Dinh Sơn Trung – tiềm năng du lịch của huyện Châu Thành

Từ thành phố Long Xuyên đi Tri Tôn, trên tuyến tỉnh lộ 941, nhiều du khách biết đến địa danh cầu số 5 – xã Vĩnh Bình. Bởi đây không chỉ là nơi kết nối các địa phương Vĩnh Bình, Vĩnh An, Tân Phú của huyện Châu Thành, mà còn là địa điểm lưu thông giữa Châu Thành, Châu Phú và Thoại Sơn trên dòng kênh Ba Thê hiền hòa.

Qua cầu số 5, thuộc địa phận xã Vĩnh An, phía bên phải là cây cầu dây văng nối ấp Vĩnh Quới với đường tỉnh lộ. Con đường liên xã ấy dẫn du khách về Dinh Sơn Trung - Đền thờ vị Anh hùng dân tộc Đức Quản cơ Trần Văn Thành, mà từ lâu, bà con gần xa vẫn thường hay gọi là Dinh Đức cố.

“Thà thua xuống láng, xuống bưng
Kéo ra đầu giặc lỗi chưng quân thần”

Đó là lời khẳng định đầy khí khái của Anh hùng dân tộc Đức Quản cơ Trần Văn Thành. Ông sinh khoảng năm 1818, ở ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh Đông, huyện Châu Phú - nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân, An Giang. Trước cuộc sống khốn khổ của nhân dân trước giặc ngoại xâm, ông gia nhập quân đội triều Nguyễn, được phong suất đội. Trong một trận chiến đấu quyết liệt, đội quân do ông chỉ huy đã đánh bại giặc Xiêm. Ông được triều đình khen tặng và thăng chức Quản cơ, chỉ huy hơn 500 quân sĩ. Khi giặc Pháp xâm lược nước ta, ý thức được lòng tự tôn dân tộc, ông đã về vùng Láng Linh xưa để chiêu mộ nghĩa binh, chuẩn bị thực lực kháng chiến chống ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa với sự lãnh đạo của Đức Quản cơ Trần Văn Thành là một thành tích trong buổi đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Tây Nam bộ cận cuối thế kỷ 19, một đại diện tiêu biểu cho phong trào sĩ phu yêu nước đứng lên chống kẻ thù xâm lược bờ cõi nước nhà, tạo tiền đề cho các cuộc khởi nghĩa diệt giặc sau này.

Dù cuối cùng cuộc khởi nghĩa bị thất bại và Quản cơ Trần Văn Thành đã hy sinh nhưng tinh thần kiên trung, bất khuất vì đất nước của Đức Quản cơ và những nông dân yêu nước ở vùng đất này đã nêu tấm gương anh hùng bất khuất của nhân dân An Giang trong lịch sử truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Mà mãi mãi về sau tấm gương anh dũng đó vẫn được người người ca tụng. Ghi nhớ công lao to lớn vì độc lập dân tộc của Đức Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị trong cuộc kháng chiến Láng Linh – Bảy Thưa, nhân dân trong vùng đã dựng đền thờ từ thuở ấy cho đến nay. Theo thời gian, với sự đóng góp sức người, sức của của nhân dân gần xa, ngôi đền đơn sơ thuở nào nay đã trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Dinh Sơn Trung tại ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh An, là đồn Hưng Trung xưa, là nơi tổng hành Dinh của nghĩa quân do Quản cơ Trần Văn Thành trực tiếp chỉ huy. Trước đây, di tích này chỉ là một ngôi nhà sàn. Đến năm 2000, Dinh được xây mới và hằng năm được trùng tu, kiến tạo và sửa chữa với tinh thần đóng góp tự nguyện của người dân trong và ngoài huyện Châu Thành. Giờ đây, khi về thăm lại Dinh Sơn Trung, chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các công trình mang đậm giá trị thẩm mỹ. Dinh được xây dựng trên diện tích khoảng 5 hecta, gồm: Khu chánh điện - nơi thờ Đức Quản cơ Trần Văn Thành, bàn thờ Tổ quốc, bàn thờ các anh hùng Liệt sĩ,.....; Bên trái là Đông Lan chánh điện, bên phải là Tây Lan chánh điện, là hai nơi để cho người dân tham quan nghỉ ngơi và ăn uống. Ngoài ra, tại Dinh Sơn Trung còn dàn dựng lại khu Lò rèn, nơi mà xưa kia Đức Quản cơ Trần Văn Thành cùng với nghĩa binh đã rèn giáo, mác và gựa để khai hoang và đánh giặc. Bên cạnh khu lò rèn, Ban quản lý còn xây dựng đền thờ Bác Hồ… Những năm gần đây, Ban quản lý Dinh còn xây dựng đền thờ bà Cố (bà Nguyễn Thị Hạnh), nhà ăn, nhà xe, đền thờ Tam Hoàng và các công trình khác như cầu Long Phụng,… nhằm để phục vụ tốt cho bà con xa gần đến tham quan và phúng viếng. Vào ngày 20, 21 và 22  tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ hội Dinh Sơn Trung kỷ niệm ngày mất Đức Quản cơ - Trần Văn Thành được UBND xã Vĩnh An long trọng tổ chức. Hàng ngàn du khách gần xa về tham dự lễ hội nhân dịp kỷ niệm ngày mất của vị anh hùng dân tộc.

Mênh mông giữa những cánh đồng lúa, bên dòng kênh Ba Thê êm đềm, lại hiện lên một ngôi Dinh cổ với những công trình kiến trúc đậm nét dân gian, từ chính đôi bàn tay của những người nông dân chân chất mà hào phóng, nghĩa hiệp dựng xây nên. Đó là tấm lòng tưởng nhớ đến những con người đã hy sinh cho độc lập, tự do dân tộc, cho sự bình yên của xứ sở này. Đó cũng chính là lời nhắc nhở với các thế hệ mai sau – biết ơn người đi trước muôn đời vẫn là nguồn cội cho sự phát triển và tiến bước đi lên.

Xã Vĩnh An nói riêng và huyện Châu Thành nói chung tự hào vì trên quê hương mình có một vị anh hùng dân tộc đã đứng lên đấu tranh với giặc ngoại xâm ngay từ những buổi đầu chống Pháp. Đó là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm với những người đi trước. Huyện, xã đang tích cực kêu gọi đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp an toàn gắn với phát triển du lịch tâm linh tại Dinh Sơn Trung – Đền thờ vị anh hùng dân tộc Đức Quản cơ Trần Văn Thành. Những giá trị về lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ đã thu hút du khách gần xa trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên đó chỉ là vào những ngày Dinh tổ chức lễ hội. Còn thường nhật, chỉ có ít du khách ghé đến Dinh khi có dịp đi ngang qua địa phận xã. Thế nên, việc đặt ra trước mắt chính là phát triển các loại hình dịch vụ bền vững, hấp dẫn để thu hút du khách đến với Dinh Sơn Trung như đến với một địa điểm du lịch thật sự. Trong đó việc sản xuất nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch sinh thái, sinh hoạt văn hóa cộng đồng vùng sông nước miền Tây như trải nghiệm nghề nông, đờn ca tài tử,… được xem như là hướng đi mới, góp phần thúc đẩy vùng đất nơi đây ngày càng phát triển.

Và đó là cả một quá trình nghiên cứu, tính toán chặt chẽ để tạo tiền đề phát triển vùng đất đầu mối của nhiều địa phương trong và ngoài huyện Châu Thành.

Hồ Phát