Vụ lúa Thu Đông 2024, nông dân huyện Châu Thành đã xuống giống gieo trồng được 23.429 héc-ta lúa. Đến nay, lúa Thu đông tại huyện đã được thu hoạch dứt điểm, với năng suất ước đạt 6 tấn/héc-ta, tương đương năng suất cùng kỳ năm trước. Theo ghi nhận của Ngành Nông nghiệp, vụ lúa Thu đông năm nay, mặc dù chịu nhiều ảnh của thời thiết, dịch hại nhưng nông dân vẫn sản xuất có lãi nhờ giá vật tư nông nghiệp bình ổn, giá lúa có phần nhỉnh hơn vụ Thu đông năm rồi từ 500 đồng đến 1000 đồng/ký, giá lúa hạt dài như: OM5451, OM18... dao động ở mức 8.400-8.500 đồng/kg. Đặc biệt, ở thời điểm cuối mùa vụ, giá OM18 tăng ở mức 9.200 đồng/ký, nông dân rất phấn khởi, đây là tính hiệu tốt để nông dân tập trung vào gieo sạ ở vụ Đông xuân 2024 - 2025.
Nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa Thu đông còn lại
Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Châu Thành, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã thu hoạch gần như dứt điểm các trà lúa Thu Đông đạt 94,66% diện tích, chỉ còn lại một ít diện tích nhỏ lẻ ở trà muộn như Vĩnh Thành, An Hoà, thị trấn Vĩnh Bình đang khẩn trương thu hoạch dứt điểm để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Riêng đối với các trà lúa Thu đông sớm, ngay sau khi thu hoạch, nông dân đã tích cực bắt tay vào cày ải, phơi đất, trục trạc, chuẩn bị ngâm giống để gieo sạ kịp tiến độ của lịch thời vụ theo khuyến cáo của Ngành Nông nghiệp.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời kỳ từ tháng 9 11/2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%. Từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, dự báo hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65-75%. Từ tháng 12/2024 đến tháng 02/2025, bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm 1,4 cơn) và có thể ảnh hưởng đến đất liền. Đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông. Mùa mưa ở Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng nửa cuối tháng 12/2024) vào tháng 01 đến tháng 02/2025 có thể xuất hiện mưa trái mùa.
Nông dân cày xới đất chuẩn bị mùa vụ mới
Có rất nhiều yếu tố quyết định thành công của mùa vụ, một trong những yếu tố đó chính là lịch thời vụ sản xuất. Khi nông dân gieo sạ theo lịch thời vụ, đúng khuyến cáo Ngành Nông nghiệp sẽ hạn chế ảnh hưởng của những điều kiện bất lợi
từ thời tiết, khí hậu.
Khung lịch thời vụ xuống giống vụ Đông Xuân năm 2024-2025 trong toàn huyện Châu Thành được khuyến cáo bắt đầu từ ngày 01/11 đến ngày 31/12/2024 (nhằm ngày 01 tháng 10 đến ngày 01 tháng 12 năm Giáp Thìn), trong đó, lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 02 đợt dự kiến như sau: Đợt 1: từ 18/11 – 30/11/2024 (nhằm ngày 18/10 âm lịch – 30/10 âm lịch). Đợt 2: từ 18/12 – 30/12/2024 (nhằm ngày 18/11 âm lịch – 30/11 âm lịch).
Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng xã, thị trấn mà có lịch xuống giống cụ thể nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của huyện. Lưu ý trên cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau.
Nông dân làm đât chuẩn bị xuống giống
Ngành Nông nghiệp huyện cũng vận động nông dân nên sử dụng các giống lúa chất lượng có giá trị xuất khẩu được thị trường ưa chuộng theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong những năm qua như: OM 9582, Đài Thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900, Nàng Hoa 9,.. thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng. Đây cũng là những giống lúa phù hợp trồng trong thời tiết vụ Đông Xuân, do đó, các địa phương có biện pháp chỉ đạo và khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ Đông Xuân năm 2024-2025.
Để chuẩn bị vụ tốt cho vụ Đông xuân 2024-2025, Ủy ban Nhân dân xã Hoà Bình Thạnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch xuống giống ở từng tiểu vùng. Ở vụ Đông xuân năm nay, toàn xã sẽ gieo sạ với diện tích 2.710 héc-ta. Nhằm đảm bảo cho người dân sản xuất thuận lợi, địa phương đã khuyến cáo đến bà con sớm vệ sinh đồng ruộng, ưu tiên chọn giống chất lượng cao, xuống giống đảm bảo đúng theo khung lịch thời vụ, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để quản lý tốt dịch hại đầu vụ, giúp nông dân giảm chi phí trong canh tác.
