Nông dân chủ động phòng trị bệnh đạo ôn lá

Vụ lúa Thu Đông 2024, toàn huyện xuống giống trên 23.429 hecta lúa, hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt, lúa trà sớm đang làm đòng, trổ chín, trà muộn đẻ nhánh.

 

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành kiểm tra tình dịch hại trên trên địa bàn

Tuy nhiên, do thời gian vừa qua, thời tiết có mưa, độ ẩm không khí cao nên tại một số địa phương bệnh đạo ôn trên lá đã phát sinh, gây hại cục bộ trên một số giống lúa như: OM 34, Đài thơm 8...

Theo ghi nhận của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành hiện nay trên trà lúa từ đẻ nhánh đến làm đòng, bệnh đạo ôn lá xuất hiện gây hại trên diện rộng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng của cây lúa. 

Để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thiệt hại cho bà con nông dân. Chúng tôi có trao đổi cùng ông Nguyễn Trường Giang – Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành để hướng dẫn bà con nông dân cách quản lý và phòng trừ.

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết “ Qua công tác thăm đồng, hiện nay trên đồng ruộng xuất bệnh đạo ôn lá là đối tượng gây hại chính trên trà lúa hiện nay, bệnh xuất hiện và gây hại với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ bị nhiễm nặng gây cháy lá thành từng chòm”

Để nhận biết đặc điểm, triệu chứng, khả năng gây hại và biện pháp phòng bệnh đao ôn lá, ông Nguyễn Trường Giang đề nghị bà con nông dân cần lưu ý như sau:

Đặc điểm:

Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae Carava gây hại, loại nấm này có thể lây nhiễm bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào của cây lúa. Bào tử của loại nấm rất nhỏ, có thể phát tán và bay cao 24-25 m, thậm chí có thể bay xa đến 10.000 m lây lan cho các ruộng lân cận trong khu vực. Nấm phát triển tốt trong điều kiện mát từ 24-28oC, ẩm độ cao >80%, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao sẽ dễ phát sinh thành dịch. 

Vết bệnh ban đầu có hình chấm kim sau đó phát triển thành vết bệnh tiêu biểu trên lá có dạng hình thoi, những đốm to thì hai đầu nhọn, tâm có màu xám trắng. 

Trên giống nhiễm, các vết bệnh rất to thường liên kết với nhau tạo thành mảng cháy khô trên lá. 

 

 

Hình ảnh cây lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá

Triệu chứng gây hại: Bào tử nấm xâm nhập vào tế bào lá bằng cách mọc thành đĩa áp, chọc thủng vách tế bào lá lúa. Ngoài ra, bào tử còn tiết ra độc tố pyricularin làm cháy lá gây ức chế sự sinh trưởng của cây 

 

Hình ảnh cây lúa nhiễm nặng dẫn đến cháy lá
 

Biện pháp phòng trị:

Sử dụng các giống lúa chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, không dùng hạt giống ở những ruộng bị nhiễm bệnh. 

Sử dụng giống tốt (cấp giống xác nhận 1), sạ thưa với lượng giống khoảng 80-100 kg/ha.

Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, không nên bón thừa phân đạm.

Nên phun thuốc khi phát hiện 1 - 2 vết bệnh đạo ôn điển hình trên ruộng; phải giữ nước trên ruộng, không nên để ruộng khô; phun từ 1,5 - 2 bình máy 25 lít/1.000m2 bằng một số loại thuốc có hoạt chất: Fenoxanil, Tricyclazole, Isoprothiolane,…tuyệt đối không bón phân, sử dụng phân bón lá có chứa đạm và thuốc kích thích sinh trưởng khi ruộng đang bị bệnh.

Trước tình hình bệnh đạo ôn lá đã phát sinh gây hại tại một số địa phương, để phòng trừ bệnh đạt hiệu quả, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt đạt năng suất cao. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đề nghị Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ nông nghiệp phối hợp kỹ thuật viên trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông viên tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời diện tích lúa bị bệnh, hướng dẫn nông dân biện pháp kỹ thuật phòng trừ không để bệnh lây lan ra diện rộng; đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân thăm đồng thường xuyên và thực hiện phun thuốc phòng trị sâu bệnh hại lúa theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn./.

 

Trần Ngân.