Hoà Bình Thạnh nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả

 

Đáp ứng mục tiêu về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp điều kiện sinh thái địa phương, những năm gần đây, xã Hoà Bình Thạnh đã triển khai nhiều dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công cao gắn với xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, qua đó, xuất hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả cho giá trị kinh tế cao. 

Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi canh tác

Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, xã Hòa Bình Thạnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để tăng năng suất, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh hàng hóa nông sản cho nông dân theo hướng bền vững. Đặc biệt, địa phương chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy, Đề án 08/ĐA-HU ngày 11tháng 05 năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và phát triển mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Xã tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, nghiên cứu ứng dụng các mô hình mới, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn. Nhờ lồng ghép các Chương trình, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Đồng thời, Ngành chuyên môn tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi canh tác từ diện tích lúa kém hiệu quả, sang trồng màu và cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Từ việc, người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, phù hợp thị trường tiêu thụ gắn với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế, vươn lên khá giàu.

Hội thảo về mô hình nuôi lươn sinh sản

Điển hình cho việc áp dụng hiệu quả mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên lĩnh vực chăn nuôi lươn của hộ anh Phan Ngọc Thuận, ngụ ấp Hoà Thuận, xã Hoà Bình Thạnh. Anh đã thành công trong việc áp dụng kỹ thuật nuôi lươn sinh sản bằng phương pháp bán nhân tạo, không chỉ mang lợi nhuận kinh tế cao mà còn có đầu ra ổn định đầu ra. 

Anh Phan Ngọc Thuận chăm sóc lươn giống

Từ việc nhận thấy nghề nuôi lươn phát triển khá mạnh và có thể chủ động đầu ra, anh Phan Ngọc Thuận mua dụng cụ về xây dựng bể nuôi lươn thương phẩm, với diện tích 75m2, chủ yếu là từ nguồn giống thiên nhiên. Khoảng vài năm trở lại đây, lươn thương phẩm khá bấp bênh do người nuôi nhiều, nguồn cung nhiều hơn cầu. Anh Thuận cho biết “Với mức giá như thế này đối với người chăn nuôi chỉ từ hòa vốn chứ không có lãi vì nuôi lươn thương phẩm hao hụt từ 30 – 40%. Trừ chi phí con giống, thức ăn, công chăm sóc thì bà con chăn nuôi lãi không bao nhiêu, đôi khi chỉ hòa vốn mà thôi”.

Từ chỗ đầu ra lươn thương phẩm mất ổn định, hao hụt nhiều, năm 2022, được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, gia đình anh Thuận đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật chăn nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo. Anh Thuận chuyển hết diện tích nuôi lươn thương phẩm sang chăn nuôi lươn giống, với số lượng 200 ký/75m2. Để giúp anh Thuận an tâm thực hiện, trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ Trạm Khuyến nông đã thường xuyên theo dõi mô hình, tận tình hỗ trợ từ khâu chọn giống, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. 

Lươn giống chuẩn bị xuất bán

Sau khi thả lươn vào nuôi khoảng 6 tháng, anh Thuận bắt đầu tuyển chọn lươn bố mẹ, trọng lượng từ 50 – 100 gam, rồi xây dựng tiếp bể nuôi sinh sản, phía trong có chứa đất để lươn đẻ trứng. Sau thời gian hai tuần, anh lấy trứng chuyển sang môi trường nuôi bằng khí oxi, thời gian này thức ăn chủ yếu của lươn  là trùng nước (hay còn gọi là trùng chỉ). Sau thời gian nuôi 20 ngày, lươn đủ kích thước 3 đến 5 cm, bắt đầu xuất bán, tỷ lệ hao hụt thấp10%. Sau 6 tháng, anh Thuận thu hoạch được 10 đợt, với số lượng trung bình mỗi đợt 8.000 lươn con, với bán 2.000 đồng/con, trừ chi phí anh Thuận lãi trên 60 triệu đồng.

