Lúa cỏ có tên gọi khác như lúa ma, lúa hoang, lúa dại,...Lúa cỏ không có các đặc điểm về năng suất, chất lượng như mong muốn, gây ảnh hưởng đến canh tác lúa thông qua việc cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng làm giảm sinh trưởng của cây lúa trồng; lẫn hạt lúa cỏ làm giảm chất lượng thóc, gạo (lẫn tạp). Lúa cỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, chín sớm, hạt rất dễ rụng nên có khả năng lây lan nhanh, khó phòng trừ và có thể gây thất thu năng suất, thậm chí mất trắng.
Theo ghi nhận tại ruộng lúa của một số nông dân trên địa bàn huyện. Vụ lúa Hè thu năm nay, lúa cỏ xuất hiện và phát triển khá nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất. Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Dũng – nông dân ấp Hòa Thành, xã Hòa Bình Thạnh cho biết vụ hè thu năm nay, ông Dũng canh tác 4ha giống đài thơm, lúa đang ở giai đoạn đồng trổ, lúa phát triển tốt, tuy nhiên cây lúa cỏ xuất hiện khá nhiều, vợ chồng ông phải thức sớm để cắt lúa cỏ khử lẫn, dù rất tốn công nhưng nếu để lúa cỏ như vậy đến khi thu hoạch thì lúa cỏ sẽ rụng nằm lẫn vào ruộng, đến mùa vụ sau anh chị không khử lẫn nỗi nữa, nếu lúa cỏ nhiều khi bán còn bị thương lái ép giá.
Cũng giống như trường hợp của ông Dũng, dù rằng ngay từ đầu vụ ông Võ Văn Phối, nông dân ấp Hoà Thạnh, canh tác trên 7ha lúa OM5451 đã vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất cách ly rất kỹ, nhưng lúa cỏ vẫn xuất hiện rất nhiều, ông Phối chia sẻ “ không biết sao mà mùa vụ năm nay lúa cỏ quá nhiều, đều đồng hết, cả cánh đồng của chúng tôi xung quan khu vực này, không nhiều thì ít, như ngay ruộng của tôi, tôi tốn cả 18 triệu đồng để mướn người khử lúa cỏ, chứ để mùa sau là nó trổ hết đầy đồng...”, ông Võ Văn Phối thở dài.
Ở giai đoạn cây con Lúa cỏ rất giống với lúa trồng, làm giảm năng suất lúa, chất lượng gạo do hạt lúa cỏ có vỏ trấu và hạt gạo thường khác màu so với lúa trồng, trong quá trình sinh trưởng lúa cỏ cạnh tranh trực tiếp với lúa trồng về không gian, ánh sáng, dinh dưỡng, nước và là môi trường, ký chủ phụ cho các loại sâu bệnh dịch hại cho lúa trồng. Do vậy, lúa cỏ gây khó khăn cho quá trình canh tác lúa, làm tăng chi phí sản xuất. Lúa cỏ tồn tại và xâm nhiễm vào ruộng lúa trồng qua quá trình vệ sinh đồng ruộng, làm đất không kỹ, theo dòng nước, máy gặt từ vùng bị nhiễm sang vùng không bị nhiễm. Ngoài ra còn nguyên nhân do quá trình canh tác lúa lâu đời, giống lúa trồng đã bị phân ly, thoái hóa và tính chất di truyền có xu hướng trở lại các đặc tính nguồn gốc của lúa hoang dại ban đầu hay còn gọi là hiện tượng “lại giống”.
Để phòng chống lúa cỏ, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Châu Thành hướng dẫn biện pháp quản lý lúa cỏ tổng hợp để các địa phương phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng phòng chống lúa cỏ, giảm thiệt hại cho người nông dân.
1. Đặc điểm, tác hại và sự lây lan của lúa cỏ:
a. Đặc điểm lúa cỏ
- Đặc điểm hình thái và sinh trưởng:
+ Giai đoạn 5 -10 ngày sau nảy mầm: cây sinh trưởng nhanh, thân mảnh và đứng, phiến lá nhỏ, có màu vàng hơn lúa trồng.
+ Giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng: thân mảnh, lóng vươn dài, lá thưa, phiến lá nhỏ, khóm lúa có màu vàng hơn lúa trồng.
+ Giai đoạn trổ bông: lúa cỏ trổ sớm hơn lúa trồng 5 - 7 ngày, thời gian trổ dài, trên bông có hạt đang phơi màu, hạt ngậm sữa, hạt chắc xanh nên không có sự đồng đều về màu sắc bông lúa như lúa trồng; hạt có râu dài hoặc không có râu; hạt có dạng thon dài hoặc bầu dục màu vàng - vàng sẫm, dạng hạt có mỏ tím.
- Một số đặc điểm sinh học, sinh thái: lúa cỏ có sự giao phấn (tỷ lệ nhỏ) với lúa trồng, việc tự để giống khiến lúa phân ly với tính trạng xấu trở nên phức tạp, khó nhận biết và khó quản lý hơn.