Nông dân chuẩn bị lúa cấy mùa vụ Đông xuân
Theo hướng dẫn của địa phương, sau khi thu hoạch lúa Thu đông xong, nông dân Nguyễn Văn Hải, ngụ ấp Hoà Thịnh, xã Hoà Bình Thạnh đã bắt tay ngay vào việc vệ sinh đồng ruộng, đắp đê, dọn sạch cỏ, bơm nước, cày xới mặt ruộng để đất được tơi xốp, xử lý thuốc để tránh ngộ độc hữu cơ khi gieo sạ.
Nông dân Nguyễn Văn Hải, ngụ ấp Hoà Thịnh, xã Hoà Bình Thạnh cho biết “Vụ vừa rồi, tôi làm OM 5451, cắt bán hơn nữa tháng rồi, thấy năng suất cũng đạt, giá bán ổn nên vụ này tôi tiếp tục sạ giống OM 5451. Thu hoạch xong là tôi phơi đất, cày xới lại liền để kịp lịch thời vụ, lúa sạ được hơn tuần thấy cũng êm, chưa có thất thoát gì ...”.
Theo Kế hoạch, ở vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, toàn huyện sẽ xuống giống với diện tích là 27.763 héc-ta. Tại thời điểm hiện tại, toàn huyện đã xuống giống được trên 2.204 héc-ta tại các xã Vĩnh Nhuận, Bình Hoà, Thị trấn An Châu, Vĩnh Lợi, Hoà Bình Thạnh, Cần Đăng...
Lúa hơn bảy ngày tuổi của nông dân xã Hoà Bình Thạnh
Để xuống giống lúa Đông Xuân 2024-2025 đảm bảo đúng tiến độ, huyện chỉ đạo các phòng, ban ngành chuyên môn có liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng Kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm 2024-2025, khuyến cáo nông dân tập trung xuống giống theo Kế hoạch khung lịch thời vụ chung của huyện, nhằm đảm bảo điều kiện khí hậu, thời tiết, né rầy, tránh hạn hán và xâm nhập mặn.
Các xã, thị trấn thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, tình hình dự báo sinh vật gây hại để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả; kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, cải tạo thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao, công tác chuẩn bị ứng phó với lũ trong mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn khi mùa khô đến.
Các Ngành chuyên môn, các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình sản xuất giảm phát thải, quy trình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp, sản xuất an toàn thực phẩm. Hướng dẫn nông dân phòn,g chống lũ trong mùa mưa, hạn hán trong mùa khô. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, áp dụng ứng tiến bộ kỹ thuật như chương trình IPM, IPHM, chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, ứng dụng công nghệ sinh thái tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển và tăng cường sức đề kháng để chống chịu sâu bệnh. Tập trung khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống. Đặc biệt là những vùng không sản xuất vụ Thu Đông còn nhiều lúa chét, cỏ dại...khuyến cáo nông dân nên gieo sạ lượng giống từ 80 - 100 kg/héc-ta; áp dụng các giải pháp giảm phân, giảm thuốc (3 giảm, 3 tăng), tưới nước tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất ngay từ khâu đầu vào.
Ngoài ra, bà con nông dân cũng cần chủ động phòng trừ một số dịch hại phát sinh trên trà lúa giai đoạn đầu gieo sạ như: sâu cuốn lá nhỏ, ngộ độc hữu cơ, rầy nâu, đạo ôn…trong đó, chú trọng áp dụng tốt giải pháp bón phân cân đối kết hợp tưới nước tiết kiệm, giúp cây lúa khỏe, hạn chế đổ ngã và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái, trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ...
Các địa phương tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; khuyến cáo nông dân tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe như: bổ sung vi lượng, phân bón có chứa Canxi, Silic…giúp cây lúa cứng cây tăng tính chống chịu tự nhiên. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn.
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện tuyên tuyền, phòng chống các loại dịch hại trên cây trồng cho nông dân
Đồng thời, để đảm bảo cho việc sản xuất của nông dân trong vụ Đông xuân 2024 -2025 được thuận lợi, huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phối hợp, trỗ trợ các xã, thị trấn củng cố đê bao, trạm bơm; đồng thời, theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, tổ chức kiểm tra chất lượng nguồn nước; có Kế hoạch điều tiết nước hợp lý, giúp nông dân trong huyện yên tâm sản xuất, giảm thấp nhất nguy cơ thiệt hại cho người dân trong vụ sản xuất.
Với sự chuẩn bị chu đáo của người nông dân cùng với sự quan tâm chỉ đạo của huyện, sự hỗ trợ tích cực của các Ngành chuyên môn cho nông dân, tin rằng vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 trên địa bàn huyện Châu Thành sẽ tiếp tục là một vụ lúa bội thu, thắng lợi về cả năng suất và giá bán, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch sản xuất nông nghiệp huyện đề ra.
Trần Ngân