Anh Phan Ngọc Thuận, nông dân ấp Hòa Thuận, xã Hòa Bình Thạnh chia sẻ “Qua quá trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lươn sinh sản thì thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Như mấy năm nay, giá cả của lươn giống cũng bấp bênh, nếu mình sử dụng công nghệ cũ thì chi phí đầu vào cao. Còn bây giờ, mình ứng dụng công nghệ cao thì chi phí đầu vào thấp. Do đó, tỷ lệ cạnh tranh bán giá cũng dễ hơn, tăng lợi nhuận cho mình cao hơn so với cái cũ khoảng 30%...”.

Cũng giống như gia đình anh Thuận, gia đình chị Phạm Thị Kim Hảo, ngụ ấp Hoà Thịnh, xã Hoà Bình Thạnh cũng đã thành công trong thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng cây ăn trái kết hợp hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng hệ thống pin năng lượng mặt trời. Vườn dâu tằm ăn của chị Phạm Thị Kim Hảo nằm trên tuyến lộ liên xã Hòa Bình Thạnh – Vĩnh Thành, cách Trung tâm huyện Châu Thành khoảng 10 km. Trước đây, gia đình chị Hảo trồng lúa nhưng do giá cả không ổn định, đầu ra khó khăn. Để cải thiện kinh tế gia đình, chị Hảo tìm hiểu và mạnh dạn chuyển 1.000 m2 đất vườn tạp sang trồng dâu tằm ăn (khoảng 100 gốc dâu). Sau một năm chăm sóc, vườn dâu tằm ăn phát triển xanh tốt và cho những trái chín đầu tiên, có vị ngọt thanh không thua kém gì Dâu tằm được trồng tại Đà Lạt. Theo chị Phạm Thị Kim Hảo, dâu tằm ăn rất thích hợp để trồng trên những vùng đất cao, lại ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, mùa vụ cho trái lại kéo dài, nên rất thích hợp với những hộ gia đình có ít đất sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân

Chị Phan Thị Kim Hảo hái dâu bán cân cho thương lái

Chị Phan Thị Kim Hảo chia sẻ “Lúc đầu, trồng cũng lo lắm vì mình chưa nắm hết kỹ thuật và chưa có biết cách xử lý cho trái đúng thời điểm để bán được giá cao. Sau này biết ý nên thấy trồng dâu thu nhập ổn lắm chi phí trồng thấp, năng suất ổn định, mỗi gốc dâu cho trái từ 8 -10kg/vụ, bình quân 100 góc dâu cho từ 800 – 1000kg/vụ, giá bán cao hơn so với trồng lúa nhiều…”.

 

Sản phẩm dâu tươi của gia đình chị Hảo

Để đảm bảo nguồn ra cho sản phẩm dâu tằm, ngoài việc bán dâu tươi cho thương lái, chị Hảo còn chế biến dâu thành phẩm như: si rô dâu, mứt dâu, rượu dâu tằm…chính sự tận tâm, cần mẫn cộng với chất lượng, sản phẩm dâu tầm ăn của gia đình Chị rất được khách hàng ưa chuộng và chọn mua. Hiện tại, sản phẩm dâu tằm của chị đã có thị thường thu mua khá ổn định, với số lượng từ 40 ký/ngày. Với giá bán dâu tươi có giá dao động từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg, những lúc hút hàng giá dâu tăng lên ở mức 50.000 đồng/ký. Riêng đối với các loại thành phẩm như: mứt dâu, si rô dâu, rượu dâu có giá dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng/hủ/500gram, trừ chi phí mỗi năm cho lợi nhuận trên 150 triệu đồng. 

Có thể thấy rằng, chính từ việc mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp cho nông dân Hoà Bình Thạnh nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp nông thôn; Mà quan trọng hơn là giúp nông dân giảm chi phí, chủ động đầu ra, an tâm sản xuất, làm giàu; Góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

Trần Ngân