Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” do Hội Nông dân huyện Châu Thành phát động đã thực sự gắn kết chặt chẽ với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới mang lại bức tranh nông nghiệp, nông thôn đầy sức sống cho huyện nhà. Phong trào đã lan toả mạnh mẽ trong nông dân, từ phong trào, đã xuất hiện nhiều nông hộ dám nghĩ, dám làm, nhiều mô hình kinh tế tập thể hiệu quả đã và đang được nhân rộng. Dấu ấn của nông dân giỏi đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Châu Thành là một huyện nông nghiệp, trên 70% người dân sống bằng nghề nông. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp giữ vai trò chủ lực. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 81.500 héc-ta. Tổng số hộ làm nông nghiệp toàn huyện là gần 18.820 hộ. Tình hình nông dân nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất tinh thần nông dân, nông thôn được nâng cao và đổi mới rõ nét. Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến nay, toàn huyện có 9/11 xã đạt chuẩn xã Nông thôn mới; có 04/11 xã đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao.
Ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn canh tác lúa ứng dụng công nghệ sinh thái cho nông dân
Những năm qua, được sự quan tâm của Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện, với vai trò đoàn kết, tập hợp, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt. Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Châu Thành đã tích cực triển khai các nội dung trọng tâm công tác Hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua và ngày càng khẳng định vị trí, tổ chức Hội thực sự là trung tâm nòng cốt trong phong trào nông dân thời đại mới.
Lãnh đạo huyện đối thoại với nông dân
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện còn tạo điều kiện để lực lượng Hội Nông dân các cấp và nông dân trong huyện tham gia các Chương trình quảng bá sản phẩm, học tập kinh nghiệm trồng trọt chăn nuôi, làm kinh tế giỏi tại các địa phương trong và ngoài huyện. Từ đó, tạo nền tảng, trợ lực cho các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động tiếp tục được phát triển sâu rộng và được nâng cao về chất lượng, có sức lan toả, trong đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng thu hút đông đảo nông dân tham gia.
Mô hình trồng dưa treo giàn tại xã Vĩnh Thành
Có thể khẳng định rằng, Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã và đang có ý nghĩa thiết thực đối với hội viên, nông dân trong toàn huyện. Phong trào đã khơi dậy tính chủ động, sáng tạo trong khai thác, sử dụng hiệu quả lợi thế đất đai, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát huy được tính cộng đồng giúp nhau cùng phát triển kinh tế, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Nông dân chia sẻ kinh nghiệm trồng Thanh Nhãn
Sau 3 năm thực hiện và bám sát Chủ đề Phong trào “Phát triển các mô hình kinh tế hợp tác gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị”, Hội Nông dân huyện đã tổ chức trên 200 cuộc triển khai, phát động, đăng ký thi đua, có gần 7.860 lượt nông dân tham dự. Việc xét chọn được các cấp, các Ngành hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội Nông dân tập trung thực hiện tốt, đảm bảo được tính công khai, dân chủ đúng quy định, qua đó, đã tạo được sự đồng thuận trong nội bộ nông dân. Kết quả, trong giai đoạn 2022 – 2024, toàn huyện có trên 22.840 lượt nông dân và 58 lượt tập thể sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó, Nông dân giỏi cấp tỉnh 1.833 lượt nông dân và 16 lượt tập thể cấp tỉnh; Nông dân giỏi cấp huyện 5.427 lượt nông dân và 19 lượt tập thể giỏi cấp huyện; Nông dân giỏi cấp xã 15.518 lượt nông dân và 23 lượt tập thể cấp xã.
Đáng ghi nhận, qua 11 kỳ Đại hội, số lượng và chất lượng hộ sản xuất kinh doanh giỏi hằng năm đều tăng lên và bền vững hơn so với giai đoạn trước và đa dạng ở nhiều Ngành nghề, trong đó, xuất hiện nhiều hơn những mô hình kinh tế tập thể, mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số, đặc biệt là số hộ có mức thu nhập từ 500 triệu đồng được tăng lên. Cụ thể, ở giai đoạn này, có trên 150 hộ nông dân giỏi có doanh thu cao nhất 1 tỷ 850 triệu đồng, thấp nhất 450 triệu đồng và đóng góp xây dựng nông thôn trên 400 triệu đồng và hơn 4.000 ngày công, hướng dẫn giúp đỡ cho gần 2.000 nông dân khác và tạo công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động ở nông thôn; Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân, nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện đến cuối năm 2023 đạt 68,21 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống mức 2,35%.
