôn làng luôn hình thành, tồn tại bộ ba: cây đa - bến nước - sân đình, để rồi tự lúc nào đã trở thành biểu tượng thân thương của làng quê:

“Cây đa, bến nước, sân đình;
Đi xa ta nhớ nghĩa mình mình ơi”.

Trước đình là khoảng sân rộng rãi, thoáng đãng, xa hơn một chút là nhà mát (cầu mát), chứng tích của thời kỳ lập đình (lúc đầu mống gỗ, cột gỗ, sàn gỗ, ngày nay xây lại bê tông cốt thép, kiểu dáng kích thước giữ nguyên thời kỳ đầu), góc trái nhà mát xây cầu thang tam cấp để tiện việc lên xuống bằng đường thủy, xung quanh khu vực nhà mát là những cây sao cổ thụ to cao, sum suê cành lá, tỏa mát quanh năm. Tiếp giáp với cổng, hàng rào là bức bình phong, chính giữa đắp nổi phù điêu long mã phụ hà đồ, hai bên vẽ cảnh tứ linh hội, phía sau bình phong là 3 miếu (liền nhau), chính giữa là miếu Hội Đồng, 2 bên là miếu Xã Tắc và miếu Sơn Quân. Trước miếu Hội Đồng khoảng 1m là bệ thờ Thần nông.

Tiền đình hướng chính Đông, nhìn ra rạch Ba Bần xanh mát, chính giữa mặt tiền xây bít, bên trên khắc lõm 4 Hán tự “Đình trung Phú Nhuận”, 2 bên dưới là 2 cửa ra vào bằng gỗ, giữa 2 bộ cửa đắp nổi phù điêu Hán tự 壽 (thọ) trong vòng tròn, 6 cột mặt tiền đắp nổi 6 câu đối. Ngoại thất đình có kiểu dáng kiến trúc đặc trưng đình làng Nam bộ cổ xưa, kiểu chữ Tam, 3 bộ nóc, lợp ngói đại tiểu, đầu các mái gắn diềm ngói hình hoa cúc xen kẻ đồng tiền, các bộ nóc đình Phú Nhuận trang trí độc đáo, ấn tượng. Bộ nóc võ ca trang trí bức chạm cảnh Thiên đình: bên trên là điện Ngọc Hoàng, giữa là 8 tượng Thiên quan đứng trước cửa điện, dưới cùng là bức chạm cuốn thư, giữa cuốn thư đắp nổi 3 Hán tự, xung quanh bức chạm đắp hoa mai, chi diệp,… Hai bên bức chạm là bộ song ngư hóa long, các khuôn bông. Bộ nóc chính điện gắn bộ tượng thể khối lưỡng long tranh châu, dưới là bộ tượng bát tiên trong tư thế đứng. Cuối các đường chân tượng mái nhị cấp võ ca (phía trước đình) và chính điện (phía sau đình) gắn bộ tượng thần Nhật - Nguyệt, các đầu đao, góc mái gắn kỳ lân. Mặt dựng giữa các cấp mái đắp phù điêu dơi, thể hiện khát vọng cuộc sống ấm no phúc báu. Toàn bộ các bức chạm, tượng, hoa văn trang trí trên các bộ nóc đình đều bằng gốm sứ tráng men màu xanh, có giá trị mỹ thuật cao, tất cả góp phần tô điểm ngoại thất đình Phú Nhuận thêm phần tráng lệ, cổ kính giữa làng quê trù phú.

