Do thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là tình hình nắng nóng gay gắt trong thời gian qua đã có nhiều tác động tiêu cực đến sự sinh trưởng và phát triển của lúa trong vụ hè thu. Trong khi đó, thời điểm bước vào thu hoạch lúa lại chuyển sang mùa mưa. Do vậy, khi bước vào thu hoạch lúa, nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành không khỏi lo lắng về diễn biến của mưa nắng thất thường có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch và tiêu thụ lúa. Nhưng nhờ sự chủ động của nông dân và hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng, lúa hè thu năm nay được thu hoạch và tiêu thụ kịp thời, đảm bảo năng suất và giá bán.
Vụ hè thu năm 2024, trên địa bàn huyện Châu Thành xuống giống với diện tích 27.633,62 ha đạt 99,57 % so với kế hoạch, hiện trà lúa giai đoạn trổ 3.104,15 ha, chín 21.127,54 ha. Các giống lúa gieo trồng chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao và lúa thơm như giống OM 5451 chiếm 68,54%, OM 380 chiếm 12,37%, OM18 chiếm 7,56%, Đài Thơm 8 chiếm 4,67%, một số giống khác như: Nàng Hoa 9, IR50404, Nếp... dự kiến đến trung tuần tháng 7, nông dân toàn huyện sẽ bước vào gia đoạn thu hoạch rộ. Theo thống kê của Ngành nông nghiệp, ở trà lúa đầu, toàn huyện đã thu hoạch được 3.401,93 ha năng suất 6,0 tấn/ha thấp hơn 0,14 tấn/ha so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Trường Giang – Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết theo ghi nhận từ nông dân ở một số các xã, thị trấn giá lúa hiện tại nông dân đang bán với giá: Lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.400 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; lúa IR 50404 ở mức 7.000 - 7.100 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 6.900 - 7.100 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 dao động quanh mốc 7.600 - 7.700 đồng/kg; lúa OM 380 ở mức 6.800 - 7.000 đồng/kg.
Ghi nhận ở một số diện tích lúa Hè Thu thu hoạch sớm ở các xã như: Vĩnh Hanh, Vĩnh An, Vĩnh Nhuận, Bình Hoà, An Hoà, Vĩnh Lợi, Hoà Bình Thạnh, nông dân đang nhận cọc và bán lúa tươi cho thương lái với giá dao động từ 6.800 đồng/ký đến mốc 7.200 đồng/ký, đối với gống OM380, OM5451, giá vừa nhỉnh hơn từ 200 – 300 đồng so với tuần trước.
Ông Phan Quốc Toàn, canh tác 7 ha, giống OM380 tại tiểu vùng 1000 ha thuộc ấp Hoà Thạnh, xã Hoà Bình Thạnh, ông vừa bán cho thương lái với giá 6.800 đồng/ký, năng suất 6,2 tấn/ha. Ông Toàn chia sẻ “năm nay thời tiết thất thường, đầu vụ lúa của tôi bị rầy phấn trắng nhờ điều trị kịp thời nên ít ảnh hưởng đến năng suất, như lúa mới cắt bán đây được hơn 600 ký công nhà nước, năng suất được vậy tôi cũng mừng, năm nay bà con mình ai cũng bị sâu rầy nhiều quá, lúa kế bên thất hơn được 550 ký/công... lợi nhuận phá huề, lãi chút đỉnh, không bằng vụ hè thu trước”.
Nhờ có kinh nghiệm cộng với việc áp dụng tốt các biện pháp canh tác, ứng dụng 1 phải 5 giảm và chủ động phòng ngừa sâu bệnh ngay từ đầu vụ nên ruộng lúa của nông dân Cao Tấn Lực, ngụ ấp Hoà Lợi 3, xã Vĩnh Lợi hạn chế được dịch bệnh, trà lúa đẹp, chắc hạt, Anh vừa cân bán cho thương lái tại ruộng hơn 13 tấn lúa với giá bán 7.200 đồng/ký, trừ chi phí giống, phân, thuốc anh lãi trên 60 triệu đồng.
Thêm vào đó, nhờ việc nông dân áp dụng cơ giới hóa đưa máy móc vào thu hoạch, nên việc vận chuyển được dễ dàng hơn, giá thuê mướn máy gặt đập liên hợp cũng ổn định, có giá từ 250 ngàn đồng/công, bao gồm cắt suốt và vận chuyển. Riêng đối với những diện tích lúa đỗ, ngã thì có mức giá cao hơn từ 300 – 350 ngàn đồng/ công, tùy điều kiện từng nơi, từng vùng, giúp nông dân tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí cho sau thu hoạch. Tuy nhiên, đối với một số diện tích đất nhỏ, lẻ nằm trong vùng trũng, máy gặt đặp liên hợp không đến được, nông dân phải thuê nhân công cắt tay nên giá cao gấp đôi dao động từ 400 – 450 ngàn đồng/công. Tuy nhiên, so với vụ hè thu trước giá thuê mướn thấp hơn từ 100 – 200 ngàn đồng/công.
Nhìn chung, việc tiêu thụ lúa ở vụ hè thu năm nay cũng khá thuận lợi, lúa thu hoạch xong được nông dân bán ngay tại ruộng. Tuy nhiên, giá nhiều loại lúa đang có chiều tăng giảm thất thường. Do vậy, nhiều nông dân có lúa chưa thu hoạch đang lo lắng về giá cả đầu ra trong thời gian tới. Đa phần nông dân đều nhận tiền cọc và có thỏa thuận chốt giá bán cho thương lái trước thời điểm thu hoạch lúa từ 1-2 tuần lễ trở lên. Vì vậy, đến lúc thu hoạch, nếu giá lúa trên thị trường giảm mạnh, nông dân có thể không bán được mức giá đã thỏa thuận do thương lái đòi hạ giá, thậm chí có trường hợp bỏ luôn tiền cọc, không đến thu mua đúng ngày như thỏa thuận. Điều này đã xảy ra rất nhiều trong các vụ lúa trước.
Hiện toàn huyện còn trên 24.231 ha lúa đang trong giai đoạn trổ, chín. Dự kiến từ nay đến hết cuối tháng 7 nông dân sẽ bước vào thu hoạch rộ. Ngành nông nghiệp huyện Châu Thành khuyến cáo đến bà con nông dân trên địa bàn cần phải theo dõi tình hình dự báo thời tiết, bản tin nông vụ để chủ động chọn ngày thu hoạch gặp nắng tốt để tránh mưa dầm gây thất thoát khi thu hoạch. Đồng thời, bà con nên chủ động tăng cường cơ giới hóa vào đồng ruộng để tiết kiệm thời gian, nhân công, giảm chi phi sau thu hoạch. Riêng đối với các trà lúa còn trong giai đoạn trổ - chín, bà con cần chú ý thăm đồng thường xuyên, theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống các sinh vật hại lúa cuối vụ, để có một vụ mùa thắng lợi và tranh thủ cải tạo đất chuẩn bị cho mùa vụ Thu Đông tới./.
Trần Ngân