Đông trùng hạ thảo sản phẩm tiềm năng của địa phương
Phong trào còn góp phần thúc đẩy nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy An Giang về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 gắn với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp mỗi xã một sản phẩm để thay đổi tập quán sản xuất và đảm bảo các quy định về chất lượng sản phẩm nông sản có tính cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập. Nông dân ngày càng nhạy bén trong ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị. Đã có nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, lấy thế mạnh của địa phương làm đoàn bẩy, lấy sản phẩm nông thôn để tạo ra sản phẩm hàng hoá cho hiệu quả kinh tế cao hơn, để rồi không dừng lại ở đồng quê, chân đất, những nông dân giỏi đã trở thành những chủ kinh doanh, đưa thương hiệu địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Anh Bùi Văn Cưỡng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Vĩnh Hoà, xã Vĩnh Nhuận cho biết “sản phẩm Ocop 3 sao cũng được chính quyền hỗ trợ. Nói chung, được Ocop 3 sao, hợp tác xã cũng có phương hướng đi thêm một bước nữa là ký kết với các Doanh nghiệp khác về cho hợp tác xã, để sau này thành viên có lợi nhuận nâng cao thêm..”.
Hơn thế nữa, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được nông dân áp dụng, điển hình như: Mô hình nhân giống và trồng hoa kiểng trong nhà lưới của ông Phan Minh Mẫn, thị trấn An Châu có doanh thu hàng năm trên 1,5 tỷ đồng; Mô hình sản xuất Đông trùng Hạ thảo của ông Trương Hoàng Huy, xã Cần Đăng nuôi cấy phôi nấm và cung cấp sản phẩm Đông trùng hạ thảo lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm; Mô hình trồng nấm linh chi, nấm bào ngư và sản xuất phôi giống của Tổ dịch vụ nông nghiệp “Tín Đạt” tại xã Bình Hòa, do ông Huỳnh Minh Kiển, lợi nhuận trên 500 triệu đồng; Tổ hội Nghề nghiệp làm vườn thị trấn Vĩnh Bình góp phần giải quyết việc làm trên 100 lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Nhà lưới trồng hoa và nhân giống hoa kiểng của ông Phan Minh Mẫn
Từ nguồn nguyên liệu đậu nành sẵn có tại địa phương, cô Nguyễn Thị Yến Phương, ngụ ấp Trung Thành, xã Vĩnh Thành đã tận dụng và phát huy thế mạnh sẵn có, xây dựng thành công thương hiệu Nước mắm chay Cô Nành và đã được Tỉnh công nhận là sản phẩm Occop 3 sao. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc phát triển sản phẩm thương hiệu sản phẩm đặc trưng huyện nhà.
Sản phẩm Nước mắm chay Cô Nành, xã Vĩnh Thành
Cô Võ Thị Yến Phương, chủ hộ kinh doanh Yến Phương sản phẩm ocop 3 sao Nước mắm chay Cô Nành chia sẻ “Do gia đình cha mẹ hai bên đều ăn chay, nên gia đình làm tàu hủ để bán. Sau khi dịch bệnh Covid – 19 buôn bán không được thuận lợi, cô chuyển sang nấu nước mắm chay để bán, rồi được địa phương khuyến khích tham gia xây dựng sản phẩm Occop nên cô tham gia với thương hiệu Nước nắm chay Cô Nành, sản phẩm cũng được nhiều người biết đến...”.
Thực tế ở Châu Thành cho thấy, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được xem là một Chương trình Liên ngành nhằm khích lệ, động viên sự cần cù, chịu khó của nông dân, biết tiếp thu cái mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mạnh dạng phá bỏ cái cũ, kém hiệu quả, để làm ăn theo cách mới có hiệu quả hơn. Minh chứng cho sự thay đổi đó, Hội viên Hội Nông dân ở huyện Châu Thành đã tích cực tham gia các Câu lạc bộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Chi, Tổ hội Nghề nghiệp. Trong 03 năm, Hội đã tham gia xây dựng, phát triển mới 03 Hợp tác xã kiểu mới; củng cố, nâng chất 100% Tổ hợp tác. Đến nay, toàn huyện có 19 Hợp tác xã, 132 Tổ hợp tác với 1.011 thành viên. Hội đã thành lập mới 06 Chi hội Nghề nghiệp Nuôi lươn, trồng rau màu, trồng lúa giống, trồng lúa và Chăm sóc vườn cây sầu riêng có 119 hội viên và 50 Tổ hội Nghề nghiệp với 508 thành viên. Tính đến nay, toàn huyện hiện có 110 tổ Hội nghề nghiệp, 12 Chi hội nghề nghiệp với 368 hội viên. Hội cũng đã xây dựng được 22 mô hình tiêu biểu theo kiểu kinh tế hộ, kinh tế trang trại, Doanh nhân nông thôn, Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái, cây lúa theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm “Cánh đồng lớn”, qua đó, đã giúp cho nhiều bà con nông dân, tổ viên tăng lợi nhuận trong sản xuất.
Cùng với việc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua các cấp, Hội Nông dân huyện còn chú trọng các giải pháp hỗ trợ vốn, giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn lực phát triển kinh tế. Trong 3 năm qua, Ban Điều hành Quỹ nông dân thẩm định và giải ngân 09 Dự án với số tiền 1 tỷ 450 triệu đồng về nuôi lươn sinh sản, trồng cây ăn trái, trồng dừa giống… tại các xã, thị trấn; Thu hồi 11 Dự án với số tiền trên 1 tỷ đồng. Hiện Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đang quản lý trên 1 tỷ 900 triệu đồng, thực hiện 08 Dự án với số tiền trên 1 tỷ 110 triệu đồng. Ngoài ra, huyện quản lý số tiền 1,6 tỷ đồng được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh và Trung ương cho xã Vĩnh Nhuận của Dự án Trồng và chăm sóc vườn cây ăn trái và dự án Chăm sóc vườn sầu riêng theo hướng an toàn.
