Cùng với địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, Hội Nông dân xã Vĩnh Thành đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân địa phương.
Vĩnh Thành là xã nông nghiệp với tổng diện tích tự nhiên là 2.609ha trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp là 1.956,6ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp xã Vĩnh Thành gồm 5 tiểu vùng đã được khép kín để đảm bảo sản xuất 03 vụ/năm. Diện tích sản xuất lúa hằng năm trên 5.777,8ha, hệ số vòng quay của đất là 2,8 lần, năng suất bình quân 6,5 tấn/ha/năm.
Là xã Nông thôn mới nâng cao có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển nông nghiệp, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp, thực hiện tốt các mô hình khuyến nông, tổ chức trồng thử nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi, tổng kết, đánh giá để tìm ra các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện khí hậu và trình độ canh tác, bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Đặc biệt qua việc thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân đã có tác động mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn về ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đã giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm. Đặc biệt là trong quá trình hội nhập, sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi chất lượng ngày càng tốt hơn, do đó sản xuất nông nghiệp cần ứng dụng nhiều hơn những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, thông qua phát động phong trào những nông dân đã mạnh dạn tiếp cận cái mới, cái tiến bộ để đầu tư vào sản xuất, Hội Nông dân xã cũng xác định đây là điểm đột phá để đưa nông nghiệp phát triển nên Hội luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào và triển khai sâu rộng trong cán bộ hội viên, hàng năm Hội Nông dân xã đều xây dựng kế hoạch dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật tới hội viên nông dân. Cụ thể, trong giai đoạn qua (2022 – 2024), Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Hội Nông dân tỉnh cũng như Hội Nông dân huyện Châu Thành, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Châu Thành tổ chức được 04 lớp đào tạo nghề với 120 học viên, cụ thể là: 02 lớp kỹ thuật phun thuốc và sửa chữa máy phun thuốc bảo vệ thực vật cho và 02 lớp kỹ thuật trồng và thiết kế vườn. Tổ chức 42 cuộc hội thảo với 974 lượt người dự về chuyên đề kỹ thuật canh tác lúa phòng chống dịch hại, sâu bệnh trong trồng trọt cũng như dịch bệnh trong chăn nuôi. Kết quả giải quyết việc làm thường xuyên được 82 lao động.
Chính việc tích cực triển khai, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và đào tạo, nâng cao tay nghề của người nông dân đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy mô hàng hóa tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp gắn với áp dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm hàng hóa, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Cụ thể, diện tích áp dụng 1 phải 5 giảm đạt 65% so với quy định Nông thôn mới, trong đó, mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu là 60,5ha (dưa hấu 28,5ha), cây ăn trái 45,8ha (quýt, cam, nhãn, xoài, ổi, sầu riêng,...), toàn xã hiện có 04 trại/04 hộ trồng nấm rơm và nấm bào ngư đang hoạt động với diện tích 540m2. Nhiều nông dân đã áp dụng phương pháp chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi bò theo qui mô lớn áp dụng công nghệ Biogas, trồng nấm rơm ứng dụng công nghệ cao… kết quả cho thấy trong quá trình sản xuất đã giúp nông dân hạ chi phí đầu vào, tăng năng suất và lợi nhuận nên việc chuyển giao ứng dụng công nghệ được nông dân đồng tình hưởng ứng và áp dụng thành công trong các ngành nghề như: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, … Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình tiên tiến như: Mô hình trồng lúa kết hợp trồng dưa hấu của ông Võ Ngọc Trạng ấp Trung Thành; mô hình trồng lúa kết hợp dịch vụ nông nghiệp của ông Võ Văn Vũ, ấp Trung Thành, ông Dương Thành Nghiệp, ấp Đông Bình Nhất; ông Võ Phước Hợp, Võ Phước Hội, ấp Đông Phú 1 với trồng nấm rơm trong nhà; mô hình trồng màu kết hợp trồng lúa của ông La Tráng Kiện, ấp Đông Bình Nhất; mô hình tưới nước tự động của ông Nguyễn Minh Bổn, ấp Tân Thành; mô hình trồng chuyển đổi từ lúa sang cây ăn trài hiệu quả của ông Mai Hồng Tám, ấp Đông Bình Trạch; ông Khưu Văn Lân, ấp Tân Thành với 4.0ha áp dụng chương trình 1 phải 5 giảm và các tiến bộ kỹ thuật để sản xuất lúa lợi nhuận hàng năm trên 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó việc cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng được Hội xác định là bước tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động và góp phần thay đổi nhận thức sản xuất của nông dân. Việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật, đưa cơ khí hóa vào sản xuất được nông dân hưởng ứng một cách tích cực hướng đến mục tiêu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn xã có 11 trạm bơm điện phục vụ chống úng sản xuất vụ 3 cho nông dân; có 29 máy gặt đập liên hợp, 33 máy cày, 16 máy xới tay. Từ đó, địa phương còn hình thành ngành nghề Lúa kết hợp Dịch vụ nông nghiệp. Năm 2024 đã có 95 nông dân giỏi ngành nghề chính là Dịch vụ nông nghiệp. Tính đến nay, diện tích được cơ giới hóa là 1.954,6 ha, chiếm tỷ lệ 99%. Ngoài ra, việc đưa máy bay phun xịt thuốc vào canh tác được nông dân áp dụng rộng rãi, tiến tới mô hình “đồng ruộng không dấu chân”.
Có thể nói, hiện nay, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, vấn đề giá thành và chất lượng sản phẩm cũng như là sự liên kết trong hợp tác sản xuất kinh doanh là những yếu tố cần thiết đòi hỏi nông dân phải nhanh chóng chuyển đổi.
Để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững và thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Thành tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ở năm 2024 và những năm tiếp theo Hội sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao quyết tâm đổi mới, ý chí làm giàu, sáng tạo và thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng phát triển sâu rộng cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển kinh tế; khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư phát triển sản xuất.
Đồng thời, đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy phong trào phát triển, hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học, công nghệ mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, phát triển một nền nông nghiệp bền vững./.
Trần Ngân