Theo ghi nhận của Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Châu Thành. Hiện nay, các trà lúa Thu đông trên địa bàn huyện tập trung ở giai đoạn từ làm đòng đến trổ, qua công tác thăm đồng, Trạm nhận thấy, trên đồng ruộng đã xuất hiện đối tượng bọ xít dài gây hại cho lúa. Chúng hút chích dịch của cây lúa, đặc biệt là hút các chất dinh dưỡng (nội nhũ) có trong hạt lúa, làm cho hạt lúa bị lép hoàn toàn hoặc bị lững có khả năng làm giảm phẩm chất cũng như năng suất lúa.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết “thời gian gần đây, ở trà lúa Thu đông giai đoạn làm đồng đến trổ đã xuất hiện đối tượng bọ xít dài gây hại, chúng chích hút trên bông lúa, đặc biệt khi lúa ở giai đoạn trổ đến chín làm cho hạt lúa bị lép và thâm đen làm giảm phẩm chất gạo của bà con nông dân khi thu hoạch...”
Trước tình trạng, bọ xít dài tấn công trên nhiều cánh đồng lúa, nhất là trong đoạn ngậm sữa khoảng 15 ngày. Để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thiệt hại cho bà con nông dân, chúng tôi có trao đổi cùng ông Nguyễn Trường Giang – Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành để hướng dẫn bà con nông dân cách quản lý và phòng trừ dịch hại.
Ông Nguyễn Trường Giang – Phó Trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành lưu ý đến bà con nông dân những đặc điểm nhận biết và khả năng gây hại cũng như biện pháp phòng trừ bọ xít dài.
1. Đặc điểm sinh học của bọ xít dài:
Bọ xít dài có tên khoa học là Leptocorisa oratorius, chúng hoạt động và phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ấm áp, trời u ấm, có mưa xen kẽ. Khả năng hoạt động của nhóm côn trùng này tăng cao vào cuối mùa mưa. Bọ xít có hình thon dài, chúng còn được gọi là bọ xít dài vì thân, râu và chân đều rất dài. Bọ xít trưởng thành có màu xanh pha lẫn màu nâu.


Vòng đời của bọ xít dài khoảng 30–37 ngày, trong đó:
- Giai đoạn trứng: 6-7 ngày.
- Giai đoạn sâu non: 17-22 ngày.
- Giai đoạn trưởng thành: 7-8 ngày.
Bọ xít non mới nở sống tập trung quanh ổ trứng, nhưng chỉ sau 2–3 giờ là phân tán lên bông lúa để chích hút nhựa cây. Con trưởng thành hoạt động giao phối, đẻ vào ban ngày nhất là lúc sáng sớm và chiều mát, buổi trưa nằm im. Một con cái đẻ trung bình từ 250–300 trứng.
2. Khả năng gây hại:
Bọ xít dài xuất hiện và gây hại trên lúa chủ yếu giai đoạn lúa trổ lẹt xẹt, ngậm sữa đến chín sáp, gây thiệt hại nặng nhất là giai đoạn lúa ngậm sữa, Bọ xít non hay trưởng thành đều chích hút dịch của cây lúa, đặc biệt là hút các chất dinh dưỡng có trong hạt lúa, làm cho hạt lúa bị lép hoàn toàn hoặc bị lững, gié lúa bị bạc màu, thẳng đứng, hình dạng hạt nhăn nhúm, có màu lốm đốm. Ruộng lúa bị bọ xít hút chích có thể làm giảm năng suất đến 50%.


3. Biện pháp phòng trừ:
3.1 Biện pháp canh tác
Dự tính thời điểm gieo sạ sao cho giai đoạn lúa bắt đầu chín thì bọ xít hôi vẫn chưa phát triển mạnh
Xuống giống tập trung đồng loạt để tránh tình trạng bọ xít di chuyển từ đồng này sang đồng khác;
Vệ sinh đồng ruộng, diệt các loài cỏ dại, đặc biệt là loài cỏ ký chủ của chúng.
3.2 Biện pháp sinh học:
Trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch nhằm kiểm soát mật độ của bọ xít; Sử dụng biện pháp sinh học bằng cách phun những sản phấm có chứa nấm xanh, nấm trắng (Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana), đây là loại nấm ký sinh có khả năng gây chết bọ xít.
3.3 Biện pháp hóa học:
Khi mật độ bọ xít cao hơn 3 con/m2 có thể sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất: Alpha cypermethrin, Chlorpyrifos Methyl,Dimethoate,…để phòng trừ bọ xít. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo quy tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, nồng độ và đúng cách) và luôn luân phiên các loại thuốc có kiểu tác động khác nhau nhằm tăng tính hiệu quả trong việc phòng trừ bọ xít.
Chú ý: khi sử dụng thuốc để phòng trừ bọ xít, không được tăng liều so với khuyến cáo của nhà sản xuất, hạn chế sử dụng một số loại thuốc gây nóng lúa nhằm làm giảm khả năng gây lem lép hạt do tác hại của thuốc./.
Trần Ngân.