Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, là một trong ba phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động, đã phát triển thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước nói chung và huyện Châu Thành nói riêng đã và đang thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và cải thiện đời sống nông dân.
![](/sites/default/files/inline-images/Picture1_219.jpg)
Với ý nghĩa đó, huyện Châu Thành luôn xác định lực lượng nông dân sản xuất - kinh giỏi các cấp trong huyện là chủ thể quan trọng góp phần đáng kể vào việc phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cũng chính từ đó, mục tiêu chính của huyện là tìm giải pháp hữu hiệu nhất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp bền vững trên cùng một diện tích đất, để nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới. Đây chính là động lực quan trọng để mọi người, mọi nhà cùng thi đua, năng động, sáng tạo trong sản xuất để làm giàu chính đáng cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương Châu Thành ngày càng giàu đẹp.
Xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm trong ba phong trào thi đua lớn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, hàng năm, Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở luôn chủ động thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch, công tác triển khai, phát động phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi thu hút đông đảo nông dân tham gia với hơn 100% lượt hội viên nông dân đăng ký thực hiện. Hội đồng xét chọn các cấp tiến hành họp xét công khai, dân chủ đúng tiêu chuẩn và quy trình hướng dẫn. Cùng với đó, Hội thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách và mô hình ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nông dân giỏi các cấp đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, khí hậu để phát triển kinh tế...
![](/sites/default/files/inline-images/Picture2_118.jpg)
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian qua, lực lượng nông dân giỏi 3 cấp của huyện Châu Thành đã hướng dẫn giúp đỡ nông dân về khoa học kỹ thuật, về việc làm để vươn lên thoát nghèo và phối hợp với UBMTTQ, Đoàn thể các cấp cất mới, tu sửa cầu nông thôn, xây dựng mới và sửa chữa nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; vận động tiền rải cát đá hàng trăm km đường giao thông nông thôn…Từ đó, góp phần chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới tại địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện Châu Thành có 09/11 xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang công nhận xã đạt chuẩn “xã nông thôn mới”, 04/11 xã đạt được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
![](/sites/default/files/inline-images/Picture3_142.jpg)
Cũng chính từ hiệu quả kinh tế các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại. Từ đó, phong trào nông dân thi đua SX-KD đã phát huy hiệu quả đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xây dựng đô thị văn minh và nông thôn mới tại địa phương, đoàn kết, tương trợ nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
Có thể nói với những đóng góp tích cực từ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã có tác động mạnh mẽ, rộng khắp đến mọi mặt đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế của các hộ nông dân trong toàn huyện, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nông dân, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Qua phong trào, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, vượt khó vươn lên của nông dân. Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã tác động mạnh mẽ tới việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, từng bước thực hiện phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng của tỉnh, huyện.
Minh Thiện