Kiến trúc đình thần Phú Nhuận năm 2016

Nội thất được kết cấu theo kiểu truyền thống, 3 gian 2 chái, nền đình tôn cao vững chãi, nền lót gạch tàu. Toàn bộ hệ thống kết cấu khung sườn chịu lực đều làm bằng gỗ danh mộc, với 40 cột tròn to cao chắc khỏe (10 hàng dọc, 4 hàng ngang). Chính điện có kiểu dáng cổ lầu, mái tam cấp. Đặc điểm của kiến trúc này là sườn mái kiểu tứ trụ, bộ tứ trụ (dấu tích của thời kỳ khởi lập đình) to và cao hơn so với các cột khác, đầu trụ đỡ bộ nóc cổ lầu và chịu lực gánh cấp mái thứ nhất, từ tứ trụ liên kết với các vì kèo ra các cột hàng nhì, tạo cấp mái thứ hai, từ các bộ cột hàng nhì nối kết với các ví kèo ra cột hàng hiên tạo cấp mái thứ 3, phần đầu kèo (đầu dư) được che kín dưới cấp mái thứ 3, nên ít bị ảnh hưởng nắng mưa. Các cột trốn được đẻo gọt hình con tiện, cánh dơi, các vì kèo thì thon gọn ở phần ngọn và to dần ở phần đầu dư, tạo sự thanh thoát mà vẫn vững chắc. Sự gắn kết nhịp nhàng giữa các cột, kèo, xiên,… đều bằng kỹ thuật lắp ghép hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể lắp ráp và tháo gỡ dễ dàng, trên nền móng không bê tông cốt thép chịu lực, song bộ khung sườn vẫn cân đối ổn định, vừa qui mô vững chãi, vừa có tính năng chịu lực cao cho toàn bộ kiến trúc. Đình Phú Nhuận tồn tại hơn 150 năm, điều này minh chứng khả năng sáng tạo và áp dụng kỹ thuật xây dựng tiên tiến của các nghệ nhân lúc bấy giờ.

Võ ca: chính giữa là sân khấu xây kiên cố, cao rộng (trước kia sân khấu nhỏ, sàn ván), trên thân 4 cột võ ca (cột hàng giữa) khắc chìm câu đối liễn, mỗi câu 10 Hán tự, màu vàng nền đỏ, đầu liễn trang trí bức chạm quả lựu, chân liễn trang trí bầu hồ lô, xung quanh chạm viền dây leo, hoa lá.
Nối võ ca với chính điện là căn võ quy, được tạo dựng bởi hai hàng cột gỗ, các vì kèo được thiết kế theo kiểu chồng rường giá chiêng, trên thân các thanh xiên dọc, ngang của võ quy chạm khắc tỉ mĩ các hoa văn dây leo, hoa mai, cúc liên chi, 2 đầu xiên chạm cụm mây, đầu rồng sắc sảo. Cũng như võ ca, 4 cột giữa võ quy khắc chìm trực tiếp lên thân cột các câu đối, mỗi câu 9 Hán tự, nối liền hàng cột ngoài võ quy gắn 3 bộ bao lam, chạm lộng, chạm nổi: lưỡng long tranh châu, trĩ - mẫu, giỏ hoa, tứ linh, mai điểu, bên trên gắn 3 hoành phi, giữa hoành đắp nổi các Hán tự: Phú Nhuận Thành hoàng, Hiệp cảnh khương ninh, Hộ quốc tý dân, xung quanh viền khung dây lá. Hai bên mảng vách võ quy có 2 cửa ra vào, cặp vách võ ca và võ quy về phía bên phải là nhà khách, nhà tiệc và nhà khói, được xây cất kiên cố.

