Ngày 6-12-2024, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Châu Thành phối hợp với UBND xã Tân Phú tổ chức lớp tập huấn sản xuất lúa hàng hóa thương phẩm theo quy trình “1 phải, 5 giảm” phục vụ Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao. Dự buổi tập huấn có ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Châu Thành; Chính quyền địa phương xã Tân Phú và bà con nông dân tham dự.
Tại lớp tập huấn, bà con nông dân được nghe giới thiệu hệ vi sinh vật đất trên ruộng; Giới thiệu hệ sinh thái đồng ruộng, thành phần thiên địch và sâu hại thường xuyên xuất hiện trong ruộng lúa; Khái niệm về IPM và các nguyên tắc của IPM; Ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đến thiên địch và sâu hại đến sức khỏe con người và môi trường; Vườn côn trùng và công nghệ sinh thái; Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp; Nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng; Kỹ thuật canh tác, phòng trị sâu rầy bằng phương pháp gieo sạ “né rầy” và trồng hoa trên bờ ruộng, nhằm thu hút thiên địch tới diệt rầy thay cho việc phun thuốc trừ sâu; Quy định, hợp đồng của Doanh nghiệp liên kết, hiệu quả của việc liên kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; Giảm khí thải nhà kính trong sản xuất; Quy trình cấp mã số vùng trồng.
Trong vụ Đông xuân năm 2024 – 2025, mô hình sản xuất lúa hàng hóa thương phẩm theo quy trình “1 Phải 5 Giảm” được thực hiện tại Tổ hợp tác sản xuất lúa giống ấp Tân Lợi, 3 hộ dân tham gia với diện tích 10 héc-ta. Canh tác chủ yếu là giống lúa Đài thơm 8.
Mô hình với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (giảm phân đạm, giảm lượng nước tưới, giảm phát thải CO2), giảm giá thành sản xuất lúa, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, Doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm; Góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất lúa đạt chất lượng, an toàn và giảm tác động đến môi trường, hướng đến một nền sản xuất xanh và bền vững.
Minh Tân