BẢN TIN NÔNG VỤ HUYỆN CHÂU THÀNH

TÌNH HÌNH CHUNG.

1. Tình hình khí tượng thủy văn:

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình thời tiết, khí
tượng, thủy văn khu vực Nam Bộ trong vụ Hè thu 2024 có những diễn biến
như sau:

  1.1 Khí tượng:

  • Hiện tượng ENSO:

Theo dự báo của các Trung tâm Khí hậu trên thế giới, đến khoảng tháng 6/2024, El Nino tiếp tục suy yếu và chuyển dần sang trạng thái trung tính với xác suất 80-85%, sau đó có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-65%; từ tháng 8-10/2024 có khả năng chuyển dần sang trạng thái La Nina với xác suất 70-80%.

  1.2 Lượng mưa: 

+ Từ ngày 11-20/6/2024: lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa trung bình mỗi trạm từ 20-80mm.

+ Từ ngày 21-30/6/2024: lượng mưa ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa trung bình mỗi trạm từ 30-100mm.

  • Dự báo mưa: 

Dự báo từ ngày 18/6 đến ngày 27/6/2024: từ ngày 18-19/6/2024 nắng nóng, không có mưa, ngày 20-22/6/2024 có mây, có mưa rào và dông, từ ngày 23-25/6/2024 có nhiều mây, có mưa trên diện rộng, từ ngày 26-27/6/2024 ít mây, nắng nóng.

  • Nhiệt độ:

Nhiệt độ trung bình tháng 6/2024 tại các khu vực trên phạm vi tỉnh ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Nhiệt độ tối cao phổ biến từ 34.5- 37.5°C; Nhiệt độ tối thấp từ 25.0-29.0°C; Nhiệt độ trung bình từ 28.5-31.5°C. 

+ Từ ngày 11-20/6/2024: Nhiệt độ trung bình cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Nhiệt độ tối cao 35.5-37.5°C; Nhiệt độ tối thấp 25.5-28.0°C; Nhiệt độ trung bình từ 29.0-32.0°C. 

+ Từ ngày 21-30/6/2024: Nhiệt độ trung bình và cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Nhiệt độ tối cao 34.5-37.0°C; Nhiệt độ tối thấp 25.0-28.0°C; Nhiệt độ trung bình 28.5-31.5°C.         

  1.3 Bão và áp thấp nhiệt đới:

Từ tháng 6/2024, trên Biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão/Áp thấp
nhiệt đới (ATNĐ) Tháng 7-9/2024, bão/ATNĐ có khả năng xuất hiện khoảng từ 4-6 cơn trên Biển Đông và khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng đến đất liền.

2. Tình hình xuống giống và cơ cấu giống:

Xuống giống lúa được 27.633,62 ha / 27.753,36 ha đạt 99,57 % so với kế hoạch. Trong đó giai đoạn làm đòng 7.090,73 ha, trổ 19.438,79 ha, chín 1.104,5 ha.

Cơ cấu giống: OM 5451 68,54%, OM 380 12,37%, OM 18 7,56%, ĐT8 4,67%, một số giống khác như: Nàng Hoa 9, IR50404, Nếp… chiếm tỷ lệ thấp

3. Tình hình giá cả và tiêu thụ lúa:

Lúa IR 50404 giá dao động quanh mốc 7.400 - 7.500 đồng/kg; Nếp Long An (khô) ở mức 9.500 - 9.700 đồng/kg; Lúa Đài thơm 8 giá 7.600 - 7.800 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg); Lúa OM 5451 giá ổn định 7.600 - 7.700 đồng/kg; Lúa OM 18 có giá 7.600 - 7.800 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg); OM 380 dao động từ 7.500 - 7.600 đồng/kg.

Giá phân Ure dao động từ 480.000-540.000đ/bao, phân Kali dao động từ 530.000-550.000đ/bao, phân DAP từ 760.000-1.110.000đ/bao, phân NPK(16.16.8) từ 630.000-680.000đ/bao, phân NPK(20.20.15) từ 890.000-970.000đ/bao

Các công ty, doanh nghiệp (công ty Đồng Phát, công ty Nông Hưng Phát, công ty Tiến Nông, doanh nghiệp Phương Minh, doanh nghiệp Định Thành,…) ký hợp đồng với nông dân được 4.691,61 ha/1.391 hộ. 

DỰ BÁO TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI LÚA HÈ THU 2024:

Căn cứ tình hình dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn và tình hình xuống
giống các trà lúa và cơ cấu giống lúa như trên; trong vụ lúa Hè Thu năm 2024,
cần lưu ý một số sinh vật gây hại chủ yếu sau đây:

  • Rầy bông (rầy Zigzag): xuất hiện và gây hại trên tất cả các trà lúa từ làm đòng đến trổ chín với mức độ nhiễm nhẹ


  • Rầy phấn trắng: rầy phấn trắng có khả năng phát triển mạnh trên lúa giai đoạn làm đòng đến trổ với mức độ từ nhẹ đến trung bình.

  • Sâu cuốn lá nhỏ: xuất hiện thường xuyên trên đồng ruộng và gây hại ở mức nhẹ đến trung bình, cục bộ bị nặng

  • Bệnh đạo ôn cổ bông: bệnh sẽ phát sinh ở mức độ từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa trổ-chín, bệnh gây hại nặng trên các giống nhiễm như IR 50404, Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, Jasmine 85,...