Ngoài ra, Hội còn thực hiện tốt việc ủy thác vốn với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tổng dư nợ của các Chương trình tín dụng chính sách gần 152 tỷ đồng, có 96 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Số thành viên tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn là 4.023 thành viên, đã được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng để phát triển các Dự án sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tạo điều kiện để hội viên, nông dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Nông dân tham gia dặm vá lộ giao thông nông thôn
Bên cạnh đó, Nông dân huyện Châu Thành còn phát huy vai trò chủ thể trong thi đua, xây dựng Nông thôn mới, điểm nhấn là các phong trào an sinh xã hội, đoàn kết, tương trợ nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội nông thôn. Trong 3 năm, lực lượng nông dân giỏi 3 cấp của huyện đã đóng góp trên 27 tỷ đồng và 324.000 ngày công lao động, hướng dẫn giúp đỡ trên 1.677 lượt nông dân về khoa học kỹ thuật, về việc làm để vươn lên thoát nghèo…. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Mặt trận, Đoàn thể các cấp cất mới, tu sửa trên 60 cây cầu nông thôn, xây dựng mới và sửa chữa trên 340 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương; Rải cát đá hàng trăm ki lô mét đường giao thông nông thôn. Các hội viên còn hưởng ứng rất tích cực tham gia các mô hình: Tổ đội phòng chống tội phạm giữ gìn an ninh trật tự, mô hình thắp sáng lộ giao thông nông thôn… nhiều cơ sở Hội còn tổ chức ra mắt và thực hiện những tuyến “Đường hoa, xóm đẹp”, tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải, chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng… qua đó, góp phần làm cho diện mạo nông thôn thêm khởi sắc. Những nông dân giỏi đã có đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân trên địa bàn. Phong trào đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương, tạo động lực xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt đưa đời sống của người nông dân ở vùng nông thôn phát triển mạnh mẽ.
Khi phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi phát triển mạnh mẽ sẽ tạo thế và lực để thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn Châu Thành phát triển nhanh và bền vững. Khi nông dân làm nông nghiệp giỏi, thi đua vượt khó sẽ xây dựng đời sống nông thôn vững chắc, tiến xa và mạnh. Chính sự chuyển mình của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua từng chặng đường phát triển của phong trào nông dân giỏi huyện nhà đã tạo được kỳ vọng lớn, sự tin tưởng cao của lãnh đạo huyện nhà, để nông dân phát huy năng lực, hiệu quả, khơi dậy nội lực, sáng tạo, đóng góp vào công cuộc tái cơ cấu Ngành, phát triển nền nông nghiệp huyện nhà lớn mạnh.
Lãnh đạo huyện Châu Thành tuyên dương nông dân giỏi các cấp
Ông Nguyễn Tấn Phong – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết “Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được trong thời gian vừa qua, cũng như tiếp tục thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2024 – 2026, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, cũng như nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, tạo động lực xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện. Ngoài 08 nội dung về nhiệm vụ giải pháp tại Đại hội, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong toàn huyện cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ. Cụ thể, thường xuyên làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, công tác vận động tuyên truyền để cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của phong trào; Cụ thể hoá các chỉ tiêu thi đua làm sao cho phù hợp với hoạt động của Hội, đồng thời tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực và hiệu quả. Tiếp tục khơi dậy tinh thần thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong mỗi nông dân, tăng cường triển khai sâu rộng để tạo sức lan toả mạnh mẽ hơn nữa đối với phong trào trong cộng đồng dân cư, với phương châm “Người biết làm kinh tế giỏi hướng dẫn cho người chưa biết và người thực hiện tốt vận động người khác cùng thực hiện” để làm sao tạo ra phong trào thi đua yêu nước, thường xuyên trong toàn địa bàn huyện. Định kỳ sơ, tổng kết kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp cho phong trào thi đua và nhân rộng các tập thể, cá nhân được tôn vinh, khen thưởng. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn dịch vụ và hỗ trợ cho nông dân gắn với việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả để góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt, trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh trên địa bàn”.
Phải khẳng định rằng, khi nông dân Châu Thành đoàn kết, sáng tạo và khi một tất đất không bị bỏ hoang, dẫu bao giọt mồ hôi đổ xuống, cuối cùng sẽ cho trái ngọt. Cũng chính vì thế, những hình mẫu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi rất đáng được tôn vinh. Tiếp nối những thành công của phong trào trong giai đoạn trước cùng với sự nỗ lực, vươn mình gặt hái những thành công trong giai đoạn mới. Với niềm tin và kỳ vọng, khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, tin chắc rằng, dấu ấn của nông dân giỏi huyện Châu Thành sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc để huyện Châu thành xây dựng thành công Huyện Nông thôn mới vào năm 2025.
Trần Ngân