Di Tích Lịch Sử Văn Hóa

Tham quan sinh thái – tâm linh cồn Bình Thạnh
Tham quan cồn Bình Thành là cơ hội để trải nghiệm cảnh đẹp sông nước thơ mộng, hữu tình nhiều lưu luyến của vùng Tứ giác Long Xuyên.
Responsive image
Đường làng Bình Thạnh

Ở đây hệ thống sinh thái đất cồn, bãi bồi, cây xanh gió mát, còn lưu lại nét hoang sơ mà ít cồn còn giữ được. Cồn Bình Thạnh trước đây là ấp Bình Thạnh, xã Bình Hòa, năm 1993 được Chính phủ quyết định thành lập xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành. Nét đẹp tự nhiên của cồn đang được lãnh đạo địa phương rất quan tâm phát triển để phục vụ khách tham quan nhiều nơi đang tìm đến.

Cồn Bình Thạnh hay còn gọi là cồn Bà Hòa nằm giữa dòng sông Hậu mong mênh yên ả, yên bình với đồng quê bát ngát cây xanh, không xa thành thị nhưng vẫn giữ được nét đẹp trầm mặt với thời gian mà thiên nhiên đã tạo nên nó.

Cách huyện lỵ Châu Thành khoảng 9 km, theo quốc lộ 91 từ trung tâm huyện Châu Thành đến xã Bình Hòa1  rẽ phải về phía Sông Hậu có đò qua sông là đến xã Bình Thạnh. Ai yêu thích cảnh thiên nhiên sông nước bình dị thì có thể đi bằng đường bộ hoặc đường sông đều được. Đi tắc ráng hoặc ghe trên sông Hậu bao bọc quanh cồn bạn sẽ thấy dòng nước cuồn cuộn phù sa chảy để du khách có được cảm giác lâng lâng bồng bềnh trên sóng nước. Dưới ánh nắng hoàng hôn đàn chim, cò bay lượn về gợi nhớ quê hương da diết tình người.

Những luống rẫy thẳng tấp xanh mướt đẹp mắt, những vườn cam xoàn ngọt lịm trĩu quả như gọi mời khách tha phương. Nếu mỏi chân du khách có thể nghỉ ngơi trong những quán nhỏ ven đường với võng đưa kẻo kẹt buổi trưa hè nằm giữa vườn cây mát mẻ và thưởng thức những món cá, tôm, cua, ốc .... Khách tham quan khi về sẽ vương vấn mãi mùi bắp nướng ngọt thơm lừng tinh khiết, những trái ấu bùi bùi, măng tre xào giòn giòn, mùi bắp cải luộc đầy hương vị đặt trưng tự nhiên của vùng đất cồn sinh thái.

Responsive image
Luống rẫyBình Thạnh

Nếu đi bộ theo những con đường quanh co cây xanh bóng mát sẽ đưa khách tham quan đến hồ sấu2 . Ở đây nét hoang sơ du khách có thể lưu lại vài tấm ảnh đẹp. Thỉnh thoảng trên đường bạn sẽ có nhiều xúc cảm khi bắt gặp đám trẻ con nô đùa hồn nhiên, những phụ nữ chân chất, tưới rẫy cười tươi luôn vẫy tay chào bởi lòng mến khách, thiệt thà của người dân miền Tây sông nước.

Hiện nay, xã Bình Thạnh là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất huyện Châu Thành với trên một nghìn ha, cây màu được trồng quanh năm như: bắp cải; cải bẹ dúng, đậu bắp, hành, ớt, bầu bí, trái su, bắp và  nhiều loại rau màu khác, nên nông dân đã tận dụng tối đa diện tích để trồng vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa tăng thu nhập. Nhờ đất đai màu mỡ cùng với việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao3, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Responsive image
Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cồn Bình Thạnh còn gọi là cồn Bà Hòa đã trở thành tên gọi tâm linh của người dân Châu Thành. Qua lời kể của các bậc cao niên, trước đây cồn hoang vu có nhiều thú hoang, cá sấu ai gan lì lắm mới dám tá túc qua đêm. Có hai vợ chồng ở miệt Sóc Trăng vợ tên Hòa4 chồng tên Quản5 đến đây khai phá cách đây hơn 100 năm. Hai vợ chồng cần cù khai khẩn trồng rau, cây ăn quả, bắt cá để sinh sống. “Đất không phụ người” và rồi vùng đất cồn ngày càng màu mỡ nên dân ở các vùng lân cận cũng tìm đến ngày đông hơn cùng nhau khai hoang xây dựng. Nhớ ơn người đầu tiên khai phá nên người dân nơi đây đặt tên là cồn Bà Hòa .

Tên Bà Hòa cũng gắn liền với tấm lòng nhân hậu của hai vợ chồng bà đã giúp đỡ mọi người hốt thuốc chữa bệnh khi ốm đau và tiền bạc, vật chất khi gặp khó khăn, thiếu thốn ở vùng đất cồn này.  Lúc sống Bà Hòa hay giúp người nên khi chết người ta cũng nghĩ bà cũng sẽ phù hộ người sống trên mãnh đất này. Để tri ơn và cũng tâm linh mong bà phù hộ,  người dân đã lập Miếu thờ gọi là Miếu Bà Hòa6. Nhiều người hôm nay có cuộc sống an lạc, ổn định nên rĩ tai nhau nói nhỏ Bà Hòa rất linh.

Responsive image
Miếu Bà Hòa

Miếu Bà Hòa được thành lập theo quyết định số 110/QĐ-UBND ngày 19/09/2016 của UBND xã Bình Thạnh, ông Trần Văn Suồl được phân công làm Trưởng ban quản lý Miếu.

Du khách muốn dự lễ cúng, viếng Bà thì hằng năm cứ đến ngày 11-12/2 AL là Ban quản lý Miếu tổ chức lễ giỗ cho Bà.
Niềm vui của lãnh đạo và Nhân dân Bình Thành chính là hằng năm được vinh dự tiếp hàng nghìn lượt người đến cồn Bà Hòa. Khách đến rồi đi, ai xuống phà đều dõi mắt bâng khuâng, lưu luyến bởi phong cảnh hữu tình nét đẹp thiên nhiên miền đất cồn cây xanh gió mát .

Responsive image
Người dân Bình Thạnh chân tình, mến khách

Trong tương lai gần, Bình Thạnh cũng là một trong những điểm phát triển du lịch sinh thái của huyện Châu Thành. Ngay bây giờ bạn hãy đến Cồn Bình Thạnh một lần để trải nghiệm cảm giác bồng bềnh, thơ mộng, nét đẹp thiên nhiên vui tươi, an lạc tâm hồn miền đất cồn sông nước yên bình trên quê hương Châu Thành, An Giang.

Trần Thị Bé Năm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy


 1. Bến đò Nhà Thí, cách UBND xã Bình Hòa khoảng 200m
 2. Xa xưa vùng đất này có nhiều cá sấu
 3. Có 32ha rau an toàn, 6 nhà lưới với 5.400m2.
 4. Bà Nguyễn Thị Hòa
 5. Ông Nguyễn Hữu Quản
 6. Tọa lạc ấp Thạnh Phú