  • Bênh cháy bìa lá: Bệnh sẽ phát triển mạnh và gây hại nặng trong điều kiện môi trường có ẩm độ cao: như mưa giông, áp thấp nhiệt đới hay mưa bão kéo dài nhiều ngày trong khoảng từ giữa tháng 6 đến tháng 7/2024, xuất hiện trên lúa giai đoạn làm đòng đến trổ đều và ngậm sữa.

  • Bệnh lem lép hạt: Bệnh sẽ xuất hiện trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao (trời âm u, có
    mưa nắng xen kẻ) trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7/2024
    với mức độ từ nhẹ đến trung bình. Chú ý trên giống Đài Thơm 8, OM 18, Nàng Hoa 9, Jasmine 85, IR50404…


 

BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG SINH VẬT GÂY HẠI:

Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải
5 giảm; công nghệ sinh thái,...; Thăm đồng thường xuyên, quan sát kỹ ruộng lúa
để phát hiện và có biện pháp quản lý dịch hại kịp thời;

Bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, hạn chế bón thừa phân đạm. Khuyến cáo nông dân thay thế một phần phân hóa học bằng các loại phân hữu cơ nhằm cải tạo đất, tăng khả năng kháng của cây lúa trong điều kiện bất lợi của thời tiết.

Đối với rầy bông (rầy Zigzag) nên thăm đồng thường xuyên để theo dõi mật đội của rầy, nếu mật độ rầy trên 1.500 con/m2  thì tiến hành phun phòng trừ bằng một số loại thuốc có chứa hoạt chất: Nitenpyram, Pymetrozine, Triflumezopyrim,…

Đối với rầy phấn trắng cần phải kiểm tra ruộng lúa thường xuyên, kiểm tra kỹ mặt dưới của lá, hoặc khua động bụi lúa để rầy bay lên nếu thấy mật số cao và có chiều hướng gia tăng thì phải sử dụng thuốc diệt trừ rầy phấn trắng kịp thời bằng những loại thuốc có chứa các hoạt chất sau: Dinotefuran, Buprofezin, Imidacloprid, Pymetrozine, Nitenpyram, Thiamethoxam… Khi phun xịt, nhớ đưa vòi xịt xuống thấp phía dưới tán lúa để thuốc có thể tiếp xúc được với rầy, rầy dễ chết hơn.

Đối với bệnh đạo ôn cổ bông nên phun ngừa trước và sau trổ 7 ngày, phun từ 1,5 - 2 bình máy 25 lít/1.000m2; tuyệt đối không bón phân, sử dụng phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng khi ruộng đang  bị bệnh. 

Đối với sâu cuốn lá nhỏ: nên thăm đồng thường xuyên nếu phát hiện sâu cuốn lá trên ruộng có mật độ trên 20 con/m2, tuổi sâu từ tuổi 1-2 (sâu non mới bắt đầu cuốn lá)  thì tiến hành phun trừ bằng một số loại thuốc đặc trị: Isocycloseram, Chlorfenapyr,…  

Đối với bệnh cháy bìa lá: khi lúa có triệu chứng bệnh phát triển thì ngưng ngay việc bón phân đạm và các loại phân qua lá, tiến hành tháo nước trên ruộng và phun thuốc có tính chất hình thành tính kháng bệnh cho cây lúa, khi trên ruộng lúa xuất hiện bệnh cháy bìa lá thành từng chòm thì phun thuốc đặc trị vi khuẩn, khi phun thuốc trừ bệnh phải phun lúc ruộng khô ráo để tránh lây lan bệnh trên diện rộng và phải luân phiên một số loại thuốc đặc trị vi khuẩn để phòng trị.

Đối với bệnh lem lép hạt: phun thuốc trừ vi khuẩn hai lần lúc lúa trổ lẹt xẹt và lúa trổ đều ( khoảng 5-7 ngày sau lần phun thứ nhất). Có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị vi khuẩn: oxolinic acid, bronopol, hoặc các loại thuốc gốc kháng sinh như: Streptomycin sulfate, Oxytetracycline hydrochloride, Gentamycine Oxytetracyline,… 

Chú ý: khi phun thuốc trừ sinh vật gây hại phải tuân thủ theo quy tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách), nên luân phiên một số loại thuốc có kiểu tác động khác nhau để nâng cao hiệu quả phòng trừ dịch hại và phải giữ đúng thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Trên đây là bản tin nông vụ của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Châu Thành. Đề nghị chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo cấp xã, thị trấn phân công chỉ đạo cán bộ nông nghiệp thăm đồng thường xuyên, hướng dẫn và giúp nông dân kịp thời quản lý tốt dịch hại nhằm đảm bảo giữ vững năng suất lúa cho vụ Hè Thu 2024.

 Khi có tình huống đột xuất xảy ra, đề nghị bà con nông dân liên hệ với Kỹ
thuật viên phụ trách ở UBND các xã, thị trấn hoặc Trạm Trồng trọt và Bảo vệ
thực vật huyện Châu Thành theo số điện thoại: 0296.6262679 để được hướng
dẫn cụ thể ./.

Trường Giang (Trạm TT và BVTV huyện)

 

Thông tin liên hệ :

- Nguyễn Thanh Sơn trưởng trạm SĐT: 0909050394

- Nguyễn Trường Giang Phó trưởng trạm SĐT: 0902343299

- Kỹ thuật viên các xã, thị trấn;