Thời gian sinh trưởng ngắn hơn, hạt lúa rất dễ rụng ngay cả khi có gió thoảng qua. Sau khi hạt rụng xuống nếu gặp điều kiện thuận lợi có thể nảy mầm ngay, nếu gặp điều kiện bất thuận (khô hạn, vùi sâu trong bùn, …) hạt có thể ngủ nghỉ nhưng vẫn có sức sống cao, duy trì sức nảy mầm trong vài năm. Do vậy, lúa cỏ tồn tại, tích tụ lâu trong đất và tăng dần số lượng qua các vụ.
b. Tác hại của lúa cỏ
Lúa cỏ có khả năng lây lan nhanh làm thất thu năng suất và khó phòng chống. Lúa cỏ sinh trưởng và phát triển rất mạnh, cạnh tranh trực tiếp về dinh dưỡng và ánh sáng với lúa trồng làm giảm năng suất của lúa. Lúa có có thể gây thất thu năng suất từ 15-20%, thậm chí mất trắng, đồng thời lây nhiễm càng trầm trọng cho những vụ sau.
c. Nguyên nhân lúa cỏ lây lan
- Hạt giống bị lẫn lúa cỏ.
- Thường xuyên sử dụng lúa thương phẩm làm giống lúa bị phân ly, thoái hóa và tính chất di truyền có xu hướng trở lại các đặc tính của nguồn gốc lúa hoang dại ban đầu (hiện tượng lại giống) và xuất hiện lúa cỏ với nhiều kiểu hình khác nhau.
- Người dân tự để giống lúa, nhất là sử dụng giống trong vùng đã nhiễm lúa cỏ để gieo cấy cho vụ sau làm gia tăng lúa cỏ trên đồng ruộng.
- Thời gian chuyển vụ ngắn nên nguồn hạt lúa cỏ lưu tồn trên đồng ruộng từ những vụ trước chưa được xử lý.
- Hạt lúa cỏ có thể di chuyển, phát tán theo nguồn nước, nhờ chim hoặc theo máy móc nông cụ (máy làm đất, máy gặt, …) từ ruộng này sang ruộng khác, nơi này sang nơi khác.
2. Biện pháp phòng chống lúa cỏ
a. Chọn giống lúa đảm bảo chất lượng
- Sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng (giống xác nhận)
- Không để giống lúa đối với ruộng đã bị nhiễm lúa cỏ từ vụ trước.
b. Biện pháp canh tác
- Chuyển đổi phương thức gieo cấy: những vùng có tập quán sạ lan nhiễm lúa cỏ cần chuyển sang cấy (cấy tay hoặc cấy bằng máy) để dễ dàng loại bỏ lúa cỏ ngay từ khi cây còn nhỏ.
- Luân canh cây trồng: những khu vực đã nhiễm lúa cỏ nhiều cần luân canh lúa với cây trồng cạn hoặc cây trồng nước nhưng khác họ để dễ dàng nhận biết, loại bỏ hầu hết lúa cỏ sau 1 - 2 vụ.
- Phòng chống lúa cỏ khi làm đất:
+ Khi thu hoạch lúa xong tiến hành bơm nước vào ruộng và giữ ẩm 2 – 3 tuần để nhử lúa cỏ nảy mầm. Khi cây lúa cỏ có 3 - 5 lá tiến hành lấy nước cày lật úp, làm đất nhuyễn để diệt lúa cỏ ngay khi còn non.
+ Ngăn chặn lây lan lúa cỏ theo máy móc: vệ sinh máy gặt, máy cày để hạt lúa cỏ không theo máy móc lây lan sang khu ruộng khác, từ vùng bị nhiễm lúa cỏ sang vùng không bị nhiễm lúa cỏ.
- Nhổ, khử lúa cỏ sau khi mọc:
+ Giai đoạn lúa đẻ nhánh – phân hóa đòng: Đối với lúa gieo sạ: đi theo từng lối hoặc băng, quan sát kỹ và nhổ bỏ những cây lúa có đặc điểm khác với giống lúa trồng về kiểu hình (màu sắc thân, màu sắc lá, chiều cao cây, góc lá, độ rộng phiến lá, …).
+ Giai đoạn lúa đòng – trổ: cắt các bông lúa cỏ khi mới trổ - ngậm sữa; riêng bông lúa cỏ chắc xanh - chín phải cắt cho vào túi tránh rơi vãi hạt và đem tiêu hủy. Tuyệt đối không được để bông lúa cỏ sắp chín, đã chín trên ruộng, bờ ruộng hoặc vứt xuống kênh mương dẫn nước.
c. Biện pháp sinh học
- Khi gặt xong có thể thả vịt vào ruộng để ăn các hạt lúa rụng trên ruộng trong đó có cả hạt lúa cỏ.
- Những ruộng nhiễm lúa cỏ nặng không cho thu hoạch, cần tiêu hủy toàn bộ ruộng (bằng cách cắt cho gia súc ăn hoặc cày vùi), chậm nhất trước khi những bông lúa cỏ trổ đầu tiên vào giai đoạn ngậm sữa. Khi cày vùi có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để nhanh phân hủy rơm rạ và cả hạt lúa cỏ.
d. Biện pháp hóa học
- Trước khi xuống giống tiến hành san phẳng mặt ruộng, giữ nước trên ruộng 3 – 5 cm và tiến hành phun thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất Butachlor và ngâm 1 – 2 ngày sau đó xả nước và tiến hành gieo sạ
- Sau khi gieo sạ 1 – 3 ngày tiến hành phun thuốc cỏ lại lần 2 bằng một số loại thuốc có chứa hoạt chất Pretilachlor
Chú ý: nên cho nước vào ruộng sớm từ 5 – 7 ngày sau sạ và phải giữ nước trên ruộng trong suốt giai đoạn mạ để hạn chế lúa cỏ nảy mầm. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.
Để hạn chế thấp nhất việc lây lan, gây hại của lúa cỏ ở vụ Thu đông và các vụ tiếp theo, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Châu Thành khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện lúa cỏ và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không để lúa cỏ phát triển gây hại, giúp nông dân bảo vệ năng suất, giảm chi phí canh tác./.
Trần Ngân.