Khánh thờ Thần đình thần Phú Nhuận

Trong cùng là chính điện, khu vực chính điện có ba bộ cửa ra vào bằng gỗ, kiểu thượng song hạ bảng (trên chấn song, dưới mặt trám), nhằm tạo độ ánh sáng vừa phải cho không gian nội thất chính điện (các bộ cửa này thường đóng kín, chỉ mở vào những dịp lễ hội), bên trên ba bộ cửa là các khuôn bông chạm lộng, chạm nổi: dơi, mai điểu, tùng lộc, chậu hoa, dây lá. Giữa là các bức hoành phi, giữa hoành đắp nội các Hán tự: hộ quốc an dân, vị quốc vong thân, hải yến hà thành. Chính điện là khu vực quan trọng nhất của đình, nơi tập trung các hương án thờ tự, các bàn thờ được sắp xếp, bày trí theo thứ bậc, chức sắc của xã hội phong kiến đương thời. Chính giữa là ngôi thờ Thần, bệ thờ được xây cao trang trọng, thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh, mặt tiền bệ thờ vẽ lưỡng long vờn mây, trên cùng đặt khánh thờ thần bằng gỗ, trung tâm khánh thờ đắp nổi Hán tự 神 (Thần) sơn màu vàng nổi bật trên nền son đỏ thắm, khánh thờ chạm khắc sinh động các đề tài: long trụ, lưỡng long tranh châu, tứ linh, thủ quyển, sóc nho, lựu,… tất cả được sơn son thếp vàng rực rỡ làm tăng thêm uy linh vị thần ngự trị. Trên bệ thờ còn tôn trí các vật thờ tự: long vị, bộ lư, long đăng, chò chân vạc,... 2 bên dưới bệ thờ thần là cặp hạc đứng lưng quy chầu thần, đôi cột sát bệ thờ thần, gắn 2 liễn mặt phẳng bằng gỗ, móc lõm 11 Hán tự, đầu và chân liễn trang trí dơi ngậm dải dây dài, hoa văn hình học, vừa có chức năng giữ chắc tấm liễn, vừa nâng thêm giá trị mỹ thuật cho tấm liễn, vừa cộng hưởng sự trang trí hoàn hảo cho nội thất gian thờ. Ngang với án thờ Thần, bên trái là án thờ Tả ban, bên phải là án thờ Hữu ban. Gian giữa, đối diện với án thờ thần là án thờ Hội đồng nội, 2 bên đặt 2 hàng lỗ bộ, kế tiếp thờ Hội đồng ngoại, ngoài cùng là bàn thờ Tổ quốc, mặt trước thờ chân dung Bác Hồ, mặt hậu bản đồ Việt Nam, cùng nhiều tàng, lộng, trống, mõ,… Hai bên mảng vách chính điện là các nghi thờ: Đông Trù - Tiên Sư; Tiền Hiền - Hậu Hiền; Bạch Mã - Thái Giám; Tiền hương chức,… các bàn thờ bằng gạch xây dán gạch men, mặt tiền vẽ cảnh làng quê sông nước.

Nghệ thuật trang trí bờ nóc chính điện

Từ khâu xây dựng, chạm khắc, nghệ thuật trang trí đình, đều theo mô típ trang trí đình làng Nam bộ thời Nguyễn. Các hoành phi, liễn đối Hán tự khắc chạm theo lối chữ chân và chữ thảo sắc nét, nội dung mang tính triết lý nhân văn sâu sắc, ca ngợi công đức ơn Thần, các bậc tiền nhân có công lập làng, dựng chợ, là lời cầu nhân an vật thịnh, mưa thuận gió hòa,… Các bộ lam, thành vọng được nghệ nhân xưa thể hiện thông qua các loại hình chạm khắc: chạm lộng, chạm nổi công phu, sắc nét với các đề tài truyền thống: Bát tiên, tứ linh, tứ thời, tứ quý, mẫu đơn - trĩ, hoa - điểu, tùng - lộc hòa cùng thủ pháp sơn son thếp vàng trên nền gỗ đen bóng loáng; Trên các mặt dựng các cấp mái trang trí các khuôn tranh thuốc nước với các chủ đề: làng quê sông nước, điển tích, điểu - hoa, liên - áp, tùng - lộc, động thực vật,… màu sắc hài hòa, trang nhã. Các mảng chạm, các họa tiết hoa văn có bố cục đơn giản nhưng đường nét sắc sảo, tinh tế, từng cánh hoa, từng chiếc lá nhỏ, từng cụm mây điểm xuyết được thể hiện tỉ mỉ, sinh động đến từng chi tiết một, càng chiêm ngưỡng càng cuốn hút, tất cả góp phần tôn thêm vẽ đẹp mỹ thuật nội thất ngôi đình toàn mỹ.
Cho đến nay đình vẫn còn bảo lưu được 21 liễn đối (16 liễn được khắc trực tiếp vào cột), 8 bức hoành phi, gần 100 bức tranh sơn thủy,… (dấu tích thời kỳ lập đình) vẫn còn tươi màu sắc nét. Đây là những tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao, cần tiếp tục gìn giữ và bảo tồn.

