Nông dân chủ động phòng sâu cuốn là và rầy phấn trắng

Hiện nay trên trà lúa làm đòng đến trổ chín, sâu cuốn lá và rầy phấn trắng xuất hiện gây hại trên diện rộng. Để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thiệt hại cho bà con nông dân. Chúng tôi có trao đổi cùng ông Nguyễn Trường Giang – Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành để hướng dẫn bà con nông dân cách quản lý dịch hại và phòng trừ.

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết “ Qua công tác thăm đồng, hiện nay trên đồng ruộng xuất hiện rất nhiều ngài sâu cuốn lá, dự kiến sẽ có một đợt sâu cuốn lá nở rộ và gây hại trên trà lúa trổ ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ bị nặng bên cạnh đối tượng sâu cuốn lá, trên đồng ruộng cũng xuất hiện đối tượng rầy phấn trắng gây hại trên diện rộng, xuất hiện cục bộ với mật độ cao làm vàng lá lúa thành từng chòm...”

Để nhận biết đặc điểm hình thái, khả năng gây hại và biện pháp phòng trừ hai đối tượng này, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành khuyến cáo đến bà con cần lưu ý như sau:

Đối với Rầy phấn trắng:

  • Đặc điểm hình thái:

Rầy phấn trắng có vòng đời khoảng 19 ngày, dao động từ 17-24 ngày. 

Thành trùng: trông giống một loài bướm nhỏ, có 2 cặp cánh màu trắng, 

Con cái có chiều dài thân khoảng 0,85 - 1,05 mm, sải cánh 1,98 - 2,48 mm.

Con đực nhỏ hơn, chiều dài thân từ 0,78 - 0,95 mm, sải cánh 1,55 - 1,78 mm

Trứng được đẻ rời rạc hoặc từng ổ ở mặt trên và dưới của lá lúa. Con cái có thể đẻ 11 - 240 trứng.
Trứng thường được đẻ tập trung ở 2/3 lá về phía chóp lá. Trứng có hình quả lê hơi thon dài, bề mặt nhẵn bóng, chiều dài trứng 0,02 mm, chiều rộng 0,09mm. 

  • Triệu chứng gây hại:

Rầy phấn trắng gây hại từ lúc lúa đẻ  nhánh rộ đến làm đòng, trổ bông và ngậm sữa;

Con trưởng thành và cả con ấu trùng đều chích hút nhựa ở mặt dưới của  lá lúa làm lá bị vàng úa (ruộng lúa bị vàng từng chòm). Nếu nặng có thể làm cho lúa trổ không đều, bông lúa bị lép lửng, thậm chí có thể làm cho bông lúa bị nghẹn trổ không thoát hoặc nếu có trổ được thì cũng bị lép.

Rầy phấn trắng còn truyền bệnh virus, làm cổ lá đòng bị co rút chặt, không bung ra được, bông lúa không trổ thoát, nếu có trổ được thì các gié lúa cũng quấn sát vào nhau và bị lép.

  • Biện pháp phòng trị:

Sạ thưa với lượng giống khoảng 80-100 kg/ha; 

Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali không nên bón thừa đạm;

Bảo vệ nguồn thiên địch (Nhện, kiến ba khoang, bọ rùa, bọ xít mù xanh,…) bằng cách không phun thuốc trừ sâu sớm ở đầu vụ;

Ứng dụng Công nghệ sinh thái trong quản lý rầy phấn trắng

Do rầy phấn trắng có vòng đời ngắn, lại sinh sản nhiều (mỗi con cái có thể đẻ hàng trăm trứng) và phát triển rất mạnh. Để chủ động hạn chế tác hại của rầy, cần phải kiểm tra ruộng lúa thường xuyên, kiểm tra kỹ mặt dưới của lá, hoặc khua động bụi lúa để rầy bay lên nếu thấy mật số cao và có chiều hướng gia tăng thì phải sử dụng thuốc diệt trừ rầy phấn trắng kịp thời bằng những loại thuốc  có chứa các hoạt chất sau: Dinotefuran, Buprofezin, Imidacloprid, Pymetrozine, Nitenpyram, Thiamethoxam… Khi  phun xịt, nhớ đưa vòi xịt xuống thấp phía dưới tán lúa để thuốc có thể tiếp xúc được với rầy, rầy dễ chết hơn.

