Nông dân chủ động phòng ngừa bệnh vàng lá chín sớm và bệnh lép vàng trên lúa

Theo ghi nhận tại vụ lúa hè thu cuối vụ, trên cây lúa xuất hiện hai đối tượng gây hại là Bệnh vàng lá chín sớm gây hại chủ yếu trên trà lúa từ trổ đến chín, diện tích nhiễm trong tuần là 90 ha, lũy kế từ đầu vụ đến nay là 442 ha cấp bệnh từ cấp 1- cấp 3 (nhiễm nhẹ). Và Bệnh lép vàng gây hại trên trà lúa trổ đến chín, diện tích nhiễm trong tuần là 612 ha, lũy kế từ đầu vụ đến nay là 1.566 ha, cấp bệnh từ cấp 1- cấp 3 (nhiễm nhẹ). 

Hiện nay trên trà lúa làm đòng đến trổ chín, bệnh vàng lá chín sớm và bệnh lép vàng xuất hiện gây hại trên diện rộng. Để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thiệt hại cho bà con nông dân. Chúng tôi có trao đổi cùng ông Nguyễn Trường Giang – Phó Trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành để hướng dẫn bà con nông dân cách quản lý dịch hại và phòng trừ.

Ông Nguyễn Trường Giang – Phó Trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết: đối với: 

Bệnh vàng lá chín sớm là bệnh gây hại phổ biến trên cây lúa, bệnh thường xuất hiện và gây hại ở giai đoạn lúa từ trổ cho đến khi thu hoạch. Bệnh thường gây hại nặng trên các ruộng lúa sạ dày, ruộng bón thừa phân đạm.

Bệnh vàng lá chin sớm

Tác nhân:  do nấm Gonatophragmium sp gây ra.

Triệu chứng: đầu tiên vết bệnh xuất hiện trên lá những đốm màu vàng nhạt nhỏ, có hình tròn hoặc hình bầu dục. Theo thời gian vết bệnh lan lớn ra nhanh chóng và kéo dài hướng về chóp lá tạo thành vệt sọc màu vàng cam và dần lan ra cả lá, có thể hình thành các vết cháy khô nếu bệnh tiến triển nặng.

Bệnh lép vàng

Bệnh lép vàng: Bệnh lép vàng hay bệnh thối hạt do tác nhân vi khuẩn Burkholderia glumae

Triệu chứng: vi khuẩn gây thối phôi nhũ của hoa lúa giai đoạn trổ gây triệu chứng lép hạt hoàn toàn, vỏ trấu bên ngoài màu vàng, với triệu chứng này nên bệnh được gọi là bệnh lép vàng. Vi khuẩn còn gây thối hạt sau khi hoa đã thụ phấn thành công (giai đoạn ngậm sữa và tượng bột) gây nên triệu chứng hạt lững và phôi nhũ bị thối nâu. Nếu bông lúa bị nhiễm nặng hầu hết các
hạt trên gié hoa lép và lững dẫn đến hiện tượng bông lúa nhẹ đâm thẳng lên trời, nên nông dân gọi là “ bệnh bắn máy bay”.

Để nông dân quản lý tốt hai đối tượng gây hại này. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành khuyến cáo đến nông dân một số biện pháp phòng trừ. 

Đối với bệnh vàng lá chín sớm: chăm sóc cho cây lúa khỏe, không bón thừa phân đạm. Thăm đồng thường xuyên nếu thấy vết bệnh xuất hiện có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất: Mancozeb, Mancozeb + Metalaxyl, Propiconazole, Azoxystrobin, Macozeb + Cymoxanil,.. để phòng trị.

Đối với bệnh lép vàng: 

Không sử dụng hạt giống từ ruộng mắc bệnh lép vàng. Nên sử dụng giống xác nhận.

Xử lý hạt giống bằng thuốc trừ vi khuẩn trước khi ngâm ủ hoặc sau khi ngâm ủ hạt.

Phun thuốc trừ vi khuẩn hai lần lúc lúa trổ lẹt xẹt và lúa trổ đều (khoảng 5-7 ngày sau lần phun thứ nhất). Sử dụng vi khuẩn đối kháng Bacillus spp. Pseudomonas, đặc biệt thực khuẩn thể (bacteriophage) được ghi nhận mang lại hiệu quả tốt trong phòng trừ bệnh hoặc có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị vi khuẩn: oxolinic acid, bronopol, hoặc các loại thuốc gốc kháng sinh như: Streptomycin sulfate, Oxytetracycline hydrochloride, Gentamycine Oxytetracyline,… 

Thời điểm cuối vụ nhất là ở giai đoạn trổ - chín bà con không nên chủ quan trước các đối tượng sinh vật gây hại. Bà con nông dân nên chú ý thăm đồng thương xuyên hơn, để phát hiện sớm sinh vật hại, chủ động áp dụng các biệp pháp phòng trừ để bảo vệ ăn chắc, giảm thất thoát khi thu hoạch./.

Trần Ngân