Các lệ cúng chính trong năm:
-    Lễ Kỳ yên: 19-20/4 âm lịch.
-    Lạp miếu: 19-20/12 âm lịch.

Lễ hội Kỳ yên là lễ chính, dân gian thường gọi là lễ cúng đình, lễ vía Thần. Các lệ cúng hằng năm đều được tổ chức long trọng, trang nghiêm, đúng theo nghi thức cổ truyền dân tộc và tục lệ địa phương, nhân dân quanh vùng về dự rất đông. Lễ hội còn là dịp thể hiện mối quan hệ, giao lưu giữa làng này với các làng khác, địa phương này với các địa phương khác (mời Ban Quý tế đình, miếu bạn đến dự lễ hội đình làng mình).

Trong kháng chiến chống Pháp, đình Phú Nhuận là cơ sở nuôi chứa, hậu cần, cung cấp lương thực, thuốc men cho cán bộ và căn cứ cách mạng. Ông Cả Bậc, ông Bùi Văn Nhâm (trong Ban Quý tế đình) nhiệt tình vận động nhân dân tham gia kháng chiến cứu quốc, ủng hộ nuôi chứa, tiếp tế cho cách mạng. Dưới sàn võ ca là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Sát vách hậu chính điện là nơi in ấn tài liệu, truyền đơn, nơi lực lượng kháng chiến, dân quân du kích tổ chức các cuộc họp bàn phương án đốt phá nhà việc của Pháp, đánh đồn diệt viện ở các đồn bót gần địa phương. Ủy ban hành chính của xã cũng đóng ở đình. Hậu đình có nhiều cây to, xa xa là đồng ruộng, là nơi lực lượng Thanh niên Tiền Phong luyện tập võ nghệ, cũng là nơi các đoàn thể thanh niên, phụ nữ tập hợp sinh hoạt chính trị. Cầu đình (nhà mát) là trạm canh gác của Thanh niên Tiền phong. Đơn vị bộ đội anh Xị, anh Danh từng dừng chân đóng quân tại đình, tập họp luyện tập thanh niên tham gia trận phục kích đánh tàu Tây đoạt súng, tại cầu Thoại Giang (Núi Sập), tổ chức nhận chìm ghe, đốn cây làm vật cản, ngăn chặn tàu chiến Pháp tuần tra trên sông. Biết đình là cơ sở của Việt Minh, địch đã nhiều lần khám xét nhưng không chứng cứ, chúng cũng không làm được gì.

Kiến trúc đình thần Phú Nhuận năm 2017

Đình Phú Nhuận,dù đã trải qua bao lần trùng tu sửu chữa, song vẫn còn nguyên giá trị của một ngôi đình cổ kính uy nghiêm, là một công trình kiến trúc tiêu biểu thời phong kiến nhà Nguyễn, ghi đậm dấu ấn thời kỳ mở đất, là một trong những di tích lịch sử văn hóa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, gắn liền với đời sống tinh thần của bao thế hệ người dân sinh ra và lớn lên tại đây, trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi đình vẫn linh thiêng, vẫn thân thương, khắc sâu trong tiềm thức của từng dân làng, dù đi đâu, ở đâu, đến ngày lễ trọng đều nhớ tụ hội đông đủ về lễ bái thần linh, thể hiện là tấm lòng tri ân, cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức cho thế hệ hôm nay và mai sau. Hơn nữa, đình còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử cách mạng địa phương trong những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Đình Phú Nhuận là di sản văn hóa quý báu, luôn được chính quyền sở tại, Ban Quản trị đình cùng nhân dân địa phương bảo tồn, tôn tạo ngôi đình ngày càng khang trang, bền vững hơn.

Đình Phú Nhuận được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 1567/QĐCT.UB ngày 13/8/2004./.

Ban biên soạn kỷ yếu di tích lịch sử - văn hóa huyện