Di Tích Lịch Sử Văn Hóa

Tân An tự - Di tích lịch sử cách mạng (chùa Đạo Cậy)
Chùa Tân An thuộc ấp Phú An xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cách TP. Long Xuyên 25km.
Responsive image
 

Từ TP. Long Xuyên theo QL.91 hướng Châu Đốc đến Bình Hòa rẽ trái đến UBND xã Bình Hòa 19km. Từ UBND xã theo đường làng cặp bờ sông khoảng 6km là đến di tích. Trước kia chùa được gọi là Nam An tự lấy tên ông Hồ Nam Lầu đặt cho chùa. Năm 1914, ông Hồ Nam Lầu phát huệ dựng chùa bằng tre lá đơn sơ, làm nơi tu hành và hốt thuốc. Do trị bệnh hiệu nghiệm, ông được người dân tin cậy nên gọi là ông Đạo Cậy  hay chùa Đạo Cậy. Nơi đây có thể là đồn lũy của cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa.

Năm 1987, nhân dân địa phương đóng góp tiền của xây dựng lại chùa trên phần đất thổ cư 3.279m2 . Chùa gồm hai phần: Chính điện và hậu tổ, mái lợp ngói Phú Hữu, tường xây gạch, cột bê tông, nền gạch bông. Gian chính điện bày trí nhiều tượng, trong đó bệ thờ chính kiểu tam cấp thờ Phật Di đà, Phật Thích Ca, Thích Ca đảng sinh, Thất Phật Dược Sư….

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ chùa Tân An trở thành địa điểm bí mật nuôi chứa cán bộ cách mạng của huyện. Bằng hình thức họp pháp ông Hồ Nam Lầu đã dựng chùa để nuôi chứa, quyên góp tiền bạc, lương thực, thuốc men…cho cán bộ cách mạng. Tại đây ông đã tổ chức tuyên truyền, vận động đông đảo bà con và người thân trong gia đình tiếp tế quân lương, tài liệu bí mật của tổ chức cho các căn cứ cách mạng.
Để đảm bảo an toàn cho các đồng chí lãnh đạo huyện, tỉnh an tâm hoạt động, trên nóc cổ lầu và phía sau ngôi thờ chính, ông làm vách hai ngăn, các tượng thờ được đúc xi măng liền vách để cất giấu tài liệu, truyền đơn, vũ khí…Bên hông chùa có khu mộ đá, là điểm hẹn bí mật để giao, nhận tài liệu giữa các cơ sở cách mạng. Phía sau chùa, tiếp giáp với đồng lúa và ao nuôi cá, trong ao trồng thêm sen, bông súng…tạo nguồn lương thực cho cán bộ trú ẩn.

Khi phong trào cách mạng lên cao đến năm 1958 ông Nam Lầu trực tiếp đào hai hầm bí mật bên dãy Đông lang của chùa, hàng ngày có đến 10 cán bộ trú đóng, hội họp. Tại đây lực lượng vũ trang của huyện và tỉnh đã hoạch ra nhiều kế hoạch đấu tranh trực tiếp với địch, phát động kế hoạch “trừ gian diệt tề”, phá đồn, đốt cầu, tổ chức đánh thắng cầu đồn Mặc Cần Dưng bắn chết tên đại úy quận trưởng Châu Thành, diệt trung đội bảo an tại vàm kinh nhà Lầu.

Phát hiện chùa là cơ sở hoạt động cách mạng nguy hiểm, bọn lính thường xuyên  khám xét gây nhiều khó khăn cho cán bộ.    
Chùa Tân An được UBND tỉnh An Giang xếp hạng di tích lịch sử cách mạng theo Quyết định số 2419/QĐ-CT.UB ngày 26/11/2003.