Đối với sâu cuốn lá:

  • Đặc điểm hình thái:

Trứng hình bầu dục, có vân mạng lưới rất nhỏ, đẻ cả ở mặt trên và mặt dưới lá (nhưng chủ yếu ở mặt trên lá). Trứng mới đẻ màu hơi đục, khi gần nở chuyển màu ngà vàng.

Sâu non tuổi 1 đã rất linh hoạt; tuổi 2-3 trở đi nhả tơ khâu hai mép lá cuốn thành tổ nằm bên trong gây hại; tuổi 4-5 nhả tơ dệt gập lá theo chiều ngang hoặc chập nhiều lá thành bao. 

Nhộng: có mầm cánh, râu đầu và chân vượt quá mép sau đốt bụng thứ 4. lỗ thở trồi lên, các đốt bụng thứ 6, 8 thót vào.

Con trưởng thành: có màu vàng nâu, mép trước cánh trước màu nâu đen. Ở khoảng 2/3 kể từ gốc cánh con đực có chấm lõm màu đen óng ánh, trên chấm có chùm lông màu nâu xẫm.

  • Đặc điểm sinh học, sinh thái:

Vòng đời của sâu cuốn lá nhỏ từ 30-35 ngày:

Thời gian trứng: 6-7 ngày.

Thời gian sâu non: 15-25 ngày.

Thời gian nhộng: 6-8 ngày.

Thời gian ngài vũ hóa đến đẻ trứng: 2-7 ngày.

Ngài của sâu cuốn lá nhỏ có tính hướng quang rất mạnh và con cái mạnh hơn con đực. Nhộng thường vũ hóa về đêm, ban ngày thường ẩn nấp, nếu khua động thì chỉ bay lên bằng chiều cao ngọn

  • Triệu chứng gây hại:

Sâu cuốn lá gây hại bằng cách nhả tơ, kết hai mép lá lại theo chiều dọc thành ống để sinh sống và gây hại bên trong. Chúng ăn phần thịt lá, chỉ chừa lại lớp biểu bì khiến lá lúa bị giảm diện tích quang hợp, mất diệp lục tố dẫn đến sinh trưởng kém, nếu sâu gây hại nặng ở giai đoạn lúa trổ sẽ khiến hạt bị lép lửng, giảm năng suất.

  • Biện pháp phòng trừ

Xác định sự xuất hiện của ngài sâu cuốn lá trên ruộng để lựa chọn thời điểm xử lý thuốc là một việc làm vô cùng cần thiết, vì vậy bà con nên thăm đồng thường xuyên, nếu ngài sâu cuốn lá rộ trên đồng thì 6 - 7 ngày sau sẽ có sâu mới nở tuổi 1, đây là thời điểm tốt nhất để phun thuốc vì sâu còn non, dễ chết khi tiếp xúc với thuốc. Một số hoạt chất có thể quản lý tốt sâu cuốn lá như: Isocycloseram, Chlorfenapyr,…  

Phun ướt đều trên tán lá để thuốc tiếp xúc được với sâu và nên phun đúng liều lượng, nồng độ khi sâu ở tuổi 1 – 2 (mật độ 20 con/m2) để vừa đạt hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí.

Trước những diễn biến của thời tiết và tình hình dịch hại trên cây lúa ở gai đoạn đòng – trổ chín. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành khuyến cáo đến bà con nông dân cần chú ý thăm đồng thường xuyên để quan sát dịch hại phát sinh trên cây lúa, từ đó, có biện pháp chủ động phòng tránh nhằm bảo vệ tốt cây lúa ở thời điểm gần thu hoạch, giảm thất thoát và thiệt hại cho nông dân./.

Trần Ngân