Nông dân chủ động phòng bệnh cháy bìa lá và bệnh lép vàng

Hiện nay trên trà lúa làm đòng đến trổ chín, bệnh cháy bìa lá và bệnh lép vàng xuất hiện gây hại trên diện rộng. Để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thiệt hại cho bà con nông dân. Chúng tôi có trao đổi cùng ông Nguyễn Trường Giang – Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành để hướng dẫn bà con nông dân cách quản lý dịch hại và phòng trừ.

Vụ Hè Thu 2024 trên địa bàn huyện Châu Thành đã xuống giống 27.633,62ha. Hiện lúa đang giai đoạn làm đòng- trổ là chủ yếu, do thời tiết không thuận lợi xuất hiện nắng mưa xen kẽ, trưa nắng nóng, chiều tối có mưa kèm theo giông gió lớn, ẩm độ cao tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh trên cây trồng phát triển mạnh. Qua thực tế kiểm tra trên đồng ruộng hiện nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh cháy bìa lá và bệnh lép vàng gây hại cho sự sinh trưởng của cây lúa ở giai đoạn đòng -trổ.

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết “ Qua công tác thăm đồng, hiện nay bệnh cháy bìa lá lúa gây hại chủ yếu trên trà lúa từ làm đòng đến trổ chín, diện tích nhiễm trong tuần là 56 ha, lũy kế từ đầu vụ đến nay là 168 ha cấp bệnh từ cấp 1- cấp 3 (nhiễm nhẹ). Bệnh lép vàng gây hại trên trà lúa trổ đến chín, diện tích nhiễm trong tuần là 183 ha cấp bệnh từ cấp 1- cấp 3 (nhiễm nhẹ)...”

Do điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho bệnh cháy bìa lá, bệnh lép vàng phát triển và lây lan trên diện rộng. Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết thêm. 

Bệnh cháy bìa lá: Môi trường ẩm ướt do mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để bệnh cháy bìa lá phát triển và gây hại trên những giống nhiễm đặc biệt là những giống lúa thơm như: OM 18, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9…

(Bệnh cháy bìa lá)
(Bệnh cháy bìa lá)

Tác nhân: bệnh cháy bìa lá trên lúa (bạc lá) do vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây ra, là một trong những đối tượng dịch hại nghiêm trọng, làm giảm khả năng quang hợp, hạt bị lem lép, làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng lúa.

Triệu chứng: vết bệnh ban đầu có màu vàng nhạt, thường xuất hiện ở mép lá hay chóp lá, sau đó vết bệnh kéo dài theo gân lá tạo thành các vết cháy khô dọc theo gân hay bìa lá. Kế tiếp các vết bệnh sẽ lan dần ra khắp phiến lá làm cho cả lá bị cháy khô.

Bệnh lép vàng: Bệnh lép vàng hay bệnh thối hạt do tác nhân vi khuẩn Burkholderia glumae

(Bệnh lép vàng)

Triệu chứng: vi khuẩn gây thối phôi nhũ của hoa lúa giai đoạn trổ gây triệu chứng lép hạt hoàn toàn, vỏ trấu bên ngoài màu vàng, với triệu chứng này nên bệnh được gọi là bệnh lép vàng. Vi khuẩn còn gây thối hạt sau khi hoa đã thụ phấn thành công (giai đoạn ngậm sữa và tượng bột) gây nên triệu chứng hạt lững và phôi nhũ bị thối nâu. Nếu bông lúa bị nhiễm nặng hầu hết các
hạt trên gié hoa lép và lững dẫn đến hiện tượng bông lúa nhẹ đâm thẳng lên trời, nên nông dân gọi là “ bệnh bắn máy bay”.

Để quản lý tốt hai đối tượng gây hại này, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành khuyến cáo bà con một số biện pháp phòng tránh hiệu quả, cụ thể như: 

Đối với bệnh cháy bìa lá lúa: bà con nông dân nên bón phân cân đối giữa đạm lân và kali đặc biệt tăng cường phun phân bón lá có chứa Canxi, Silic để cho cây lúa cứng cáp chống chịu với bệnh. Khi có triệu chứng bệnh phát triển thì ngưng ngay việc bón phân đạm và các loại phân qua lá có chứa đạm, tiến hành tháo nước trên ruộng và phun thuốc có tính chất hình thành tính kháng bệnh cho cây lúa như: fosetyl aluminium, chitosan, salicylic acid…, khi trên ruộng lúa xuất hiện bệnh cháy bìa lá thành từng chòm thì phun thuốc đặc trị vi khuẩn có chứa hoạt chất như: Streptomycin sulfate, Oxytetracycline hydrochloride, Gentamicin sulfate…

Chú ý: khi phun thuốc trừ bệnh phải phun lúc ruộng khô ráo để tránh lây lan bệnh trên diện rộng và phải luân phiên một số loại thuốc đặc trị vi khuẩn để phòng trị.

Đối với bệnh lép vàng: 

Không sử dụng hạt giống từ ruộng mắc bệnh lép vàng. Nên sử dụng giống xác nhận.

Xử lý hạt giống bằng thuốc trừ vi khuẩn trước khi ngâm ủ hoặc sau khi ngâm ủ hạt.

Phun thuốc trừ vi khuẩn hai lần lúc lúa trổ lẹt xẹt và lúa trổ đều (khoảng 5-7 ngày sau lần phun thứ nhất). Sử dụng vi khuẩn đối kháng Bacillus spp. Pseudomonas, đặc biệt thực khuẩn thể (bacteriophage) được ghi nhận mang lại hiệu quả tốt trong phòng trừ bệnh hoặc có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị vi khuẩn: oxolinic acid, bronopol, hoặc các loại thuốc gốc kháng sinh như: Streptomycin sulfate, Oxytetracycline hydrochloride, Gentamycine Oxytetracyline,… 

Trần Ngân